Cách Nuôi Chim Sáo đen mỏ vàng, sáo nâu non mau biết nói?

Nói đến chim Sáo (tên khoa học là: Acridotheres Cristatellus)  thì chắc không một ai trong chúng ta lại tỏ vẻ xa lạ với nó, vì đây là giống chim cảnh phổ biến nhất có mặt khắp nơi trên khắp ruộng đồng rẫy bãi của các miền đất nước từ Bắc chí Nam.

Có thể nói mà không sợ lắm, Sáo sống ở miệt đồng có nơi còn nhiều hơn chim sẽ sống nơi thành thị. Chúng sống thành bầy đàn, chỉ một vài con đến năm bảy con, nhưng đến ruộng đồng nào ta cũng bắt gặp.

Hình tượng chim Sáo trong dân gian

Do chim Sáo thường có thói quen kiếm ăn bên các luống cày để bới tìm con trùn, con dế. Ăn no nó lại tìm đến các lạch, các vũng để tắm cho thỏa thuê, sau đó bay lên lưng trâu bò để tỉa lông tỉa cánh, hoặc có khi nó tìm con ve, con ruồi trên đó để ăn. Vì vậy, Sáo được coi là người bạn của trẻ mục đồng. Cả ngày sống giữa đồng không mông quạnh vô cùng buồn chán, quanh đi quẩn lại chỉ đánh bạn với mỗi con trâu, nay được thêm bầy Sáo từ đâu kéo đến tung tăng nhảy nhót thì còn gì sướng thỏa đối với trẻ chăn trâu?

Sáo lại khoác lên mình bộ lông đen, hoặc nâu lại thường cần mẫn siêng năng đi sau luống cày để tìm cái ăn đỡ dạ. Hình ảnh thân thương đó có khác gì hình ảnh của người nông dân với chiếc áo nâu sòng quê kệch, cả ngày lặn lội cày cấy giữa ruộng đồng, cam chịu cảnh sống một nắng hai sương, tay lấm chân bùn?

Chính vì vậy, nên Sáo mới được coi là con chim thân thương, và mới được đường hoàng bước vào kho tàng văn chương bình dân truyền khẩu!

Người ta nói “Hót như Sáo” là ám chỉ người có tính khoe khoang, hay biết trổ tài nịnh bợ kẻ khác với lời lẽ tâng bốc quá dáng để mong mưu cầu chút lợi ích cho riêng mình.

Ta cũng có thành ngữ “Sáo ngữ” để chỉ những câu nói xuất phát từ đầu môi chót lưỡi, chứ không có tính thật lòng. Bà con ruột thịt, bạn bè đồng tịch đồng sàng mà nỡ đối xử với nhau bằng những câu sáo ngữ như vậy thì còn gì đáng trách hơn!

Và ca dao cũng có câu:

Ai đem con sáo sang sông,

Để cho con sáo sổ lồng nó bay?

Mới nghe qua câu hát đó, nếu là người chưa nuôi Sáo lần nào chắc phải nghi oan cho giống chim nầy là ưa phản trắc! Thật ra, con Sáo đã nuôi lâu trong nhà, nhất là Sáo con nuôi lên thì rất mến chủ, lúc nào nó cũng sống quanh quấn trong nhà, chứ đâu nỡ bỏ chủ mà đi?

Vậy thì con Sáo trong câu Ca dao “sổ lồng nó bay” chính là con Sáo mới nuôi. Điều đó cho thấy Sáo ở với người chưa được bao lâu, sự dạy bảo chưa được chu đáo nên Sáo mới có hành động bạc bẽo vô tình.

Cũng thế, nêu người mình yêu chỉ mới “đầu hôm sớm mai, tình chưa bén, nghĩa cũng chưa nồng thì chuyện “con sáo sổ lồng” là chuyện đương nhiên, không có gì đáng trách! Nếu có trách thì nên tự trách mình vì đã dại dột đặt sự tin yêu vào người quá sớm!

Có thể gọi Sáo là con chim của ruộng đồng, vì nó thường kiếm ăn ở nơi đồng bãi, nương rẫy… Hễ nơi nào có hình bóng nông dân cần cù cuốc xới, trồng trặc hoa màu là Sáo rủ nhau sà xuống cạnh bên để kiếm ăn sâu bọ, trùn dế. Nó cũng thích ăn các loại trái chín, và cũng lân la đến các nơi trồng ớt để tìm những trái chín đỏ, ăn thì ít mà mô ria phá phách thì nhiều.

Sáo được coi là con chim có lợi cho nhà nông, vì nó là tay sát thủ của cào cào và sâu bọ phá hại mùa màng, nên ai cũng thích và không mang dã tâm sát hại. Chính vì thế nên Sáo rất dạn dĩ với người. Chúng dám lừng thừng đi ngay sau bước chân của người cày ruộng để lóng ngóng rình mò chộp ngay con trùn, con dế từ cục đất mới được cày lên… chẳng khác nào làm công việc mà anh thợ cày đã giao khoán cho nó vậy!

Hình dáng:

Sáo có thân mình thon nhỏ, chiều dài từ mỏ đến chót đuôi khoảng ba mươi phân, lớn bằng con Cu ngói nhưng đôi chân cao hơn, và phần đuôi ngắn hơn.

Còn sắc lông thì tùy theo giống mà có màu khác nhau. Có con toàn thân phủ lông màu đen, trên đầu lại có chóp lỏng thì gọi là Sáo Trâu, hoặc Sáo Đen hay Sáo Mỏ Ngà. Có con khắp mình phủ lông xám, gọi là Sáo Đá. Nếu trên mình phủ lông màu nâu, đầu và có màu đen, giữa cánh, dưới bụng và chót đuôi có nhiều lông trắng thì đó là Sáo Sậu, hoặc Sáo Nâu… Sáo Sậu có mỏ và chân màu vàng như mỏ và chân gà Tàu. Ngoài ra, còn có các giống Sáo Sành, Sáo Nghệ, Sáo Bông…

Nói chung thì Sáo có nhiều giống, mỗi giống mang sắc lông trên mình khác nhau, nhưng hình dáng của chúng thì có nét chung chung giống nhau.

Giống phổ biến nhất ở ruộng đồng là giống Sáo Trâu và Sáo Sậu. Hai gioosng Sáo này nếu bắt nuôi từ lúc chưa mọc đủ lông đủ cánh thì lớn lên có khả năng “nói” được tiếng người, vì chúng thông minh, có tài bắt chước giỏi. Tuy nhiên Sáo nói không được rõ giọng và không nói được nhiều câu dài như Nhồng.

Các giống Sáo Đá thì thích sống ở các bìa rừng, xa làng mạc ruộng đồng. Chúng tuy kiếm ăn ở dưới đất và tầng cây thấp nhưng ngủ và làm tổ trên các ngọn cây cao, vài ba mươi thước trở lên. Người ta cũng gặp chúng sống từng bầy đàn nhỏ độ năm mười con ở sườn các dãy núi đá vôi ở miền Bắc và miền Trung nước ta thỉnh thoảng Sáo Đá cũng có mặt ở đồng bằng, cũng tìm ăn sâu bọ, qua chín, nhưng cũng chỉ sống ở những nơi có nhiều cây cao bóng cả, chứ không ờ nơi lùm bụi thấp, vì giống này không thích sống gần người.

Xuất xứ:

Chim Sáo xuất xứ từ Ân Độ, sau đó qua Tích Lan, châu Úc, đảo Madagascar và các nước vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam ta.

Ngày nay thì Sáo hình như đã có mặt khắp mọi nơi trên trái đất này (?) Như giống Sáo Trâu (có chóp lông trên đầu) Crested Myna, vốn là chim có xuất xứ từ Đông Nam Á du nhập đến Vancouver, British Columbia vào cuối thế kỷ thứ 19. Rồi người ta lại phát hiện chúng có mặt tại vùng thung lũng Fraser River, và mới đây chúng đã có mặt lác đác gần vùng Washington…

Giống Sáo Trâu nước mình có cũng nhiều, nhưng so với Sáo Sậu thì số lượng có phần ít hơn. Sở dĩ nó có tên là Sáo Trâu vì giống này thích đậu trên mình trâu bò để nghỉ ngơi hoặc mồ rỉa con ve, con vắt, con lằng con ruôi bu bám trên mình trâu. Hễ trâu bò ăn cỏ đến đâu thì mang theo những con Sáo này đi đến đó. Sáo Trâu và Sáo Sậu cũng sống bên nhau rất hòa thuận.

