Thức Ăn Của Chim Bồ Câu gồm những gì – Cách cho Bồ Câu ăn

Nuôi Bồ câu theo cách thả như ông bà mình ngày xưa đã áp dụng, thì khâu đồ ăn cho chúng khỏi phải lo lắng nhiều. Ta vốn có câu ca dao:

Cu Cu ăn đậu ăn mè,

Bồ câu ăn lúa, Chích Chòe ăn sâu.

Ngày hai bữa, sáng và chiều, ông bà mình rải ra sân vài ba nắm lúa để cho chim Bồ câu trên chuồng sà xuống ăn, như vậy là khỏi cần lo toan gì đến cái ăn cho chúng nữa. Ăn như vậy thì làm sao đủ no, cho nên sau bữa sáng được lót lòng “năm ba hột” Bồ câu phải bay túa ra đồng, ra nương ra rẫy để nhặt nhạnh hột rơi hột rụng cho đầy bầu diều.

Thức ăn của chim Bồ Câu là gì?

Thức ăn kiếm được ngoài đồng có thể không ngon, nhưng chắc chắn là có những chất cần thiết cho sự dinh dưỡng của chim. Do bản năng sinh tồn thúc đẩy, Bồ câu nuôi thả biết thèm những thức ăn mà cơ thể nó đang cần, và tất nhiên nó cố tìm những đó để ăn, chẳng hạn như muối khoáng, vitamine… và cả những vị thuốc có sẵn ngoài thiên nhiên thích hợp với bịnh tình của chúng, ta không biết nhưng chúng lại biết.

Trong đời sống, có những chuyện kỳ lạ xảy ra chung quanh ta mà ta không sao giải thích được. Chẳng hạn con chó đâu biêt gặm cỏ như bò, thế nhưng một ngày trở trời nào đó, chó lại ra vườn ăn cỏ. Đó là cách trị bệnh cảm cúm của nó. Nắm cỏ nhỏ vừa trôi qua cổ họng thì con chó đã ói ra cả “mật xanh mật vàng” từng vũng, và thế là hết bệnh! Con lừa bị ghẻ, bị xà mâu tự biết tìm đến những vũng nước có mùi diêm sinh đê lăn mình xuống tắm. Con cọp cũng biết tìm lá thuốc đế chữa vết thương…

Bồ câu nuôi thả, ta cho ăn thế nào cũng được, vì chúng biết tìm ra những thức ăn bổ sung cần thiết hầu bảo vệ sức khỏe cho chúng. Còn bồ câu nuôi nhốt trong lồng, trong chuồng, chủ nuôi cho ăn gì thì chúng phải ăn nấy. Vì vậy, để bảo vệ sự sinh trưởng của chim được tốt đẹp ta phải tìm khẩu phần thức ăn thích hơp cho chúng. Ai cố tình xem thường việc này thì không chóng thì chầy, người đó cũng gặp thất bại.

Vậy thì thành phần thức ăn chứa nhiều dinh dưỡng cho Bồ câu gồm những chất gì?

Carbohydrates và chất béo:

Để duy trì thân nhiệt cao của chim Bồ câu (khoảng 41,8 độ C), chúng cần một số năng lượng khác lớn. Tất nhiên số năng lượng này do đồ ăn thường ngày cung cấp.

Hai thành phần của thức ăn thường ngày ta cung cấp cho Bồ câu sản sinh ra năng lượng và nhiệt lượng, đó là chất Carbohydrates và các chất béo. Các loại hột, ngũ cốc, các loại đậu có chứa từ 40 đến 75 phần trăm Carbohydrates. Các chất béo thì có rải rác trong ngũ cốc và các loại đậu. Có vài loại hột chứa khá nhiều chất béo cho chim ăn rất tốt.

Chất Carbohydrates gồm có đường và tinh bột. Chúng được làm bể ra trong cơ thể của chim để tạo thành các loại đường có thể hòa tan, là những chất được hoán chuyển thành Glycogen để lưu trữ trong gan.

Từ gan nó sẽ đi đến cơ bắp khi được cần đến. Nơi đây nó sẽ được dùng như nhiên liệu để tạo ra năng lượng và nhiệt lượng. Các chất béo tạo ra năng lượng nhiều gấp 21/4 lần so với Carbohydrates.

Nên biết là Bồ câu nuôi lồng hay chuồng ít bay nhảy nên không cần dùng nhiều năng lượng như Bồ câu thả, hoặc Bồ câu rừng nên chất béo không cần thiết cho ăn nhiều lắm. Các chất béo không bị đốt cháy bởi hoạt động sẽ làm cho chim không khỏe, chim sẽ trở nên bơ phờ, lười biếng, dẫn đến việc sinh sản kém. Vì vậy, hễ nuôi nhốt thì thức ăn thường ngày của chúng giảm bớt chất béo lại.

Protein:

Các protein bao hàm các Amino axit, được gọi là các “hòn gạch” để xây nên protein. Có khoảng 24 loại amino axit khác nhau, nhưng tất cả không cùng có trong một protein đơn.

Tuy nhiên, có 3 hoặc nhiều hơn các sự liên kết trong các loại đậu, ngũ cốc và các loại hột. Ví dụ loại đậu vườn chứa một amino axit có liên kết 1,8 và 17. Lúa mì thì liên kết 6,10 và 21.

Một chức năng quan trọng khác của protein là tạo nên các enzyme, tức men tiêu hóa để hỗ trợ cho hệ tiêu hóa. Protein có trong các loại đậu khoảng 16 đến 23 phần trăm, protein có trong ngũ cốc khoảng 11      phần trăm.

Tuy nhiên, các thành phần của amino axit trong các loại đậu và ngũ cốc lại khác nhau, vì vậy ta cần cung cấp cho chúng một hỗn hợp để bảo đảm thức ăn hằng ngày được cân bằng.

Bộ lông chim cũng chủ yếu được tạo nên từ protein và các chất dinh dưỡng là những chất cần thiết cho trước và trong thời gian chim thay lông hằng năm vào mùa thu.

Trong một lúc nào đó, trước và trong mùa sinh sản Bồ câu rất cần nhiều protein để tạo trứng. Cái chất sữa mà chim cảnh cha mẹ dành mớm cho chim con sơ sinh trong năm sáu ngày tuổi đầu tiên được tạo ra từ bầu diều sơ dĩ cho là bổ và giàu chất kháng sinh là nhờ giàu chất protein.

Những con Bồ câu không nhận được nguồn amino axit phong phú sẽ không có khả năng cung cấp một bữa ăn thường ngày có đầy đủ chất bổ dưỡng cho bầy con non dại của chúng thông qua nguồn sữa này. Một số amino cần thiết lại chỉ có trong protein của động vật.

Nghiên cứu cho thấy giống Bồ câu rừng ngoài thức ăn hột ra, chúng còn tìm ăn những thức ăn động vật như những con sên, ốc sên nhỏ, cào cào và những côn trùng khác, mục đích là để cung cấp cho sự cân bằng thức ăn hàng ngày được bổ dưỡng đúng mức.

Chính vì lẽ đó nên chúng ta cần phải đặt nặng vấn đề tìm nguồn thức ăn hợp lý cho Bồ câu nuôi nhốt trong lồng, trong chuồng ăn hàng ngày.

Chất khoáng:

Muối khoáng là thành phần rất quan trọng trong thức ăn thường ngày của chim Bồ câu. Thường những người mới vào nghề chưa,kinh nghiệm xem thường việc này. Mặc dầu không được xếp hạng như thức ăn, nhưng thực tế chất khoáng lại là chất hỗ trợ cần thiết cho Bồ câu.

Chúng là những chất hữu cơ giữ một vai trò quan trọng trong cấu trúc của xương, trong sự phát triển và trong các chức năng cơ thể. Vỏ trứng cũng được tạo nên phần lớn từ các chất khoáng.

Các chất khoáng cùng với vitamine D3, Calcium và phosphorus đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì các xương. Chúng không chỉ có trong thức ăn thường ngày mà còn có trong mùn dá.

Công thức chế chất khoáng của chúng tôi là:

  • Đất đỏ Biên Hòa ……………………………………………….. 25 phần trăm.
  • Cát …………………………………………….……………..…..25phần trăm.
  • Bột than (chết) ………………………………………………….. 35 phần trăm.
  • Muối bọt (muối ăn) …………………………………………….. 01 phần trăm.
  • Muối hột …………….…………………………………………..01 phần trăm.
  • Đường cát……………………………………………………….. 01 phần trăm.
  • Bột vỏ hàu (hay bột sò) …….………………………………….. 10 phần trăm.
  • Bột cỏ cú………………………………………………….…….. 01 phần trăm.
  • Bột cam thảo…………………………………………………….. 01 phần trăm.

Cách chế biến :

  • Đất đạp nho rây lấy bột phơi khô.
  • Cát sàng sạch rác rến, phơi khô.
  • Than chụm rồi để nguội giã nát, rây lấy bột. (Bột đất, cát khô đổ vào chảo rang khô khử trùng).
  • Muối hột đâm nhỏ.
  • Cân đong theo đúng tỉ lệ như trên rồi trộn chung tất cả lại, đem cất cho chim ăn dần.
  • VITAM1N: Các vitamin được tìm thấy trong thực phẩm với số lượng rất nhỏ. Chúng cần thiết cho sự duy trì và tái tạo các tế bào cơ thể, và cho các chức năng khác của các cơ quan. Hầu hết vitamin không thể được tạo ra trong cơ thể, mà từ thức ăn thường ngày được cân đối.
  • NƯỚC UỐNG: Sau nhu cầu ăn là nhu cầu uống, cái không thể thiếu trong cuộc sống muôn loài.
  • Nước thật cần thiết để làm trơn và làm mềm thức ăn, để điều hòa thân nhiệt, và vì vậy chúng ta cần luôn luôn cho Bồ câu uống nước sạch và uống đầy đủ.
  • CHẤT LƯỢNG CỦA CÁC THÀNH PHẦN: Ngũ cốc, đậu và các loại hột để nuôi Bồ câu phải có chất lượng tốt nhất, nghĩa là không bị sâu mọt, không bị mốc meo, vì khi ngửi thấy mùi như bị lên men do điều kiện lưu trữ bị ẩm ướt. Chẳng hạn khi mua ta phải chọn lúa chắc hột, bắp và đậu xanh không bị mọt, và phải là thứ tốt nhất dành cho người ăn. Những thứ hàng này phải mua ở những vựa, hoặc những nhà cung cấp đang tin cậy.

Độ ẩm của ngũ cốc, các loại đậu và các loại hột không lớn hơn 17 phần trăm, nếu ẩm quá mức ấy thì chất lượng dinh dưỡng sẽ bị giảm, ăn vao có hại, sẽ gây rắc rối cho đường tiêu hóa trong cơ thể của Bồ câu. Tất cả các thành phần của thức ăn phải được giữ khô, muốn được vậy hàng tháng ta nên chịu khó lựa ngày nắng tốt mà phơi lại.

Tóm lại, thức ăn của Bồ câu cần phải chọn thứ tốt, thứ thương phẩm (loại phế phẩm không nên dùng, mặc dầu giá rẻ, nhưng nuôi không lợi), đồng thời phải lưu trữ nơi mát mẻ khô ráo, tránh để cho chuột phá, mọt ăn…

Cách cho Bồ Câu ăn, khẩu phần như nào?

Điều mà ai cũng biết, Bồ câu thích ăn các loại hột. Ở mỗi nước, tùy vào mặt hàng nông sản sẵn có của họ nên cho Bồ câu ăn những thức ăn khác nhau, trong đó nhiều thứ Việt Nam mình không có như: lúa mạch, yến mạch, lúa miến, hạt hướng dương, đậu maple, đậu tằm… Người mình thường cho Bồ câu ăn bắp, đậu xanh, gạo lứt và lúa, còn công thức pha trộn thì gần như mỗi người một ý khác nhau.

Dĩ nhiên, được chủ nuôi cho ăn thức gì Bồ câu cũng sống cả, nhưng chim sống có khỏe mạnh không, sinh sản có tốt không… đó lại là chuyện khác.

Để việc chăn nuôi Bồ câu thành công như ý, không gì tốt hơn là ta phải dành cho chúng một khẩu phần hợp lý như vậy chúng mới đủ sức phát triển cơ thể đúng mức được.

Sự phát triển của chim Bồ câu cũng trải qua nhiều giai đoạn, như giai đoạn còn là chim con, rồi chim lứa, chim sắp đẻ, chim trong thời kỳ thay lông. Ở từng giai đoạn đó, chim cần đòi hỏi tiếp thu thêm thức ăn nầy, hay cần giảm lượng thức ăn khác… Chủ nuôi tất nhiên phải am hiểu điều này. giúp cho chim được ăn khẩu phần hợp lý như vậy mới bảo vệ sức khỏe chúng được.

Chim sắp đẻ và đang nuôi con:

Khi Bồ câu mái bắt đầu chịu trống, thì vài tuần sau nó sẽ đẻ. Thức ăn hàng ngày của loại chim cảnh này cần phải tăng thêm lượng protein hơn, như vậy là làm tăng khả năng động dục của chim. Tỷ lệ lúa từ từ giảm xuống và tăng tỷ lệ đậu xanh thêm, để lượng protein trong thực phẩm sẽ tăng khoảng 10 phần trăm. Công thức sau đây không những chỉ dùng cho chim sắp đẻ mà suốt thời kỳ chúng nuôi con:

  • Đậu xanh:               40 phần trăm.
  • Bắp hột:                   30 phần trăm.
  • Gạo lứt:                   20 phần trăm.
  • Lúa:                          10 phần trăm.

Chim lứa:

Chim lứa là chim vài tháng tuổi đến năm sáu tháng tuổi. Loại chim này cần phải được vỗ béo, khẩu phần thức ăn của chúng nên nhằm vào mục đích duy trì thân nhiệt, nếu gặp mùa lạnh thì năng lượng đòi hỏi sẽ lớn hơn nhiều. Nên dành cho lứa chim tơ này công thức sau đây :

  • Đậu xanh:               30 phần trăm.
  • Bắp hột:                   40 phần trăm.
  • Gạo lứa:                   20 phần trăm.
  • Lúa:                          10 phần trăm.

Bồ câu đang thay lông:

Bồ câu không có mùa thay lông nhất định. Nói đúng ra, giống này thay lông suốt năm, gần như mỗi lứa đẻ là thay lông, nhưng không nhiều do đó ta mới không để ý đến.

Tuy nhiên, vào tháng ba đến tháng sáu, những lông vũ ở cánh, ở đuôi bắt đầu thay, và thay từ từ. Chim thay lông thì yếu sức, con trống đạp cồ không đều và chim mái cũng uể oải trong việc ấp trứng và nuôi con.

Muốn chim thay lông nhanh, ta nên cho chúng ăn kham khổ trong vài ba ngày (chỉ có bắp với lúa), sau đó bớt lượng protein lại. Ta có thể pha trộn theo công thức sau đây:

  • Đậu  xanh:              20 phần trăm.
  • Bắp   hột:                 30 phần trăm.
  • Gạo  lúa:                 20 phần trăm.
  • Lúa:                          30 phần trăm.

Thực phẩm dành cho chim ăn phải là loại tốt, như vậy chim mới sởn sơ khỏe mạnh. Bắp hột nên mua loại nhỏ hột để chim nuốt được dễ dàng. Bồ câu chỉ thích ăn bắp vàng chứ không ăn bắp trắng. Nhiều chim chỉ biết ăn bắp hột chứ không quen ăn bắp xay. Lúa, nên chọn loại lúa tiêu, tròn hột và chắc.

Bữa ăn:

Thức ăn của Bồ câu thường được pha trộn sẵn để chứa vào lu vào khạp cho chim ăn dần cả tháng, hoặc vài tháng, chứ không ai cứ đến bữa cho chim ăn mới tính đến chuyện pha trộn. Và cũng không ai, đổ mỗi loại thức ăn vào một máng riêng để chim thích ăn thứ nào thì đến ăn thứ đó.

Người mình thường cho Bồ câu ăn theo bữa, với giờ giấc nhất định.

Thường thì loại chim tơ, chim lứa nuôi tập thể, ta cho chúng ăn hai bữa. Sáng khoảng tám giờ, và chiều khoảng bốn giờ. Thức ăn cho vào máng phải trù liệu làm sao bầy chim ăn được no nê, đã thế còn phải dư thừa hầu dành phần cho những chim “chậm chân chậm miệng”… Với chuồng nuôi chim đẻ, đang nuôi con, ta nên cho chim ăn ba bữa: sáng, trưa và chiều, vì chim cha mẹ phải đủ mồi để mớm liên tục cho chim con.

Với chim nuôi lồng, nhốt riêng từng cặp thì mỗi ngày chỉ cần cho chúng ăn một lần vào sáng sớm. Thức ăn cứ đổ đầy máng để chim tự do ăn uống suốt ngày. Thức ăn nên liệu cho chim ăn vừa đủ, nếu ta đong nhiều quá thì chúng chỉ chọn thức ăn ngon, và chừa lại thức ăn dở.

Với chim nuôi thả, mỗi ngày ta cho chúng ăn hai bữa sáng và chiều. Sáng cho ăn ít để chim đói mà đi kiếm ăn. Chiều về cho ăn nhiều để bụng chim được no nê. Với chim nuôi thả, thường chỉ nuôi chỉ cho ăn lúa và bắp hột, cắt bớt khẩu phần protein từ đậu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *