Chim Bồ Câu

Cửa hàng mua bán chim Bồ Câu non giá rẻ ở đâu?

  • 127 đường số 9, Khu dân cư Trung Sơn, Bình Hưng, Quận 7, TP.HCM.
  • 95, đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.

☎️ Điện thoại: 0965 086 079

Đặc tính của chim bồ câu

Khi nuôi một giống chim, một giống thú nào ta cũng cần phải biết rõ đến cá tính đặc trưng của chúng, cùng những điều liên quan đến đời sống của chúng như: cách ăn nết ở, sinh sản ra sao, thích nghi được môi trường sống nào v.v... Càng tìm hiểu cặn kẽ, càng hiểu biết sâu rộng về những việc liên quan đến con vật đó ta càng dễ đạt được điều thành công trong việc thuần dưỡng chúng.

Nuôi một con chim, con thú với mục đích chỉ giúp cho chúng sống không thôi, điều này không khó, ai ai cũng có thể làm được. Còn muốn thuần dưỡng chúng trở thành loại gia súc, gia cầm, thích nghi được với môi trường sống mà ta đặt để cho chúng thì quả là cả một công trình, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và nhiều tốn kém.

Giống Bồ câu mà chúng ta đang nuôi là chim đã được thuần hóa nhiều đời nay rồi, vì vậy việc nuôi dưỡng chúng không còn là chuyện quá khó khăn đối với chúng ta nữa. Tuy vậy, nếu biết rõ cá tính của chúng ra sao để nuôi dưỡng hợp lý thì vẫn tốt hơn:

Sống có cặp:

Trong đời sống hoang dã, Bồ câu rừng tuy sống thành bầy đàn nhưng chúng cũng bắt cặp để sống với nhau thành từng đôi một. Đôi chim lúc nào cũng sống kề cận bên nhau khi bay cũng như khi đậu. Tới mùa sinh sản, cũng đôi chim đó tự tìm những hốc cây để làm tổ riêng và tự nuôi nấng ổ con.

Khi được thuần hóa thành chim nhà rồi, nếu chúng ta không ghép cặp cho chúng thì cũng tự chúng tìm bạn đời mà ghép cặp với nhau.

Cũng như Yến Phụng, Bồ câu thích sống thành bầy đàn. Đàn càng đông chúng càng tỏ ra nhộn nhịp, vui vẻ. Ít lắm mỗi lồng cũng nên nuôi một cặp để chúng có bạn mà rỉa lông rỉa cánh và mớm mồi cho nhau. Nếu nuôi lẻ một con thì chim tỏ ra buồn bã và biếng lười trong việc sinh hoạt, cả ngày nó chỉ biết ăn mồi nằm mà thôi.

Tính hiền lành:

Bồ câu rất hiền, dù sống chung đụng vài ba trăm cặp trong một chuồng lớn chúng cùng thuận thảo với nhau. Chúng chỉ cắn mổ nhau trong những trường hợp như: có chim lạ lại tranh giành ổ, hay hai con trống tranh nhau phủ mái... Cuộc đọ sức của chúng tuy quyết liệt, nhưng cũng chỉ cắn mổ nhau trong chốc lát mà thôi. Khi có một con đầu hàng tìm đường chạy trốn, thì con kia tha ngay không hề rượt đuổi.

Hơi khó tính:

Một cặp chim cảnh chung sống với nhau lâu ngày, nếu vì một lý do nào đó ta bắt ra một con, rồi thay vào một con khác thì chim cũ sẽ gây sự với chim mới. Sự bất hòa này xảy ra trong đôi ba ngày rồi thôi. Nếu thấy chúng cắn nhau, quí vị cứ để mặc chúng, không chết chóc gì đâu mà ngại.

Chúng tôi đã gặp một trường hợp sau đây: đi mua một cặp chim đẻ tại một trại chăn nuôi nọ, và biết ổ của nó đặt ở tầng kệ trên cùng (cách nền chuồng gần hai thước). Sợ đôi chim bị sốc nên tôi cẩn thận xin họ luôn cái ổ mang về chuồng tập thể của mình, về nhà, tôi đặt cái ổ đó xuống tầng kệ thấp nhất của mình (cách nền chuồng, độ bốn tấc), cặp chim đó vẫn vào ổ cũ của nó nhưng cả tháng vẫn không chịu đẻ tiếp!

Như quí vị đã biết: Bồ câu đang đẻ hoặc đang ấp, mà lấy trứng ra thì độ mười hai ngày sau chúng sẽ đẻ lại. Thế mà cặp chim này cả tháng vẫn không chịu đẻ tiếp. Tôi liền đem cái ổ đó đặt lên tầng kệ trên cùng thì cặp chim đó chịu vào đẻ trứng ngay ngày hôm sau...

Từ đó chúng tôi mới biết Bồ câu cũng khó tính chứ không dễ tính như trước đó mình đã lầm tưởng.

Thích chuồng đẹp:

Nếu nuôi thả thì quí vị nên đóng chuồng cho đẹp, nghĩa là sơn nhiều màu sặc sỡ Bồ câu mới thích. Nếu dự định nuôi mười cặp Bồ câu thả thì xin nhớ phải có chuồng trên mười ngăn. Khi có chuồng đẹp thì Bồ câu nhà sẽ quyến dụ Bồ câu những chuồng xấu khác về ở chung. Ngược lại, nếu chuồng người ta đẹp hơn thì Bồ câu nhà sẽ lần hồi đi mất. Người xưa không biết cá tính này của Bồ câu nên mới có câu “muốn lụn bại nuôi Bồ câu”! Tính Bồ câu thích bay, bay rất giỏi, vừa cao vừa xa, nhưng đi bộ lại lạch bạch như vịt, rất dở.

Chuồng mà chật hẹp, dơ bẩn quá, Bồ câu cũng bỏ chuồng mà đi...

Thích sống yên tĩnh:

Bồ câu thích sống yên tĩnh. Chuồng trại mà bị chó mèo hay chuột bọ thường xuyên đến quấy phá chim dễ bị sốc. Nếu nuôi chuồng mà tổ của nó bị nhiều người đến săm soi rờ mó hoài, dù đang mê ổ chúng cũng tỏ ra biếng nhác ấp, cứ nằm chưa nóng chỗ lại vội bước ra... cho đến một lúc nào đó cảm thấy yên tĩnh mới vào ấp trở lại. Còn nếu nuôi thả mà bị mèo đến rình mò, hoặc đêm hôm có người đên bắt trộm, chim sẽ rời ổ ngủ ngoài trời, dù là kéo nhau đứng trên nóc chuồng hoặc ở nóc nhà kề cận. Nếu sự bất ổn đó kéo dài thì bầy chim sẽ bỏ chuồng để tìm đến nơi ở mới.

Thích ăn thức ăn hột:

Bồ câu rừng cũng như Bồ câu nhà đều thích ăn thức ăn hột như bắp, lúa, các loại đậu (tốt nhất là cho ăn đậu xanh). Cám thực phẩm gia cầm dưới dạng viên cũng là món ăn thích khẩu của Bồ câu. Hột bắp xay bể làm ba làm tư chúng cũng ăn nhưng không ngon miệng bằng loại bắp nguyên hột. Vì vậy, ta nên lựa bắp hột nhỏ và là bắp vàng (có nhiều carotene) chim mới thích ăn. Bồ câu không chịu ăn bắp nếp (bắp trắng).

Thích tắm:

Bồ câu rất thích tắm nước và tắm nắng với chim tơ, mỗi ngày ta nên cho chúng tắm nước một lần mới tốt. Với lứa chim đang sinh sản, mỗi tuần nên cho tắm vài lần, tức khoảng ba bốn ngày cho tắm một lần. Thời gian thích hợp nhất cho chim tắm là khoảng một hai giờ trưa. Quý vị đổ nước sạch vào thau, có pha chút muối (một muỗng cà phê muối pha với năm lít nước) cho chim tắm. Nước muối có tác dụng làm ung trứng rận mạt bám vào lông vũ của chim. Dù nước tắm hơi có vị mặn nhưng Bồ câu vẫn tắm, vì bản tính của chúng cũng thích uống nước có độ mặn vừa phải, có lẽ đó là tính di truyền của tổ tiên chúng từ xa xưa còn truyền lại. Mỗi lần chim tắm khoảng một hai phút, và sau đó chúng biết cách rủ lông cánh và phơi phóng trong gió nên rất mau khô. Chim mái đang ấp, nhiều khi cũng rời ổ xuống tắm, và dù bộ lông chúng chưa được khô hẳn nhưng không ảnh hưởng gì nhiều đến ổ trứng đang ấp dỡ dang cả. Với chim mẹ đến thời kỳ “mê ổ”, tức trứng sắp đến giai đoạn khẻ mỏ thì thường không màng đến chuyện tắm nước.

Bồ câu rất thích sưởi nắng, vì thế hướng chuồng trại nên chọn hướng Đông hay Đông Nam là tốt nhất. Đây là hướng có ánh nắng rọi vào buổi sáng. Khi nắng rọi vào chuồng Bồ câu rủ nhau ra sưởi nắng. Chúng nằm nghiêng mình sát nền chuồng, sải rộng cánh ra, đồng thời dựng đứng tất cả lông vũ từ đầu đến thân để sươi nắng. Khi cánh và phần thân bên này khô ráo, chúng lại tiếp tục phơi cánh và phần thân còn lại bên kia... Việc tắm nắng cũng chỉ diễn ra độ vài ba phút là nhiều, nhưng rất cần thiết cho sức khỏe của chim.

Sinh sản tốt:

Do đã được thuần hóa lâu đời nên các giống Bồ câu hiện nay chúng ta đang nuôi đều sinh sản tốt. Nếu điều kiện chăn nuôi tốt thì mỗi năm chim sẽ đẻ được từ sáu đến tám lứa, hoặc có khi hơn. Chim trống chim mái đều biết ấp và mớm mồi nuôi con. Hầu hết các nòi Bồ câu hiện nay nuôi con rất giỏi, trừ những chim có thể trọng khá nặng như Mondain, Romain, Bagadais... thỉnh thoảng đạp chết con sơ sinh.

Dễ tính trong việc dồn trứng, dồn con:

Chim mới đẻ trứng đầu, nếu ta lấy ra ngoài, thì chim mẹ vẫn vào ổ để đẻ tiếp trứng khác sau thời gian khoảng bốn mươi giờ, lúc đó ta lấy trứng thứ nhất bỏ vào ổ chim mẹ biết nhưng vẫn ấp.

Trường hợp trong ổ có hai chim con, ta bắt một con từ ổ khác gởi vào, Bồ câu mẹ vẫn nuôi luôn con chim đó mà không cắn mổ gì cả. Nó xem con chim lạ kia cũng như con của chính minh.

Lợi dụng tính dễ dãi này của Bồ câu, người chăn nuôi thường dồn trứng hay dồn con cho chúng ấp, hoặc nuôi “vú”, khi gặp trường hợp ổ chim kia chỉ có một trứng có cồ hoặc chỉ nở được có mỗi một con. Tất nhiên, trứng hay con đem gởi “vú” phải cùng ngày tuổi với trứng và con của ổ được gởi “vú” mới đem lại kết quả tốt.

Tính thông minh:

Tục ngữ mình có câu: “Lạc đàng nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu”, ngụ ý khen hai con vật này có trí nhớ dai, và tin rằng chúng có giác quan thứ sáu, nên dù lạc đường vẫn tìm được cách về nhà. Xưa nay chưa thấy ai khen Bồ câu có giác quan thứ sáu, nhưng khả năng nhớ dai của Bồ câu còn vượt xa hơn cả chó và trâu! Bắt một con Bồ câu (Bồ câu nuôi thả) từ tỉnh này sang nuôi ở tỉnh khác, cách nhau một vài chục cây số, chim vẫn có khả năng tìm được về chuồng cũ của nó không mấy khó khăn. Bồ câu vừa có trí nhớ dai vừa biết định hướng để bay về đúng chỗ cũ.

Do chúng thông minh nên từ xa xưa, bốn năm ngàn năm trước, con người đã khôn khéo luyện tập cho chúng đưa thư từ nơi này sang nơi khác với đường xa trập trùng nhiều chướng ngại sông núi, xa cách năm bảy chục cây số vẫn đem lại kết quả tốt. Tất nhiên là việc huấn luyện như vậy rất công phu, có kỹ thuật có phương pháp, như cách chọn giống, như phương pháp tập luyện riêng...

Người ta cũng lợi dụng tính thông minh của Bồ câu để huấn luyện chúng làm xiếc, biểu diễn được nhiều trò khiến khán giả thán phục.

Cũng từ xa xưa, trên thế giới cũng có nhiều quốc gia trong đó có cả nước ta, biết huấn luyện Bồ câu phục vụ trò chơi thể thao là bay thi. Có được chứng kiến cảnh Bồ câu bay thi mới thấy được sự thông minh và khả năng bay lượn tài tình của giống chim quý này.

Trong việc huấn luyện chim, khen tài con chim một phần, nhưng cũng phải ngợi khen những nghệ nhân nhà nghề đã góp nhiều trí tuệ và công sức... rất chuyên môn của họ trong việc huấn luyện Bồ câu. Phương pháp huấn luyện tất nhiên mỗi người có một bí quyết riêng, dó là “bí quyết nhà nghề” ít ai chịu chỉ vẽ cho ai...

Như quý vị đã biết, trên thị trường Bồ câu thế giới hiện nay đã có hơn 10 ngàn nòi Bồ câu khác nhau, tất nhiên mỗi nòi đều có một dáng vẻ khác nhau. Điều này đã gây cho giới thích nuôi chim Bồ câu hồ hởi, vì nhu cầu của mỗi người rồi đây sẽ được đáp ứng đầy đủ.

Thế nhưng, do sở thích của mỗi người có khác nhau nên không phải tất cả các giống Bồ câu đều được mọi người ưa chuộng.

Các giống chim bồ câu cảnh (kiểng) phổ biến

Thường thì đa số người nuôi Bồ câu đều thích loại chim lớn con (Les grosses races) hoặc là giống nhỏ con (Miniature), còn Bồ câu có trọng lượng trung bình, trừ những giống quá đặc sắc, thì ít người chuộng nuôi.

Các giông Bồ câu lông xoắn ((Les cravatés) tức là Bồ câu có chùm lông ở đầu, ở cổ, ở gáy, ở bụng... như các giống Cravatés Francais, Cravatés Chinois, Cravatés Tunisie, và Cravaté Italien thường có thân mình nhỏ, như giống Bồ câu Satinette chẳng hạn cũng rất được mọi người Ưa chuộng.

Các giống Bồ câu thịt thừa (Pigeons Caronculés) như Bồ câu Antwerp, Ostava Bagdad, Syrian Bagdad hoặc Barb... cùng là giống lạ, trong đó có con rất to Grand Bagadais của Pháp, con trống nặng gần một kí, con Bagadais Allement cũng hơn 700g...

Giới nuôi Bồ câu kiểng của ta từ trước đến nay, thường thích nuôi những nòi Bồ câu sau đây :

Giống lớn con

Các nòi Bồ câu lớn con (trên 500g) người mình thường gọi chung một tên là “Bồ câu gà”, sự thực ra gọi như vậy không đúng, vì giống nào có tên riêng của giống ấy, chứ không phải hễ Bồ câu nào lớn con đều có tên là Bồ câu gà cả đâu.

Thật ra, trên thế giới cũng có giống Bồ câu gà (Les Pigons Poules), chỉ những Bồ câu có dáng dấp như con gà mái, đuôi chúng vểnh cao lên. Chẳng hạn như Bồ câu Gazzi của Ấn Độ, Bồ câu Florentin (miền trung Ý), Bồ câu Schietti của Pháp, Bồ câu Maltese của Ý...

Sau đây là những giống Bồ câu lớn con được nhiều người thích nuôi :

Bồ câu Romain:

Người mình gọi Bồ câu Romain là Bồ câu LaMã. Giống này được biết đến từ thuở xa xưa. Xuất xứ là của Ý, nhưng lại hạp thủy thổ ở nước Pháp. Đây là giống Bồ câu lớn con nhất và được nhiều người chơi chim cảnh chọn nuôi nhất, vì vậy giá nó thường cao.

Romain có chiếc đầu khá to, mỏ cũng to và hơi cong. Mắt chim lồi và lớn, mí mắt màu đỏ, con ngươi trắng như mắt cá, trên mỏ có hai rìa thịt nhỏ.

Cổ Bồ câu Romain ngắn nhưng to, ức trung bình, lưng rộng mình dài, cánh có lông dày và dài đến 70 phân hai chót cánh gác lên đuôi nhưng không chéo vào nhau. Tuy cánh dài nhưng giống Bồ câu này bay cao không được, vì vậy ổ chim thường đặt sát nền chuồng để chim dễ ra vô ổ. Romain có đuôi khá dài khoảng 20 phân và rộng 10 phân; đuôi cắt cao khỏi mặt đất khoảng 10 phân và có từ 12 đến 16 lông đại vũ.

Đôi chân Bồ câu Romain thấp nhưng mạnh giúp chim có thể đứng vững vàng. Chân màu đỏ, ngón dài, hai chân đứng thường giãn xa ra như cố chịu sức nặng của thân mình trì xuống.

Nói đến màu lông thì Bồ câu Romain có đến 8 màu:

  • Romain lông biếc được ưa chuộng nhất. Giống này lớn con nhất.
  • Romain lông biếc lợt, có sọc đen.
  • Romain lông vàng  lợt như da nai.
  • Romain màu hung như lông sư tử, trừ cánh và đuôi có màu nâu bánh mật.
  • Romain lông đỏ tươi.
  • Romain lông xám đốm đen, trắng đốm đen.
  • Romain lông màu đen huyền, có ánh sắc kim loại xanh.
  • Romain lông màu trắng tinh.

Bồ câu Romain mỗi năm chi đẻ được 6 lứa. Do thân chim khá nặng (Bồ câu trống nặng 1,3 kí) nên chúng rất nặng nề và vụng về trong việc ấp trứng. Chúng thường đạp bể trứng và giẩm chết chim con, vì vậy cần phải nhờ chim vú ấp và nuôi con hộ.

Bồ câu Florentin

Bồ câu Florentin xuất xứ từ miền trung nước Ý (vùng Florence), nó thuộc giống Pigeon Poule vì đuôi ghếch cao 45 độ như đuôi gà mái. Cổ và thân mình chim thường là lông trắng, nhưng đầu và đuôi thì có nhiều màu khác nhau trông rất mạnh mẽ và hấp dẫn.

Bồ câu Montauban:

Montauban thân mình nhỏ và ngắn hơn chim Romain một chút, nhưng sức nặng cũng làm vừa ý đa số giới nuôi kiểng: 900g.

Giống Montauban trông rất quí phái, sau gáy của nó có chùm lông hình con sò dựng lên như chiếc mũ của một vị công nương khuê các nào đó.

Bồ câu Montauban có bốn sắc lông: trắng, đỏ, đen và bông. Hễ là chim trắng thì bộ lông tuyền trắng, hễ là chim đỏ thì toàn bộ lông đều đỏ. Chỉ trừ chim bông thì màu sắc lộn xộn, trông không được bắt mắt nên ít ai nuôi.

Thân hình Montauban rất đẹp, ức nở vai rộng, phần thân dài nhưng đuôi ngắn hơn Romain nên trông có vẻ tròn trịa hơn. Do lớn con nên ấp trứng rất dở, cũng thường đạp bể trứng và giẫm chết chim con như giống Romain vậy. Vì vậy nuôi Montauban phải có chim kèm làm vú.

Bồ Câu - Gà POULE MALTAIS:

Bồ câu Poule Maltais chưa rõ xuất xứ tại đâu, nhưng theo chúng tôi có thể nguồn gốc của nó ở hải đảo Malta thuộc Địa Trung Hải. Giống Bồ câu này thân mình to và nặng nên bay dở, nhưng lại nổi tiếng đẻ sai và nuôi con giỏi.

Poule Maltais được nuôi nhiều nhất ở Áo và Đức, người ta dùng làm chim kiểng và cả chim thịt nữa. Nuôi làm kiểng vì chúng vừa lớn con, vừa trông giống như con gà mái ở bộ phận đuôi, khi đi thì cổ ưỡn về phía sau, đều lắc lư như cách đi của gà mái vậy. Mặt khác, Bồ câu này cũng có nhiều màu lông rất đẹp như trắng, vàng, đen và bông.

Do Poule Maltais bay dở, và chim con lai biết tập bay sớm nên người nuôi chim được chỉ dẫn là nên đặt ổ đẻ sát nền chuồng, như vậy chim con sẽ không bị chết.

Bồ câu King:

Bồ câu King có xuất xứ tại Mỹ, được lai tạo từ năm 1890 và xuất hiện tại nước ta khoảng nửa thế kỷ nay. Tại nước ta giống này được nuôi làm chim kiểng do lớn con (nặng khoảng 800g), có ba màu lông là trắng tuyền, vàng tuyền, và màu lông hung đỏ. Giống King vàng được nhiều người ưa chuộng hơn là giống trắng, nhưng chim có bộ lông hung đỏ thì giá thấp hơn.

Hình dáng Bồ câu King thường dễ lầm lẫn với Bồ câu Mondain vì nó to lớn, ngực nở, vai rộng, có điều ngắn đòn hơn Mondain một chút.

Bồ câu King (người Hoa gọi là Bồ câu Thính) sinh sản tốt, đẻ sai nuôi con giỏi, nên lúc nào cũng được nhiều người chọn nuôi.

Bồ câu King có Khaking, Utilitiking Silver King, Auto sexing King, King trắng King đen, King vàng.

Bồ câu FRENCH MONDAIN:

Giống này có xuất xứ tại Pháp và đã có mặt hàng thế kỷ nay, sau đó du nhập vào Hoa Kỳ rồi nhiều nước khác. Bồ câu French Mondain ở Pháp có hai loại: một loại không lông chân và một loại có lông chân. Giống ở Mỹ thì không lông chân.

Được biết, Bồ câu French Mondain được lai giống từ những giống Bồ câu Gros Mondain, Montau ban, Mondain de Bourgoyne, Mondain Picard, và giống Mondain Conte.

Đây là giống chim kiểng lớn con được phổ biến tại Mỹ, Pháp và nhiều quốc gia khác hiện nay.

Bồ câu French Mondain có bộ lông sát và cứng, thân mình thấp, ức rộng, vai nở trông như một khối thịt chắc nịch. Trọng lượng của chim khoảng một kí lô, chim mái nhẹ hơn một chút. Giống Bồ câu này có nhiều màu lông như: trắng, xanh, vàng, đỏ, nâu, bạc.

Tại nhiều quốc gia, người ta biết đến French Mondain phổ biến như giống King và hiện nay giống chim này được bảo trợ bởi Hiệp hội giống chim Mondain quốc gia Pháp (The national French Mondain Association).

Bồ câu POLISH LYNS:

Bồ câu Polish Lyns xuất xứ từ Ba Lan. Ở Đức nó có tên là Polnische Luchstaube, ở Pháp nó lại có tên là Le Lynx de Pologne. Nhiều người tin rằng nó được phối giống từ giống chim đồng Balan lớn con, giống có màu xanh với vệt trắng, và giống Pouter có đầu và lông cánh trắng hiện nay còn tồn tại.

Polish Lyns được nhập vào Đức từ năm 1686, và tại đây nó được các nhà Điểu học tạo thêm được nhiều sắc lông phong phú hơn.

Đây là giống chim lớn con, nặng khoảng hơn 600g thường được nuôi làm kiểng và lấy thịt. Chim có đầu trơn, chân thấp và không lông. Polish Lyns đã du nhập vào Mỹ gần một thế kỷ nay, nhưng hình như ở đây nó ít được ưa chuộng, vì trong các cuộc trưng bày thường vắng mặt nó.

Bồ câu HUNGARIAN:

Bồ câu Hungarian có xuất xứ từ nước Áo, và mới được phát triển khoảng năm 1850. Nhiều người cho rằng giống Bồ câu này được phối giống bởi Bồ câu Florentine, Nurem berg Swallow, và giống Turkish của Ấn Độ.

Hungarian được nuôi làm Bồ câu kiểng tại Hoa Kỳ và nhiều nước khác, được coi là “thành viên” của nhóm “Hen Pigeon”, có đôi chân cao, và đuôi cũng được cắt lên cao. Đầu trơn và đôi chân không lông.

Quan hệ giữa Hungarian với Bồ câu Florentine rất dễ nhận biết, bộ lông cũng nhiều màu như đen, xanh với các vệt đen, trắng, đỏ, vàng và bạc.

Được biết trọng lượng chuẩn của Câu lạc bộ Bồ câu giống Hungraian Hoa Kỳ (The United Hungarian Pigeon Club) là :

  • Hungarian trống lớn: nặng khoảng 780g, tương đương với 28 ounces.
  • Hungarian mái đẻ: nặng khoảng hơn 700g, tương đương 26 ounces.
  • Hungrian trống tơ: nặng khoảng hơn 700g, tương đương 26 ounces.
  • Hungarian mái tơ: nặng khoảng 650g, tương đương với 24 ounces.

Được biết một ouncews bằng 28,35g.

Bồ câu Hungarian được nhập vào Hoa Kỳ khoảng năm 1890, nhưng được phổ biến rộng vì được nhiều người chọn nuôi.

Bồ câu DUCHESS:

Hiện nay chưa có 1 tài liệu nào xác định giống Bồ câu Duchess có xuất xứ từ đâu. Chỉ biết đầu năm 1870, các nhà điểu học Mỹ đặt cho một giống Mondain Âu châu với cái tên Duchess này. Hình dáng Bồ câu Duchess trông gần giống Bồ câu Romgnol của Ý Đại Lợi. Giống này lông trắng giống như Mondain.

Theo một tài liệu được viết từ năm 1898, thì cho rằng giống Bồ câu này từ Đức hoặc Hà Lan đến Hoa Kỳ, và có những tên Dutchies, rồi Dutchesse, rồi Duchesse, và cái tên này giữ mãi đến ngày nay.

Vào khoảng năm 1900, người ta dùng Bồ câu Duchess phối giống chéo với giống Dragoons, Hom-ers và Runts để tạo ra các dòng chim con mới. Và hình như White King cũng lai từ Bồ câu Duchess này.

Duchess được coi là thuộc loài Mondaine, trông có vẻ to lớn, nhưng thực ra chỉ nặng khoảng 600g thôi. Bồ câu Duchess tính khí dịu dàng, đầu không chóp, tức đầu trơn chân có chùm lông rộng và nặng nề. Trước đây giống này cũng có nhiều màu, nhưng hiện nay chỉ còn giống lông trắng.

Ngày nay Bồ câu Duchess thuộc loại Bồ câu hiếm quí, do có bộ lông chân xòe ra quá đẹp và lạ nên giá bán của Duchess khá cao, nó là nguồn lợi lớn trong thương mại.

Bồ câu OSTRAVA BAGDAD:

Giống chim này có xuất xứ từ Tiệp Khắc (Czechoslovakia), đúng ra là xuất phát tại thành phố Ostrava, bang Moravia của Tiệp Khắc. Có người cho rằng nó là tổ tiên cùa các giống chim Nuremberg, French Bagdad, English Carrier, Dragoon, Coburg Lark và Frilleđ Owl.

Được biết tại Cộng hòa Czech Bồ câu này có tên là Ostravska Bagdate, và ở Pháp nó có tên là Le Bagadais Tcheque.

Bồ câu Ostrava Bagdad là giống chim kiểng có thân hình cao ráo, lông đuôi cứng cáp, đôi cánh mạnh mẽ. Thế nhưng cần cổ lại mảnh khảng, thon thả và có đường cong, có đường diền xếp nếp dài theo cổ. Mắt nó lanh lợi và phần mỏ trên có yếm thịt. Bồ câu Ostrava Bagdad có đầu phẳng, trán lỏm, mỏ cong làm cho nó trông rất lạ.

Đây là giống Bồ câu lớn, chim trông có trọng lượng trung bình 650g, và chim mái có trọng lượng khoảng 600g. Chim có nhiều sắc lông như trắng, đỏ, vàng, đen, hoặc màu xanh với những vết đen, màu trắng với những vệt đỏ và vàng, cánh và đuôi màu trắng...

Đây là giống chim kiểng được coi là... lạ đời, và mới được nuôi tại Mỹ khoảng nửa thế kỷ nay thôi.

Bồ câu giống nhỏ

Với Bồ câu kiểng có thân hình nhỏ có trọng lượng dưới 500g cũng được đa số người thích nuôi Bồ câu kiểng chọn nuôi.

Thường thì Bồ câu nhỏ con có hình dáng thanh thoát, đẹp nhẹ nhàng. Hơn nữa, đa số chúng có “trang trí” một vài thứ gì đó trên mình nên tạo sự hấp dẫn cho người nuôi hơn. Chúng tôi xin đơn cử độ mươi giống nhỏ này đến quí tộc giả:

Bồ câu THE ORIENTAL FRILL:

Sự lai tạo giống Bồ câu này do người Hy Lạp và người Anh thực hiện và nhờ đó mà nó được hoàn hảo hơn. Bồ câu Oriental Frill có kích thước nhỏ, được giới chơi chim đánh giá là Bồ câu duyên dáng và có tính thân thiện. Đôi chân chúng ngắn có lông, khi đứng trông như đang... ngồi xổm vậy. Đối với những chim có lông đầu màu sáng thì mắt chúng có màu cam, còn những chim có lông đầu màu tối thì mắt chúng sẽ là màu trắng.

Bồ câu Oriental Frill có những màu sắc đặc biệt khác nhau, nhưng bộ lông có những đường viền rất đẹp.

Giống Bồ câu này mỏ ngắn rất khó cho ăn, đối với chim con còn non ngày tuổi nên chăm sóc cẩn thận mới sống được.

Bồ câu THE OLD DUTCH OWL:

Có xuất xứ từ Netherlands là giống Bồ câu có kích thước trung bình. Trên đầu Bồ câu này có chỗ bề ngang lớn nhất là phía trước mắt nó. Ngực chim được bảo vệ bằng lớp lông dài và có những đường viền rất đẹp.

Bồ câu The Old Dutch Owl có đôi mắt màu đen vừa to vừa tròn tạo cho chim nét sống động. Giống này cùng được giới chơi chim chọn nuôi.

Bồ câu JACOBIN:

Giống Bồ câu kiểng Jacobin đã có từ lâu đời, cho nên hiện nay không ai dò tìm được xuất xứ của nó từ đâu. Nhiều nhà điểu học cho rằng xuất xứ của Jacobin là Ấn Độ. Nhưng cũng có người cho rằng Bồ câu xuất xứ từ quần đảo Cyprus, vì nơi này có giống Bồ câu Cyprus có hình dáng gần giống với Jacobin.

Trước đây tổ tiên Bồ câu Jacobin vừa nhỏ con, vừa có bộ lông bó sát với chỉ một nhúm lông xù nên nó có thể nhìn ra mọi hướng. Sau đó nhiều nhà tạo giống đã nỗ lực tạo ra lông trang trí thì thân mình của chúng được to ra và bộ lông bó sát trước kia nay đã biến mất.

Người ta chuộng nuôi Jacobin vì nó có bộ lông đẹp và lạ. Cả thân mình chim xù lên bởi nhiều lớp lông xoắn trông rất ngộ nghĩnh. Lông đầu của chim xòe ra chẳng khác gì một đóa hoa hồng. Chiếc đầu của chim hoàn toàn bị che khuất đến nỗi hình như nó không thấy gì khi ăn uống.

Trong suốt mùa động dục, người nuôi phải cắt tỉa bớt bộ lông để Jacobin trong gặp trở ngại trong việc sinh con. Đây là giống chim kiểng có kích thước trung bình, nặng dưới 500g, chim trống thường lớn hơn chim mái.

Phải công nhận rằng bộ lông trang trí ở đầu và cô Jacobin đã tạo nên vẽ đặc biệt về hình dáng bên ngoài của chim. Đôi măt của nó như hai hòn ngọc...

Màu sắc của Bồ câu Jacobin rất đa dạng: màu đen, màu xanh với các vệt đen, màu đỏ, vàng, bạc và có vằn như da cọp. Phần lông ở hoa hồng gồm có màu đỏ và vàng, cùng với màu trắng.

Được biết Bồ câu Jacobin được trưng bày vào đầu năm 1873, và từ đó đến nay, Jacobin đến đâu cũng được giới hâm mộ thích thú chọn nuôi, và giống này bao giờ cũng được “bán với giá cao. Theo thời giá tại nước mình, với một cặp Jacobin trưởng thành khoảng trên dưới mười triệu!

Bồ câu CHINESE OWL:

Đây không phải là Bồ câu có xuất xứ từ Trung Quốc, mà là của nhiều quốc gia khác nhau. Hiện nay có nhiều giống như White Chinese Owl, như Lavender Chinese Owl, Blue Checkered Chinese Owl, Black Tail Marked Chinese Owl, Bleu Barred Chinese Owl, hoặc Red Schield Marked Chinese Owl... Tất cả các giống thuộc loại này đều mang trên mình bộ lông nổi bật nhất, mỗi con mỗi vẻ khác nhau.

Giống Chinese Owl còn gọi là chim mỏ Cú, vì mỏ chúng vừa ngắn vừa khoằm khoằm như mỏ chim cú, có xuất xứ từ Châu Phi với kích thước trung bình. Hiện nay giống Bồ câu này được nuôi rất nhiều ở Đức, nơi có kỹ thuật nuôi dưỡng rất hoàn hảo.

Bồ câu AFRICAN OWL:

Đây là loại Bồ câu có thân mình nhỏ nhất trong nhóm OWL. Được biết vào năm 1850, giống này từ Tunisia được đem sang Châu Âu nuôi, và nhờ có bề ngoài nổi bật nên chúng dễ dàng gây được ấn tượng mạnh với giới nuôi Bồ câu tại đây. Bồ câu African Owl có chiếc đầu tròn, ngực nở, vai rộng, lưng ngắn và mỏ cực ngắn. Đôi mắt to và có một đường chạy dài từ điểm giữa của hàm dưới đến hai mắt bằng một góc tam giác đến 45 độ. Chim lông trắng thì mắt có màu tối, và chim lông màu nhạt thì mắt sẽ có màu cam.

Đây là Bồ câu kiểng nhỏ rất đẹp nên ai cùng thích nuôi.

Bồ câu BRUNNER POUTER:

Giống Bồ câu kiểng Brunner Pouter có xuất xứ từ Bohemia, Prague. Được biết sau đó từ đây chim được nuôi tới vùng Moravia, rồi tới Vienne và các nơi khác. Nhưng theo nhà điểu học Schachtzabel (1910) thì cho rằng giống này xuất xứ tại nước Áo.

Được biết, giống Brunner Pouter ở Cộng hòa Czech có tên là Brnensky Volac, ở Đức lại có tên là Brunner Kropfer và ở Pháp nó mang tên là Brulant Brunner.

Đây là giống chim đẹp nuôi để làm kiểng. Bồ câu này có hai giống được gọi là phiên bản, đó là giống Bohemian của nước Anh, và giống Lille hay Pigmy Pouter của Pháp.

Bồ câu Brunner Pouter có thân mình nhỏ, chỉ cân nặng khoảng dưới 300g, đầu không có lông trang trí và chân cũng không lông. Nhìn chung, có thể nói đây là giống Bồ câu kiểng nhỏ được thừa hưởng từ giống Columbia Livia (Wild Rock) về kiểu dáng.

Trước đây giống Bồ câu này ít sắc lông, nhưng ngày nay nó được lai tạo nên bộ lông rất đa dạng: trắng, đen, đỏ, vàng và nhiều màu đẹp khác nữa.

Bồ câu kiểng Brunner Pouter đang được nhân giống rộng rãi tại Hoa Kỳ, và tính hấp dẫn của chim sẽ còn được nhiều nước hâm mộ chọn nuôi.

Bồ câu THE GERMAN SHIELD OWL:

Giống Bồ câu kiểng này có nguồn gốc từ châu Á, nhưng sau được lai giống tại Đức rồi lan ra nhiều nước khác, và đến đâu cũng được chọn nuôi. Chúng có hình dáng tương tự như The African Owl vậy.

Bồ câu The German Schield Owl là loại Bồ câu trắng mình tròn, chân thấp, cánh có màu như nâu, đen hay xanh... đầu có chóp và lông xoắn từ sau gáy xuống tận vai. Cũng có giống lông xoắn từ hàm dưới xuống tận ức trông rất quí phái. Đây là giống Bồ câu kiểng nhỏ con tuyệt đẹp.

Bồ câu ITALIAN OWL:

Bồ câu này có xuất xứ tại Ý, trông rất khỏe mạnh với đôi chân cao nghêu, và khi đi thì đi trên những ngón chân như cách đi của chim Đà Điểu. Loại Bồ câu này nhỏ con, trung bình nặng khoảng 300g, cổ cao trung bình, và chim có biệt tài quay ra phía sau một cách tài tình.

Bồ câu STARGARD SHAKER:

Xuất xứ của giống chim Bồ câu này là Pomeriana và vùng chung quanh thành phố Stargard. Đây là giống Bồ câu kiểng xuất hiện lâu đời, có thể trên 300 năm nay.

Ở Pháp Stargard Shaker có tên là Haut Volant de Stargard, ở Đức nó có tên là Stargarder Zitterhals, nó còn được đặt cho một cái tên mỹ miều khác là Bồ câu Sman Neck tức là Bồ câu có cái cổ như chim Thiên nga. Thật ra, từ lâu nhiều người đã cố tìm hiểu xem từ những giống chim nào phối giống ra được giống Stargard Shaker này.

Giống Bồ câu này nuôi con rất giỏi, cổ dài và cong cánh ôm sát đuôi, trọng lượng trung bình khoảng 300g.

Bồ câu Stargard Shaker có màu lông đa dạng như đỏ, vàng, trắng, xanh vệt. Nhưng các màu lông đỏ và vàng của giống này được phổ biến nhất. Nó còn có các màu như hoa râm, trắng đen, và màu vằn vện như da cọp thì rất hiếm thấy.

Đây là giống Bồ câu kiểng nhỏ rất được chuộng nuôi, nhưng số lượng khá hiếm hoi.

Bồ câu SPANISH BARE:

Giống này còn có tên là Naked Neck Pigeon, có xuất xứ từ quần đảo Ibérian.

Do ở Tây Ban Nha nó có cái tên là Pigeon of Barbary (Peloma de Berberia) cho nên có người đưa giả thuyết cho rằng giống Spanish Bare này được mang tới quần đảo Iberian bởi cuộc chinh phục của người Ả Rập trong thời kỳ thống trị của họ từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 15 (?).

Bồ câu Spanish Bare bay rất giỏi, đôi cánh của chim gần như lúc nào cũng nằm sát trên đuôi, đầu trơn và đôi chân không có lông, đặc biệt là phần cổ trụi lông như cổ gà nòi. Số lông trắng nằm ở ngực tạo thành bộ lông ngực đầy hấp dẫn như một vòng hoa xung quanh cổ. Nói chung màu lông của Spanish Bare chủ yếu là màu đỏ, vàng và lông đuôi màu trắng. Đây là giống Bồ câu kiểng nhỏ con, trung bình chỉ nặng khoảng 250g mà thôi.

Hiện nay, Spanish Bare chỉ có hai sắc lông là đỏ và vàng là nhiều, còn những sắc lông khác gần như không thấy. Chỗ da cổ trần trụi ở cổ chim sẽ trở nên màu đỏ khi gặp ánh nắng mặt trời. Mắt của chim như ngọc trai, và vùng thịt quanh mắt ửng lên màu xanh đỏ. Còn lớp thịt quanh mũi thì lại trắng như bột.

Nhiều nhà điểu học lo ngại ằng Bồ câu Spanish Bare càng ngày càng hiếm nên có khá năng bị tuyệt chủng. Trong sự phối giống với chim khác thì thế hệ đầu tiên (F1) cái cổ khỏng có lông, trong khí đó cổ họng và phần trán lại có một ít sự phát triển của lông, phủ lấy vùng có dạng hình nón, bắt đầu từ đáy chạy lên phía đầu.

Bồ câu AMERICAN CREST:

Giống Bồ câu này xuất xứ tại Mỹ. Đây là giống chim kiểng có kích thước trung bình trọng lượng dưới 500g. Nó có mào ở đỉnh đầu và có đôi chân sạch đẹp. Hình dáng Bồ câu American Crest giống như Bồ câu Bantam, nhưng nhỏ hơn. Sắc lông của giống này rất đa dạng: trắng, vàng, đỏ, hạnh đào và màu cát.

Đây là giống chim kiểng mới được lai tạo khoảng nửa thế kỷ nay bởi nhà điểu học H. Eric Buri của bang Ney Jersey.

Bồ câu SATINETTE:

Bồ câu Satinette là giống Bổ câu kiểng tuyệt đẹp, thuộc loại lông xoắn (cravaté), chân có lông dài sắc nổi bật, nên được nhiều người chuộng nuôi. Có cả thảy bốn giống là Laced Satinette, Black Laced Satinette, Blue Satinette và Brown Satinette...Tuy là đen là xanh, là bạc là vàng, nhưng màu liing chỉ phơn phớt nên trông rất hấp dẫn...

Đây là giống chim kiểng nhỏ con, nhưng đẹp tuyệt, giá bán khá cao.

Phân biệt giới tính chim bồ câu trống mái

Bồ câu sống với nhau thành từng cặp: một trống với một mái. Một cặp chim như vậy sẽ sống bên nhau trọn đời, tức là từ tháng tuổi thứ ba, thứ tư... chúng bắt đầu bắt cặp cho đến khi già lão chúng vẫn sống bên nhau, lúc nào cũng âu yếm nhau, rỉa lông tỉa cánh cho nhau... Chỉ trong trường hợp một con bị chết hay bị lạc đàn thì con kia mới “chắp nối” với một chim khác để tiếp tục “ăn đời ở kiếp” với nhau.

Với chúng, chỉ cần khác giới tính là “ráp cặp”, chứ không hề biết kén chọn cùng dòng giống, cùng một sắc lông, hoặc cùng có thể trạng bằng nhau... Ngay tuổi tác chúng cũng không hề biết phân biệt: cứ ráp cặp một chim tơ với một chim già chúng cũng tỏ ra hòa hợp chung sốngvới nhau.

Có điều tự chúng tìm đến nhau ráp cặp thì không sao, còn tự mình ráp cặp cho chúng ít khi đôi chim cảnh thuận thảo ngay, thường thì trống cắn mổ mái. Đôi ba ngày sau chúng mới bắt đầu thuận thảo.

Với tính “thủy chung như nhứt” này của Bồ câu, người đời khen chúng là giống chim có đức tính tốt... như người, nên các bậc cha mẹ thường khuyên bảo các đôi vợ chồng trẻ nên nhìn vào đó mà bắt chước...

Thật ra, ai nghĩ rằng Bồ câu chỉ biết sống chung thủy bên nhau là người đó lầm to. Chúng sống “có đôi có đũa” thật, nhưng cả “anh” lẫn “chị” đều là “chúa" ngoại tình! Quý vị nào đã từng nuôi Bồ câu theo cách tập thể mới biêt rõ điều đó.

Trong thời gian chim mái chưa nằm ổ thì đôi chim lúc nào cũng quấn quít bên nhau, khi rỉa lông, khi mớm mồi ra vẻ yêu thương nhau lắm. Nếu một con từ trên cao bay xuống hoặc chuyền từ nơi này sang nơi khác, thì tức khắc con kia sẽ sải cánh theo sau, như... hình với bóng vậy. Thỉnh thoảng chim trống đi sau chim mái, đầu cứ gục lên gục xuống trong khi bờm lông cổ xù ra, trông như con chim đang chơi trò... múa lân! Đó là lúc trống gù mái, tỏ tình với chim mái.

Thế nhưng, khi chim mái nằm ổ ấp thì lúc này trò ngoại tình của chúng mới lộ diện ra.

Trong khi chị mái nằm lì trong ổ để ấp trứng thì anh trống có quyền nhởn nha đi đây đi đó khắp trại, và thế là gặp chị mái nào đi ngang mặt anh ta cũng “ve”, bằng cách lì lợm xáp lại gật gù tán tỉnh. Nếu chị mái đó chưa tới kỳ sinh sản thì... chị cắm đầu cắm cổ chạy te. Còn ngược lại, nếu trùng với thời kỳ “chịu trống” của chị thì chị... sẵn sàng nằm mẹp xuống để anh chàng kia, và cả những anh chàng khác lên “phủ”!

Xin lưu ý chim mái chịu trống trước khi đẻ độ mười ngày, và trong tuần đầu ấp trứng chim mái vẫn còn... chịu trống, chứ không phải bắt đầu nằm ấp là... thôi đâu!

Đến giờ đổi ca ấp, chim trống nằm ấp thì chị mái có quyền nhởn nha đây đó để kiếm ăn. Và nếu, thời gian chịu trống vẫn còn đòi hỏi thì chị ta cũng sẵn sàng nằm xuống để cho các trống khác “phủ” mình.

Như vậy thì làm sao nói chim Bồ câu là giống chung tình, sống chung thủy trước sau như nhứt với nhau được!

Thế nhờ vào cách nuôi tập thể này, nhờ vào tính Bồ câu không chung thủy này mà ổ nào trứng cũng đủ cồ, nở đủ hai con, vì chim mái được nhiều chim trống thay phiên nhau “phủ giống” nên thừa cồ. Nếu nuôi lẻ từng cặp trong lồng, gặp chim trống đang ở vào thời kỳ thay lông yếu sức, hoặc bản thân nó “yếu sinh lý” thì ổ trứng thường thiếu cồ: có khi hai trứng hỏng cả, có khi hai trứng chỉ nở một con, còn trứng kia ung thúi. Trường hợp này cũng rất thường gặp ở những cặp chim nuôi lồng riêng lẻ.

Nói đến sự phân biệt giới tính của Bồ câu thì xưa nay trong giới nuôi chim mỗi người có cách coiriêng, nhưng chắc chắn chẳng được mấy ai dám đoánchắc là cách phân định của mình được đúng cảtrăm phần trăm. Thậm chí có nhiều người đã nuôiBồ câu lâu năm, mọi việc đều rành rẽ, nhưng nóiđến việc xác định con nào là trống, con nào là máithì vẫn còn lúng túng.

Do giống Bồ câu cũng như giống Cu Gáy, con trống con mái mới nhìn qua ai cùng thấy chúng giống nhau như khuôn đúc. Chúng giống nhau từ hình dáng, từ sắc lông đến tính nết, và cùng cả cách phát âm cùngtừa tựa như nhau cả. Phải chi Bồ câu trống biết gáy lên như gà trống, hoặc dưới chân lú chút cựa thì cũng dễ phân biệt!

Chỉ khi nhốt riêng một cặp Bồ câu trống mái, nhìn vào ta mới dễ phân biệt hơn:

- Bồ câu trống thường có thân mình to hơn Bồ câu mái. Đầu nó to hơn và thân mình cũng dài đòn hơn chim mái. Lông cổ Bồ câu trông tươi tắn hơn và có ánh sắc hơn. Đặc biệt, con trống đứng cạnh con mái, thường siêng gù...

- Trong khi đó Bồ câu mái thân mình nhỏ hơn và bầu bĩnh hơn Bồcâu trống. Bồ câu mái ức nhỏ, vai hẹp, đầu nhỏ mà chân cũng nhỏ, nên trông Bồ câu gọn gàng hơn, nhỏ thó hơn. Bộ lông Bồ câu mái hơi tối tăm hơn Bồ câu trống.

- Nhiều người còn căn cứ vào hai ghim ở cạnh hậu môn chim Bồ câu để xác định trống mái. Nhưng, điều này không đáng được tin tưởng. Với Bồ câu già, đã qua vài mùa sinh sản thì tất nhiên hai ghim cạnh hậu môn có khoảng cách xa, mà ngay lỗ hậu môn của chim mái đẻ cũng rộng vì... nó đã đẻ trứng nhiều lần. Còn với chim mái tơ, chưa sinh đẻ lần nào, nhất là chim chưa đến thời kỳphát triển đồng bộ thì hai ghim chim trống và chị mái cũng “khít” như nhau. Mà dù có sự cách biệt giữa độ hở của hai ghim ở hậu môn Bồ câu, thì với mắt thường ta cũng khó lòng phán đoán chính xác được.

Nhốt chung cặp vào một chuồng thì ai cũng dễ dàng phân biệt được những điểm khác nhau giữa Bồ câu trống, mái như vậy, nhưng nếu bắt riêng lẻ từngcon ra xem thì ta cũng khó lòng biết được một cách tinh tường về những điểm dị đồng ở chúng.

Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy, muốn phân biệt giới tính của chim Bồ câu, quí vị nên quan sát hai múi thịt nổi lên trên mũi của chúng là biết rõ :

- Bồ câu trống, hai múi thịt trên mũi vừa ngắn vừa nở ngang, vừa to, vừa dày.

- Bồ câu mái, hai múi thịt trên mũi vừa dài, vừa nhỏ, hẹp và xẹp.

Chỉ cần bắt một cặp chim trống mái ra nhốt riêng để quan sát kỹ, quí vị sẽ thấy rõ ngay những điều chúng tôi vừa trình bày không mấy khó khăn.

Nếu gặp một đôi chim có điểm nào đó còn nghi ngờ thì lúc đó quý vị mới quan sát tiếp đến phần đầu, phần ức, vai, đòn... của chúng.

Quan sát giới tính Bồ câu qua hai múi thịt trên mũi rõ nét nhất là ở những cặp đã trưởng thành. Với Bồ câu còn non tháng tuổi thì chỉ những người có kinh nghiệm, do ngày nào cũng được nhìn quen mắt nên họ mới có khả năng xác định đúng được ngay.

Tất nhiên với đồng loại với nhau thì chúng có nhiều cách để nhận ra nhau. Bồ câu trống mái bao giờ cũng có những dấu hiệu riêng, có thể có những mùi riêng để chúng dễ dàng nhận ra nhau và tìm đến với nhau. Mặc dầu trên thực tế, ta vẫn thường bắt gặp cảnh một con Bồ câu trống cứ lẻo đẻo theo sau một con trống đồng loại để gù lên gù xuống tán tỉnh theo kiểu... ve gái của chúng.

Đó là chưa nói đến điều mà chắc quí vị cũng từng tận mắt chứng kiến là hai Bồ câu mái cứ thay phiên nhau đạp mái lẫn nhau, giống như cách trống mái “phủ" nhau vậy. Chúng tôi đã gặp trường hợp này khi nuôi hai mái King chung một lồng. Thấy chúng cứ đạp mái nhau nên cứ tưởng đúng cặp, vì vậy không để ý đến núi thịt trên mũi của chúng. May thay một ngày nọ hai con cùng đẻ chung một lượt, tất nhiên cùng một ổ. Lúc đó, tôi mới biết đó là hai chị mái chứ không phải một cặp đúng đôi!

Thật ra, Bồ câu cũng giống như nhiều giống chim khác, mỗi con trống mái đều có chất giọng khác nhau mà tai thường chúng ta không thể phân biệt được. Chất giọng đó là loại âm đặc trưng của chim trống mái, chúng khác nhau ở trường độ và khoảng cách các âm với nhau. Có thể giọng chim trống cao hơn, to hơn, trong khi giọng chim mái nhỏ và chúng xuống. Chính chúng mới có khả năng hiểu biết được những âm thanh đặc biệt đó để nhận ra nhau là vợ chồng, hay bạn bè cùng đàn hoặc khác đàn. Người nuôi chim cảnh thì ít có ai có khả năng nhận biết tinh tế được như chúng.

Chúng ta chỉ biết căn cứ vào sự khác biệt ở múi thịt mũi và sự khác biệt ở vài bộ phận trên người chúng để xác định được đâu là Bồ câu trống và đâu là Bồ câu mái mà thôi. Và, thiết nghĩ chỉ cần biết bao nhiêu điều đó thôi cũng đủ rồi, phải không quí vị?

Dụng cụ nuôi chim bồ câu

Ngoài lồng và chuồng trại ra, dụng cụ chăn nuôi dùng cho chim Bồ câu không nhiều lắm, và không tốn nhiều tiền để mua sắm. Nếu khéo tay ta có thể làm được những dụng cụ này không mấy khó khăn.

Máng ăn

Thức ăn của Bồ câu là thức ăn hột nên phải đựng trong máng ăn. ta có thể dụng thau nhựa, thau nhôm để làm máng ăn cũng được. Nhiều loại máng hay đồ đựng khác nhau được làm sẵn và bày bán ở các cửa hàng bán thực phẩm gia súc, đủ loại đủ cỡ, và đủ giá tiền. Những máng này có thể được làm bằng formica, bằng tôn, bằng nhựa. Nếu khéo tay ta có thể mua vật liệu về đóng được.

Nếu nuôi lồng thì máng ăn không cần lớn lắm, vì chỉ đựng thức ăn cho một cặp Bồ câu ăn trong ngày mà thôi. Đó là cách cho ăn mỗi ngày một lần. Bề dài của máng chỉ cần 20 phân, rộng 8 phân và sâu 5 phân là đủ, dư sức chứa 300g thức ăn cho một cặp chim kể cả đút mồi cho con.

Loại máng nhỏ này thường được bán rất nhiều ở các tiệm, vì nó dành nuôi gà đẻ bằng lồng.

Nếu nuôi Bồ câu tập thể máng phải đóng lớn hơn, chiều dài khoảng một thước, ngang 20 phân và chiều cao khoảng 6 phân, dành cho 30 con Bồ câu đứng ăn thoải mái. Như vậy mật độ Bồ câu trong chuồng dày thì ta phải đặt số máng ăn đầy đủ cho chúng.

Xin lưu ý là cách ăn của Bồ câu cũng như giống gà, chúng không vẩy tung tóe nhưng cũng biết dùng mỏ bới thức ăn lên để tìm những món ngon ăn trước, vì vậy không tránh được sự rơi vãi ra ngoài.

Tuy nhiên, điều này cũng không thiệt hại gì, vì những hột rơi rụng văng ra đó, cũng có những chim khác siêng năng nhặt nhạnh lại hết. Thường những con chim đó không đủ sức tranh ăn trong máng với những chim mạnh khỏe khác.

Máng uống

Do ăn thức ăn khô nên Bồ câu uống nước khá nhiều. Trong mùa nóng nực, một cặp Bồ câu có thể uống gần nửa lít nước. Nếu đang nuôi con thì số lượng nước trong ngày chúng còn tiêu thụ nhiều hơn. Ta cần biết điều đó để sắm máng nước thế nào để chứa đủ lượng nước cho chim uống. Máng nước uống đủ loại, đủ cỡ cũng đã được làm sẵn bán tại các cửa hàng thực phẩm gia súc. Kinh nghiệm cho thấy những đồ đựng nước làm bằng sứ, hoặc tráng men hợp vệ sinh, dễ cọ rửa hơn. Máng bằng nhựa không tốt vì vào mùa nóng nực nước đựng trong đó trở nên quá ấm khiến chim uống ít lại.

Máng nước cho Bồ câu uống phải đặt cao hơn nền lồng hay nền chuồng khoảng 20 phân, tức là vừa tầm chim đứng uống để ngăn ngừa lông chim và bụi bặm rơi vào trong nước. Tốt hơn hết, mỗi ngày nên cọ rửa máng uống cho sạch sẽ.

Với chim nuôi tập thể nên bắt . nước máy, có vòi phun nước nhẹ để chim tìm đến uống hợp vệ sinh hơn. Hệ thống nước này tuy có tốn nhiều tiền nhưng đem lại nhiều tiện lợi cho ta, nhất là bảo đảm được khâu vệ sinh nước uống cho chim nuôi, và không ngại sự thiếu hụt...

Máng khoáng

Nuôi Bồ câu không thể thiếu chất khoáng, đây là món ăn thích khẩu của chúng, dù ăn không nhiều nhưng phải có thường xuyên trong lồng hay trong chuồng.

Nếu nuôi bằng lồng, thì khoáng có thể dựng trong lon sữa bò cũng được. Chỉ cần đổ khoáng vào nửa lon là đủ cho cặp Bồ câu ăn được một tuần. Và để đảm bảo chất khoáng khỏi ẩm ướt, khỏi vấy bẩn, ta cũng chỉ nên cho chim đủ ăn trong một tuần mà thôi, sau ngày đó nếu còn dư cũng phải đổ bỏ, đừng tiếc.

Nếu nuôi Bồ câu tập thể, thì khoáng có thể đựng trong các khạp nhỏ bằng sành, hay chậu sành cùng được. Điều cần là kê cao khỏi nền chuồng độ 5 tấc hoặc hơn để tránh bụi bặm, lông chim bay vào, đồng thời phải để vào nơi khuất, tránh nước mưa tạt vào ẩm ướt.

Ổ chim

Ổ Bồ câu nên đóng bằng gố, vì chất gỗ vốn nặng nên khó lòng bị lật úp gây bể trứng hoặc chết chim con. Hình dáng cái ổ giống như cái hộc bàn, có bề cạnh vuông vứt cỡ 20 phân dành cho chim nhỏ (miniature) và 25 phân dành cho chim lớn (Grosse race), mặt đáy ố có thể đóng bằng thiếc, ván hoặc fobrmica cũng được. Chiều cao của ô phải cao từ 10 đến 12 phân, trong đó 7 phân dưới đáy chứa rơm, nhừng phân còn lại phía trên là “rào cản” ngăn trứng rơi ra khỏi ổ, và sau này cũng cản trở chim con lọt ra ngoài. Chim con mà lọt ra khỏi ô thì rất tai hại, nhất là chim sơ sinh, chúng dễ bị lạnh và suy sức rất nhanh... Đó là chưa nói gặp chuột nhắt vô tình chạy qua xơi tái.

Ổ Bồ câu nên lót bằng rơm khô, loại rơm sạch và được gặt từ các thửa ruộng không phèn. Rơm phải bó lại từng lọn chắc như “con cúi” rồi khoanh tròn vào ổ cho thật chặt. Bốn góc ổ phải dùng rơm chèn cứng, nếu không thì những lỗ hổng đó trứng chim sẽ lọt vào, khi chim mẹ vô ý trong những khi trở trứng khi ấp. Chính giữa ổ phải lót rơm trùng xuống thành lòng chảo để trứng gom lại cho chim dễ ấp.

Máng tắm

Bồ câu rất thích tắm. Vào mùa nóng nực, mỗi ngày ta nên cho chim cảnh tắm một lần. Với chim nuôi lồng ta có thể dời từng con sang lồng tắm, hoặc đặt một thau nhỏ nước vào lồng cho chim tắm (trong trường hợp này nên chịu khó tạm dời ổ chim và máng đựng thức ăn cùng máng khoáng ra ngoài). Nếu nuôi tập thể, số lượng chim ít khoảng năm ba chục cặp thì cho chúng tắm bằng thau (để nước lưng chừng nửa thau để chim nhảy vào tắm). Còn nếu chuồng nuôi một vài trăm cặp thì tốt nhất ta nên xây bồn tắm ở góc sân nắng. Chiều cao của bồn tắm khoảng 10 đến 15 phân là vừa, và mực nước cũng chỉ cao đến năm sáu phân thôi. Khi tắm thì ta cho nước vào bồn, và khi chim tắm xong thì xả nước cho bồn cạn kiệt.

Sào chim đậu

Ở sân chơi (tức sân nắng) của chuồng nuôi chim tập thể, ta nên gác nhiều cây sào để làm chỗ cho chim đậu. Sào này dùng cây tầm vông là tốt nhất. Tầm vông thân nhỏ vừa làm cầu cho chim đậu, lại cứng, nếu gặp cây đã già lão thì độ bền có thể dùng được vài ba năm trở lên mới hư mục.

Tóm lại, dụng cụ chăn nuôi Bồ câu không nhiều và giản dị, nếu khéo tay ta có thể làm được dễ dàng, mà tốn phí cũng không bao nhiêu. Điều cần là phải đóng cho có qui cách làm sao chim ăn không rơi vãi, đồ chứa nước uống không rò rỉ và dễ vệ sinh là được.

Làm vệ sinh lồng, chuông nuôi chim bồ câu

Bồ Câu, nếu nuôi số lượng ít thì khâu làm vệ sinh không đáng kể, nhưng nếu nuôi số lượng nhiều thì cùng là chuyện quan trọng đáng phải quan tâm.

Phân Bồ Câu tuy khô, nhưng cũng hôi hám gần bằng phân gà, đã thế còn trộn lẫn lông vũ, bụi bặm, nên việc làm vệ sinh lồng và chuồng phải vài ngày quét dọn một lần, và cuối tuần phải tổng vệ sinh một lần mới sạch sẽ được.

Việc quét dọn không chỉ chú trọng ở máng phân, hay nền chuồng cho sạch sẽ là đủ, mà còn chú trọng đến các ngăn kê, đến từng ổ chim nữa, mà những nơi này mới là nơi dơ bẩn nhất vì chim dành nhiều thì giờ để lưu trú tại đây.

Vệ sinh máng phân:

Chim nuôi nhốt trong lồng thì mỗi lồng đều có một máng phân. Dọn dẹp máng phân nên có bộ “đồ nghề” là một cái bay của thợ hồ và một cây chổi. Bay dùng để xúi, cạo cho sạch lớp phân trên máng, còn chổi dùng để quét máng cho sạch, trước khi trả lại chỗ cũ cho chim.

Tốt hơn hết, mỗi lồng chim nên sắm hai cái máng phân. Khi làm vệ sinh máng dơ thì ta đá có sẵn cái máng khác thay vào (máng này đã được rửa sạch, phơi khô ngoài nắng để khử trùng rồi). Máng dơ đem ra cọ rửa sạch sẽ, phơi khô để dành dùng vào lần làm vệ sinh sau.

Vệ sinh chuồng:

Với chuồng nuôi tập thể, dù chuồng chỉ nuôi có trăm cặp, cũng nên có hai người làm vệ sinh mới xuể. Công việc nhìn qua tưởng đơn giản, nhưng quả là nặng nề, và nhiêu khê nữa:

a) Vệ sinh ổ:

Với những ổ chim đang ấp trứng, nghĩa là mới thay rơm xong thì có thể không cần lưu ý tới, nhưng những ổ đang nuôi con, hoặc con đã ra ràng thì phải làm vệ sinh ngay. Những ổ này không những chất chứa nhiều phân mà còn có cả rận mạt bám vào rơm mà sinh con đẻ cái. Cần phái thay lớp rơm này, rồi cạo ổ cho sạch, sau đó lót rơm mới vào cho chim (nếu ổ đang nuôi con)... Làm vệ sinh ổ năm bảy cái thì không mệt, nhưng nếu liên tiếp vệ sinh năm bảy chục ổ thì không ai cho là chuyện dễ, và tất nhiên chiếm rất nhiều thời gian.

b) Vệ sinh ngăn kệ:

Kệ thì có nhiều tầng, mỗi tầng lại chia ra nhiều ngăn. Nếu chuồng nuôi một trăm cặp Bồ Câu tất nhiên phải có hơn 100 ngăn kệ. Số Bồ Câu nuôi càng nhiều cặp thì số ngăn kệ trong ngăn chuồng đó càng nhiều hơn...

Sau một tuần, các ngăn kệ đều dơ bẩn, đều có lớp phân dày của Bồ Câu bám chắc vào, vì đây là nơi chim đậu, nghỉ ngơi và ngủ, vì là “nhà” riêng của chúng. Phải dùng bay cạo mạnh thì lớp phân mới chịu bong ra, và sau đó là quét dọn sạch sẽ. Nên cạo quét các ngăn kệ của tầng trên trước, sau đó mới làm vệ sinh các ngăn thấp hơn...

Người làm vệ sinh dứt khoát phải mang khẩu trang để tránh bụi lông và bụi phân bay vào mũi vào miệng.

c) Vệ sinh nền chuồng:

Nền chuồng Bồ Câu thường bằng phẳng, nếu không lót gạch cũng được tráng xi măng, vì vậy tuy có lớp phân Bồ Câu đóng thật dày, nhưng việc cạo, quét và sau cùng là cọ rửa cũng không mấy khó khăn.

Trước hết, ta nên gom lại một góc chuồng số phân chim vừa được quét dọn từ ổ và kệ lại để hôt bớt ra ngoài. Sau đó mới bắt tay vào cạo xủi nền chuồng cho sạch. Trước khi dội nước cọ rửa nền chuồng, ta phải hốt hết phân chim đưa ra ngoài.

Trong khi làm vệ sinh chuồng như vậy, chim có hoảng hốt nhưng với mức độ không đáng ngại. Chúng thường bay tụ về một phía đối nghịch với người làm vệ sinh, chủ yếu là chúng đậu trên các ngăn kệ chỉ số ít mới bay tán loạn mà thôi. Chúng sợ hãi trông chừng từng cử chỉ của ta, vì vậy, khi đứng lên ngồi xuống, khi cầm chổi quét nên thong thả, và từ tốn, đừng cố tình tạo một cử chỉ mạnh bạo nào khiến chim hoảng sợ thêm.

Phân chim nên đổ cách xa chuồng trại và đốt ngay để diệt hết mầm bệnh chứa chất trong đó.

Phòng và chữa bệnh ở chim bồ câu

Như quí vị đã biết, chim Bồ câu không bị dịch, không bị toi phải chết hàng loạt như gà vịt, nhưng nó cũng vướng một số bệnh đáng quan ngại như bệnh thương hàn, bệnh trái rạ, các bệnh đường ruột, bệnh giun sán, rận mạt...

Nhiều người cho rằng Bồ câu là giống chim ít bị bệnh, nhưng nếu kể ra các bệnh từ nhẹ đến nặng của nó cũng trên dưới 20 thứ bệnh, chứ đâu phải ít...

Để tránh thiệt hại đáng tiếc do phiền muộn và tiền thuốc men cho chim bệnh, tốt hơn hết ta nên liệu cách phòng bệnh trước cho chim. Phòng bệnh thì có nhiều cách:

  • Khi mua chim giống, ta nên chọn những chim khỏe mạnh, không thương tật, không vướng bệnh ký sinh...
  • Nơi đặt lồng, nơi thiết kế chuồng trại phải là nơi cao ráo, mát mẻ, lại sạch sẽ. Hướng lồng, hướng chuồng phải quay về hướng Đông, Đông nam để được đón nhận ánh nắng ban mai và tránh được mưa tạt.
  • Kích cỡ lồng nuôi phải rộng rãi, đúng qui cách. Nếu nuôi tập thể thì mật độ chim trong chuồng ít ra cũng phải được 1,2 thước khối không gian cho một cặp chim đẻ (tiêu chuẩn nước ngoài là một thước khối không gian cho một con chim).
  • Thức ăn phải có chất lượng đảm bảo và cho ăn đúng khẩu phần dinh dưỡng cho từng loại chim.
  • Chất khoáng phải pha trộn đúng chất lượng, nên tự pha chế cho đúng công thức mà mình cho là tốt nhất.
  • Nước uống phải sạch, nước uống dành cho người như nước máy, nước giếng, nước mưa (không cho chim uống nước ao hồ, sông rạch, nhất là nước có nhiễm phèn nặng).
  • Theo dõi sức khỏe của chim nuôi hàng ngày, và khi phát giác chim bệnh là phải lo chữa trị ngay, đồng thời phòng ngừa lây lan sang những chim khác trong bầy đàn.
  • Vệ sinh hàng ngày, và hàng tuần kiểm tra vệ sinh chuồng trại, lồng nuôi để ngăn ngừa các mầm bệnh phát sinh và lây lan...

Nếu việc phòng bệnh được đặc biệt quan tâm thường xuyên thì hy vọng Bồ câu đang nuôi trong chuồng trại quí vị lúc nào cũng được khỏe mạnh và sinh sản tốt.

