Nói đến Cu gáy, thiết nghĩ chúng ta cũng nên tìm hiểu thêm những “bà con họ hàng” xa gần với nó, cũng là điều có ích:
Cu Ngói
tên khoa học của Cu ngói là Streptopelia tranquebarica humilis. Nhiều nơi gọi Cu ngói là “chim ngói” vì lông cánh của nó có màu hung hung đỏ của tấm ngói lợp nhà.
Cu ngói có thân hình giống như Cu gáy, chỉ khác là nhỏ độ hai phần ba trọng lượng Cu gáy mà thôi. Cu ngói không ai nuôi vì chúng không biết gáy, mà chỉ săn bắt làm chim thịt, vì thịt nó mềm mại thơm ngon hơn cả thịt Cu gáy.
Đây là giống chim di cư, sống thành bầy đàn, ít thì vài ba con, và nhiều là năm sáu mươi con. Giống chim này không có lợi cho nhà nông vì nó phá hại mùa màng, ăn lúa, đậu, mè, nhưng bù lại thịt chúng rất ngon và bổ nên ai cũng thích.
Hầu hết các nước vùng Đông Nam Á đều có giống chim này sinh sống. Tại nước ta, Cu ngói xuất hiện quanh năm ở Miền Nam, vào mùa Hè thì chúng tụ về các tỉnh miền Trung, và ở miền Bắc thì từ cuối xuân đến cuối thu ở các vùng trung du và miền núi đều có nhiều chim ngói. Vào mùa thu, ở miền Bắc là mùa cốm và cũng là mùa nhiều chim ngói nên người mình có một món ăn rất đặc biệt vừa ngon vừa bổ: nhồi cốm và hột sen vào bụng Cu ngói đem hầm, như lối hầm vịt tiềm ở trong Nam vậy.
Như trên đã nói Cu ngói hình dáng giống như Cu gáy, chỉ nhỏ con hơn mà thôi. Bộ lông trên mình nó màu nâu nhạt, cổ có cườm là một vệt lông đen nhỏ như que tăm, riêng đôi cánh thì có màu hung đỏ như màu ngói lợp nhà. Mùa sinh sản của chúng từ tháng tư đến tháng bảy tháng tám Âm lịch, mỗi năm đẻ chừng hai lứa và mỗi lứa cũng chỉ được hai trứng mà thôi. Cách làm tổ của Cu ngói cũng đơn sơ như tổ Cu gáy, và cũng chọn những nơi kín đáo yên tĩnh nhất…
Người mình bắt Cu ngói bằng cách đánh rập, tức là đánh bằng lưới, chứ không ai bẫy bằng lục. Do Cu ngói đi ăn từng bầy, nên đánh rập là bắt nhanh hơn cả, mỗi mẻ lưới ít ra cũng được năm bảy con, có khi hàng chục con.
Cu Xanh
Tên khoa học của chim Cu xanh là Treron. Sở dĩ người ta đặt cho giống chim này tên Cu xanh vì toàn thân chim có lông như lông Két. Cu xanh cũng có thân hình giống như Cu gáy, nhưng trọng lượng lớn hơn. Mỏ Cu xanh hơi ngắn, chân cũng ngắn nhưng mập to và có màu đỏ như chân Cu gáy. Điểm đặc biệt là khi đậu cũng như khi đang đậu trên cây mà bị bắn chết, đôi chân Cu xanh vẫn bám chặt vào nhánh cây, treo lủng lẳng thân mình ở trên cành chứ không dễ gì rơi xuống…
Do thân mình to nên cho nhiều thịt, thịt cũng ngon nhưng lông khó nhổ chứ không bở rệt như lông Cu gáy và Cu ngói.
Cu xanh cũng sống thành bầy đàn, năm ba chục con, và khi kiếm ăn nơi đâu thì bay hết cả bầy về hướng đó.
Xưa nay, nếu có một thiểu số người nào đó nuôi Cu xanh là để làm cảnh chứ không phải nghe gáy, vì nó cũng như Cu ngói, nó không hề biết gáy. Cu xanh thích ăn trái cây có vị ngọt và thích ăn lúa đậu của nhà nông như Cu gáy, Cu ngói. Vì vậy bắt Cu xanh có hai cách: một là bắn giàn thun bằng súng hơi, hai là đánh bằng lưới rập như cách đánh bắt Cu ngói.
Kinh nghiệm cho biết, nếu bắn thì bắn khi chim sắp sà xuống đậu như vậy chim mới rớt xuống đất. Còn khi chim đã đậu để ăn trái cây rồi thì có chết chân nó cũng quắp chặt trên cây để thân mình treo lủng lẳng.
Nếu rập bằng lưới thì phải tìm đến những thửa ruộng vừa gặt hái xong. Giống chim này có tính “ngu” là kiêm ăn ở đâu cứ đậu chùm nhum lại một chỗ, nên cất một mẻ lưới mà trúng, có thể được vài chục con chứ không phải ít.
Đây là giống Cu rừng phá hại mùa màng và cây trái.
Gầm Ghì
Gầm ghì có tên khoa học là Macropygia, cũng là một giống Cu rừng, có thân mình từa tựa như chim bồ câu và cũng to hơn chim Bồ câu sẻ, trọng lượng của nó khoảng nửa ký hoặc nặng hơn. Do Gầm ghì có thân hình giống Bồ câu nên người Anh gọi nó là con “Bồ câu rừng”.
Bộ lông Gầm ghì không đẹp, gần như toàn thân phủ một màu đen nhánh. Giống này không sống gần người, không ở đồng bằng mà là rừng sâu, nơi có nhiều trái rừng, món ăn thích khẩu của chúng.
Thịt Gầm ghì không mềm như thịt Cu gáy, nhưng nhiều thịt. Người ta không ai chịu nuôi giống chim này làm cảnh hoặc nghe gáy, mặc dầu các buổi sáng, trưa chiều, chúng cũng thích bo, thích gù “Cù cụ…Cù cụ” như Cu gáy vậy. Có lẽ nếu trời ban cho bộ lông nó sặc sỡ chắc sẽ được nhiều người bắt nuôi làm cảnh…
Cu luồng
tên khoa học của Cu luồng là: Chalcophaps indica, giống này sống trong rừng sâu kiếm mồi dưới đất như Cu gáy, và có biệt tài luồn lách rất giỏi trong các đám lá mục và tàng bụi rậm
Thân hình Cu Luồng màu xám tro, lưng và cánh màu lục, đuôi lông xám đen, mỏ đỏ và chân màu đỏ sậm, gần như tím. Đặc biệt, trên mí mắt của nó có một viền trắng dài. Cu Luồng cũng như Gầm Ghì sống trong rừng nước ta, gần như nơi nào cũng có, nhưng số lượng không nhiều bằng Cu xanh, Cu ngói.
Cu Tây
Cu tây còn gọi là Cu Gáy Tây, tên khoa học là Streptopelia decaocto, có thân hình nhỏ như chim Cu ngói, và dáng cũng giống với Cu Gáy.
Cu Tây sống nhiều ở Anh và ở Âu châu, bộ lông màu xám sáng ửng hồng, trên cổ có vòng cườm nhỏ màu đen. Giống chim cảnh này không biết gáy nhưng cũng siêng gù “Rù rù…Rù rù”…hoặc “Hu ru ru…”, với giọng buồn buồn.
Cu Tây vốn là Cu rừng, nhưng nay đã được thuần dưỡng trở thành gia cầm, sự sinh sản cũng như Bồ câu và được làm cảnh cũng đẹp và lạ.