Gà Rừng – Đặc điểm, cách bẫy, thuần hóa và nuôi sinh sản

Hình dáng con gà rừng giống như dáng con gà tre điều, có khác ở chỗ bắp đuôi không được lớn, và hai tích ở tai to và trắng hơn gà nhà. Nói một cách khác, chỉ cần nhìn vào đôi tích trắng ở mang tai to bằng đốt ngón tay cái là đủ biết đó là con Gà Rừng. Mồng gà rừng là mồng lá, to bán hơn gà tre nhà.

Thông tin về loài Gà Rừng

Gà Rừng còn gọi là Gà cỏ, sống nhiều ở bìa rừng, nơi có nhiều ruộng rẫy, và xóm làng người ở. Vì ở đây có nhiều ngũ cốc vốn là món ăn chính của chúng.

Hiện nay, chưa ai biết xuất xứ của giống chim cảnh này từ nước nào, chỉ biết các nước ở châu Á đều có nó sinh sống.

Tại nước ta, thủy thổ rất hợp với gà rừng nên chúng sinh sản rất nhanh. Từ Nam chí Bắc, vào khu rừng nào cũng nghe tiếng gà rừng gáy xao xác. Chúng gáy như gà nhà, gáy cầm canh ban đêm, và trong ngày sáng chiều gì cũng cất tiếng gáy cả. Gà trống gáy thì bay lên các cành cây cao, hoặc đứng trên gò mối, mô đất, quạt cánh phành phạch giống y gà tre nhà khi gáy. Còn gà mái gà con thì lo kiếm ăn trong các bụi rậm, dưới tàng cây thấp, ít ai phát hiện ra được. Chúng rất nhát, hễ có động tịnh gì là lủi biến ngay. Gà trống bay không cao, và cũng chỉ bay độ năm bảy chục thước thì sà xuống tìm chỗ trốn.

Cách bắt và thuần hóa gà rừng

Gà Rừng rất nhát, có nhiều con vừa bắt được đã chết đơ trên tay. Lông nó rất bở, mỗi lần bắt là lông trên mình rơi rụng xác xơ đến thảm hại. Vì quá nhát người nên thuần dưỡng gà rừng rất khó, nhất là gà lớn, phải nuôi lâu năm chúng mới dạn người. Nhiều con bắt nhốt vào chuồng, cho sống nơi yên tĩnh không người qua lại, nhưng nhiều con cũng chỉ uống nước cầm hơi, không chịu ăn lúa, ăn cào cào hoặc dê đế chịu ôm dần mà chết.

Vì vậy khi bắt gà rừng về (gà đã lớn) thì một là nuôi chung với gà nhà một thời gian để chúng tập quen dần với cách ăn ở, với lối sống của gà nhà. Nhưng thời gian đầu, người nuôi cũng nên ít lui tới chuồng trại của chúng trừ lúc đến cho ăn. Hai là bắt cho được gà rừng con về nuồi. Ba là lấy trứng gà rừng về cho gà nhà ấp. Phải nuôi chúng từ nhỏ thì chúng mới dạn.

Nuôi gà rừng sinh sản tại nhà

Nếu nuôi đủ trống mái, gà rừng vẫn sinh sản như gà tre nhà. Lứa con cháu sẽ thuần hóa hơn lứa cha mẹ ông bà của chúng. Nhưng, được như vậy thì mất quá nhiều thời gian, do đó người ta thường cho gà trống rừng phủ giống gà tre mái nhà để có lứa gà lai dễ thuần hơn, và đá hay hơn.

Nuôi gà rừng để làm kiểng, và vì thuần dưỡng giống gà này rất khó nên nó rất quí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *