Cách Nuôi Chim Cu Gáy bổi nhanh nổi, chăm sóc cu gáy non

Tại Việt Nam, chim cu gáy được nhiều người mê thú kiểng nuôi như một loại chim cảnh. Vì giống này rất nhút nhát nên chúng ta cần lưu ý những điểm sau đây trong việc cho ăn và nuôi chim cu gáy để chúng nhanh nổi. Hãy cùng Chomeocanh.com tìm hiểu về cách chăm sóc chim cu gáy, nuôi chim cu gáy bổi mau nổi.

Phải làm gì khi mới đưa chim cu gáy về

Chim cu gáy là giống chim thuộc họ bồ câu, rất phổ biến ở các vùng đồng bằng ở nước ta. Chúng có đặc điểm rất rụt rè, hay nhảy lung tung khi gặp người lạ và dễ bị tác động từ môi trường xung quanh.

Phải làm gì khi mới đưa chim cu gáy về
Phải làm gì khi mới đưa chim cu gáy về

Vì vậy, khi mới đưa chim cu gáy về nhà, việc đầu tiên bạn cần làm là nhốt chúng trong chuồng riêng, phủ vải che bên ngoài và đặt ở nơi yên tĩnh. Trong chuồng cần để sẵn thức ăn, nước uống đầy đủ, thời gian đầu chỉ nên cho chim ăn thóc.

Sau nửa ngày, bạn hãy sờ vào diều của chim cu gáy để kiểm tra xem chúng có ăn chút nào không. Nếu đã ăn thì không vấn đề gì, còn ngược lại thì bạn phải trực tiếp nhét thóc vào diều để chúng có thể cầm cự trong thời gian sắp tới

Vào mấy ngày tiếp theo, người nuôi cần kiên nhẫn lặp lại việc kiểm tra như vậy, duy trì hành động này cho đến khi chim cu gáy tự mổ thức ăn.

Cách giúp chim cu gáy sớm thích nghi

Để chim cu gáy quen dần với chủ và trở nên dạn dĩ hơn, mỗi buổi sáng bạn nên lặp đi lặp lại hành động cho tay vào chuồng đưa thức ăn. Duy trì thói quen này trong vòng từ 1 đến 2 tháng, chim cu gáy sẽ hiểu khi bạn mở lồng và đưa tay vào là để cho chúng ăn chứ không phải muốn làm hại chúng. Dần dần, chim cảnh nhà bạn sẽ không còn cảnh giác và sợ hãi như trước nữa. Lưu ý thêm là mỗi lần cho ăn bạn chỉ cần cung cấp một lượng vừa đủ, không nên để thừa.

Cách giúp chim cu gáy sớm thích nghi
Cách giúp chim cu gáy sớm thích nghi

Sau một thời gian, nếu nhận thấy chim cu gáy đã trở nên dạn dĩ hơn, có thể tự mổ thức ăn và không bay lung tung nữa, bạn hãy chuyển chúng từ chuồng vào một chiếc lồng phù hợp.

Lúc mới chuyển sang lồng, bạn nhớ phủ kín vải xung quanh, chọn vị trí yên tĩnh. Làm như vậy để chim cu gáy đỡ hoảng sợ hay bị tác động từ tiếng ồn bên ngoài.

Đến tầm 7 ngày sau, bạn hãy hé tấm vải phủ ra một khoảng để chim cu gáy tập làm quen với không gian bên ngoài. Mỗi ngày mở thêm chút ít như vậy, tới khi mở được một nửa lồng là ổn.

Song song với đó, người nuôi cần theo dõi xem chúng có gáy hay không. Nếu chim cu bắt đầu gáy, hãy đợi tới khi tiếng gáy của chúng trở nên tự nhiên thì đưa tới nơi có các đồng loại của mình. Việc này giúp chim cu gáy bớt rụt rè, trở nên hăng hái hơn và hoàn toàn thích nghi với môi trường mới.

Cho chim cu gáy ăn gì nhanh nổi?

Trong quá trình nuôi dưỡng chim cu gáy, việc cho ăn là quan trọng nhất, nó quyết định xem chim của bạn có nhanh nổi hay không. Vậy nên chuẩn bị khẩu phần ăn cho chúng như thế nào?

Cho chim cu gáy ăn gì nhanh nổi?
Cho chim cu gáy ăn gì nhanh nổi?

Theo lời khuyên từ các chuyên gia, chim cu gáy nên lấy thóc làm thức ăn chính, chiếm khoảng 90% trong khẩu phần hàng ngày. 10% còn lại bao gồm các loại hạt và đậu như lạc, vừng, đậu xanh, đỗ tương, hạt kê v.v…

Trong đó, các hạt chứa dầu như lạc (đậu phụng) hay vừng (mè) có tác dụng làm mượt lông. Đỗ tương trợ giúp khả năng vận động và củng cố sức khỏe. Đậu xanh thì tăng sức đề kháng, chống các bệnh cảm cúm. Hạt kê lại giúp kích thích vị giác, khiến chim cu gáy ăn ngon miệng hơn, đồng thời chất giọng cũng hay hơn.

Vệ sinh cho chim cu gáy như thế nào?

Bên cạnh việc cho ăn đúng giờ giấc và với thành phần, khối lượng hợp lý, công đoạn vệ sinh, tắm rửa cũng là một phần không thể thiếu trong việc chăm sóc chim cu gáy. Chỉ như vậy, chú chim bạn nuôi mới đảm bảo sức khỏe và mức độ linh hoạt.

Khi thời tiết nóng nực, oi bức, bạn cần tắm cho chim cu gáy mỗi ngày. Nhớ đặt chúng trên tay trong quá trình tắm để khiến chim dạn dĩ và quen thuộc với bạn hơn, hỗ trợ cho công cuộc huấn luyện.

Nếu thời tiết mát mẻ hay trở lạnh, bạn nên chuyển sang tắm cho chim cu gáy ít hơn, tầm 2 – 3 ngày 1 lần. Sau khi tắm xong, có thể dùng máy sấy để lông nhanh khô và giúp chúng không bị nhiễm lạnh.

Bên cạnh đó, bạn còn cần làm vệ sinh cho lồng chim cu gáy hàng ngày, để chúng có thể sống trong môi trường sạch sẽ, thoải mái, không bị bốc mùi, rụng lông hay các loại bệnh khác.

Cách huấn luyện cho chim nhanh gáy

Để huấn luyện cho chim cu gáy, bạn chụm ngón tay lại thành hình dạng tương tự đầu chim. Hướng đầu ngón tay lên trên, đồng thời miệng phát ra âm thanh mô phỏng tiếng chim cu gáy.

Nếu không có khả năng giả giọng, bạn còn một cách khác là mở các clip hoặc audio thu tiếng chim cu gáy ở trên mạng. Tuy nhiên cách này sẽ ít hiệu quả hơn so với việc bạn tự phát ra âm thanh để huấn luyện trực tiếp.

Cứ kiến trì tập cho chim cu gáy phản xạ như vậy một thời gian, sau đó chim bạn nuôi sẽ bắt chước theo và dần dần tự gáy.

Phương pháp nuôi chim cu gáy con

Đến mùa sinh sản, chim Cu gáy thường rủ nhau kéo về làm tổ trong các khu vườn cây cối rậm rạp, những lũy tre bụi rậm gần nhà… Nơi chúng làm tổ thường yên tĩnh, kín đáo, ít người qua lại, mặt khác do bản tính hiền lành và nhút nhát nên Cu gáy trong thời gian làm tổ cũng không gây một chút ồn ào như một số giống chim rừng khác, nên nếu không để ý thì ta khó lòng phát giác ra tổ của chúng.

Chỉ trường hợp tình cờ thấy đôi chim Cu cha mẹ liên tục tha rác về một bụi bờ nào đó ta mới biết là chúng đang xây tổ, và dễ dàng xác định được vị trí của chiếc tổ đó ở đâu.

Xưa nay, việc phát giác ra tổ Cu gáy vốn là “tài nghệ” của bọn mục đồng và trẻ con ở vùng thôn quê, vì hầu hết trẻ con thường thích phá phách tổ chim,mặc dầu cha mẹ nào cũng cấm đoán. Khi phát hiện ra tổ chim, các em thường chịu khó theo dõi, và chờ đến ngày tổ chim con sắp ra ràng thì mới tìm cách trèo lên cây bắt về để nuôi hoặc ăn thịt. Có thể nói, mùa sinh sản của chim chóc là mùa vui thú nhất của trẻ con ở nông thôn. Bắt gặp một tổ chim, chúng có thể biết ngay được đó là tổ của giống chim cảnh gì, hoặc chỉ cần quan sát cách tha mồi về tổ cho con của chim cha mẹ, chúng cũng có thể đoán được bầy chim con đã lớn cỡ nào, sắp ra ràng hay chưa… Đó là do “kinh nghiệm nghề nghiệp” dạy cho chúng biết được như vậy. Trẻ con sống ở thành thị chắc chắn… mù mờ về chuyện này.

Cũng cần biết thêm, Cu gáy đẻ mỗi lứa hai trứng. Thời gian ấp trứng nếu thời tiết nóng thì mất mười bốn ngày, nếu thời tiết mưa lạnh thì kéo dài khoảng mười sáu ngày chim con mới nở được. Chim con được hai mươi lăm ngày tuổi gọi là chim ra ràng đã bắt đầu tập bay, đã có thể rời tổ để đón nhận cuộc sống mới, tự lập thân…

Nói chung, chim hoang dã đã sớm khôn hơn chim nuôi sinh đẻ trong lồng: chúng biết ăn sớm hơn, biết tự vệ sớm hơn, như trốn lánh kẻ thù, trong đó có con người. Khi chúng đã biết bay được từng quảng ngắn ta đã khó lòng bắt được chúng.

Cu con mới nở thân mình vừa yếu vừa nhỏ chỉ, bằng lóng tay út mà thôi. Trong những ngày đầu còn non yếu này, Cu con cần được mẹ sưởi ấm liên tục và mớm sữa cho ăn. Chất sữa này tự nhiên hình thành trong diều chim cha mẹ, có trước ngày chim con nở độ mươi ngày, và đủ dùng nuôi bầy con trong bốn năm ngày đầu mới nở.

Sữa chim rất bổ dưỡng hơn tất cả những thức ăn mà chúng tự kiếm được ở ngoài đời, giúp cho chim con mau lớn và có sức đề kháng cao. Vì vậy nếu bắt chim con một hai ngày tuổi về nuôi, trừ người có nhiều kinh nghiệm mới nuôi sống được. Còn ai chưa kinh nghiệm, thì nuôi mười con chưa chắc sống được một, hai…

Cu con một tuần tuổi trở lên đã khôn lanh nên có nhiều khả năng nuôi sống hơn. Chúng đã bắt đầu “nứt” mắt, khi đói biết há choạc mỏ đòi ăn, cho nên rất dễ việc đút mồi hoặc nước uống. Sau một tuần tuổi trở đi, Cu con có thể tiêu hóa được các thức ăn tương đối cứng, các loại bột nhỏ như gạo, đậu xanh, bắp xay bể làm tư làm năm… Cơ quan tiêu hóa của chúng rất mạnh, có thể tiêu hóa được các loại thức ăn cứng đó một cách dễ dàng.

Trước đây, ông bà mình thường có thói quen nuôi Cu gáy con bằng cách nhai gạo rồi trún sang miệng của chúng cho đến khi căng diều no nê thì thôi. Mỗi lần mớm gạo như vậy, người nuôi thường ngậm một nhúm gạo rồi nhai nhỏ ra thành một chất sền sệt, sau đó đút mỏ chim vào miệng mình mà trún từ từ cho đến khi hết bột, tức là đủ cho chim no mới thôi. Đến cách cho chim con uống nước, người ta cũng trún như vậy. Được cái hay là giống Cu gáy rất phàm ăn, háu ăn, khi biết có cái ăn đưa tận miệng là chúng cứ há mỏ đớp mồi liên tục cho đến khi thực sự no nê.

Mỗi ngày chỉ cần mớm mồi như vậy độ bốn năm lần là đủ. Cách trún mồi cho chim như vậy quả thật là mất vệ sinh cho người, nhưng lại rất tốt cho chim con. Thức ăn không những được nhai nhuyễn, lại được trộn lẫn với nước bọt nên giúp chim dễ tiêu hóa.

Đó là trong thời gian chim con còn khờ dại. Khi chúng được nửa tháng tuổi trở đi, ta có thể đút mồi bằng tay cho chim. Mồi có thể là hỗn hợp bột bắp tấm gạo, cám gạo…nhồi sền sệt với nước rồi vò từng viên nhỏ để đút thẳng vào miệng cho chim. Điều cần là cho chim ăn xong một vài viên bột thì nên cho nó uống năm bảy giọt nước để giúp thức ăn dễ trôi tuột xuống bầu diều. Hễ chim con còn há mỏ đòi ăn thì ta nên hiểu là nó còn đói, nên tiếp tục cho ăn nữa. Vì khi đã no, chỉ có cạy mỏ chim mới há mỏ. Hễ bụng no là chúng lim dim ngủ…

Cũng xin lưu ý quí vị là thức ăn đút cho Cu con không cần phải nấu chín, cũng không đòi hỏi đạm động vật như thịt, cào cào, sâu tươi, mà nếu cần thì trộn thêm chút khoáng vi lượng.

Ngày nay, nhiều người nuôi Cu gáy con bằng cám hỗn hợp, gia cầm, như cám gà cám cút chẳng hạn. Thức ăn cũng được nhồi sền sệt với nước, rồi dùng ống chích hoặc Compte goutte bơm thức ăn lỏng này vào miệng chim. Có điều là nên bơm thức ăn từ từ, tránh cho chim bị sặc. Ăn loại thức ăn này ta nên cho chim uống nhiều nước, có thể thêm một cử nước giữa hai bữa ăn.

Nuôi Cu con ta phải ủ ấm cho chúng, nhất là khi ngày tuổi của chim còn quá nhỏ. Nên cho chúng ngủ trong chiếc tổ nhân tạo, có lót rơm rạ, cỏ khô hoặc vải vụn để chúng nằm êm ái và ấm áp. Quí vị cũng biết, chim con chịu lạnh rất dở, nếu được ăn no, ngủ ấm, chỗ ở lại sạch sẽ khô ráo, chim con sẽ tránh được bệnh tật lại khôn lớn rất nhanh.

Ngày nay, có nhiều nghệ nhân nuôi Cu gáy cho đẻ tại chuồng. Cách nuôi này cũng như nuôi bồ câu. Việc nuôi con cứ “khoán” cho chim cha mẹ nuôi đến lúc ra ràng mới bắt con ra nuôi riêng.

Một cặp Cu con trong tổ (cũng giống như chim Bồ câu) thường là con trống con mái. Cặp chim cảnh này có thể bắt ra nuôi riêng, cho ghép cặp từ đầu, trễ lắm một năm sau chúng sẽ đẻ lứa trứng đầu.

Cu gáy con mới nở không tài nào phân biệt được trống mái. Điều này ít ra phải từ tháng tuổi thứ ba trở đi, khi cơ thể chúng đã gọn gàng săn chắc, nhất là cái mỏ. Chim con vài ba tháng tuổi mới nổi cườm và cũng vào tuổi này chúng mới bắt đầu mới gáygiọng như tiếng dế, sau đó giọng mới nổi dần lên, hay hơn…

Phương pháp nuôi chim cu gáy bổi nhanh nổi

Chim Cu gáy bổi là loại chim lớn sống hoang dã ở ngoài trời, ta bắt được đem về nuôi hoặc ăn thịt.

Từ trước đến nay, các nghệ nhân nuôi Cu gáy thường thích nuôi Cu bổi hơn là Cu con, mặc dầu ai cũng biết loại Cu bổi rất nhát lại khó nuôi, trong khi Cu gáy con lại dễ nuôi và muốn bắt mà nuôi cũng không hiếm.

Cu gáy cũng như Sáo, Cường, Se sẻ thích sống gần người, gần xóm làng, nên chúng làm tổ ở trong các vườn tược, lùm bụi, vì vậy đến mùa sinh sản của chúng, việc bắt chim con về nuôi đâu có gì khó khăn đối với đa số người mình, nhất là những ai đang cư ngụ ở vùng nông thông rẫy bái…

Người ta thích nuôi Cu gáy bổi vì chúng tuy quá nhát nhưng lại mau thuần thuộc, mà khi con chim đã thuần thì sẵn sàng cho ta nghe giọng gáy “rừng” của nó tuyệt hay. Trong khi đó nuôi chim con lên, ít ra phải mất hơn năm trường chúng mớigáy hay được!

Với chim Cu bổi thì nước ta không hiếm, tư Bắc chí Nam trong suốt bốn mùa trong năm lúc nào cũng có thể đánh bẫy bắt được dễ dàng. Do đó, giá chim Cu bổi không cao, dù vào thời điểm nào cũng vậy, chỉ bằng phân nửa giá tiền mua Sáo, Cưỡng mà thôi. Vào vụ mùa (trùng với mùa sinh sản của chim) giá chim bổi thường rất hạ, vì được bán với giá chim thịt, đôi khi nó chỉ có giá bằng một phần ba chim Sáo, một phần tư giá chim Cưỡng!

Nhiều độc giả viết thư về hỏi chúng tôi là liệu những con Cu gáy bổi đang nhốt trong lồng, bán theo giá thịt rẻ mạt kia liệu mua về có nuôi tốt không? Xin trả lời là cứ bình tĩnh mua về nuôi, miễn là phải biết cách chọn lựa.

Cách chọn lựa mà chúng tôi nói ở đây là cách chọn lựa vóc dáng và sức khỏe của con chim, và chọn lựa trống mái, chứ ít ai để đủ tài chọn lựa được con chim có giọng gáy hay mà nuôi. Con chim gáy hay nó bộc lộ ra vòng cườm trên cổ, ở vân nổi trên cánh…và điều này chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn ở đoạn sau.

Chúng ta nên lựa chọn những con chim khỏe mạnh, thấy người lạ đến gần thì nhớn nhác bay nhảy loạn xạ trong lồng. Tất nhiên, những chú chàng có dáng lừ đừ xin đừng lầm là chim dạn mà chính là chim suy, mua về nuôi mười con chết hết chín! Cũng nên chọn những chim lông lá liền lặn, đầu không bị xước máu, trụi lông, cánh không xệ, chân đứng vững vàng… Với con chim bổi khỏe mạnh như vậy, mà lại chính mắt thấy nó đứng cạnh máng thức ăn để ăn mồi thì bạn nên chọn mua ngay mà thôi.

Từ xưa đến nay, phần đông nghệ nhân nuôi Cu gáy chuyên nghiệp, thường có ý thích tự mình đi “đánh” chim bổi về nuôi, như vậy mới có hy vọng chọn được những con chim hay, chim quí mà nuôi. Cái thú nuôi Cu lại gắn liền với cái thú “gác” Cu, nên gần như tuần nào các nghệ nhân nuôi chim Cu gáy cũng thường rủ nhau từng nhóm năm ba người đến một vùng nào đó ở ngoại ô, ở vùng bìa rừng hay một thôn trang nào đó để đánh Cu bổi về nuôi. Nhờ đó mà họ mới có cơ hội tốt chọn lựa ra được những con chim vừa ý để thuần dưỡng, nuôi riêng cho mình. Còn những chim dở, tầm thường thi..coi như chim thịt.

Cu gáy tuy sống gần người, suốt đời chỉ lẩn quẩn trong làng mạc, thế nhưng chúng rất nhát người. Sống ngoài trời dù đang đi kiếm ăn dưới đất hay đậu trên cây cao, nhưng thấy bóng dáng người lại gần là chúng vội tung cánh bay xa. Ít ra khoảng cách an toàn giữa người với chúng từ năm bảy chục thước trở lên chúng mới bớt lo sợ.

Do tính chim quá nhát nên khi bắt Cu gáy bổi ra khỏi lục, khỏi lưới, khỏi bẫy dò, muốn cho chim khỏi bị thương, ta phải rất cẩn thận từng thao tác một. Nếu không có nghệ thuật bắt Cu bổi thì chúng sẽ giẫy giụa đến nỗi bị nhiều thương tật trên mình, nhất là phần đầu, phần cánh, phân chân, và tệ hại nhất là bị trần trụi lông vũ trên mình, chẳng khác gì hình dáng con gà nòi phơi thịt ra ngoài vậy.

Ta nên lựa dịp con chim đang đứng yên, nhanh tay chụp mạnh từ trên xuống, sao cho bàn tay nắm gọn phần đầu và cả phần thân chim, mà đầu phải hướng về phía cổ tay mình. Phải bắt theo cách đó thì chim mới hết phương vùng vẫy để thoát thân. Ngược lại, cũng chụp từ trên xuống dưới, nhưng đầu chim hướng ra ngoài khẩu tay thì nó sẽ vùng vẫy để thoát thân cho bằng được.

Khi nắm bắt được con con chim bổi trong tay thì nên tức thời đút vào miệng nó chừng mười hột lúa hoặc đậu xanh, cho uống thêm chút nước rồi mới nhốt tạm vào lồng, chờ đánh thêm chim khác.

Thường một chuyến đi “gác”chim như vậy phải mất cả ngày, đôi khi đến vài ngày, do đó nếu không biết cách “lót lòng” trước cho chim bổi thì làm sao chúng đủ sức sống nổi cho đến lúc về tận nhà? Chim được ăn trước mười hột lúa và uống vài ngụm nước như vậy sẽ no được cả ngày, khỏi sợ chết đói chết khát dọc đường…

Khi về tới nhà. trước khi sang chim “rộng” qua lồng lớn mà nuôi, ta cũng nên chịu khó bắt ra từng con để đút mồi và cho uống nước như lần mới bắt được để chim bổi khỏi mất sức trong mấy ngày đầu. Vì như quí vị đã biết , chim Cu gáy bổi mới bẫy về trong mấy ngày đầu nhiều con không chịu ăn uống, do chúng quá sợ hãi. Mà chim không ăn uống trong một vài ngày là chúng đã suy yếu, mười con chỉ sống được hai ba mà thôi.

Vì vậy, nuôi Cu bổi phải có cách nuôi riêng, như vậy mới hy vọng ít hao hụt. Ý muốn của ta là phải nuôi cách nào cho con chim chịu ăn mồi để sống được. Chim có sống ta mới tính đến chuyện thuần hóa cho chúng dạn dần.

Muốn cho chim bổi sớm chịu ăn uống, tức là phải làm cách nào cho chim bớt nhát, mau hoàn hồn lại vía, mau thích nghi được với môi trường sống mới chật hẹp, tù túng và … đáng sợ mà chúng đang gặp phải. Đó là những vấn đề khó khăn đối với những ai chưa có kinh nghiệm nuôi chim bổi, nhưng là chuyện quá dễ đối với nghệ nhân chuyên nghiệp

Cách tốt nhất là ta nên nhốt tất cả chim bổi vào một cái lồng lớn, mà trong đó đã có sẵn những con Cu gáy bổi khác đã tương đối thuần thuộc, nghĩa là chúng đã được bẫy về trước đó vài ba tuần trở lên,và tất nhiên đã biết ăn mồi.

Chim nhát được nhốt chung với chim dạn sẽ giúp chúng bớt sốc hơn. Giống chim Cu gáy tuy háu đá nhưng khi bị nhốt chung chuồng thì con nào cũng tỏ ra hiền hậu, rất ít trường hợp cắn mổ lẫn nhau. Nếu có con nào quá hung hăng, mổ một con đứng gần mà con đó lánh đi thì nó cũng không hề rượt đuổi.

Những con bổi cũ vốn đã chịu ăn mồi, nên khi đói thì chúng đến cóng đựng lúa mà ăn, khi khát mà đến cóng đựng nước mà uống. Chim bổi thấy vậy cũng bắt chước ăn uống theo. Và, khi chim bổi đã chịu ăn uống là chim đã có nhiều cơ hội “sống” được, và lần hồi sẽ bớt tính nhát.

Mặt khác, trong những ngày đầu nhốt chim bổi vào lồng để thuần dưỡng, ta nên đặt trước vào lồng nhiều cóng thức ăn và nước uống, để chim đủ mồi mà sống được bốn, năm ngày liền. Vì trong thời gian mấy ngày đầu đó, ta nên để chim bổi sống được yên tĩnh, không nên lân la đến gần, cũng nên tránh cho chúng sợ hãi vì chó, mèo hay chuột bọ đến phá quấy… Chim bắt về đã quá sợ hãi, bây giờ lại tạo cho nó nhiều cơ hội để hoảng hốt thêm thì chúng làm sao sống nổi. Đó là điều sơ đẳng chắc chắn ai nuôi chim cũng phải biết để ngăn ngừa.

Khi chim bổi đã chịu ăn uống bình thường thì nó là con chim… dễ nuôi rồi, lúc này ta mới lựa những con chim thật tốt như ý mà nuôi.

Thật ra, những con chim gọi là ưng ý thì lúc còn ở ngoài rừng ta đã “chấm” trước rồi. Chẳng hạn những con chim quá khôn, dụ mãi mà chúng vẫn không chịu vào lục để đá với chim mồi (nhiều khi chỉ vì bắt một con chim khôn mà nghệ nhân này phải đi bẫy nhiều lần, đôi ba tháng trường mới bắt được), hay những chim có giọng gáy thật hay…Những con chim quí này khi bắt được, nghệ nhân thường làm dấu riêng như hớt cụt chút lông đuôi hoặc cắt ngắn một bên cánh, để sau này dễ nhận diện khi chọn lựa. Tất nhiên, những chim dở, bị thương tật hay chim mái thì gạt ra làm chim thịt!

Trong trường hợp nhà không sẵn chim bổi cũ, thì quí vị cứ bình tĩnh nhốt chung bổi mới với nhau chung một lồng, dĩ nhiên trong đó phải có đầy đủ cóng lúa và nước, rồi trùm áo lồng bên ngoài để chim được sống yên tĩnh trong vài ba ngày đầu . Và dĩ nhiên, trước khi bắt từng con thả vào lồng ta cũng nên nhớ đến việc đút lúa và nước cho chim để chúng được no bụng trong khi còn quá sợ hãi…

Quí vị mua một chim bổi mới từ chợ chim về nuôi cũng nên áp dụng theo phương pháp đó: cũng tự đút mồi cho chim ăn uống no nê, rồi trùm kín áo lồng, sau đó treo lồng vào nơi thật sự yên tĩnh…

Chỉ khi nào biết chắc được bắt nuôi riêng mà chim vẫn chịu ăn uống thì mới bắt chim sang lồng nuôi riêng mỗi con một lồng.

Đang sống tập thể cả bầy đàn, bây giờ bắt ra nuôi riêng, tất nhiên không thể tránh khói chim bị nhát trở lại. Thế nhưng, nhờ vào việc đã từng thích nghi với môi trường sống mới, đã chịu ăn uống trong lồng, nên việc tiếp tục thuần dưỡng cũng không gặp mấy khó khăn. Có điều, trong thời gian vài tháng đầu ta nên tìm mọi cách để cho chim bổi được sống yên tĩnh, chỉ trong trường hợp cho ăn uống ta mới gần gũi chúng mà thôi.

Bất cứ vị nào nuôi Cu gáy bổi cũng mong muốn cho con chim mau dạn, vì chim có dạn mới chịu gáy. Muốn cho chim dạn thì có nhiều cách như cắt bớt một bên cánh và một phần đuôi, như lại gần bên lồng rồi búng ngón tay tróc tróc (dùng ngón cái và ngón tay giữa chập vào nhau rồi bật mạnh sẽ tạo ra tiếng tróc tróc…), như dùng ngón trỏ nhịp lên nhịp xuống trước mặt chim, như tập chim đứng trên đầu một cái gậy ngắn, hoặc thả cho đi tự do trong một gian phòng…

♦Khi cắt bớt bên cánh và một phần đuôi con chim bị mất thăng bằng, cho nên nó muốn đứng yên một chỗ hơn là bay nhảy tứ tung. Nhờ đó mà khi gặp người đến gần chim quí nhớn nhác lo sợ, chứ không tìm cách bay nhảy tứ tung muốn trổ lồng mà đi như khi chúng còn đuôi và cánh nguyên vẹn. Phần đuôi và cánh bị hớt ngắn này sẽ ra trở lại trong mùa thaylông sau. Xin lưu ý là nên hớt ngắn bớt một bên cánh mà thôi, chứ không được nhổ, mặc dù hễ nhổ thì lông ở đó mau mọc ra trở lại.

Cách búng ngón tay tróc tróc lúc đầu cũng làm cho Cu gáy bổi sợ, nhưng thấy chủ làm nhiều lần như vậy mà vô hại cho nó, nên những lần sau nó đứng yên để theo dõi như có ý tò mò… Hễ đã áp dụng theo búng ngón tay thì mỗi lần lại gần lồng chim ta nhớ thực hiện đúng như vậy. Mỗi lần chỉ cần búng năm bảy lần là đủ. Nếu mỗi ngày thực hiện được cách búng ngón tay năm bảy lần thì con chim bổi mau dạn người hơn.

♦Cách dùng ngón trỏ nhịp lên nhịp xuống trước mặt chim cũng có tác dụng như búng ngón tay kêu tróc tróc. Khi con chim đã quen dần với cách “biểu diễn” này của chủ nuôi rồi, thì mỗi lần chủ chim đưa tay ra hiệu có thể là chim có thể gục gặc đầu gù theo…trông rất thích thú…

Khi chim bổi nuôi nhốt đã tương đối dạn người, và phần bên cánh của nó bị hớt ngắn trước đây chưa mọc ra được, ta có thể tập cho chim đứng trên đầu gậy và đưa nó ra khỏi lồng. Mặc dầu được thoát ra khỏi ngăn lồng chật hẹp, nhưng chim vẫn chịu đứng yên ở đầu chiếc gậy hàng giờ mà không tính đến chuyện cất cánh bay đi. Có lẽ sự mất thăng bằng trong thế đứng đã làm cho nó an phận, vì hễ bay cũng bị rơi xuống đất. Con chim đứng trước mặt chủ trên cái gậy do chủ nuôi cầm, trong lần đầu có thể nó lo sợ, nhưng nếu khéo léo giữ cho nó được yên tĩnh thì chim mau dạn dĩ hơn. Việc này nên ngày nào cũng làm, và chỉ thực hiện một lần cũng đủ.

♦Chim bổi đã chịu đứng trên đầu gậy thì thỉnh thoảng nuôi thả tự do trong một căn phòng hay trong một khuôn viên có tường bao bọc chung quanh trong một vài giờ cũng là chuyện tốt. Điều cần là ta không nên tìm dịp đến gần chúng để bắt bớ thô bạo, hoặc làm cho chúng sợ hãi bằng tiếng động, bằng cách cho chó mèo lai vảng đến gần…

Nếu biết cách thuần dưỡng thì Cu gáy bổi tuy tính nhát cũng nuôi mau dạn. Nhiều con bắt về chỉ độ vài tháng là gáy rất siêng. Và khi chim cảnh đã chịu thuần thuộc rồi thì dù đem lồng đặt lên bàn làm việc nó cũng gáy, và tất nhiên ta có thể cho tay vào lồng để vuốt ve trên đầu trên lưng nó cũng được. Luyện được con chim như vậy thường phải mất ba bốn mùa mới được. Tuy vậy nếu sơ sẩy để chim bay ra khỏi lồng thì dù đã nuôi thuần thuộc đến đâu Cu gáy cũng cắm đầu cắm cổ một mạch bay luôn…Người ta coi giống Cu gáy chim có tính bạc bẽo là vậy.

Lưu ý khác để chim cu gáy nhanh nổi

Ngoài những bí quyết như Chomeocanh.com đã chia sẻ bên trên, các bạn cũng có thể khiến chim cu gáy nhanh nổi hơn bằng cách nuôi từ 2 con chim trở lên ở cạnh nhau. Việc này giúp chúng sớm trở nên quen thuộc với môi trường mới chứ không còn quá bỡ ngỡ hay lo lắng. Khi nghe đồng loại gáy, các chú chim còn lại cũng sẽ gáy cùng theo bản năng.

Nuôi từ 2 con chim cu gáy trở lên
Nuôi từ 2 con chim cu gáy trở lên

Ngoài ra, các bạn còn cần chú ý chọn lồng chim cu gáy với kích cỡ phù hợp, nếu chật quá hoặc rộng quá thì chúng sẽ không chịu gáy. Bên cạnh đó, bạn đừng bao giờ bỏ bê việc cho ăn hay chăm sóc chúng, vì khi thiếu chất dinh dưỡng hoặc bị bệnh, chim cu sẽ không đủ sức hoặc không muốn gáy nữa.

Chăm sóc chim cu gáy

Nuôi chim, chim sống hay chết, sung hay suy là ở khâu chăm sóc. Có chịu khó chăm sóc ta mới theo dõi được sức khỏe của chim, mới bảo vệ được sức khỏe cho chim, ngoài ra nhờ đó mà biết được cá tính của từng con chim một để nuôi dưỡng đúng mức.

Có nhiều nghệ nhân dám bỏ tiền trăm, tiền triệu ra mua một con chim quí, nhưng lại coi thường nếu không muốn nói là biếng nhác trong khâu chăm sóc cho chim, nên chim bị suy, thật là điều đáng tiếc Người ta thường nói “nghề chơi thật lắm công phu”, cho nên nuôi chim mà không bỏ công sức ra để chăm lo cho chúng từng miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh nơi ăn chốn ở của nó thì…đừng trách sao chim cứ đứng ủ rủ cả ngày, không chịu hót, chịu gáy như chim của người!

Không ai là người có “tay nuôi” cả, mà người ta chỉ hơn nhau ở chỗ có kinh nghiệm chăn nuôi hay không mà thôi.

Quí vị thừa biết, chim là giống trời phú cho đôi cánh, thích bay liệng đó đây giữa bầu trời cao rộng, cho nên bắt nuôi trong một chiếc lồng chật hẹp nó thích nghi sống được đã là một điều may. Nếu bây giờ chúng ta muốn nó vui sống, hoan hỉ sống; nghĩa là phải siêng hót, siêng gáy, hoặc trổ tài đấu đá với nhau, thì đòi hỏi ta phải có kỹ thuật chăm sóc cho chúng từ khâu ăn uống bổ dưỡng đến vệ sinh lồng, chuồng… Thờ ơ đến việc này coi như việc nuôi chim bị thất bại.

Nuôi chim Cu gáy khâu chăm sóc rất giản dị, không mất nhiều thời gian như cách chăm sóc nhiều giống chim rừng “khó tính” khác. Mọi việc không đòi hỏi phải thực hiện hằng ngày, mà đôi ba ngày “ngó ngàng” đến một lần cũng được. Đại khái mọi công việc thuộc khâu chăm sóc chim Cu gáy như sau:

Tránh mèo và chuột: Lồng Cu gáy nên treo nơi yên tĩnh, nơi mà chó mèo không thể vô chụp, và chuột bọ không len lỏi vào được để phá hại thức ăn của chim. Chim mà bị mèo vồ hụt một lần là đủ kinh hồn bạt vía. Lồng chim mà bị chuột viếng hoài thì thức ăn bị hao hụt, đôi khi chim chết đói mà chủ không hay biết.

Tránh kiến lửa: Mỗi khi treo lồng lên các nhánh cây, quí vị nên quan sát kỹ trước xem có sự hiện diện của tổ kiến lửa hay không. Kiến lửa vốn là loại háu ăn, chúng tìm đến lông chim là kiếm thức ăn sau đó mới bu bám vào chân vào mắt chim mà cắn.

Do chim Cu gáy thích sống ở nơi lùm bụi vừa yên tĩnh vừa mát mẻ, nên nhiều nghệ nhân chiều theo ý thích của chim mà treo lồng vào những lùm cây rậm rạp ngoài vườn để chúng được sống một cách tự nhiên với cây cối vây quanh. Việc làm này thường đem lại kết quả tốt: chim trở nên sung sức, siêng gáy hơn, dạn dĩ hơn…

Tắm nắng: cũng giống như các giống chim cảnh nuôi nhốt trong lồng khác, Cu gáy cũng thích được sưởi nắng sáng. Nắng sáng tốt nhất là trước chín giờ mỗi ngày, và chim chỉ cần sưởi ấm độ nửa giờ là đủ.

Gặp nắng ấm, Cu gáy sẽ nằm nghiêng mình xuống sát bố lồng, nó xòe rộng một bên cánh ra để sưởi. Sưởi xong cánh này nó lại trở mình sưởi tiếp cánh kia, ra chiều ưng ý lắm. Việc tắm nắng này nếu được đều đều mỗi ngày thì quá tốt, nếu không thì mỗi tuần cho chim sưởi một đôi lần cũng được

Chúng tôi thấy ở thôn quê, những nhà có mặt tiền quay về hướng đông nam, mỗi sáng người ta đem lồng Cu gáy treo dài dài trước mái hiên để chim tắm nắng ban mai. Và sau đó cứ treo chim suốt ngày như vậy để chim được sống gần gũi với thiên nhiên. Tối lại, họ mới đem chim vào nhà trùm áo lồng lại cho ngủ sớm…

Tắm nước: Trong đời sống hoang dã, Cu gáy rất thích tắm nước, nhất là sau khi đã dược ăn uống no nê. Nhưng khi nuôi nhốt trong lồng thì thời gian nầy không có con nào chịu tắm cả. Điều này trái với nhiều giống chim hót rừng khác. Chẳng hạn như: Họa mi, Chích chòe, Khướu, Vành khuyên v.v… chim bổi bắt về hễ sang lồng tắm là chúng tắm ngay, riêng Cu gáy bổi thì không. Chỉ những chim Cu nuôi thuộc một vài mùa thì không. Chỉ những chim Cu nuôi thuộc một vài mùa thì chúng mới chịu tắm, và cách tắm cũng như chim Bồ câu vậy. Ta có thể sang chim qua lồng tắm, và khi tắm xong thì cho nó trở về lồng nuôi.

Hớt bớt lông đuôi: Chiếc lồng trái bí nuôi Cu gáy vốn chật hẹp, trong khi chiếc đuôi nó lại khá dài. Vì thế vài tháng một lần ta nên hớt bớt lông đuôi ngắn lại, chỉ chừa lại độ năm phân mà thôi. Nếu để chiếc đuôi dài quá (mặc dầu ai cũng công nhận vào chiếc đuôi dài này mà trông dáng Cu gáy mới uyển chuyển dễ thương) chim sẽ xoay trở khó khăn, lông đuôi lại tưa mất vẻ thẩm mỹ. Với Cu mồi đánh lục, việc hớt ngắn lông đuôi được coi như là chuyện bắt buộc, vì nhờ đó mà chim xoay trở nhanh lẹ khi phải “đấu đá” với chim bổi bên ngoài.

Nên dượt chim: Kinh nghiệm cho thấy trong nhà nuôi Cu gáy số nhiều (độ năm bảy con trở lên) thì tất cả số chim đó đều sung sức và gáy hăng cả.

Ngược lại, nếu trong nhà chỉ nuôi một con thì trông nó lừ đừ và biếng gáy.

Nếu nhà ta chỉ nuôi môi một con Cu gáy, nhưng gần nhà lại có người cùng nuôi Cu như mình, thì bạn để ý xem hễ con Cu hàng xóm cất tiếng gáy thi con chim nhà mình cũng tỏ ra hăng hái đối đáp lại ngay! Vì vậy bạn bè cùng nuôi Cu gáy với nhau, thỉnh thoảng nên đem chim đến nhà để tập dượt, để chim có cơ hội học hỏi giọng gáy hay, lạ của nhau.

Có điều là không nên treo chim dở cạnh chim hay, không nên treo chim chưa thuộc cạnh chim quá dữ, vì giống Cu gáy cũng ưa đè nhau như nhiều giống chim hót rừng khác: con mạnh sẽ hiếp đáp con yếu. Tốt nhất là nên treo chim có cùng độ sung gần nhau để chúng đấu đá ngang ngửa với nhau.

Chính vì lẽ đó nên trong nhà chật chội mà nuôi nhiều Cu gáy, người ta phải phủ áo lông để tránh cho chim khỏi thấy mặt nhau. Nghe giọng của nhau chúng nó không khớp, nhưng nếu thấy mặt nhau, con dở bao giờ cũng khiếp sợ con dữ…Giống chim khi đã sợ, ta nhìn vào biết ngay: lồng đầu của nó xù lên: và quay sang hướng khác tỏ ý lẫn tránh.

Chim bệnh: Chim bệnh thì dáng vẻ lù rù. Nên mang lồng ra một nơi cách xa các chim lành mạnh khác để theo dõi bệnh tình của nó mà tìm phương cách chữa trị đúng thuốc và kịp thời. Bệnh của Cu gáy như quí vị đã biết, không nhiều và cũng dễ trị.

Phòng ngừa và điều trị bệnh cho chim cu gáy

Chim Cu gáy tuy bị nuôi nhốt trong chiẻc lồng trái bí chật hẹp. không vận động nhiều, nhưng lại là giông chim. ít bị bệnh tật. Tuổi thọ của Cu gáy cũng khá dài, nếu được àn uống no đủ và chăm sóc chu đáo. Có con sống đến vài ba mươi năm mới chết.

Có nhiều con Cu mồi tuổi đời đã được hai mươi “mùa”. Đến nỗi con cháu trong nhà gọi đùa là “Ông Cu” mà vẫn còn khả năng theo chủ vào rừng để gác chim bổi. Những con mồi già này tuy đã yếu sức ít gáy nhưng kinh nghiệm trận mạc nhiều, gáy đủ bài bản nên vẫn được đánh giá là những sát thủ sừng sỏ, mà những Cu mồi tơ chưa chắc đã bằng. Vì vậy, những con chim quí này “sống nuôi chết chôn”, không chủ chim nào chịu bán ra cả, dù với giá khá cao.

Cu gáy sở dĩ có tuổi thọ khá cao như vậy là nhờ chúng ít bị bệnh ngặt nghèo như các giống gia cầm hay các giống chim rừng khác.

Nhiều nghệ nhân nuôi Cu gáy lâu năm cũng đồng ý với chúng tôi là hiếm thấy Cu gáy bị các bệnh như thương hàn, lao, toi dịch, mà chỉ vướng mắc một số bệnh thông thường về đường ruột, về mắt và giun mà thôi. Cu gáy cũng ít bị chết vì trúng gió như: Nhồng, Khướu và nhiều giống chim rừng khác, nghĩa là ít có con bị chết… bất đắc kỳ tử.

Dù sao thì việc tốt nhất và cần nhất là ta cũng nên biết cách ngừa bệnh cho chim. Mình có câu “phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh”, phòng bệnh tuy tốn công tốn sức một chút nhưng giúp chim sống khỏe mạnh suốt đời, trong khi chờ bệnh xâm nhập thì tốn tiền thuốc men, mà chưa chắc đã bảo đảm được mạng sống của chim.

Ngừa bệnh cho Cu gáy, ta nên làm những việc như sau:

– Treo lồng chim vào nơi yên tĩnh, thông thoáng không bị ô nhiễm độc hại, kể cả khói bếp…Quí vị cũng biết bản tính của chim Cu gáy là thích sống nơi yên tĩnh, vì vậy treo lồng vào nơi xe cộ dập dìu nơi chợ búa trường học có đông người qua lại chỉ làm cho chim sợ hãi mà thôi. Chim mà lúc nào cũng hoan mang sợ hãi thì làm sao dám gáy, dám bo, dám thúc cho mình nghe?

– Treo lồng vào nơi có ánh nắng ban mai rọi vào để hằng ngày chim được tắm nắng, phơi lồng để làm ung trứng rận mạt.

– Thức ăn phải có chất lượng (Cu gáy tiêu thụ thức ăn không nhiều), lúa, kê, đậu vừa tốt vừa sạch sẽ, và nhất là không nên để cho chim bị đói khát.

– Cu gáy rất cần chất khoáng, vì vậy trong lồng lúc nào cùng có đủ khoáng chất. Thiếu khoáng chim dễ bị bệnh. Khoáng không được nhiễm bẩn, vì vậy vài tuần nên thay mới một lần.

Vệ sinh thường xuyên lồng nuôi, và các dụng cụ trong lồng như cầu đậu, cóng đựng thức ăn và nước uống. Bố lồng cũng nên giặt giũ luôn, nếu không chân chim dễ bị vấy bẩn, sinh ra ghẻ lở khó trị.

Như quí vị đã biết, lông Cu gáy rất “bở” hễ chụp vào người nó thì từng túm lông rời ra khỏi thân mình, trông con chim xơ xác, xấu xí, phải chờ một vài tháng sau bộ lông của nó mới mướt mát trở lại vì vậy chỉ khi chẳng đặng đừng người ta mới bắt chim để cho uống thuốc hay điều trị một vết thương nào đó mà thôi. Hơn nữa, do không được thường xuyên vuốt ve, nên sau mỗi lần bắt chim trên tay nó trở nên nhát người…

Và, sau đây là vài chứng bệnh thông thường mà chim Cu gáy thường vướng phải:

♦ Bệnh tiêu chảy: Chim bị chứng tiêu chảy rất đễ biết, nó biếng ăn, uống nhiều nước, phân màu trắng hoặc phơn phớt màu xanh lá cây. Trông dáng chim mỏi mệt, mắt kéo mi nhắm lại như ngủ, không gáy, và ốm nhanh.

Có thể do bị nhiễm lạnh, do nhiều loại ký sinh gây bệnh, cũng có thể do thức ăn mốc meo, hư thúi, hoặc nước uống quá bẩn…

Nếu bệnh nhẹ, có thể cho uống nước trà đặc (thay nước uống thông thường một vài tuần).

Có thể dùng thuốc tiêu chảy dùng cho người (với liều lượng nhỏ thích hợp với thể trọng của chim cảnh).

Dùng thuốc Ampi, khoảng 1/4 viên cho mỗi con một ngày, uống trong vài ba ngày.

Có thể dùng các loại trụ sinh đặc chế cho gia cầm dùng chuyên trị bệnh tiêu chảy.

♦ Bệnh đau mắt: Cu gáy thường bị chứng đau mắt. Mắt chim có thể bị sưng, mí mắt, có con bị đau cả hai mắt. Chim bị đau mắt thường ủ rũ đứng yên một chỗ, không màng ăn uống, không gáy. Bệnh nặng mà không kịp thời chữa trị, chim có thể bị chết vì suy kiệt sức lực do không ăn uống.

Nếu bệnh đau mắt nhẹ và mới phát thì có thể phun nước muối vào mắt ngày vài lần, và trong vài ba ngày chim sẽ hết.

Nếu bệnh nặng hơn thì dùng nước cốt rau răm còn có tên là thủy liễu (Polygonum odratum) pha với chút xíu muối rồi nhỏ vào mắt. Nếu mắt chim sưng nhiều, thì lấy xác rau răm (vò nát) đắp vào mắt trong chốc lát mắt sẽ bớt sưng. Do rau răm có dược tính chữa được nọc rắn, sâu quảng.

Cách thứ ba để trị chứng đau mắt của Cu gáy là dùng vài trái ớt hiếm thật cay giã nát rồi bôi vào mắt chim và hai đầu cánh của chim. Chim bị chất cay của ớt làm cho xót mắt nên cạ mắt vào hai đầu cánh tưởng như vậy mắt sẽ đờ xót hơn, không dè lại tăng thêm cơn xót. Nhưng chỉ một lúc nào đó thôi, khi ớt hết cay thì mắt sẽ không còn đau nữa.

♦ Bệnh giun: ít có trường hợp Cu gáy bị giun, nhưng nếu bị cũng rất dễ chữa trị. Ta có thể dùng thuốc: Piperazin adipinat trộn vào thức ăn cho chim ăn. Chỉ dùng một chút thuốc bằng mút đũa trộn vào nửa cóng thức ăn của chim để chim ăn dần dần hết.

Thuốc này có thể trộn vào nước uống cho chim cũng có kết quả tốt, với liều lượng nhỏ như vừa nói.

Trên đây là ba loại bệnh mà chim Cu gáy thường mắc phải, và cùng rất dễ trị lại ít tốn kém.

Bình luận đã được đóng lại.