Bệnh dại ở chó

Bệnh dại ở chó là một căn bệnh truyền nhiễm vô cùng nguy hiểm. Chó dại thường tấn công và trực tiếp truyền lại virus gây bệnh cho người và các đối tượng khác. Đáng sợ nhất là gây ra tử vong cho nạn nhân. Hàng năm bệnh dại gây ra cái chết cho hơn 50.000 người và hàng triệu các loài động vật khác. Một căn bệnh gây ám ảnh cho nhân loại.

Chó dại có thể tấn công con người và các vật nuôi khác
Chó dại có thể tấn công con người và các vật nuôi khác

Những biểu hiện chó bị dại và phân loại bệnh dại

Khi bị nhiễm virus dại, các chú chó biểu hiện ở hai dạng là thể dại cuồng và thể dại câm. Tuy nhiên trên thực tế thì khi mắc bệnh, cún thường có triệu chứng của bệnh dại ở cả hai thể. Các dấu hiệu đan xen lẫn nhau. Giai đoạn đầu có dấu hiệu của kích động, dại điên. Giai đoạn sau chuyển sang dại câm, bị ức chế và bại liệt.

Thể dại cuồng

Được biểu hiện ra bên ngoài với các triệu chứng hung hãn, dữ dội, tấn công con người. Trong tổng số các ca bệnh dại thì thể điên này chỉ chiếm ¼. Thể dại cuồng được chia làm 3 thời kỳ:

Triệu chứng của thời kỳ ủ bệnh

Ở thời kỳ này, cún chưa xuất hiện các dấu hiệu bị bệnh rõ ràng. Rất khó để xác định được chính xác cún có bị mắc bệnh này hay không. Sau đó các thói quen dần dần thay đổi. Tâm trạng thay đổi thất thường. Có lúc cún rất vui vẻ, nô đùa, quấn quýt với chủ, có lúc lại buồn rầu, bứt rứt, khó chịu.

Các em ăn nhiều hơn bình thường, đôi khi bị sốt. Thỉnh thoảng lại trốn vào các góc tối và kín. Đôi lúc sủa vu vơ không có mục đích, lúc lại tru lên từng hồi, cũng có thể nhảy lên đớp không khí. Giai đoạn này có thể kéo dài tùy thuộc, không nhất định. Một số trường hợp chỉ kéo dài vài giờ đồng hồ, một số khác lại kéo dài từ 1 đến 2 ngày.

Các dấu hiệu này không được rõ ràng nên có thể bị nhầm với căn bệnh khác. Tuy nhiên chắc chắn lúc này virus dại đã xuất hiện.

Thời kỳ phát bệnh điên

Các chú chó lúc này có các hành động vô cùng kích động. Hay nhảy lên bắt đớp những con ruồi tưởng tượng. Luôn cử động không ngừng nghỉ và cố xua đuổi một đối tượng không hiện hữu. Cún sẽ hành động như vậy khá thường xuyên. Lúc này người nuôi cũng có thể phần nào nhận ra được bệnh.

Cún hầu như không thể nuốt được thức ăn, biểu hiện như đang bị hóc xương. Tiếng kêu khàn khàn như không thoát ra được khỏi cổ họng. Tiếng sủa không liên tục, ngắt quãng từng nhát. Sủa thành một tràng thật dài và kết thúc bằng cách hú lên những tiếng tru ghê rợn.

Các chú chó trở nên rất mạnh bạo và hung tợn
Các chú chó trở nên rất mạnh bạo và hung tợn

Đôi mắt đỏ ngầu. Bọt mép sùi lên dữ dội và chảy rớt ra ngoài. Lúc này chúng rất dễ bị kích động. Chỉ cần một chút kích thích nhẹ cũng có thể khiến các chú chó nổi điên lên và cắn xé lung tung. Chúng có thể cắn người, cắn các con vật khác hoặc tự cắn chính mình.

Các vết cắn thường vô cùng mạnh và sâu, các virus dại thường xâm nhập qua con đường này. Còn trước khi tự cắn mình, chúng sẽ tự cắn và cào các vết thương trước đó dẫn đến chảy máu nhiều. Lúc này chúng sẽ chạy rông khắp nơi, rúc vào các chỗ tối, các bụi rậm, bụi cỏ. Đây được coi là thời kỳ nguy hiểm nhất vì chó dại rất hung ác và dữ tợn, chúng có thể tấn công mạnh bạo. Phạm vi hoạt động có thể lên đến 50km. Là một mối nguy cơ truyền bệnh vô cùng nguy hiểm cho người và các loài động vật khác.

Có một số các biểu hiện bấn loạn và không thể kiểm soát như cắn sủa người, la hét, kêu gào dữ dội, quá vồ vập, sủa mạnh bạo,… Chó tự cắn, liếm, cào các vết thương trên cơ thể cho đến khi rụng lông. Cũng có thể chết vì kiệt sức, bại liệt với các vết thương rớm máu do chính mình gây ra.

Nuốt thức ăn khó, chó bỏ ăn. Biểu hiện vô cùng khát nước nhưng lại không thể uống vì không uống được. Có thái độ bồn chồn, bứt rứt, dễ giật mình, đi lại lung tung không có mục đích. Sau 2 đến 3 ngày phát bệnh lại trở nên điên cuồng. Lúc này thường bỏ nhà đi và không quay về. Trên đường đi thường tấn công tất cả mọi thứ gặp phải, cắn xé điên cuồng.

Thời kỳ bại liệt

Đến giai đoạn này thì chó bị dại bỏ ăn hoàn toàn vì không thể nuốt được thức ăn hay nước uống. Chó thè lưỡi ra ngoài do hàm răng dưới đã bị liệt nên hàm bị trễ xuống. Nước dãi chảy ra ngoài không ngừng. Các chân sau ngày càng bị liệt rõ rệt.

Khoảng sau 3 ngày đến 1 tuần từ khi dấu hiệu mắc bệnh đầu tiên xuất hiện, chó sẽ chết. Nguyên nhân là vì không ăn uống được gì, sức khỏe xuống dốc nghiêm trọng và cơ hô hấp bị liệt.

Hoàn toàn trái ngược với thời kỳ thứ hai, chúng không còn vẻ điên cuồng và dữ tợn nữa. Lúc này các chú chó bị kiệt sức, cơ thể hao gầy, đôi mắt trũng xuống, phờ phạc, tiếng kêu thất thanh. Đi lại không vững vàng, liêu xiêu, xiên xẹo. Thêm vào đó còn bị bí tiểu và táo bón. Cuối cùng ngã vật xuống rồi chết.

Thể dại câm

Khác hẳn với thể dại cuồng nêu trên, thể dại câm không có các cơn dại kinh khủng như vậy. Không có các dấu hiệu rõ ràng nào cả. Thời kỳ ủ bệnh ngắn hoặc có thể không có.

Cún có vẻ ngoài buồn rầu, ảo não, ủ rũ, mệt mỏi hơn bình thường. Thể dại này không có dấu hiệu bị bại liệt ở một bộ phận nhất định trên cơ thể. Các em cún có thể bị liệt cả người hoặc nửa người. Cũng có thể bị liệt một phần cơ thể như liệt hai chân sau hoặc liệt cơ hàm.

Miệng không khép lại được, lưỡi thè ra ngoài do hàm cũng bị trễ xuống. Cún cũng bị sùi bọt mép, nước dãi chảy rơi rớt ra ngoài. Lúc này cún không cắn, tuy nhiên có sủa. Nhưng sủa cũng chỉ thều thào trong cổ họng, gầm gừ nho nhỏ. Các biểu hiện của thể dại này trái ngược hoàn toàn so với thể dại cuồng đã đề cập bên trên.

Thể dại câm phát tác và tiến triển rất nhanh. Sau khoảng 2 đến 3 ngày sẽ tước đi tính mạng của thú cưng. Thể dại này không có các triệu chứng nguy hiểm. Mặc dù vậy chúng cũng sẽ cắn người tiếp xúc với chúng. Lúc này người nuôi thường không nhận ra được đây là bệnh dại để ngăn ngừa kịp thời.

Chó bị bệnh dại rất nguy hiểm, người nuôi cần phải chú ý
Chó bị bệnh dại rất nguy hiểm, người nuôi cần phải chú ý

Thể ruột

Bên cạnh hai thể thường gặp trên thì chó dại còn có một thể hiếm gặp nhất là thể ruột. Dấu hiệu chính lúc này là đau bụng và nôn mửa. Các triệu chứng khá giống với bệnh đau dạ dày. Không xuất hiện các biểu hiện của hai thể kia, sau khi phát bệnh 2 đến 3 ngày thì chết.

Cách phòng tránh bệnh dại ở chó

Ông bà ta đã có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Phòng bệnh là cách duy nhất có thể đảm bảo được các tình huống xấu không xảy ra. Cách phòng chó dại tốt nhất là cho cún đi tiêm phòng dại. Kể cả đối với chó cảnh.

Khi các em cún được 4 tuần tuổi, hãy đưa cún đến hoặc bệnh viện thú y gần nhất để tiêm phòng. Mỗi năm lặp lại mũi tiêm một lần.

Cách phòng bệnh tốt nhất là cho cún đi tiêm vaccine
Cách phòng bệnh tốt nhất là cho cún đi tiêm vaccine

Vệ sinh nơi ở, vui chơi, chuồng trại, sân vườn thường xuyên. Một không gian sống sạch sẽ sẽ không tạo điều kiện cho các vi khuẩn và virus phát triển. Thêm vào đó là phải tắm rửa thường xuyên cho cún.

Khi cún ra ngoài nên có người đi cùng. Như vậy sẽ đảm bảo an toàn hơn vì sẽ kiểm soát được các trường hợp xô xát, xung đột với những chú chó bị dại.

Những vật nuôi bị dại cần được xử lý triệt để bằng cách biện pháp hóa học. Như vậy mới đảm bảo các virus không lây lan và truyền nhiễm cho đối tượng khác. Nơi những con vật này từng sinh hoạt và tiếp xúc cũng cần được vệ sinh thật kỹ lưỡng.

Lên danh sách các thú cưng trong khu vực sinh sống. Khi đó bạn sẽ biết được thú cưng nhà ai và như nào. Cần cẩn thận với các thú hoang vì chúng có thể mang đến các mầm mống gây bệnh. Có thể liên lạc với các trạm cứu hộ để được hỗ trợ với các trường hợp thú hoang.

Khi gia đình có chó bị dại, người nuôi cần đảm bảo việc xích nhốt cẩn thận. Như vậy để đảm bảo triệt để trường hợp chó đi tấn công người khác. Không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người khác.

Tuyên truyền để nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó. Tuyệt đối không nên dùng chó mắc bệnh dại làm thức ăn cho người hay bất kì loại động vật nào khác. Không bán những con chó ở vùng bị dịch sang vùng không bị dịch. Phải có ý thức ngăn chặn bệnh lan truyền.

Cách xử lý khi bị chó dại cắn

Hiện nay nước ta đã có vaccine phòng bệnh dại. Mặc dù vậy cũng có nhiều trường hợp tử vong do không biết cách phòng ngừa và chữa trị sau khi bị chó cắn.

Thời gian ủ bệnh sau khi bị chó dại cắn phụ thuộc vào vị trí của vết cắn. Nếu vết cắn càng gần hệ thần kinh trung ương thì bệnh sẽ phát tác càng nhanh. Trung bình từ 30 ngày cho đến 90 ngày. Có một số trường hợp đặc biệt, nhanh thì khoảng 20 ngày, lâu thì cũng có thể đến 1 năm sau mới phát bệnh. Thời gian phát tác càng ngắn nếu bị cắn ở mặt, đầu hoặc đối tượng bị cắn là trẻ nhỏ.

Khi bị cắn, việc đầu tiên cần phải làm là phải rửa sạch vết cắn. Hãy đảm bảo là vết thương cần được rửa sạch kĩ càng. Loại bỏ hết các dị vật và các mô bị thương ra khỏi vết thương. Sát trùng với dung dịch cồn 70%. Bôi các chất sát khuẩn để giảm thiểu tối đa lượng virus tại nơi thâm nhập. Chỗ vết thương không nên khâu hoặc băng quá kín.

Cần chú ý xử lý vết thương khi bị chó dại cắn
Cần chú ý xử lý vết thương khi bị chó dại cắn

Để phòng ngừa không bị nhiễm trùng vết cắn thì hãy dùng kháng sinh. Dùng huyết thanh kháng độc tố (SAT) và Tetavax để phòng bệnh uốn ván.

Cách xử lý tại chỗ: Rửa vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối đặc. Mở vòi nước dội thật sạch. Cố gắng không làm vết thương bị dập nát thêm. Nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng dại nhanh nhất.

Bình thường, muốn phòng bị dại thì phải tiêm 5 mũi. Chi phí tiêm cũng không quá cao, khoảng từ 180.000-200.000 đồng/mũi. Chú ý nên tiêm nhắc lại theo như chỉ định của bác sĩ. Bạn cần tiêm phòng nếu như:

  • Con chó cắn bạn lên cơn hoặc có các biểu hiện của bệnh dại.
  • Bạn bị cắn vào các vùng như cổ, mặt hoặc đầu. Vết cắn gần với hệ thần kinh trung ương hay ở bộ phận sinh dục.
  • Bị cắn quá sâu hoặc bị cắn nhiều.
  • Không thể theo dõi được con chó đã cắn bạn.
  • Xung quanh khu vực bị cắn có động vật bị bệnh dại.

Trên đây, Chomeocanh.com đã cập nhật những thông tin về dấu hiệu của chó dại cũng như cách ngăn ngừa căn bệnh nguy hiểm này. Nếu các bạn có câu hỏi hãy vào website Chomeocanh.com hoặc liên hệ hotline để nhận được giải đáp nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *