[Chia sẻ] Cách Nuôi Bồ Câu Con mới nở, vỗ béo như thế nào?

Mỗi lứa, một cặp Bồ câu cha mẹ cho ra đời được hai trứng, và thường nở ra hai con. Khả năng của cặp chim cha mẹ cũng chỉ nuôi được hai chim con đó thôi, dù thức ăn có dư thừa trong chuồng.
Nhờ có sẵn thức ăn trong chuồng nên Bồ câu cha mẹ mới nuôi con mập mạnh, ngày ra ràng chim con có trọng lượng đúng chuẩn, thường nặng bằng 3/4 trọng lượng chim cha mẹ nó. Có nhìn chim Bồ câu đang nuôi con ta mới thấy sự vất vả của chúng. Cả ngày chim cha chim mẹ cứ lăng xăng lít xít bên con, khi mớm mồi khi mớm nước, khi mớm khoáng… Mà bầy con là một lũ háu ăn, như kẻ bị bỏ đói bỏ khát từ lâu, lúc nào cũng có thể há choạc mỏ ra mà đòi ăn, đòi uống…

Kỹ thuật dồn trứng chim bồ câu

Đã làm ăn thì ai cũng phải nghĩ đến điều lợi, lợi càng nhiều càng tốt. Miễn sao cái lợi đó đừng… bất cập hại thì thôi!  ‘

Thông thường chim đẻ mỗi lứa hai trứng và nở được hai con. Chim mẹ, đẻ và làm việc nuôi con như vậy là vừa sức với nó, hợp với tự nhiên.

Nếu vì một lý do nào đó, ta để chim mẹ nuôi một chim con thì quả là… uổng phí, nhưng bắt nó nuôi đến ba bốn chim con lại là việc làm “lợi bất cập hại”. Nuôi xong lứa con “quá tải” này chim mẹ sẽ suy yếu và sẽ không sinh sản tốt trong những lứa sau… Như vậy là ta đã ham lợi trước mắt mà quên cái hại lớn sau lưng!

Bây giờ xin nói đến việc dồn trứng.

Ai cũng biết mỗi lứa Bồ câu đẻ được hai trứng, nhưng nhất thiết không phải cả hai trứng đó đều có đủ cồ. Vì vậy, khi chim mẹ ấp được 6 ngày thì ta soi trứng ra nắng hoặc trước bóng điện tròn (60v) để biết trứng có cồ hay không.

Nếu trứng có cồ thì bên trong có nhiều tia máu giăng như mạng nhện. Trứng không cồ thì có tia máu hình vòng cung, và chuyển động khi ta xoay trứng.

Trứng hư tất nhiên phải loại bỏ ra ngoài, và trứng có cồ ta cũng lấy ra để dồn qua cho một cặp chim cảnh khác ấp, nếu nó cũng gặp trường hợp hư một trứng, và cùng đẻ chung một ngày.

Nói cách khác, nếu có hai cặp Bồ câu cùng đẻ một ngày, mà cả hai cặp này đều có một trứng không cồ thì ta dồn trứng lại cho một cặp ấp để cặp kia được nghỉ ngơi dưỡng sức mà đẻ tiếp lứa sau. Việc dồn trứng trong trường hợp này là có lợi.

Trong trường hợp này, nếu có một chút so đo tính toán thì ta nên chọn lựa:

– Giữa hai cặp chim, cặp nào tơ hơn thì gởi trứng cho ấp, để cặp già nghỉ ngơi.

– Giữa hai cặp chim này, cặp nào đẻ hai ba lứa liên tiếp trứng thiếu cồ thì nên cho cặp đó ấp để chim trống có nhiều thời gian nghỉ ngơi mà sung sức hơn.

– Giữa hai cặp chim này, cặp nào nuôi con giỏi thì gởi trứng qua cho nó ấp tiếp.

Bồ câu là giống chim vốn nổi tiếng hiền lành và dễ tính, việc gởi trứng lạ cho chúng ấp là việc dễ dàng. Nhiều người đã lợi dụng sự dễ tính này của Bồ câu mà nhờ ấp vú trứng chim trĩ, hoặc trứng chim khác, miễn là trứng đó cũng lớn tương tự như trứng Bồ câu.

Thế nhưng, trong thời kỳ mê ổ nó cũng tỏ ra khá dữ. Muốn gởi trứng tốt nhất là nên gởi ban đêm. Nếu gởi trứng ban ngày thi nên lật úp bàn tay xuống để cầm quả trứng rồi lừa thế luồn trứng xuống bụng chim đang nằm ấp, như vậy dù chim có mổ cũng mổ trên mu bàn tay của ta chứ quả trứng thì không bị hề hấn gì. Nêu ta đặt quả trứng vào giữa lòng bàn tay rồi cứ để quả trứng “phơi” ra, chim mẹ mổ là quả trứng sẽ bị vỡ.

Khi trứng đã nằm yên trong ổ rồi thì chim mẹ cứ yên chí ấp tiếp, nó mặc nhiên coi như quả trứng mới đó chính là trứng của mình. Ai nuôi Bồ câu cũng rành về thuật dồn trứng cả.

Kỹ thuật dồn Bồ Câu con

Vì vậy nếu ta bắt buộc chúng nuôi ba hay bốn con thì chúng vẫn nuôi, nhưng kết quả sẽ tệ hại ra sao chắc quí vị cũng dễ dàng đoán được. Ổ chim con đông đảo đó dù có sống đủ đi nữa thì cũng bị suy dinh dưỡng, lúc đó đem ra bán thịt cũng không ai mua, mà nuôi làm giống thì làm sao đạt chuẩn?
Trong khi đó thì ai cũng biết, ổ chim con được khoảng ba tuần tuổi thì Bồ câu mẹ đã bắt đầu lo xoáy ổ mới để sửa soạn đẻ tiếp lứa sau. Nếu trong lứa trước nó đã bị kiệt sức vì nuôi con thì chắc chắn lứa sau sẽ trễ nãi nhiều ngày, mà thường đem lại kết quả xấu. Vậy, tốt nhất ta nên tuân theo luật… tự nhiên thì hơn: cứ để mỗi cặp chim cha mẹ nuôi hai chim con lừa vừa! (Đã thế, còn phải tăng khẩu phần ăn hợp lý cho chúng nữa).

Kỹ thuật dồn con chỉ nên ứng dụng vào trường hợp một cặp Bồ câu cha mẹ chỉ nuôi một chim con mà thôi. Vì như vậy là dưới sức chúng, ta sẽ mất đi một phần lợi lộc. Trong trường hợp này ta nên tìm một con chim con khác, đồng lứa với nó để dồn vào ổ cho đủ hai con…

Nếu nuôi nhiều chim đẻ, ta thường gặp những trường hợp sau đây :

  • Có ổ trứng chỉ nở một chim con (một trong hai trứng thiếu cồ hay ung, hoặc ngạt vào giờ chót chẳng hạn).
  • Trong ổ có một chim con bị cha hay mẹ giẫm chết.
  • Một trong hai chim con bị bệnh mà chết, hoặc bị một tai nạn nào đó mà chết, như rơi ra khỏi ổ mà chết chẳng hạn…

Như vậy, cứ hai ổ thiếu con này ta dồn con lại cho một ổ nuôi, còn cặp Bồ câu kia cho nghỉ ngơi lấy sức hầu đẻ sớm. Thường sau khi đẻ con độ 12 ngày là Bồ câu đẻ sang lứa khác.
Nghệ thuật dồn chim con cũng như cách dồn trứng, tốt hơn hết là nên dồn vào ban đêm. Còn dồn vào ban ngày thì phải có gìn giữ để tránh chim mẹ mổ trúng chim con.
Ta có thể dồn con từ lúc còn sơ sinh cho đến lúc con được vài ba tuần tuổi vẫn được, miễn là giữa con nhờ vú và con trong ổ phải có ngày tuổi bằng nhau hay suýt soát nhau. Còn vấn đề màu lông chim cảnh con ra sao, cha mẹ nuôi vú không màng nghĩ tới… Giống Bồ câu thật là dễ tính…

Phương pháp vỗ béo Bồ Câu con

Hiện nay có một số nơi nuôi Bồ câu thịt mà họ cho là… công nghiệp hóa, khai thác, “cái máy đẻ” Bồ câu cha mẹ triệt để, sao cho đẻ được hai lứa mà chỉ mất có… 36 ngày mà thôi!

Quí vị ngạc nhiên sao? Xin cứ tính thử đi : Lứa đầu chim đẻ 2 trứng mất 3 ngày, ấp hết 18 ngày, như vậy là mất hết 21 ngày họ đã có hai con chim non (bắt ra nuôi riêng ngay). Chim cha mẹ do không mớm mồi nuôi con, nên chúng nghỉ ngơi 12 ngày để đẻ tiếp lứa thứ hai, rồi đẻ hai trứng mất hết ba ngày nữa… Như vậy cộng mấy con số trên lại là:

3 + 18 + 12 + 3 = 36 ngày!

Nói thì nghe như đùa, nhưng thực tế đã có nhiều người đang thực hiện và thực hiện được.

Số chim non vừa nở ra, họ bắt đem úm điện trong vài tuần đầu, sau đó tự chúng tỏa thân nhiệt để sưởi ấm cho nhau. Còn   thức ăn của chim non thì họ dùng cám hỗn hợp của gà con xay nhuyễn thêm, rồi pha với nước sôi để nguội để bơm vào miệng chim cho no. Tất nhiên là mỗi ngày người nuôi phải chịu khó bơm cám cho chim ăn nhiều lần, và nếu khéo chăm lo thì chỉ… non ba tuần tuổi chim đã đem ra bán thịt được!

Mới nghe qua thì thích, nhưng thú thật chúng tôi không tán đồng cách nuôi này. Chắc chắn lợi bất cấp hại. Cặp Bồ câu cha mẹ mà cứ cho đẻ hoài mà không cho ấp, thử hỏi chúng đẻ như thế được bao nhiêu lứa thì phải ngưng? Số trứng trong buồng trứng của nó chỉ được sản sinh trong tuần tự tự nhiên, chứ làm sao thúc hối nó sản sinh vô giới hạn được! Đã thế, nếu thẳng tay vắt kiệt sức chim như vậy, những cặp Bồ câu đẻ theo cách gọi là “công nghiệp hóa” đó liệu có sinh ssrn tốt được năm sáu năm như cách nuôi bình thường, hay chỉ khai thác được một vài năm mà thôi?

Trong khi đó, như quí vị đã biết, gầy một cặp Bồ câu cha mẹ từ Bồ câu con lên phải mất một thời gian hơn nửa năm với nhiều tốn kém!

Chúng tôi nghĩ rằng cứ để mặc cho Bồ câu sinh sản theo cách tự nhiên, nếu mỗi năm đẻ được 8 lứa, nuôi đủ 16 chim con là chủ nuôi đã lời to rồi!

Điều mà chúng tôi khuyên quí vị là nên tiếp tay vỗ béo cho những chim con nào bị suy yếu, khiến nó không thể tranh mồi lại với chim cùng bầy với nó. Mỗi ngày chỉ cần “tiếp tế” mồi hai hoặc ba lần là đủ, và thiết nghĩ chỉ cần săn sóc như vậy độ năm bảy ngày là con chim yếu sức đó đã khỏe mạnh hơn trước nhiều rồi !….

Ta có thể dùng cám hỗn hợp của gà con hoặc thức ăn mà mình tự chế, miễn là xay nhuyễn, rồi trộn với nước sao cho sền sệt để dễ bơm vào bầu diều cho chúng. Ăn xong, ta cho chim uống nước và trả lại ngay vào ổ để cha mẹ nó ủ âm và đút mồi tiếp…

Tóm lại, theo chúng tôi, việc vỗ béo cho những Bồ câu con yếu sức là điều cần làm, còn những chim mập mạnh thì cứ để mặc cho Bồ câu cha mẹ nó nuôi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *