Mô hình Nuôi Bồ Câu Quần Thể, cách làm chuồng hiệu quả

Để đỡ tốn kém hơn cách nuôi lồng, và cũng đỡ tốn công chăm sóc, lại nuôi được số nhiều, người ta mới nuôi Bồ câu quần thể. Phương pháp này ngay tại nước ta cũng đã được áp dụng từ lâu, vì thử hòi nếu nuôi các cặp, hàng chục ngàn cặp mà nuôi lồng thì số tiền đầu tư vào vụ lồng đâu phải là con số nhỏ? Đã thế, công chăm sóc? cho ăn?… Nuôi tập thể cũng giống như cách nuôi thả, Bồ câu vẫn được tự do bay cao và đi lại khắp nơi thoải mái, có điều không gian đó bị hạn chế trong phạm vi của một gian phòng có diện tích vừa phải mà thôi.

Do bản tính của chim Bồ câu thích sống thành bầy đàn nên nuôi tập thể, dù là với số chim đông đảo vài trăm cặp trong một chuồng vẫn không ảnh hướng xấu gì đến đời sống sức khỏe và sinh lý của chim. Chúng vẫn sống sởn sơ và sinh sản tốt.

Cách làm chuồng nuôi Bồ Câu quần thể

Chuồng nuôi chim cảnh tập thể giống như một gian nhà, trên có mái che bằng tôn hay ngói, các vách được xây tường hay vây kín bằng lưới kẽm mắt nhỏ.  Tốt hơn hết là mặt trước nên có một sân chơi được phủ lưới kẽm hoặc lưới B40 để Bồ câu không bay thoát được ra ngoài. Như vậy gian nhà có mái lợp kín đáo phía trong là nơi để chim sinh sản, trú ngụ trong lúc mưa to nắng gắt, và sân chơi bên ngoài là nơi chim ra sưởi nắng, tiếp xúc thẳng với không gian thiên nhiên. Tại sân chơi này nên máng những cây sào dài để Bồ câu có chỗ đậu, như cách chúng đậu trên các cành cây ở ngoài thiên nhiên vậy. Đây cũng là nơi chim tắm nước…

Trong gian nhà có mái lợp là nơi đặt nhiều ngăn kệ để gác ổ đẻ của Bồ câu. Kệ có nhiều tầng, tầng cao nhất là ngang tầm tay với của người, và được đặt dọc theo các vách chuồng. Tùy theo số lượng Bồ câu nuôi trong chuồng tập thể nhiều hay ít mà ta đặt nhiều kệ hay ít ngăn kệ. Trên mỗi ngăn kệ còn phải ngăn vách ra thành từng ô riêng biệt, chiều dài của mỗi ô khoảng 60 phân để đặt hai cái ổ dành cho một cặp Bồ câu cha mẹ. Mỗi cặp Bồ câu coi một ngăn kệ như vậy là giang sơn riêng, là lãnh địa riêng của chúng. Khi chim sắp đẻ, ta đặt ngay vào ngăn kệ của nó một cái ổ. Đến khi chim con được vài tuần tuổi, ta đặt vào ngăn kệ đó thêm một cái ổ thứ hai để nó đẻ lứa sau… Dĩ nhiên, khi ổ đầu con đã ra ràng, bắt nuôi riêng thì ta làm vệ sinh sạch sẽ cái ổ đó để dùng vào lần sau nữa…

Tóm lại mỗi cặp chim Bồ câu phải có một ngăn kệ riêng (đủ rộng để đặt hai cái ổ), và suốt đời cặp chim đó xem ngăn kệ ấy là lãnh địa riêng của chúng.

Mật độ nuôi Bồ Câu quần thể đúng kỹ thuật

Ta phải tính toán làm sao để mật độ chim sống tập thể trong chuồng không cao lắm. Ở nước ngoài, với một đôi chim lớn, người ta dành cho chúng một thước khối không gian trong chuồng. Tất nhiên sống như vậy thì quá lý tưởng rồi. Bồ câu được sống trong môi trường rộng rãi thông thoáng thì khỏe mạnh, ngược lại nếu sống chật chội quá thì chúng trở nên cáu bẳn, cắn mổ nhau khi tranh nhau ăn hoặc tranh giành chỗ đậu. Và nuôi chật như vậy khâu vệ sinh chuồng trại khó giữ được tốt. Do nuôi chúng nên máng ăn máng uống cũng dùng chung. Vì vậy, việc đặt máng ăn cũng phải tính toán cách nào cho phù hợp với cách ăn uống của chim. Mỗi con Bồ câu phải có một khoảng chiều dài máng ăn là 12 phân để nó có đủ chỗ đứng ăn thoải mái. Chim nhiều mà máng ít, chúng sẽ tranh nhau ăn, chim khỏe dĩ nhiên được no nê, trong khi những con yếu hơn sẽ bị đói hay chỉ ăn thức ăn dở.

Bồ câu rất khôn ngoan, chúng biết chọn những thức ăn ngon để ăn trước, thứ dở sẽ ăn sau. Ví dụ, bắt đầu ăn, con nào cùng tranh nhau nhặt đậu xanh ăn trước, kế đó là bắp và sau cùng là lúa.

Ưu nhược điểm của mô hình nuôi Bồ Câu quần thể

Những điều lợi nuôi Bồ câu tập thể:

Nuôi Bồ câu trong chuồng tập thể, có rất nhiều điều lợi, chắc chắn ai cũng thấy rõ.

  • Lợi về mặt bằng: Nuôi số lượng chim nhiều mà không tốn nhiều mặt bằng như cách nuôi lồng.
  • Chim được vận động thoải mái, sống hợp với tự nhiên, nhờ vào sân chơi mát mẻ tràn ngập khí trời với nắng ấm cả ngày nên chim khỏe mạnh.
  • Lập chuồng trại ít tốn kém.
  • Ổ trứng nào cũng bảo đảm đủ cồ, vì chim mái được nhiều Bồ câu trống phủ.
  • Việc cho chim ăn uống không mất nhiều thì giờ. Nuôi theo cách tập thể chim được ăn theo bữa: trung bình ngày ba bữa sáng, trưa, chiều. Mỗi bữa cứ đổ thức ăn vào đầy máng cho chim sà xuống ăn thoải mái.
  • Việc chăm sóc cũng ít hao tốn thì giờ. Ngay cả việc vệ sinh chuồng trại cũng vậy. Mỗi tuần tuy bắt tay quét dọn, cọ rửa chuồng trại có tốn nhiều công sức và thì giờ thật, nhưng chỉ vài lần mà thôi.

Điều bất lợi khi nuôi tập thể:

Nuôi Bồ câu theo cách tập thể cũng có nhiều điều bất lợi, mà điều bất lợi nào cùng là… những thiệt hại không nhỏ cả! Đúng là ở đời có chuyện hễ được cái này thì phải mất cái kia, chứ không có phương pháp nào toàn bích cả.

  • Không kiểm soát được sự sinh sản của chim: Theo cách nuôi lồng thì mỗi cặp Bồ câu được nhốt riêng một lồng, cho nên sự sinh sản cua cặp Bồ câu đó tốt xấu ra sao người nuôi chim đều biết rõ. Mỗi lồng chắc chắn có gắn phiếu theo dõi. Như vậy, nếu có cặp Bồ câu nào sinh sản kém sẽ được loại trừ ngay, nuôi tiếp ngày nào chỉ “báo cô” bất lợi! Nuôi tập thể thì ta không tài nào kiểm soát chặt chẽ được như thế. Trong khi đó thì ai cũng biết Bồ câu không phải mười cặp đều sinh sản tốt cả mười! Có cặp đẻ trứng thiếu cồ. Có cặp trứng đủ cồ nhưng ấp dở: một là không siêng ấp, hai là đạp bể trứng, ba là con vừa nở đã đạp chết ngay. Có cặp lại nuôi con không ra gì… Tỷ lệ chim sinh sản không ra gì đó có chuồng chiếm đến con số mười phần trăm chứ không phải ít, nhưng làm sao phát giác ngay được mà loại bỏ ra !
  • Chim thường lây bệnh cho nhau: Do sống chung đụng với nhau, ăn phân nhau nên chúng dễ lây bệnh rận mạt, bệnh giun sán, bệnh đậu, và cả… bệnh hoảng loạn nữa! May mà trời ban cho giống Bồ câu nhiễm rất ít bệnh so với các giống gia cầm khác. Nếu nuôi lồng thì những bệnh trên ít lây lan cho nhau, mà dù có lây lan cũng với nhịp độ chậm, ta có thể ngăn ngừa kịp.
  • Việc chăm sóc và làm vệ sinh tuy có tiện lợi, không tỉ mỉ lắt nhắt như cách nuôi lồng, nhưng số bụi bặm từ phân chim tỏa ra trong chuồng thường gây khó chịu, nếu không muốn nói là “cực hình” đối với người dị ứng với mùi hôi và bụi bặm,..

Tóm lại, nuôi Bồ câu tập thể phải tính sự “hao hụt” về sản lượng khoảng từ mười đến hai mươi phần trăm so với nuôi lồng. Vì cạnh số chim sinh sản tốt ta còn phải nuôi một số ít chim sinh sản không ra gì!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *