Trong đời sống hoang dã, mùa thay lông của chim Cu gáy cũng trùng với mùa thay lông của nhiều giống chim rừng khác, nghĩa là khoảng tháng tám đến tháng mười một Âm lịch, tức là sau mùa sinh sản của chúng.
Trong mùa sinh sản hàng năm, mỗi cặp Cu gáy đẻ được từ hai đến bốn lứa, như vậy là đôi chim phải ấp trứng và kiếm mồi nuôi con suốt ba bốn tháng trời mới xong. Đây là khoảng thời gian khá dài chúng phải lao động cực nhọc nhất, và chắc chắn phải ăn uống thất thường nhất, vì phải dành mồi để đút cho các lứa chim con.
Sống cực khổ như vậy suốt một khoảng thời gian khá dài, chắc chắn chim cha mẹ không tránh đươc sự suy yếu. Vì vậy, chúng thay lông ngay sau thời gian sinh sản cũng là chuyện đương nhiên thôi. Hiện tượng chim thay lông sau mùa sinh sản, gọi ìà mùa thay lông hàng năm của chúng.
Mùa thay lông của Chim Cu gáy tự nhiên
Mùa thay lông của chim không nhất loạt xảy ra cùng một tháng, mà còn tùy ở sức khỏe của từng con chim một. Hễ chim nào đẻ sớm thì mùa sinh sản của chúng chấm dứt sớm, và chúng thay lông sớm hơn. Những chim nào sinh sản trễ thì mùa sinh sản của chúng sẽ muộn, do đó chúng thay lông muộn hơn những chim khác.
Thường thì mùa thay lông của các giống chim muông chấm dứt trước khi mùa lạnh đến, trễ lắm là cuối tháng mười một Âm lịch hàng năm.
Sau khi trút bỏ được lớp lông cũ xấu xí, để thay vào mình một lớp lông mới trông chim tươi tắn ra, mạnh khỏe hơn. Mà quả thật vậy, sau mùa thay lông con chim nào cũng mập mạp, do chúng được ăn uống no đủ, không liên tục ấp trứng và nuôi con như mấy tháng trước đây.
Nếu không phải thay lông bất thường thì lớp lông mới này sẽ gắn chặt trên mình chim cho đến mùa thay lông năm sau mới rụng. Thật ra, nói vậy cũng không được đúng lắm, vì trong mùa sinh sản, Cu gáy cũng thay lông lai rai, thường là lông bụng và hai bên sườn. Trong tổ của chúng, ta thường bắt gặp những chiếc lông vũ này, có công dụng giúp cho nền tổ được ấp êm.
Sau mùa thay lông, chim mập mạp, mạnh khỏe nên trống mái lại tìm đến nhau bắt cặp trở lại để lo dần cho kịp mùa sinh sản trong năm tới sắp đến. Thời gian bắt cặp này của Cu gáy thường khởi đầu từ tháng trước Tết Nguyên Đán. Đôi chim sống bên nhau như một cặp tình nhân đang hưởng tuần trăng mật.
Thời kỳ trăng mật này kéo dài sang đến gần mùa mưa sang năm, vì thời này khởi đầu cho mùa sinh sản.
Cu gáy nhốt lồng mùa thay lông như nào
Với Cu gáy nuôi nhốt trong lồng thì mùa thay lông của chúng thường đến sớm, từ tháng hai đến tháng năm Âm Lịch. Có nhiều chim Cu trống thay lông rất nhanh, khoảng một tháng là xong, nhưng cũng có con phải mất vài tháng mới khoác được vào mình lớp lông mới.
Những chim Cu gáy trống thay lông nhanh, thường là chim mập mạp, được ăn no đủ. Trong khoảng một tuần là con chim đã rủ bỏ hết bộ lông cũ trên mình. Mỗi lần nó rỉa lông tỉa cánh là có cả nắm lông lả tả rơi xuống…Kinh nghiệm cho thấy hễ chim nào rớt lông “ồ ạt” như vậy thì thời gian thay lông rất nhanh. Trái lại, những chim thay lông lai rai, mỗi ngày chỉ rớt chừng năm mười chiếc thì mùa thay lông của nó kéo dài ra khoảng vài tháng có khi hơn.
Với Cu gáy nuôi đẻ trong lồng thì chúng thay lông lai rai trong những lần ấp trứng, cho nên mùa thay lông của chúng không rõ rệt. Chim Cu mái nuôi lồng gần như đẻ quanh năm như chim Bồ câu, và cứ mỗi lần ấp một lứa trứng, ta thấy trong tổ có chừng vài mươi chiếc lông vũ, nhiều nhất là lông bụng và lông cạnh sườn, và một hai chiếc lông đuôi hay lông cánh.
Thông thường, hễ một chiếc lông cũ trên mình chim rớt ra thì những ngày sau đó ở đấy sẽ có một chiếc lông mới hình thành. Như vậy thì có thể nói, chim nuôi lồng thường thay lông lai rai quanh năm.
Cu gáy mái nuôi lồng mỗi năm có thể đẻ được từ sáu đến chín lứa. Hễ lứa con này sắp ra ràng là chim mẹ đã sẵn sàng đẻ tiếp lứa sau. Nhưng, trong năm, thường là vào tháng năm, tháng sáu, giữa hai lứa đẻ bị thưa ra một hai tháng. Chính thời gian đó là lúc chim thay lông.
Nuôi nhốt trong lồng, trong khi thay lông, chim trông vẫn gáy, nhưng gáy ít và giọng nhỏ. Dù đang thay lông, chim trống vẫn đạp mái, nhưng trứng thiếu cồ. Trong khi đó, đang đẻ mà bị thay lông thì mái tạm ngưng đẻ, nếu đang ấp nó có thể bị bỏ ổ trứng.
Nếu chim Cu trống và mái cùng thay lông chung một lần thì sự sinh sản của chúng chỉ bị ngưng chựng lại trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Nhưng, nếu con thay lông trước, con thay sau thì ta sẽ mất nhiều lứa trứng, vì dù đẻ trứng cũng không cồ, hoặc là đẻ mà không chịu ấp…
Chăm sóc Cu gáy trong khi thay lông
Với Cu gáy trống, trong thời gian thay lông, ta vần chăm sóc bình thường, không phải trùm áo lồng như đối với các loại chim cảnh hót rừng khác, như Họa mi, Chích chòe chẳng hạn. Nếu có khả năng, ta nên cho chúng ăn uống với thức ăn bổ dưỡng thì tốt hơn.
Với Cu mồi, trong thời gian thay lông ta nên cho chúng được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Mồi đang suy mà gặp bổi dữ có thể sợ hãi mà… rót luôn.