Và sau đây, chúng tôi xin nêu ra một số bệnh của Bồ câu, và hướng chữa bệnh đó:

Bệnh thương hàn

(Parathyphoid) Bệnh này do vi khuẩn Salmonella gallinacerum gây ra qua ngã tiêu hóa. Vi khuẩn chui vào phát triển ở niêm mạc ruột rồi tiết ra độc tố, gây tác động đến hệ thần kinh trung ương khiến Bồ câu nhiễm bệnh bị nhiệt độ tăng cao, cả ngày ủ rủ, rung rẩy như bị cảm lạnh, đến nổi biếng ăn mà chỉ uống nhiều nước. Mọi hoạt động của chim bị đình trệ, có con tiêu chảy, phân xám xanh có lẫn máu.

Với chim bệnh nặng, ta thấy da hai bên cánh và chân của chúng có nổi lên nhiều mụt nhỏ bằng đầu đũa mềm mềm, mắt chim lờ đờ và rúc đầu vào cổ... Nếu không chữa trị kịp thời, chỉ ba bốn ngày sau là chim chết.

Bệnh thương hàn của Bồ câu không có thuốc đặc trị. Tốt hơn hết nên cách ly gấp Bồ câu bị bệnh này để tránh lây lan sang những chim mạnh khác, xong đốt bỏ rồi chôn sâu xuống đất, rắc vôi bột lên trên để khử trùng... Điều trị bệnh này với những Bồ câu vừa chớm bệnh bằng các loại thuốc trụ sinh hiện có, có thể qua được, nhưng phải điều trị lâu dài vừa tốn công tốn của, liệu như vậy có lợi lộc gì hay không?

Bệnh trái rạ

Bệnh trái rạ còn gọi là bệnh đậu mùa (Pigeon pox) do một loại virus gây ra do ruồi, muỗi và các côn trùng khác truyền bệnh. Bồ câu bị bệnh này thường nổi mụt trước nhỏ sau to khởi đầu chỉ một hai mụt, sau đó nổi dày đặc lên vài ba chục mụt, thậm chí các mụt từ mũi, mắt, đầu, cổ, cánh, khắp thân mình và chân.

Chim bị bệnh thì nóng sốt cao, biếng ăn rồi bỏ ăn thân thể gầy yếu mau lẹ và độ mười ngày sau, có khi trễ hơn, là chết. Nhiều con bệnh nhẹ, chỉ nổi vài ba mụt, không chữa cũng tự chết.

Khi phát giác chim vừa nổi một hai mụt, ta nên cách ly thật xa chim bệnh ra khỏi chim mạnh rồi điều trị chung. Trước đây có thuồc Erythra ta cho chim bệnh uống ngày ba lần đồng thời dùng thuôc xanh (colyre bleu) bôi lên mụt thì độ vài ngày mụt sẽ xẹp xuống và chim hết bệnh. Nay loại thuốc Erythra không thấy bán, ta có thể dùng thuốc Chlortetracyclin 7,5 mg pha trong 4 lít nước cho chim uống vừa trị bệnh, vừa phòng ngừa. Đồng thời cũng dùng thuốc xanh bôi lên các mụt nổi trên mình của chim bệnh. Đây là bệnh lây lan, vì vậy, phải cách ly chim bệnh kịp thời, và tổng vệ sinh chuồng trại.

Bệnh Lao (Tuberculosis):

Đây là bệnh chung của các giống gia cầm, trong đó có Bồ câu. Bệnh do vi khuẩn Yersinia tuberculosis gây bệnh và phát triển chậm trong nhiều tháng.

Vi khuẩn vào cơ thể chim qua đường tiêu hóa, xâm nhập vào máu, vào các phủ tạng như phổi, gan, thận, ruột vì vậy nếu mổ chim bệnh ta thấy hầu hết các phủ tạng như tim, phổi, gan đều có tụ máu, lại nổi những mụt nhỏ màu vàng xám. Còn quan sát bên ngoài ta nhận thấy có các mụt, bướu nhỏ mọc dưới cánh. Bướu lao màu vàng, chảy nước. Chim biếng ăn, trì trệ mọi sinh hoạt, thân thể ốm lần mà chết.

Bồ câu đã bị bệnh lao, dù cứu sống nuôi tiếp cũng không kinh tế, vì vậy nên đốt bỏ để tránh lây lan. Cũng có cách điều trị như chích, cho uống các loại thuốc trụ sinh như Terramycine, Tetracyclin để vừa trị bệnh vừa tăng sức đề kháng cho chim, nhưng kết quả không mấy bảo đảm mà việc điều trị lại lâu dài....

Bệnh Viêm phổi: (Bronchitis)

Đây cũng là bệnh chung của các loại gia cầm, do phải sống trong điều kiện chật chội, ẩm thấp, thời tết quá nóng hoặc quá lạnh, ảnh hưởng đến sự hô hấp.

Với Bồ câu thì bệnh này vi sinh vật Mycoplasma gây ra, và xâm nhập vào cơ thể Bồ câu qua niêm mạc đường hô hấp. Chim bị bệnh thì cảm thấy khó thở, nước mắt nước mũi trào ra, khiến chim ủ rủ không màng đến ăn uống, vì vậy thân thể cứ suy yếu dần.

Việc đầu tiên là phải điều trị ngay các chim bệnh bằng các loại thuốc kháng sinh như Chloramphenicol, tylosin, streptomycin, và tăng sức đề kháng cho chim bằng các loại vitamin A, D, E... sau đó là phải rà soát loại khâu vệ sinh chuồng trại sao cho thoáng mát vào ban ngày, và tránh gió độc, gió lạnh trong ban đêm cũng như suốt mùa lạnh giá.

Bệnh tiêu chảy (Dysentery, diarrhea):

Đây là bệnh tuy ít gây nguy hiểm đến tính mạng Bồ câu, nhưng nếu điều trị không kịp thời hoặc điều trị không đến nơi đến chốn thì chim bệnh cũng suy kiệt dần sức lực mà chết. Thường những Bồ câu cơ thể vốn ốm yếu sẵn mới dễ bị bệnh này. Bệnh tiêu chảy xảy ra có thể vì thức ăn kém phẩm chất, hư mốc, lên men, cũng có thể là do nước uống quá dơ bẩn. Bồ Câu chỉ cần nhiễm bệnh trong vài giờ đã lộ sức suy yếu rồi, vì thế bệnh này có thể kéo theo các bệnh khác như cầu khuẩn, sưng mắt... Bồ câu bị bệnh đi tiêu phân lỏng, nát, có nước màu vàng lợt hay xanh lá cây.

Cách điều trị là pha 2 viên Perperine với 30 phân khối nước (gần một xị rưỡi) cho chim bệnh uống 3 lần trong một ngày.

Bệnh giun đũa (Ascallidiosi):

Chim bị bệnh giun đũa thì thân thể gầy còm, dưới bụng nhô lưỡi hái ra ngoài chẳng khác gì lưỡi dao mỏng dính, vì rằng những chất bổ ăn vào bị giun rút ra hết trước khi phân bố nuôi cơ thể của chim.

Giun đũa của Bồ câu có chiều dài chưa tới một phân, sống ký sinh ở ruột non, ở bầu diều. Giun cái đẻ trứng ở ruột non, trứng theo phân chim ra ngoài chim khác ăn vào nên trứng có cơ hội xâm nhập dạ dày, ruột non và nở thành ấu trùng, phát triển thành giun. Vòng đời của giun đũa từ lúc còn là trứng do giun cái đẻ ra đến khi thành hình hài mất hết 37 ngày. Từ đây chúng sống ký sinh ở ruột non, ở diều chim để hút hết chất dinh dưỡng do chim hấp thụ được từ thức ăn nên thân thể Bồ câu đó cứ gầy còm dần cho đến ngày kiệt sức.

Ta có cách ngừa bệnh, thì dùng thuốc xổ toàn bầy chim, mỗi năm hai bằng thuốc piperazin, theo liều lượng ghi sẵn trong toa. Với chim đang bệnh, thì dùng thuốc piperazin.

Piperazin adipinat trộn vào thức ăn cho chim ăn, với liều lượng 0,30g cho một ký lô Bồ câu.            Chỉ cần cho uống hai lần, mỗi lần cách nhau một tuần là hy vọng chim sẽ hêt giun này.

Ngoài những bệnh gây nhiều nguy hiểm cho tính mạng Bồ câu vừa đề cập ở trên, Bố câu con có những bệnh được tóm tắt sau dây:

Bệnh loét miệng (CANKERD):

Bệnh này xảy ra do nơi ở của Bồ câu quá chật chội lại ẩm thấp. Đã thế thức ăn và nước uống kém dinh dưỡng, dơ bẩn lại bị ruồi nhặng, chuột bọ lui tới làm ô nhiễm. Bệnh nặng chim có thể bỏ ăn mà chết. Bệnh nhẹ nếu trị từ đầu thì dề trị, nhưng sau đó chim sẽ đèo đẹt chậm lớn. Nếu đang nuôi giống cũng loại ra bán thịt.

Chim bị bệnh này thường loét miệng, loét bụng...Nên dùng bông gòn quấn vào que nhang rồi nhúng vào dung dịch: 3 phân thuốc glycerin với một phần tinture of iodine lau kỹ những nơi bị loét. Nên lau nhiều lần trong ngày cho đến khi lành bệnh.

Bệnh sưng mắt (Roup):

Bệnh này thường xảy ra vào mùa lạnh, hoặc không khí thay đổi bất thường. Bồ câu bị bệnh mắt bị sưng lên, trong khi nước mũi có màu vàng, trước loãng sau đặc sệt rồi bít kín mũi khiến chim phải thở bằng miệng. Nếu không trị kịp thời, chỉ vài ba ngày chim sẽ chết.

Nhốt chim bệnh nơi kín gió, ấm áp rồi rẻo mắt mũi chim bệnh bằng dung dịch Potassium permanga- nate.

Bệnh c (Coccidiosis):

Mầm bệnh do vi khuẩn protozoan gây ra trong điều kiện chăn nuôi quá xấu như chuồng trại ẩm ướt, thức ăn nước uống bị ruồi muỗi, gia cầm, chuột bọ, chim sẽ làm cho ô uế.

Với môi trường sống này và thức ăn kém dinh dưỡng và mất vệ sinh này chim nuôi dễ mắc bệnh. Bồ câu bệnh cầu khuẩn ăn không tiêu, phần lông có màu xanh lá cây hay xanh lục, và chẳng mấy ngày mình đã gầy ốm, đi đứng ủ rủ.

Trị bệnh bằng cách cho chim bệnh uống nước có pha một viên perperine với nửa xị nước. Ngoài ra phải tẩy trùng lồng nuôi, chuồng trại cho sạch sẽ.

Bệnh vẹo cổ, niễng đầu (Vertigo):

Mới đầu nhiều người cứ tưởng là chim bị bệnh cúm, thấy chúng đi lại và bay khó khăn, thỉnh thoảng có chút run rẩy. Nhưng hôm sau thì thây cơ và gân bị rút khiến đầu Bồ câu bệnh vẹo xuống ức, đồng thời một hay hai chân bị rút lại khiến chim bệnh gục xuông không đứng lên nổi.

Bệnh đã trở nặng thì rất khó trị, mà chim có lành cùng không thể tiếp tục nuôi làm giống được, nên thường bị loại bỏ. Trừ những chim quí hiếm thì tri theo phương thức “còn nước còn tát” mà thôi. Mỏi ngày chích thịt 5mg dung dịch Thiamine hydro- chloride, chích cho đến khi chim lành bệnh.

Bệnh mủ mắt (Eye colds):

Bồ Câu bệnh bị chảy nước mắt, ngày đầu thì loãng, mấy hôm sau nước mắt đặc như có mủ, vì vậy hai mi mắt bị dính cứng lại khiến chim không thấy đường ăn uống. Chim bị bệnh này thân nhiệt tăng cao, dáng ủ rủ, lông xù lên.

Bệnh này dễ chữa hết, bằng cách nhỏ thuốc Aureomycine 50mg vào họng Bồ Câu bệnh theo liều lượng in trong toa, đồng thời dùng nước muối rửa mắt cho chim bệnh vài lần trong ngày.

Bệnh phùng bầu diều (Crop Bound):

Do thức ăn chậm tiêu hóa hoặc không thế tiẽu hóa nên bầu diều của Bồ Câu mới phình to ra và cứng ngắc. Chim bị bệnh này cảm thấy khó chịu, nặng nề, đi lại khó khăn, và tất nhiên là không thiết đến chuyện ăn uống. Có thể đây là do tác nhân gây bệnh là loại giun ký sinh ở bầu diều gây ra, làm viêm diều, do viêm mạc của diều bị thương tổn nặng.

Có hai cách để chữa trị: một là mổ diều ra để lấy sạch thức ăn ra ngoài, xong may lại (nhớ may hai lớp: lớp diều bên trong trước và lớp da bên ngoài may sau), hai là dùng thuốc piperazin adipinat trộn vào nước uống cho chim bệnh uống.

Khi chim lành bệnh thì sống sởn sơ mạnh khỏe như chim bình thường.

Bệnh hoảng loạn

Bồ Câu rất dạn người, thích sống gần người, cho nên chim hoảng loạn thường không do ở người mà ở chó, mèo, chuột, có khi do kiến.

Khi chim đã sợ thì chúng bỏ chuồng bay di nơi khác (nếu nuôi thả) còn nuôi chuồng thì bỏ ổ rồi rủ nhau bay dạt về một nơi nào đó tỏ vẻ lo lắng sợ sệt... đến nỗi không dám lân la đến máng ăn uống.

Bệnh này không cần đến thuốc thang chữa trị, mà chỉ cần cố giữ cho môi trường sống của chim cảnh được thật sự yên tĩnh về lâu về dài, thì chúng sẽ bớt sợ dần...

Chim Bồ Câu (tên khoa học: COLUMBA LIVIA) là giống chim dễ nuôi và sinh nhiều lợi, đó là điều ai cũng biết. Loài người đã biết nuôi giống chim cảnh này từ xa xưa (các năm trước Công nguyên), và trừ vùng cực Bắc bán cầu và cực Nam bán cầu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều nuôi Bồ Câu. Nước nào cũng có vài chục loại riêng của mình.

Khái quát về giống chim bồ câu

Hiện trên thê giới có đến 1250 loại Bồ Câu, trong đó có 200 loại đã được thuần hóa, và có trên mười ngàn loại lai giống.

Nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay, trong đó có Mỹ và Canada đều tổ chức các hội nuôi nuôi Bồ Cầu va thu nạp được rất đông hội viên tham dự. Chẳng hạn như Hội FANCIERS ASSOCIATION, hàng năm hội viên đều tổ chức hội họp với nhau, và thỉnh thoảng tổ chức Hội chợ Bồ Câu để trưng bày và triển lãm các giống chim mới lạ mà họ nuôi và đã góp công lai tạo được. Được biết năm 1997 vừa qua tại Canada có cuộc triển lãm Bồ Câu, và trưng bày một số lượng lớn (là đến 10 ngàn) con cho khách thưởng ngoạn.

Cách chăm sóc chim bồ câu

Cách nuôi chim bồ câu

Ngoài ra, hầu hết các nước cũng đã lập ra nhiều trại nuôi Bồ Câu hơn, chẳng hạn như ở Pháp có trại EURO PIGEON, và ngay các nước láng giềng với ta như Thái Lan, Singapore… cũng có nhiều trại Bồ Câu rất lơn.

Ông bà ta xưa cũng biết nuôi Bồ Câu từ lâu, nhưng cách nuôi của mình có tính gia đình, lại nuôi thả nên kết quả thu được không đáng là bao, nhiều khi còn phải nếm mùi thất bại nữa. Đến nỗi, các cụ phải khuyên con cháu đừng nghĩ đến chuyện làm giàu bằng cách nuôi Bồ Câu:

“Muốn giàu nuôi trâu nái,

Muốn lụn bại nuôi bồ câu”.

Cách nuôi Bồ Câu ta trước đây là nuôi thả. Mà nuôi thả thì có nhiều lý do để chim nhà bỏ chuồng mà đi. Tính ý của Bồ Câu không bội bạc vói chủ, nhưng nếu một khi điều kiện sống của nó không còn thích hợp thì nó phải tìm nơi ở lý tưởng khác để sinh sống mà thôi.

Nếu nuôi Bồ Câu mà không nắm vững phần kỹ thuật chăn nuôi, từ cách làm chuồng trại, từ cách chăm sóc đến cách cho ăn… thì chúng rủ nhau bỏ chuồng mà đi cũng phải.

  • Bồ Câu thích ở chuồng rộng rãi và cao ráo. Bạn nên nghĩ đến cách đặt chuồng ở một độ cao thích hợp nào đế Bồ Câu khi bay đi kiếm ăn có thể nhận định được hướng chuồng của nó mà bay về, nhất là đối vói những chim mới. Chuồng phải được quay về hướng Nam hoặc Đông Nam để hưởng nhiều ánh nắng mặt trời, và đồng thời tránh trực tiếp mưa tạt.
  • Bồ Câu rất sợ chó và mèo, nhất là mèo. Mèo rất thích vồ Bồ Câu để ăn thịt, vì vậy nuôi Bồ Câu là phải trừ mèo. Mèo không thể ở chung nhà hay chung khu vườn với Bồ Câu. Nếu chuồng Bồ Câu bị mèo đến viếng nhiều lần, hoặc Bồ Câu đang kiếm ăn trong vườn trong sân mà bị mèo vồ hụt, chúng cũng hoảng hồn bỏ chuồng mà đi. Một con đi thì thế nào con khác cũng bay theo.
  • Nuôi Bồ Câu thả cũng phải biết cách cho ăn: sáng cho ăn chút ít, nhưng chiều tối khi Bồ Câu tụ về phải cho ăn thật no. Nếu nuôi mà không cho ăn thì chúng sẽ tìm nơi no đủ mà tới. Ta có câu “Thóc đâu bồ câu đấy” thì đủ thấy rằng giống chim này khôn ngoan đến mức nào.

Nếu những điều kiện trên không được thực hiện đúng như vậy thì bạn đừng trách Bồ Câu bỏ bạn mà đi.

Ngày nay thì việc nuôi thả ít ai còn áp dụng, mà nuôi bằng lồng, bằng chuồng, bằng trại. Tức là nhốt. Nuôi theo cách này thì tốn hao diện tích, công, của, nhưng kết quả tốt đẹp hơn, có kinh tế hơn.

Nếu nuôi nhốt trong lồng, thì mỗi lồng nên nuôi một cặp để chúng sinh trưởng và sinh sản trong đó. Nếu nuôi nhốt trong chuồng trong trại thì bạn nên tính cách nào để mỗi cặp có được một thước khối không gian mới đủ cho chúng xoay trở mà sống.

Còn lồng nuôi từng cặp, thì tùy vào cặp chim đó lớn hay nhỏ để có kích thước cho phù hợp. Ví dụ với loại chim vừa thì chiều rộng của lồng là sáu tấc, sâu năm tấc, và chiều cao khoảng bốn tấc là vừa. Nhưng với loại Bồ Câu lứn như Romain, Montauban, Poule Maltais…thì kích thước lồng phải lớn hơn cho mỗi cặp: chiều rộng là tám tấc, sâu sáu tấc và cao phải đến năm tấc mới vừa.

Loại chuồng vừa để nuôi chừng mười cặp (nuôi tập thể) thì bề ngang phải ba thước, sâu hai thước rưỡi, và cao khoảng một thước tám (3m x 2m50 x lm80).

Nếu là nuôi trại thì tùy vào cách sắp xếp của chủ nuôi, có thể chia ra làm nhiều ngăn, và mỗi năm như vậy để nuôi khoảng 50 cặp, hay 100 cặp hoặc vài trăm cặp… Chuồng nuôi tập thể với số lượng chim nhiều nên có sân chơi cho chim để chúng sưởi nắng và tiếp xúc với khí trời, và nhất là phải có điều kiện vệ sinh cho chim thật tốt mới được.

Thời điểm nào cần cho chào mào ăn cám hay ăn đồ tươi rất quan trọng

Cách lựa chim bồ câu giống

Trước khi bắt tay vào việc nuôi Bồ Câu bạn nên tự hỏi mình là nuôi với mục đích gì? Nuôi để chơi, tức là để giải trí, hay là nuôi với mục đích kinh doanh? Câu tự hỏi kê tiếp là nuôi tập trung vào một giống nhất định hay là nuôi nhiều giống? Và cụ thể là giống gì? Một câu tự hỏi khác cũng không kém phần quan trọng là bạn có thực sự thích nuôi Bồ Câu không, và có đủ điều kiện như mặt bằng, tiền bạc cùng sức khỏe để nuôi không? Tất nhiên là còn nhiều câu đáng để cho bạn tự hỏi lại mình trước khi “đạp” vào nghề…

Bạn nên chọn những con giống khỏe mạnh mà nuôi. Bồ Câu khỏe mạnh thì có nhũng đặc điểm sau đây:

  • Bộ lông nhiều, sắc bóng láng và sạch sẽ.
  • Mắt sáng và lanh lợi. Đôi mắt càng nảy lửa thì nó càng chứa nhiều sắc tô.
  • Lông chim quanh hậu môn phải khô và sạch mới tốt.
  • Chim khỏe mạnh lúc nào cũng tỏ ra năng động và tò mò, chứ không đứng một nơi mà ngủ gục.
  • Chim bị mạt hay có ký sinh vật ngoài da hay trong mình thì có lớp vảy màu trắng đóng ở mí mắt, ở góc mỏ, ở chân và quanh hậu môn.
  • Khi ngủ chim không đứng yên, thỉnh thoảng còn dùng mỏ ria lông rỉa cánh là chim đang bị rận mạt làm ngứa ngáy khó chịu…

Chỉ biết chắc những chim nào khỏe mạnh bạn mới chọn nuôi. Những chim nghi ngờ bị bệnh, dù là bệnh ngoài da, dù bán rẻ cũng nên từ chối, đừng tiếc, vì sau này chúng có thể lây bệnh cho nhau, khiến bạn phải tốn kém nhiều trong việc chữa trị.

Những giống bồ câu nổi tiếng

Bồ Câu nổi tiếng trên thế giới thì có rất nhiều. Những giống nổi tiếng là những giống được nhiều nguời chọn nuôi. Chúng tôi chỉ xin trình bày một số giống tiêu biểu sau đây để bạn tìm hiểu:

Bồ câu MONTAUBAN:

Giống này có thân mình to, nặng đến 900gr, chiều dài hai cánh đo được 90 phân, trên đầu có chổm lông hình con sò dựng phía sau gáy trông rất sang trọng, quí phái. Phần vai, ngực của chim nở hang và phần thân sau dài nên trông Montauban có vẻ dềnh dàng to lớn.

Chim này có bốn sắc lông: trắng, đỏ, đen và nhiều màu. Trên thị trường màu trắng thì nhiều, màu đỏ và đen hơi hiếm. Còn loại có sắc lông nhiều màu lẫn lộn với nhau không có giá bằng các loại lông tuyền màu như trắng, đỏ và đen.

Montauban ấp trứng rất dở, nó thường đạp trứng bể và chim con mới nở cũng thường bị mẹ vụng về đạp chết, vì vậy mỗi lứa nuôi được một con là nhiều.

 

Bồ câu OLD DUTCH OWL:

Giống Bồ Câu này có xuất xứ từ Hà Lan với kích thước trung bình. Chim có chiếc đầu vừa phải, mà bề ngang lớn nhất trên đầu là phía trước mắt. Ngực chim được bảo vệ vói bộ lông dài và có đường viền rất đẹp. Đôi mắt chim đen và tròn to khiến chim có nét sống động. Chân chim dài trung bình và có sắc lông màu trắng.

 

Bồ câu ORIENTAL FRILL:

Chim này do sự lai tạo của người Hy Lạp và Anh. Chúng là giống chim có kích thước nhỏ, trông rất duyên dáng. Đôi chân của Orienl Frill ngắn lại có lông nên khi chúng đứng cũng trông như ngồi xổm vậy. Đối vói những con có lông đầu màu sáng thì mắt chung là màu cam, còn những chim có lông đầu màu tối thì mắt chúng lại là màu trắng. Lông có những đường viền rất đẹp khiến con chim có vẻ sang cả. Mỏ chim như mỏ chim cú cho nên việc đút mồi cho chim con hơi khó khăn, vì vậy chúng cần có sự chăm sóc đặc biệt.

 

Bồ câu AFRICAN OWL:

Giống Bồ Câu nhỏ con này được nhập sang Châu Âu từ Tunisia vào năm 1850. Loại chim này được nhiều người chọn nuôi vì dễ gây ấn tượng về bề ngoài của nó: đầu tròn, ngực nở, vai rộng, lưng ngắn và mỏ rất ngắn. Bộ long rất phát triển, chim có một đường viền chạy dài từ điểm giữa của hàm dưới đến hai mắt bằng một góc tam giác 45 độ. Chim có đôi mắt to, chim lông trắng thì mắt màu tối, còn lông màu nhạt thì mắt màu cam.

 

Bồ câu ITALIAN OWL:

Chúng xuất xứ tại Ý, có đôi chân dài nhất. Đặc biệt là cổ chim cao vừa phải nhưng lại có thể quay ra sau một cách linh hoạt. Giống này trông rất khỏe mạnh, đi trên những ngón chân trông hùng dũng.

 

Bồ câu CHINESE OWL:

Chúng có nguồn gốc từ châu Phi, nhưng lại được nuôi rất nhiều ở Đức. Thân mình thì lớn vừa phải, nhưng trông bề ngang nở nang, và hai chân cách xa nhau. Ớ Đức nhiều người nuôi giống chim này và họ có kỹ thuật nuôi rất hoàn hảo.

 

Bồ câu ANTWERP SMERLE:

Đây là loại Bồ Câu lớn của Bỉ. Thân mình nó cứng cáp, khỏe mạnh. Chim có đầu lớn, trán rộng, mắt màu nâu đậm, mỏ lớn và rất khỏe, chân không lông.

 

Bồ câu GERMAN SHIELD OWL:

Loài chim này xuất xứ tại châu Á, nhưng được lai giống ở Đức. Hình dáng trông hao hao với giống AFRICAN OWL. Chim có thân mình trung bình tròn trịa, ngực rộng, chân thấp, và có sức chịu đựng rất giỏi.

 

Bồ câu SATINETTE:

Bồ Câu Satinette được xếp vào loại Les cravatés tức bộ Bồ Câu lông xoắn, thân mình vừa phải, lông có màu sắc đẹp gây sự chú ý của mọi người. Chân Satinette có lông phủ từ gối xuống tận bàn chân y như nó đang mang hia. Màu sắc ở cánh rất đa dạng như nâu, xanh lơ, vàng nhạt, phớt bạc… Satinette sinh sản tốt, nuôi con giỏi.

 

Bồ câu ROMAIN:

Bồ Câu Romain có thân hình đồ sộ, có thể nói là lớn nhất trong các giống Bồ Câu. Romain xuất xứ từ sau đó qua Pháp và lan tràn sang nhiều quốc gia khác. Nhưng, xem ra giống này hợp với thủy thổ của nước Pháp hơn.

Romain có thân mình dài, nếu đo từ đầu đến cánh có thể đến 70 phân, đầu to, mỏ to và hơi cong, mắt lồi và con ngươi màu trắng như mắt cá. Mí mắt của chim màu đỏ. Cổ bồ câu Romain rụt lại nhưng to, ngực không mấy nở nhưng lưng rộng và bằng phẳng. Chân Romain hơi thấp, cách xa nhau. Ngón chân dài, mạnh nên thân chim dù to lớn nhưng thế đứng của nó vững chắc.

Giống chim này rất được nhiều người chọn nuôi làm cảnh, do nó lớn con và có nhiều màu lông (8 màu) khác nhau. Ai thích chim màu gì thì chọn màu đó mà nuôi:

  • Romain màu lông biếc lớn con nhất.
  • Romain màu lông hung hung như lông của sư tử, ức và cánh màu kem, nhưng cánh và đuôi có sọc màu nâu sâm.
  • Romain màu lông đỏ tươi.
  • Romain màu lông da nai.
  • Romain lông biếc, có nổi sọc màu đen.
  • Romain màu lông trắng tuyền.
  • Romain màu lông đen nhánh.
  • Romain màu lông xám đốm trắng, đen đốm trắng.

Ngoài tám màu chính đó ra, Romain còn có những sắc lông khác, nhưng được ít người ưa chuộng.

  • Lông màu than, có vẻ tăm tối.
  • Lông màu chuột xám.

Chim Romain vì lớn con (trông nặng đến một kí ba và mái cũng hơn một kí) nên ấp trứng và nuôi con rất tệ. Ít có lứa nào nó không đạp bể trứng (thường thì bể một trứng) và chim con nở ra trong ngày đầu cũng khó lòng thoát chết vì bị cha mẹ đè bẹp. Vì vậy, nuôi Romain phải gởi trứng cho chim vú ấp mới thành công. Chim vú có thế là chim King nặng khoảng 800grs, và mỗi cặp vú nên cho ấp một trứng và nuôi một con của Romain thôi, vì như vậy mói đủ sức móm mồi cho chim con.

 

Bồ Câu KING:

Bồ Câu này xuất xứ từ Mỹ, chim trống nặng khoảng 800grs, mình tròn, ngực nở, lưng có chiều ngang, bằng và ngắn. Đầu chim to, mỏ chắc và mạnh. Chim có ba màu lông: vàng nâu, đen và trắng. Giống này đẻ sai, nuôi con giỏi, nuôi thịt cũng tốt mà nuôi làm chim cảnh cũng đẹp…

THỨC ĂN CỦA BỒ CÂU

Bồ Câu có thân nhiệt cao, khoảng 41,8 độ C nên chúng cần một số năng lượng rất lớn. Số năng lượng này lấy từ thức ăn của chim, gồm các chất Carbohydrates và các chất béo.

Chất Carbohydrates có trong các loại hạt ngũ cốc và các loại đậu. Chất béo cũng có từ trong các hạt ngũ cốc đó.

Chất Carbohydraters gồm có đường và tinh bột. Chúng được tiêu hóa trong cơ thể để tạo thành các loại đường có thể hòa tan, được hoán chuyển thành glycogen để lưu trữ trong gan của chim. Khi được cần đến thì nó sẽ đến các cơ bắp, rồi sẽ được dùng như nhiên liệu để tạo ra năng lượng và nhiệt lượng.

Các chất béo cũng tạo ra năng lượng nhiều gấp 5 lần so với carbohydrates.

Với Bồ Câu nuôi lồng, nuôi nhốt thì không cần nhiều năng lượng như Bồ Câu thả, nên các chất béo không bị đốt cháy bởi chúng không có cơ hội để hoạt động như Bồ Câu ở ngoài trời, cho nên chúng có vẻ bơ phờ và ít đẻ trứng. Vì vậy, với Bồ Câu nuôi nhốt bạn cần cho ăn ít chất béo.

Trong thức ăn dành cho Bồ Câu phải có chất protein, chất khoáng, vitaMine và nước.

Ngũ cốc, đậu và các loại hạt để nuôi Bồ Câu phải là thứ tốt, mới, chất lượng cao nhất mới tốt. Thức ăn đã quá cũ, đã ẩm ươt, đã lên men do dự trữ nơi ẩm ướt thì dứt khoát không nên cho chim ăn.

Thức ăn dành cho Bồ Câu gồm có bắp hột, đậu xanh, lúa và gạo lứt. Tất cả những thức ăn này đều có chứa nhiều protêin, thường thì được pha trộn theo công thức sau đây:

  • 4 phần bắp (nguyên hột)
  • 3 phần đậu xanh (nguyên hột).
  • 2 phần gạo lứt.
  • 1 phần lúa.

Mỗi ngày, bạn nên cho chim ăn ba bữa, và ăn thật no nê. Chim ăn xong bữa thì không chừa lại thức ăn trong máng mục đích là kích thích cơn đói của chim để chúng ăn no trong bữa ăn kế tiếp. Tuy nhiên, nếu chim đang nuôi con thì thức ăn phải có thường trực trong máng suốt ngày, vì chúng phải tìm mồi để móm cho bầy con liên tục.

Vấn đề sinh sản của chim bồ câu

Khi chim mái bắt đầu chịu trống thì khoảng mười ngày sau nó sẽ đẻ trứng. Chim thường đẻ mỗi lứa hai trứng, nhưng cũng có khi chỉ đẻ một trứng, và cũng có trường họp ngoại lệ đẻ được ba trứng.

Trứng thứ nhất thường được đẻ vào buổi chiều, và khoảng 44 giờ sau đó, chim sẽ đẻ trúng thứ hai, tức là cách một ngày và sáng hôm sau đẻ lại. Đẻ trứng thứ hai xong là chim mái nằm lì trong ổ để ấp. Chim ấp cả ngày lẫn đêm và trống mái thay phiên nhau ấp.

Thời gian chim mái ấp khoảng bốn giờ chiều đến mười giờ sáng hôm sau. Chim trống, sẽ thay vợ ấp từ mười giờ sáng đến bốn giờ chiều. Việc thay ca ấp của vợ chồng Bồ Câu thường là như vậy.

Do chim mái ấp nhiều giờ hơn, nên chim trống thường đến móm mồi cho chim mái tại ổ, đến phiên chim trống ấp thì ít thấy chim mái làm việc này với chồng,

Trứng được ấp qua ngày thứ sáu, bạn có thể rọi trứng ra ánh sáng mặt tròi, hoặc ánh đèn điện để biết trứng có cồ hay không. Nếu trứng không cồ thì màu trong khe, còn có cồ thì bạn thấy được cái phôi nằm trong ấy, cỏ cả gân máu nữa.

Thời gian ấp khoảng mười sáu ngày, nhưng cũng có khi trễ hơn vài ngày là chim con nở.

Đến ngày nở, chim con đã bắt đầu rọ rạy như cố tìm lối thoát ra, ta nghe tiếng nó mổ cọc, cọc nhè nhẹ vào vỏ. Trên đỉnh của mỏ chim con có một cục bằng hột tấm gọi là “răng trứng”, để chim con dùng nó mà khẻ nứt vỏ trứng. Chim con sẽ làm rạn nứt một chỗ nhỏ trên vỏ trứng, và nó cứ mô mãi chỗ ấy cho đến khi tạo ra được một lỗ thông. Lỗ thông đó sẽ được chim mổ lớn dần ra, cuối cùng nó rán cựa quậy để làm bể vỏ mà chui ra ngoài.

Từ lúc chim con bắt đầu khẻ mổ cho đến khi nó chui mình được ra ngoài, nếu mau lắm là mười giờ đồng hồ, và trễ là 30 giờ, tức hơn một ngày một đêm.

Sau khi chim nở được vài ba ngày thì cái “răng trứng” ở mỏ nó sẽ bị tan biến nên không ai thấy nữa.

Chim con ra đời thường uớt nhẹp cả thân mình, nhưng nó được chim mẹ ủ kín nên chỉ vài giờ sau là khô ráo và trông lanh lẹ ngay. Chúng bắt đầu nhận được “sữa” mẹ móm cho.

Sữa của Bồ Câu là chất được tạo ra ở thành của bầu diều của cả chim cha và chim mẹ. Thứ sữa này đã bắt đầu có từ ngày chim cha mẹ nằm ấp ngày thứ mười đến ngày thứ mười hai. Đến ngày chim con sắp nở thì trong bầu diều của chim cha chim mẹ, lượng sữa được tạo ra nhiều nhất.

Chất sữa này giống như fromage, chứa một lượng protéin từ 14 đến 16 phần trăm, và một lượng chất béo từ tám đến mười phần trăm.

Trong tuần lễ đầu chim con được cha mẹ móm cho thứ sữa đặc biệt đó, đến những ngày kế tiếp thì chim con được mớm cả sữa lẫn thức ăn hạt. Và khi chim con được 12 ngày tuổi thì nó chỉ được chim cha mẹ mớm bằng thức ăn của chim lớn, vì lúc này trong diều của chim Bồ Câu cha mẹ không còn tiết chất sữa đặc biệt đó nữa.

Có những trường hợp, chim con bên trong mổ vỏ mãi nhưng không sao làm bể vỏ trứng để chui ra ngoài. Đó là vì do chim con quá yếu sức, hoặc cũng có thể do chất nước nhờn bên trong vỏ trứng khô quá nhanh. Nếu bạn không biết cách can thiệp thì con chim con bên trong sẽ bị chết vì kiệt sức.

Có nhiều cách để can thiệp hữu hiệu: một là ta nhổ một ít nước Miếng vào cái lổ vỏ trứng để chim con bên trong nhờ vào chất trơn và ấm của nước Miếng mà xoay trở dễ dàng mà cựa quậy cho vỏ mau bể ra mà thoát ra ngoài. Xin nhớ là sau khi “tiếp tế” nước Miếng xong là phải đặt trứng vào ổ để chim mẹ ấp tiếp. Hai là chúng ta chịu khó dời nhẹ cái trứng để đầu chim con được thoải mái mà tìm dịp chui ra.

Việc ta can thiệp bằng cách tự bóc vỏ trứng và lôi chim con ra ngoài thường đem lại kết quả tệ hại: chim con bị chết.

Bồ Câu con nở ra chừng hai ngày thì trọng lượng của nó to gấp đôi so với lúc vừa sinh ra. Hai mươi ba ngày tuổi bộ lông của chúng mọc gần đầy đủ, và một tháng tuổi đã bắt đầu tập ăn; lúc này gọi là chim ra ràng.

Bồ Câu ra ràng là món ăn ngon, bổ lại vừa sang nên nó chỉ có trong thực đơn của các nhà hàng dành cho các buổi tiệc như cưới hỏi chẳng hạn.

Trước đây vài ba thập niên, ở Sài Gòn có nhiều trại nuôi Bồ Câu rất lớn, nuôi đến bốn năm ngàn con. Và hiện nay các quận huyện ở thành phố Hồ Chí Minh, Thủ Đức, Gò Vấp, và ở Biên Hòa… cũng đã thành lập nhiều trại Bồ Câu mới có tính qui mô với Bồ Câu giống lớn ngoại nhập. Chẳng hạn như ở Gò vấp có trại Bồ Câu AN LỘC của kỹ sư Phạm Văn Mười ở phường 17 đang tiến đến mức nuôi cả ngàn cặp vừa thịt vừa cảnh.

Bồ Câu nuôi cho nhiều lợi, nhưng bạn phải chịu khó đầu tư vốn, và nhất là phải có mặt bằng rộng rãi, cách xa nhà cửa của dân sinh sống quanh vùng lại càng hay.

Website: https://chomeocanh.com/

 Facebook: https://www.facebook.com/Chomeocanh.comPetshop

 Youtube: https://www.youtube.com/c/Chomeocanh.comPetshop/

 Instagram: https://www.instagram.com/Chomeocanh.competshop/

  • 606/121 đường 3 tháng 2, phường 14, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh. (Hẻm Xe Hơi lớn đỗ cửa).
  • Số 95, đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Tp Hà Nội.
  • Tiệm cà phê thú cưng MeowGo Coffee Đà Lạt: 70/1 Pasteur, phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
  • Chomeocanh.com Pet Farm Đà Lạt: Km 2, đường Quảng Thắng, xã Xuân Thọ, Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

☎️ Điện thoại: 0965 086 079

 

Hình ảnh cửa hàng, nông trại

Địa chỉ liên hệ:
  • 127 đường số 9, Khu dân cư Trung Sơn, Bình Hưng, Quận 7, TP.HCM.
  • 95, đường Nghi Tàm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội.
  • Tiệm cà phê chó mèo thú cưng MeowGo Cafe Đà Lạt: 70/1 Pasteur, phường 4, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
  • Nông trại Pet Farm Đà Lạt: Km 2, đường Quảng Thắng, xã Xuân Thọ, Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Chomeocanh.com quận 10
Chó Phốc sóc tại Chomeocanh.com Petfarm Đà Lạt
Chomeocanh.com Petfarm Đà Lạt
Quyền lợi khách hàng mua mèo Anh lông ngắn tại Chomeocanh.com Petfarm
Chomeocanh.com Petfarm Đà Lạt
Chomeocanh.com Petfarm Đà Lạt
Chomeocanh.com Petfarm Đà Lạt
Chế độ bảo hành khi mua Phốc sóc từ Chomeocanh.com
Chomeocanh.com Petfarm Đà Lạt
Chomeocanh.com Petfarm Đà Lạt
Cửa hàng bán chó Border Collie tại Chomeocanh.com quận 1, Tp Hcm.

Block "88770" not found

HÃY GỬI EMAIL CHO CHÚNG TÔI
NẾU BẠN CẦN THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *