Điều mà bất cứ ai nuôi chim cũng đều công nhận là giống chim hót rừng nào cũng có con khôn con dại, con hay con dở, con tốt con xấu, chứ không phải con chim nào cũng có giọng hay hoặc đẹp mã cả đâu. Trong khi đó, nghệ nhân nuôi chim thì đều khó tánh, ai cũng mong muốn chọn chim Cu gáy bổi hay cho mình, thật giá trị về mọi mặt mà nuôi để khỏi phí công chăm sóc, để khỏi uổng tiền của bỏ ra cho ăn. Nuôi được con chim quý mới toại ý mãn lòng, và nhờ đó còn nhận được sự nể phục của bạn bè trong nghề nữa.
Thà là nuôi ít chim mà là chim tốt hơn là nuôi đến số chục, hàng chục mà tất cả tài nghệ đều chẳng ra gì.
Giá trị của Chim Cu gáy ở đâu?
Với người chưa am hiểu về cái tốt, cái quí ở chim Cu gáy thì họ coi con nào cũng như con nấy, tầm thường từ giọng gáy đơn giản…Cúc…Cu…Cu đến sắc vóc quê kệch. Thế nhưng, với người trong nghề thì lại khác. Họ nghe con chim gáy lên là có thể biết ngay con chim đó hay dở ở điểm nào; và nhìn qua vóc dáng của con chim, họ cùng có thể biết được con chim đó xấu tốt ra sao…
Với những nghệ nhân nổi danh nuôi chim Cu gáy vào hàng bậc thầy, thì giống chim này là giống chim quí của nước ta, chứ không nên vì thấy chúng xuất hiện quá nhiều ngoài thiên nhiên mà tỏ ý xem thường, coi như thứ chim thịt! Xin cứ bắt tay vào việc nuôi thử đi, quí vị sẽ biết tài nghệ xuất sắc của con chim “quê mùa mộc mạc” này.
Nói chung, điều gọi là tốt, là quí ở chim Cu gáy chính là giá trị ở giọng gáy của nó, sau đó là giá trị ở phần ngoại hình.
Giọng Chim Cu gáy
Về giá trị giọng gáy của Cu gáy, chúng tôi đã có dịp trình bày ở phần bài giọng Cu gáy. Qua đó chắc quý vị cũng đồng ý với chúng tôi, đây là chất giọng bậc thầy chứ không coi là đơn giản, là tầm thường như một số người lầm tưởng.
Cũng là ba tiếng Cúc…Cu…Cu nhưng nếu lắng tai nghe thật kỹ ta sẽ thấy trong đó có nhiều ơi nhiều âm, có khi kèm, có khi bo, có khi phóng, có khi gù…chứ đâu phải là đơn điệu, là tẻ nhạt?
Với con chim dở thì chê bai cũng đúng với những chim hay, siêng gáy lại gáy với nhiều giọng cực hay thì quả là một sự sai lầm.
Muốn chọn con chim có giọng hay tất nhiên phải tận tai nghe mới biết rõ được. Nên treo lồng Cu Gáy bổi gần chim đang căng lửa để xem nó trổ tài ra sao. Việc này nên lập đi lập lại nhiều lần với nhiều chim lạ khác, như vậy mới giúp ta đánh giá chính xác được tài nghệ đích thực của con chim.
Lựa chọn ngoại hình Chim Cu Gáy
Mặt khác, ta có thể quan sát qua phần dáng vóc bên ngoài của chim Cu gáy mà đoán biết được giá trị của nó xấu tốt như thế nào, trong đó có thể đoán được giá trị của giọng gáy nữa. Chẳng hạn như quan sát ở phần đầu, phần đầu, phần thân, phần cườm, phần chân, móng, phần lông…
Cũng như giọng gáy của chim Cu gáy, không phải con nào cũng giống hệt như con nào, thì hình dáng bên ngoài của chúng gần như mỗi con cũng có những nét khác biệt, nghĩa là có những nét chung, mà cũng có những nét riêng.
Từ thời xa xưa, có lẽ cả ngàn năm trước, tổ tiên ta đã biết đến thú chơi Cu gáy rồi, và họ đã có những nhận xét khá độc đáo sau đây để đánh giá một con Cu gáy thật tốt. Những kinh nghiệm về nghề chơi này của người trước còn truyền lại đến ngày nay, và xét ra vẫn còn có giá trị, vì nhiều nghệ nhân nuôi Cu gáy ngày nay vẫn phải căn cứ vào những tiêu chuẩn đó khi chọn lựa con chim tốt mà nuôi.
- Nhứt huỳnh liên
- Nhì liên giáp
- Tam quá khóe
- Tứ chân khô
- Ngũ liên hoàn
- Lục cườm rựng.
Nghệ nhân nuôi Cu gáy lâu năm nào cũng thuộc lòng sáu điều quan trọng trên của người xưa truyền lại, coi như là một loại… cẩm nang quí giá trong nghề chăn nuôi Cu gáy của mình.
– Nhứt huỳnh liên: Thứ nhất và quí nhất là cố chọn những chim Cu gáy có vòng cườm quanh cổ màu vàng, nếu được cườm liên hoàn (đóng giáp cả vòng) càng quí. Vòng cườm này phải to bản, phải đóng dài xuống tận vai chim mới tốt. Cu gáy có loại cườm huỳnh liên này rất hiếm, xưa nay có nhiều nhà năm sáu đời nuôi Cu liên tiếp, từ đời Sơ, đời Cô đến đời cháu chắt, dù ao ước cố tìm nhưng vẫn chưa hề thấy bao giờ.
– Nhì liên giáp: Thứ nhì là chọn những chim có thân mình gọn gàng rắn chắc, lông ép sát vào thân gọn chặt, trông như một viên tướng soái thời Trung cổ mặc áo giáp sắt để ra xáp chiến với quân thù vậy. Chim Cu gáy có hình dáng trông như một cái bắp chuối chưa trổ nải, đầu và đuôi vót lại, còn phần thân thì phình lớn ra trông rắn chắc và mạnh dạn.
– Tam quá khóe: Thứ ba là chọn con Cu gáy nào có vệt lông nhỏ màu đen kéo từ khóe miệng đến quá khóe mắt một chút mới là chim dữ. Thường thì vệt đen nhỏ này chỉ vừa chấm đến khóe mắt dưới của chim mà thôi.
– Tứ chân khô: Thứ tư là nên chọn những chim có bộ chân khô khốc mới tốt. Chim bình thường thì chân hồng và ửng lên một cách tươi tắn.
– Ngũ liên hoàn: Thứ năm là chọn chim có vòng cườm đóng giáp vòng hết cổ, như mang chiếc vòng hoa cườm ở cổ vậy. Chim này rất hiếm thấy, nhưng thực tế đã có số ít nghệ nhân từng nuôi. Với loại cườm liên hoàn này cả ngàn con may ra mới có được một. Thường thì Cu gáy chỉ có cườm phủ ở phần trên cổ, chừa lại phần ức không có.
– Lục cườm rựng: Thứ sáu là chim có cườm lót. Chim này có tài gù hậu tốt, dùng làm cu mồi thì tuyệt, vì cả ngày nó gáy dai dẳng, nhất là khi đánh hơi được Cu bổi bên ngoài thì chịu khó trổ hết tài nghệ ra.
Chọn lựa được con chim Cu gáy hội đủ được cả sáu tiêu chuẩn trên tất nhiên không phải là việc dễ dàng, ít ai có duyên may nuôi được con chim quí như thế. Thường thì chọn dược con chim hội đủ vài ba tiêu chuẩn trên đây cũng là chuyện đáng mừng rồi.
Các yếu tố lựa chọn Cu gáy khác
Ngoài ra, kinh nghiệm còn cho chúng tôi thấy còn nhiều chi tiết quan trọng khác giúp ta chọn lựa được chim tốt để nuôi:
- Xét về cườm: Những chim nào có cườm đen đóng nhiều thì gù nhiều, đó là chim tốt. Những con có cườm trắng nhiều không nên chọn nuôi gù thì ít.
- Xét về phần đầu cổ: Những chim có dáng đầu tròn và cố ngẳng là chim có khả năng gáy đủ bài bản, tức là biết gáy, biết thúc, biết gù…Đây là loại chim tài năng dùng làm chim Cu gáy mồi rất tốt.
- Xét về phần đuôi: Chim Cu nào có đuôi vót, tức là phần bắp đuôi thì nở nang, nhưng đến phần chót đuôi lại vót nhỏ lại. Chim có đuôi vót này được đánh giá là chim khôn, nếu là chim bổi thì rất khó dụ vào bẫy, trừ khi gặp chim mồi thuộc loại sát thủ.
- Xét về phần mỏ: Chim Cu gáy có mỏ đỏ là chim rất dữ, trong nghề gọi là chim “sát thủ”, không hề thua sút con nào. Nếu chim mỏ đỏ được dùng làm chim mồi thì ra rừng nó không kiêng dè bất kỳ con bổi dữ nào. (Như quí vị đã biết ngoài rừng có nhiều con chim bổi rất dữ, chim mồi thường phải sợ nó)
- Xét về phần móng: Móng Cu gáy thường màu đen, nhưng những chim có móng trắng (có thể cả hai chân móng đều trắng cả, hoặc chỉ có một hai móng trắng mà thôi) thì gọi là chim Cu bạch đề, hoặc bạch đầu chỉ, được xếp vào chim quí và hiếm.
- Xét về cánh: Cu gáy có gián cánh, tức là một hay cả hai cánh có vài chiếc lông trắng ở mép rìa cánh là chim có tài gù hậu. Đây cũng là chim lạ, tốt.
Phần trên cánh chim có lớp lông nhỏ hình vảy qui cũng được đánh giá là chim tốt. Chim có lông vảy qui không quá hiếm nếu chịu khó tìm, ta có thể lựa ra được mà nuôi. Sở dĩ gọi là vảy qui vì hình dáng những chiếc lông nhỏ này có hình mai rùa, mai đồi mồi kết sát cạnh nhau, trông đều đặn và đẹp mắt.
Vảy qui có đến ba dạng, quý vị nên quan sát kỹ để tránh lầm lẫn.
- Vảy qui me: Do lông chim có hình dáng lá me, đầu và cuối lông bầu bầu chứ không nhọn. Những lông này đóng đều và san sát cạnh nhau trên phần đầu cánh. Nếu cả hai cánh vảy qui me đóng đều và san sát nhau như khuôn đúc thì đó là chim tốt, có đài gáy đủ bài bản. Ngược lại, cánh này vảy qui me đóng nhặt, còn cánh kia đóng thưa không đều nhau thì đó là chim dở (nếu dùng làm chim mồi sẽ đánh không đều kèo).
- Vảy qui sen: do lông cánh có những vảy tròn hình lá sen xếp cạnh nhau. Chim có loại vảy này trông sáng đẹp, và là chim tốt, nêu cả hai cánh lớp lông qui sen này đóng đều như nhau.
- Vảy qui bề tên: lông cánh chim có hình vảy qui, nhưng phần chót của vảy hơi nhọn. Đây cũng là loại chim dữ, hiếm thấy.
- Xét về phần lông: Thường thì Cu gáy con nào cùng có sắc lông na ná như nhau, nhưng thật ra cũng có những chim có sắc lông đặc biệt khác với đồng loại của nó. Ngoài chim có lông hình vảy qui ra, ta còn thấy:
- Chim xám trắng: chim Cu gáy có bộ lông toàn thân màu xám trắng. Nhiều nghệ nhân gọi nó là chim “bạch tuyết”, được đánh giá là chim rất dữ, nổi tiếng là chim sát thủ trong cả bốn mùa, nên được ưu tiên chọn làm chim mồi.
- Chim lông xám tro: chỉ Cu gáy có bộ lông toàn thân màu xám tro pha đen, nhiều nghệ nhân đặt tên cho nó là “chim lông đen”. Kinh nghiệm cho thấy giống chim này khó thuần dưỡng, nuôi một vài mùa, có khi lâu hơn mới được mở miệng gáy do đó có nhiều người nản không chịu nuôi. Thế nhưng khi chim lông xám tro này đã nổi thì nó là loại chim thật dữ, gáy đủ bài bản không chịu thua sút trước địch thủ tài ba nào.
- Chim lông trắng: Chỉ Cu gáy toàn bộ lông khắp mình trắng pha như chim bồ câu trắng vậy. Hình dáng cũng giống Cu gáy thường, nhưng toàn thân lông trắng, mắt đỏ, mỏ hồng, móng trắng, nhiều nghệ nhân đặt tên cho nó là chim “Cu bạch tạng”.
Chim này giọng hay được xem là loại chim quí, nên xưa nay hễ vùng nào xuất hiện giống Cu trắng này là giới bẫy chim kéo nhau về rình bắt. Nhiều người cho nó là loại chim linh điểu vì rất khôn ngoan, khó lòng dính vào bẫy rập, dù là gặp chim mồi thuộc loại sát thủ cũng vậy.
Thật ra giống Cu trắng này do hiếm thấy nên bị săn đuổi thường xuyên nên nó có tính nhát, vì vậy mới khó bắt, chứ không phải là linh điểu đâu.
Lời kết
Tóm lại, chọn một con Cu gáy có những tiêu chuẩn tốt mà nuôi không phải là chuyện dễ dàng. Đôi khi do gặp cơ may ta mới bẫy được con chim cảnh tốt mà nuôi. Và cũng vì lúc nào cũng mơ ước có trong tay một vài con chim tốt như vậy nên nghệ nhân nuôi Cu gáy xưa này đều chịu khó băng rừng lội suối vác lục đi bẫy chim, để hy vọng may ra tự mình tìm được con chim quí hiếm mà nuôi cho khỏi bõ công… Dần dà việc gác chim trở thành một cái thú, ghiền lúc nào không hay, mặc dầu ai cũng công nhận gác Cu là một trong những cái “ngu” trong đời!
Nếu có trong tay con Cu gáy hiếm quí thì ai cùng ưa thích, dù với giá nào chủ nuôi cũng không chịu buông ra. Ngày xưa, chuyện một con Cu gáy tốt có người gạ đổi vài ba mẫu ruộng là chuyện bình thường…