Chu kỳ sinh sản của chó

Trước đây, có nhiều người nuôi chó kiểng chỉ để làm kiểng, chỉ để mà chơi, chứ không bao giờ nghĩ đến chuyện sinh sản của chó. Họ không cần nghĩ đến cái lợi đó, và cho đó là chuyện phiền phức. Tất nhiên, họ chỉ nuôi chó đực, và nếu có nuôi chó cái thì lúc chó động đực, thì họ cũng cho… phớt qua!

Nhưng, với người nuôi chó cảnh để kinh doanh thì vẫn đề chu kỳ sinh sản của chó hay thời gian, độ tuổi chó sinh sản lại được coi là vô cùng quan trọng. Vì đây là khởi đầu cho mối lợi của họ. Chó có tăng bầy sinh con đẻ cái thì họ mới có dịp tốt để thu đồng vốn, kiếm đồng lời.

Khi nào thì có thể phối giống cho chó sinh sản

Chó bắt đầu có thể phối giống được 8 tháng tuổi
Chó bắt đầu có thể phối giống được 8 tháng tuổi

Thường thì từ tám tháng tuổi, có khi sớm hơn, chó bắt đầu động đực. Nhưng, với người chăn nuôi chuyên nghiệp, đó là cái tuổi quá sớm để cho chó phối giống.

Từ tuổi này trở đi, đực cái được cách ly nuôi riêng được cung cấp thức ăn bổ dưỡng hơn, và theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của từng con chó cái sát sao hơn.

Chu kỳ tham gia sinh sản của chó đực

Với chó đực, chỉ nên cho phối giống từ sau 16 tháng tuổi
Với chó đực, chỉ nên cho phối giống từ sau 16 tháng tuổi

Dù là giống lớn con hay nhỏ con, phải 16 tháng tuổi trở đi mới đủ sức để cho phối giống.

Nếu cho phối giống non hơn, đực sẽ bị ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cơ thể. Đến hai năm tuổi, sức lớn của chó mới ngưng lại, do đó, nếu tính đến chuyện về lâu dài, không ai lại để chó đực phối giống lúc chưa đủ tuổi cần thiết cả.

Chó đực dùng để phối giống nên chọn những con rặc giống, mạnh khỏe, không bệnh tật, thân thể nở nang, chân cẳng cứng cáp.

Chó đực thì lúc nào cũng có thể sẵn sàng phôi giống, nhưng ta nên cho chúng phối giống mỗi tháng chừng vài ba lần mà thôi. Mỗi lần cách nhau ít lắm cũng một tuần để đực còn có thời gian cần thiết đê ngơi nghỉ lại sức.

Trong khi đó, ta phải tăng khẩu phần bổ dưỡng cho chó cảnh, có như vậy chó sẽ không bị suy yếu, và bảo đảm sự hữu hiệu hơn trong những lần phối giống sau nầy. Chó đực mà suy yếu, tinh lực không dồi dào, tinh trùng suy yếu, có thể thai không đậu.

Một con chó đực gọi là mạnh, khi phủ giống đều đem lại kết quả tốt.

Chu kỳ sinh sản của chó cái

Chó cái từ sau 1 năm tuổi đã có thể thành thục để phối giống
Chó cái từ sau 1 năm tuổi đã có thể thành thục để phối giống

Chó cái thường phải được một năm tuổi mới cho “đi tơ”. Nếu việc nầy xảy ra sớm hơn thì chó cái sẽ mau suy yếu. Chó suy yếu thì thụ thai kém, nếu đậu thai thì chó con sinh ra cũng yếu ớt chẳng tốt đẹp gì.

Người ta chọn chó cái nuôi giống cũng cẩn thận như chọn heo nái, trâu nái vậy. Chó cái càng to càng tốt, điều cần là bộ xương hông phải rộng để sau nầy sinh nở được dễ dàng. Chó cái mà xương chậu quá hẹp, sẽ ảnh hưởng xấu trong khi sanh. Có khi vì đó mà phải mổ, không những chết con mà còn hư luôn cả mẹ.

Chó cái mỗi năm thường động đực hai lần, mỗi lần cách nhau 6 hay bảy tháng. Mùa chó động đực thường là cuối xuân và giữa thu. Nhưng, điều nầy không chuẩn xác lắm, vì bằng chứng có những con “xé rào” động dục vào những tháng khác nhau trong năm, thậm chí không trừ những ngày tư ngày Tết!

Với giống chó nhỏ con, thường đẻ nhặt hơn giống chó to con. Chó nhỏ con mỗi năm có thể đẻ được hai lứa, trong khi chó lớn con thì thường hai năm ba lứa.

Thời gian động dục của chó cái dài ngày hay ngắn ngày là tùy từng thời kỳ một. Có con lần nầy thời gian đó kéo dài đến ba tuần, nhưng lần khác thì chỉ có hai tuần mà thôi. Nhưng, trung bình thì nửa tháng.

Triệu chứng chó sắp động dục là chó biếng ăn, người có vẻ mệt mỏi, nhưng không phải là do bệnh hoạn. Thần kinh của nó chắc cũng bị rối loạn, chó cái thường đứng ngóng ra đường như chờ đợi một con chó bạn bè nào vậy.

Khi có con đực nào chạy ngang qua, thì chó cái chạy ngay ra đường tỏ sự làm quen, nhưng đực thì tỏ ra dửng dưng không ngó ngàng gì tới cô nàng cả. Thẫn thờ một hồi như vậy chó cái lại trở vào nhà kiếm nơi yên tĩnh năm nghỉ.

Triệu chứng động đục rõ nhất xảy ra liền sau đó là bộ phận sinh dục của chó cái đó bắt đầu mọng đỏ lên, càng ngày càng nở to thêm, sưng to đến vài ba lần so với lúc bình thường, có nước nhờn chảy ra màu đỏ lợt như máu, chó nằm đâu nước nhờn dây ra đó, hôi thối khó chịu.           –

Nhưng, chính cái mùi hôi thối nầy lại hấp dẫn bọn chó đực, chúng đánh hơi kéo đến càng lúc càng đông gây nên cảnh náo loạn, vì gầm gừ, cắn xé nhau, từ cặp nầy qua cặp khác không bao giờ dứt.

Chó cái thấy đực thì lân la lại gần, nhưng, nếu chó đực tính chuyện “mây mưa” là bị nó quay lại cắn ngay, cự tuyệt thật sự. Mặc dầu vậy, ta vẫn nhận thấy được một điều: Chó cái đang rạo rực ham muốn.

Thường thì từ ngày thứ bảy trở đi, tính từ lúc âm hộ chó cái có nước nhờn màu đỏ, thì chó cái mới bắt đầu chịu đực. Thời gian chó chịu đực kéo dài từ năm đến mười ngày mới thôi. Ta nhận thấy, từ ngày thứ bảy trở âm hộ bắt đầu bớt sưng và dần xẹp xuống, từ màu đỏ trở sang màu tái, nước nhờn màu đỏ cũng trở nên lợt dần…

Theo các nhà chuyên môn thì tính từ ngày xuất hiện “kinh” cho đến ngày thứ mười, chó cái dù có chịu đực vẫn không thụ thai. Phải từ ngày thứ mười một trở đi, là ngày trứng bắt đầu rụng thì việc phủ giống mới đem lại kết quả tốt.

Nhiều người lại cho rằng, không nhất thiết tính các ngày thứ 10 hay 11, mà phải quan sát bề ngoài sinh dục của chó cái. Nếu nhận thấy, mặt ngoài tái, da nhăn, nước nhờn lợt là thời gian trứng rụng, cho đực phủ giống tất thụ thai. Mà ngày đó có thể chỉ là ngày thứ 9 hay có thể 10, 11, 12 chẳng hạn. Không thể tính nhất thiết phải nhằm vào một ngày nào.

Với người nuôi chó kiểng kinh doanh, nếu nhà có sẵn chó đực giống thì ta có thể cho cái phủ từ ngày thứ 9 tính từ ngày có kinh, cho đến hết ngày 12 là coi như có kết quả tốt.

Nếu không có sẵn chó đực, mà đi “nhảy nhờ” thì nên cho phối giống từ ngày thứ 10 và sang ngày 11. Tất nhiên, nếu chịu khó theo dõi sự biến đổi ở bộ phận sinh dục của chó cái nữa thì có lẽ được chính xác hơn. Vì thường thì chú chó đực chỉ cho phủ giống có hai lần, lần đầu và lần sau cách nhau một ngày. Việc đậu thai hay không đậu thai của chó cái, như phần đầu sách đã trình bày, chú chó đực không ảnh hưởng gì cả. Tiền trao cháo múc là xong!

Lời kết

Kết luận lại, khi chó cái kiểng có hiện tượng động dục, ta nên nhốt chúng thật kỹ kẻo lỡ ra nó chạy ra ngoài sẽ bị chó đực “bậy bạ” nào đó phủ giống thì… uổng phí biết bao.

Và cũng xin được lưu ý quí vị, là nếu chó cái thuộc loại nhỏ con, nghi ngại gặp khó khăn trong việc sinh nở, thì ta nên chịu khó chọn chó đực có thân hình nhỏ hơn nó càng nhiều càng tốt. Vì kinh nghiệm cho thấy đực lớn thì thai lớn, lúc cái đẻ sẽ gặp khó khăn, có khi bị mổ. Mặt khác, nếu thân mình chó cái quá nhỏ thì khi động dục chỉ nên cho chịu đực một lần để đẻ ít con.

Thường thì loài chó quá nhỏ như chó Chihuahua, chó Phốc hươu đẻ con rất khó. Nhiều khi phải nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ thú y mới yên tâm chắc ý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *