Ngoài hai cách nuôi lồng, nuôi chuồng là hình thức nuôi nhốt, ta có thể nuôi Bồ câu theo lối thả tự do ngoài trời như cách nuôi của ông bà ta ngày trước.
Như quí vị đã biết, nuôi theo cách này nếu không có phương pháp để cầm giữ chim lại thì chúng sẽ bỏ chuồng mà đi…
Cách làm chuồng nuôi bồ câu thả rông đúng kỹ thuật
Trước hết, ta phải biết cách làm chuồng và đặt hướng chuồng cho thích hợp.
Chuồng chim nuôi thả bắt buộc phải có mái che kín đáo, mái chuồng có thể được đóng theo kiểu cách nào cũng được, trên đó sơn phết nhiều màu tươi tắn lại càng hay, vì chim Bồ câu rất chuộng màu sắc. Hơn nữa màu sắc của chuồng còn gây cho chim một ấn tượng mạnh, giúp nó nhớ dai để tìm được hướng trở về không sợ lạc lối.
Trong chuồng có nhiều ngăn để làm tổ. Những ngăn này phải đủ rộng, đủ sâu để cặp chim trú ngụ và làm tổ thoải mái. Hơn nữa, ngăn tổ mà rộng rãi giúp ta làm vệ sinh cũng dễ dàng. Người nuôi phải trù liệu trước là số lượng chim cảnh sẽ nuôi là bao nhiêu để tạo số ngăn cho chim ở không những đủ số mà dôi ra càng nhiều càng tốt. Vì lẽ đó, nên chuồng nuôi Bồ câu thả có thể làm nhiều tầng… và hướng ra nhiều mặt.
Chuồng có thể đóng tựa vào tường nhà hoặc tường nhà xe (garage), quay về hướng Nam hay Tây Nam để hứng được nhiều ánh nắng và ít bị mưa hắt càng tốt. Tránh đặt hướng chuồng về hướng Tây hoặc Tây bắc, đó là những hướng có ánh nắng chiều gay gắt rọi vào và cũng thường xuyên bị mưa tạt.
Nếu quí vị có khu vườn rộng thì nên đặt chuồng trên một cái cọc để tạo vẻ xinh xắn trong khu vườn nhà, đồng thời cũng tạo được thú tiêu khiển kỳ thú cho mình khi quan sát mọi sinh hoạt sinh động của những con xinh xắn.
Nói là chuồng đặt trên cọc, nhưng cọc phải chắc chắn, được chôn sâu dưới đất để tránh sự nghiêng đổ khi mưa bão. Cọc hay cột đỡ chuồng phải đủ cao không bị cây cối hoặc nhà cửa chung quanh che khuất, để Bồ câu khi đi kiếm ăn dễ dàng định hướng mà trở về…
Chim Bồ Câu nuôi thả tự nhiên có bỏ đi không?
Được nuôi thả tự do, Bồ câu tỏ ra thích thú lắm, chúng tỏ ra linh hoạt trong mọi hoạt động, nhưng nếu không biết cách “cầm chân” thì chúng dễ dàng bỏ chuồng mà đi.
Bản tính Bồ câu như Quí vị đã biết, chúng thích
– Sạch sẽ: chuồng sạch sẽ, đẹp đẽ, hướng chuồng quay về nơi mát mẻ, ấm áp. Ngăn làm tổ phải rộng, thoáng và đủ chỗ để tránh sự tranh giành gây mất trật tự…
– Yên tĩnh: Bồ câu thích sống nơi yên tĩnh, không có tiếng động cơ ồn ào, không bị chó mèo, chuột bọ, rắn, kiến rình mò giết hại.
– Được ăn no: Có nhiều cách “giữ chân” Bồ câu nuôi thả không bỏ chuồng mà đi bằng… thức ăn nước uống, Có nhiều người tập cho chim uống nước có pha muối (giống Bồ câu lại thích uống nước có vị mặn) nên khi đã quen thì dù đi ăn xa đến lúc khát cũng trở về chuồng của mình. Nhiều người lại cho uống “cà phê dợt”, tức là dùng bã cà phê pha nước vào cho chim uống. Thứ này cũng dễ ghiền…
Thật ra cũng không nên tạo ra sự phiền phức cho mình như vậy. Có cách giản dị hơn nhiều mà vẫn cầm chân được chúng nó là quí vị nên “đãi” cho chim ăn một bữa no nê vào buổi chiều tối.
Bồ câu đi ăn cả ngày, chúng cũng “siêng nhật” nhưng không “chặt bị” đâu, tối về con nào cũng lưng lửng bụng cả. Hơn nữa, thức ăn mà chúng kiếm chác được trong ngày đâu có bổ béo gì. Bây giờ trở về chuồng lại được ăn một bữa no nê thì còn gì thích bằng… Quí vị cứ tập cho chúng thói quen như vậy thì chắc chắn khoảng năm giờ chiều bầy chim của quí vi sẽ tụ tập về đủ để lóng ngóng chờ ăn!
Buổi sáng ta cho chúng ăn lưng lửng bụng, và chiều tối, trước khi chim vào chuồng ngủ ta mới cho chúng, ăn một bữa no nê.
Tục ngữ mình có câu “Thóc đâu Bồ câu đấy”, có nghĩa là chỗ nào nhiều thóc gạo là đủ sức hấp dẫn giống chim cảnh này. Đó là nghĩa đen, còn nghĩa bóng tất nhiên là khác.