Tuy Sáo Trâu cũng có khả năng bắt chước nói giỏi, nhưng có lẽ vì bộ lông đen đủi trên mình nó không được hấp dẫn (do phần đông người mình quan niệm màu đen là màu tối ám, màu của tang tóc, xui xẻo) nên ít người chuộng nuôi loại Sáo nầy.

Chim Sáo còn có tên là Bát Bát Điểu, hay Hàn Cao, nhưng hai tên sau này thì hiện nay không thấy ai dùng đến nữa.

Người mình thích nuôi Sáo để thả rong trong nhà, trong vườn như các loài gia cầm khác. Chỉ cần bắt chim con về nuôi rồi chịu khó đút mớm vài ba tuần. Khi Sáo con đà tự biết tìm mồi mà ăn thì có thể nuôi thả tự do. Cả ngày nó cứ tung tăng đi qua lại khắp nơi trong nhà để tìm hột rơi hột rụng. Tối lại, chúng tự biết tìm lấy chỗ ngủ như trên sàn nhà, ngoài chuồng heo, chuồng trâu bò… Có khi còn ngủ chung với gà vịt. Cách ngủ của Sáo là không nằm dưới đất mà bay lên nằm ở một độ cao vừa phải nào đó…

Người mình cũng thích nuôi Sáo con để lớn lên tập nói những câu ngắn gọn độ vài ba tiếng cho vui nhà vui cửa.

Thịt Sáo tuy ngon, nhưng vì là con chim có ích cho nhà nông nên không ai nỡ có ý nghĩ bẫy Sáo để ăn thịt cả. Trừ trường hợp trong nhà có trẻ con bị bệnh hen suyễn thì người ta mới bấm bụng bắt một vài con về bằm nhuyễn nấu cháo để làm thuốc mà thôi.

Ngoài hai giống Sáo Trâu và Sáo Sậu mà chúng tôi vừa mô tả ở đoạn trên, xin đơn cử thêm vài giống Sáo sau đây hầu quí vị:

– Sáo Đá: Có thuyết cho rằng giống Sáo này có xuất xứ từ miền Nam Trung Quốc, tức là vùng giáp giới với nước ta. Chỉ biết là hiện nay chúng có mặt ở khắp các nước Đông Nam Á và khắp nước ta. Chúng là loài chim trú đông, hễ tới mùa rét là bay về phương Nam, và hết rét lại về nơi ở cũ. Giống Sáo này sống từng bầy đàn lớn, có thể đến vài ba chục đến năm bảy chục con, và kiếm ăn từ đồng bằng đến vùng cao nguyên và sống thuận thảo chung với các giống Sáo khác.

Sáo Đá thường làm tổ trên các cây cao có tầng lá rậm rạp, hoặc trong những hốc núi đá vôi. Chúng tự làm lấy tổ mà đẻ, nhưng cũng có con dùng tổ cũ của các loài chim khác. Và mỗi mùa đẻ được khoảng ba lứa, mỗi lứa trung bình dược bốn trứng, nở khoảng vài ba con.

Đây là giống chim có ích cho nhà nông vì chúng ăn côn trùng sâu bọ phá hại mùa màng.

  • Sáo Sành: là Sáo có bộ lông màu xám tro, mỏ và chân màu vàng lợt. Giống này cũng sống thành bầy đàn vài ba mươi con, ở các đồng ruộng miền Bắc và miền Trung. Chúng thích sống ở các bìa rừng, làng mạc ven núi, và làm tổ trong các hốc cây, hốc đá, trên đụn rơm hay dưới mái nhà. Đây cũng là loại chim có ích cho nhà nông.
  • Sáo Đá Xám: Loại Sáo Đá Xám là chim của xứ lạnh như Mông Cổ, Đại Hàn, vùng đông nam Sibia, Nhật, miền bắc Trung Hoa… Đây là loại chim trú đông, cho nên từ tháng mười một hàng năm chúng rủ nhau về các nước ở phương Nam, trong đó có nước ta và vài nước vùng Đông Nam Á. Qua gần hết mùa xuân năm sau chúng mới kéo nhau về phương Bắc. Giống này ăn trái cây là chính…

Tóm lại, Sáo có nhiều giống, nhưng chỉ có Sáo Sậu và Sáo Trâu là có khả năng bắt chước nhái được giọng người. Những Sáo khác dù có nuôi từ nhỏ và gắng công tập luyện cũng không thi thố được chút tài năng gì.

Phương pháp nuôi dưỡng chim con:

Cách nuôi dưỡng Sáo con cũng chẳng khác gì cách nuôi dưỡng Nhồng con. Do Sáo cũng như Nhồng, có bắt nuôi tại nhà từ lúc còn nằm trong ổ thì sau này chúng mới thuần thuộc và dễ tập luyện.

Dù là nuôi để thả rong trong nhà như các thứ gia cầm gà vịt, người ta cũng phải nuôi Sáo con từ nhỏ lớn lên chúng mới khôn, chúng mới chịu quanh quẩn ở mãi trong nhà. Tốt hơn hết, Sáo con sau khi nuôi dưỡng cho đến lúc biết ăn rành, rồi lại tiếp tục nuôi lồng thêm vài ba tháng nữa mới nuôi thì con Sáo đó suốt đời không hề bỏ chủ mà đi.

Với Sáo con, sau thời gian nuôi tập nói được năm ba câu rồi nuôi thả, chúng không những ở mãi trong nhà mà con đến mùa sinh sản làm tổ ở trong vườn, hoặc ở máng  xối hiên nhà, từ năm này sang năm khác. Trường hợp này chúng tôi tận mắt chứng kiến tại nhà Ông Tư Này ở xã Lai Khê (cầu Đồng Sổ) huyện Bến Cát, Bình Dương.

Từ tháng ba âm lịch trở đi là mùa sinh sản của Sáo. Chúng làm tổ trên ngọn dừa, dưới mái nhà, trong các bờ bụi rậm rạp, các hốc cây hoặc trên ngọn tre, nơi có nhiều cành nhỏ giao nhau…

Ở thôn quê, Sáo con là thứ được coi như “cây nhà lá vườn”, chịu khó dò tìm là thể nào cũng được một vài ổ về nuôi. Ở thành thị thì người ta bỏ tiền ra mua, nhưng giá Sáo vốn rẻ, khoảng ba mươi ngàn một con, cũng vừa túi tiền của mọi người.

Sáo con bắt về ta phải úm kỹ cho ấm áp suốt vài ba tuần đầu. Tốt hơn hết là phải làm cho chim một chiếc tổ nhân tạo, trong đó ấn một lớp dày vải vụn hoặc rơm khô, cỏ khô cho chim con nằm. Ban đêm trời thường trở lạnh, ta cần phải đặt chiếc tổ này vào trong một thùng gỗ hay Cạc tòng cho khuất gió, đồng thời câu thêm bóng điện để sưởi ấm cho chim.

Ngoài việc ủ ấm ra, chim con còn được chủ nuôi ngày nào cũng đút mồi cho ăn thật no đủ thì chim mới sởn sơ mau lớn được.

Do Sáo con cũng như chim con các giống khác cần được ăn nhiều bữa trong ngày, Chúng ăn nhiều mà tiêu hóa thức ăn cũng nhanh, do đó mồi ngày có thể ăn cá chục bữa mới no bụng. Vì vậy, trong thời gian chim còn nhỏ dại, số bữa ăn của chim cần phải được tăng lên, có thể mỗi giờ một lần. Và khi chim càng khôn lớn, thì chúng ăn ít bữa hơn, và có thể bữa này cách bữa kia vài giờ cũng được.

Thức ăn dành cho Sáo con có thể là cơm, là thịt vụn, là cào cào non, hoặc là bột đậu phọng trộn trứng. Với thức ăn bột này, ta nên trộn với chút nước cho dảo, rồi viên thành viên nhỏ để đút cho chim con ăn.

Xin lưu ý là mỗi lần trộn bột, nên chỉ đành ăn trong một bữa, vì để lâu ngoài gió bột sẽ có vị chua, ăn vào có hai cho sự tiêu hóa của chim con. Hơn nữa, sau khi cho chim ăn vài ba viên bột, ta nên bơm cho chúng một ít nước để khỏi bị nghẹn.

Việc nuôi dưỡng chim con, chắc chắn là công việc chiếm rất nhiều thì giờ, nên ai cũng… ngán ngẫm. Thế nhưng, đây là việc nhẹ lại dễ làm, ta có thể giao cho con cái trong nhà đảm trách cũng được.

Trẻ con vốn rất thích nuôi chim chóc, nên nếu được giao phó công việc này, tất chúng sẽ hoan hỉ nhận lời, và lo lắng mọi việc chu đáo.

Và vì do việc làm có tính ham thích, nên chúng không cảm thấy ngán ngẫm như người lớn. Hơn nữa, công việc nuôi dưỡng chim con này chỉ kéo dài độ vài ba tuần mà thôi. Vì khi chim con độ hơn tháng tuổi, chúng biết ăn rành, thì đến lúc đó đâu cần chủ nuôi đút mồi như trước nữa!

Khi đã được ngoài tháng tuổi, Sáo con cũng không còn chịu đặt nằm trong tổ như trước. Dù đôi chân đi chưa vững nhưng sáo con cũng cố bươn bả bước tới trước, dáng nghiêng qua ngả lại như người say rượu. Đã đến lúc ta nên dùng lồng để nhốt Sáo, như vậy là tập cho chim đi vào khuôn khổ để sau này chim mau thuần thuộc và dễ tập luyện hơn.

Nhốt vào lồng, chim thích đứng trên cần đậu, đầu nghếch lên để nhìn rõ quang cảnh bên ngoài, nó ra về là một con chim khôn lớn.

Chủ nuôi từ đây không phải còn chăm lo cho chim từng chút như trước đây nữa. Một ngày có thể nhớ cho chim ăn uống một lần, bằng cách để đầy thức ăn nước uống vào cóng để chim rỉ rả ăn suốt ngày…

Tóm lại, khi nuôi chim con, có hai việc mà ta phải cố gắng thực hiện đúng mức mới đem lại kết quả tốt: Một là ủ ấm để chim con khỏi bị lạnh. Hai là siêng năng đút mồi cho chim ăn no đủ cả ngày.

Nếu được ủ ấm và đút mồi no đủ, Sáo con rất mau khôn lớn. Ngược lại nếu nuôi dưỡng cẩu thả, nhớ lúc nào thì chăm lo lúc đó, để cho chim vừa đói vừa lạnh thì chim rất mau xuống sức, thân mình gầy ốm rất nhanh, và cái chết của chim khó lòng tránh khỏi được! Việc nuôi chim con mập hay ốm, nếu tinh mắt ta có thể quan sát rõ được mỗi ngày. Chim mập mạnh thì có thể khó nhận ra, nhưng khi chim đã suy thì sức khỏe nó giảm nhanh ngoài sức tưởng tượng!

Lồng nuôi Sáo:

Chim Sáo có thân mình nhỏ hơn Nhông, nó lại đằm tính khi nhốt trong lồng, nên ta có thể dùng loại lồng tre hay mây mà nuôi cũng được.

Lồng nuôi Sáo cũng không cần lớn lắm, loại lồng 64 nan dùng để nuôi Khướu cũng vừa. Có điều Sáo cũng như Nhồng, chúng là giống chim lớn chứ không nhỏ như giống chim hót, nên ăn nhiều và bài tiết cũng nhiều, do đó nuôi lồng e có điều bất tiện, vì chẳng le ngày nào cũng phải lo giặt giũ bộ lồng? Vì vậy, nếu nuôi Sáo bằng chuồng thì có vẻ hợp vệ sinh nhất.

Chuồng nuôi Sáo kích thước nên làm nhỏ hơn loại chuồng nuôi Nhồng. Mỗi cạnh chuồng từ năm đến sáu tấc là vừa, và chiều cao của chuồng cũng nên có kích cỡ như vậy. Sườn chuồng nên làm bằng gỗ, trên có mái lợp tôn, và chung quanh bao bọc bằng lưới kèm mắt nhỏ độ một phân vuông để ngăn ngừa chuột bọ và chim chóc bên ngoài chui vào quấy phá thức ăn và gây cho chim nuôi sợ hãi. Nuôi Sáo không cần làm hộp gỗ để Sáo chui vào ngủ như Nhồng, miền sao tránh được gió lùa mưa tạt là được. Mỗi tối ta nên dùng tấm bạt bằng ni lông hoặc vải dày để vây quanh vách lồng giúp chim được ấm áp mà ngủ yên giấc.

Trong chuồng tât nhiên phải gác câu cho chim đậu, lại đặt đù cóng thức ăn, nước uống đầy đủ. Phía dưới đáy lồng là máng phân, có thể rút ra và lắp vào được dễ dàng, tiện cho việc vệ sinh chuồng nuôi.

Được sống trong chiếc chuồng rộng rãi tất nhiên chim được sống thoải mái hơn. Nó được tung tăng đi tới đi lui hoặc bay nhảy lên xuống, tránh được sự tù túng…

Tài nghệ của Sáo:

Cũng như Nhồng, chim Sáo Sậu và Sáo Trâu cũng có tài bắt chước giọng nói của người rất tài tình. Có điều tài nghề đó của Sáo thua kém Nhồng thấy rõ: giọng nó nhỏ hơn lại kém rõ ràng, trong khi chim Nhồng giọng vừa to lại nhái đúng giọng của người dạy, dù đó là đàn ông hay đàn bà, giọng Nam hay giọng Bắc. Mặt khác, Sáo cũng nói được ít câu hơn, và cũng chỉ nói được những câu độ ba bốn từ mà thôi.

Chim con nuôi lên độ sáu bảy tháng tuổi, có khi trễ hơn, Sáo mới bắt đầu biết trọ trẹ nói gió. Đến tuổi này con Sáo bắt đầu mau mồm mau miệng, khi lời to khi tiếng nhỏ nó nói lảm nhảm cả ngày. Thỉnh thoảng chúng hét lên thật to, như giọng của chim Bồ Chao: Chát! Chát!… nhưng cũng có khi trong cổ họng Sáo phát ra những câu dài nho nhỏ y như câu nói của người. Nhưng dù ai có thính tai cách mấy cũng không thể hiểu được đó là câu gì…

Nhiều người tự hỏi cái cách phát âm đó của Sáo có phải là do nó đã đủ thông minh để tập nhái tiếng người?

Những tháng sau đó, mỗi khi có người lại gần chuồng Sáo còn biết biểu diễn thêm một trò ngoạn mục nữa là từ đầu đến mình, lông nó xù to ra như tỏ vẻ giận dữ, nhưng cái đầu lại “lễ phép” gục lên gục xuống năm bảy cái liền, trong khi miệng nó kêu Kéc, Kéc hoặc Tách      Tách, xen kẽ với những câu gì nho nhỏ khó nghe.

Việc làm buồn cười đó của Sáo, nhiều người cho rằng nó biết chào hỏi…

Sau này, khi Sáo đã nói giỏi, mỗi lần nó nói ta cũng thấy cách biểu diễn của chim giống y như cách “chào hỏi” vừa kể ở trên vậy.

Như vậy là thời kỳ con Sáo biết gục đầu lên xuống khi thấy người lại gần, đúng là thời kỳ chim sắp học nói. Thời kỳ này kéo dài khoảng vài tháng. Mới đầu thì Sáo biểu diễn tùy hứng, nghĩa là có lúc thực hiện lúc không. Nhưng càng về sau thì hề thấy bóng người đi đến từ xa, nó đã siêng năng biểu diễn trò “chào hỏi” rồi!

Người nuôi chim Sáo có kinh nghiệm, ai cũng biết làng đây là thời kỳ chim đã bắt đầu phát triển được kỹ năng học nói của chúng, vì vậy họ lo đến việc tập luyện cho chim là vừa.

Tất nhiên khi Sáo đã đến thời kỳ học nói thì coi như trí óc nó đã bắt đầu khai sáng ra, thông minh hơn, cho nên hễ ai dạy nó câu gì thì nó sẽ có khả năng nhái lại y như câu đó.

Điều này có nghĩa là nếu chủ nuôi không biết cô lập chim vào một nơi để tập luyện nói những câu mà mình mong muốn, thì đừng trách con chim “dại dột” nói bậy bạ do đám trẻ con vô phép dạy cho, hoặc là cả ngày cứ bắt chước tiếng rao hàng của những người bán hàng rong trước ngõ…

Xưa nay có ít người chịu khó tập luyện cho Sáo như cách tập cho Nhồng. Vì lẽ đơn giản là họ nghĩ rằng Sáo không có khả năng nói được nhiều và rõ như Nhồng nên giá trị của nó cũng không đáng bao nhiêu nên không chịu bỏ công tập luyện.

Thực tế cũng đúng như vậy, nhưng dù sao nếu được tập luyện đúng mức, tài nghề của Sáo cũng có thể vượt ra ngoài sức tường tượng cũa ta. Biết đâu?

Cũng như Nhồng, trong hai năm đầu tập nói, Sáo rất sáng ý, nhớ được nhiều câu. Qua năm thứ ba nó chỉ học được ít câu nói, và càng già thì quên dần những câu đã học.

Bàn về giọng nói không được rõ như giọng Nhồng của Sáo, nhiều người tự hỏi không biết có phải do giống chim nầy khi nói nó phải “gồng” mình lại, đầu thì gục gặc như cổ… rặn ra từng lời không?

Cách “nói” của Nhồng thì như quí vị đã biết, nó nói cũng như kêu, trông rất tự nhiên, chứ không “gồng” mình rồi gục gặc đầu như chim Sáo vậy.

Thức ăn của Sáo:

Chim Sáo rất dễ nuôi, nó chi cần ăn cơm và chuối chín là đủ. Nhiều người nói đùa, cho rằng Sáo cũng như Cưỡng là chim cảnh của nhà nghèo, khi thấy chỉ có cơm trắng không thôi Sáo cũng ăn rất ngon miệng.

Thế nhưng, cho ăn cơm và chuối thường có điều bất tiện như phần trên chúng tôi đã trình bày, trong đó có lý do mau làm bẩn chuồng. Người ta nuôi Sáo bằng thức ăn của Chích Chòe và thấy kết quả rất tốt.

Thức ăn của chim Chích Chòe Than, Lửa là bột đậu phọng trộn trứng. Nếu cần thì nên trộn thêm độ hai mươi phần trăm sâu khô để chim được bồi bổ hơn. Mỗi tuần ta nên cho Sáo ăn vài lần chuối chín (mỗi lần nửa trái) và vài chục con cào cào, là những thức ăn mà nó thích khẩu nhất.

Thức ăn đó nên chế biến theo cách sau đây:

– Đậu phộng rang vàng sau đó đâm nhuyễn ra thành bột. Cứ một lon bột thì trộn với bốn hay năm quả trứng gà (hay trứng vịt), sau đó đem phơi vài ba nắng cho thật khô.

Nên trộn vào bột trứng này một muỗng cà phê đường cát trắng, một muỗng canh bột xương (hay bột sò). Và nếu có thể, thì trộn thêm một phần ba lon sâu khô vào hỗn hợp bột trên là thức ăn đã đủ bổ dưỡng.

Với thức ăn khô này, quí vị pha chế một lần có thể để dành cho chim cảnh ăn lâu ngày, miễn là sau khi phơi thật khô rồi bảo quản trong hộp kín thật kỹ.

Một con Sáo, mỗi ngày chỉ ăn hết một muỗng canh thức ăn bột trên mà thôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *