Giống Chó Phú Quốc – Quốc Khuyển Của Việt Nam

Nhắc đến đảo Phú Quốc, không chỉ có bãi biển tuyệt đẹp hay nước mắm trứ danh, mà còn có một biểu tượng sống động: giống chó Phú Quốc. Với dải lông xoáy chạy dọc sống lưng – một đặc điểm hiếm chỉ có ở ba giống chó trên thế giới – cùng khả năng săn mồi và leo trèo điêu luyện, chó Phú Quốc được xem là niềm tự hào của Việt Nam. Không chỉ nổi bật về ngoại hình, chúng còn gây ấn tượng bởi trí thông minh và lòng trung thành. Cùng khám phá tất cả về giống chó đặc biệt này qua bài viết dưới đây.

Chó Phú Quốc vện hiếm với dải lông xoáy đặc trưng.
Chó Phú Quốc màu vện với ngoại hình nổi bật, trí thông minh và lòng trung thành.

Nếu bạn đang tìm kiếm một chú chó Phú Quốc thuần chủng với ngoại hình đẹp và sức khỏe đảm bảo, hãy tham khảo ngay danh mục sản phẩm bán chó Phú Quốc.


Thông tin chung giống chó Phú Quốc

Chó Xoáy Phú Quốc là giống chó cổ xưa đã được người dân trên đảo Phú Quốc thuần hóa từ hàng trăm năm nay. Đặc điểm nổi bật của giống chó này là dải lông mọc ngược trên lưng, khôn ngoan với bộ kỹ năng săn mồi siêu việt (đánh hơi, cắn. bơi lội, leo trèo không sợ độ cao, tấn công theo đàn, giết chết con mồi, cảnh giác, bảo vệ chủ…).

  • Trọng lượng trưởng thành: 15-20kg (đực), 12-18kg (cái).
  • Chiều cao tới bả vai: 48-56cm (đực), 46-52cm (cái).
  • Tỷ lệ quan trọng: chiều dài/chiều cao: 10,5/10; chiều sâu lồng ngực/chiều cao: 1/2; chiều dài mõm/chiều dài hộp sọ: 4,5/10; chiều rộng sọ/chiều dài sọ: 4,5/10
  • Xuất xứ: đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang, Việt Nam).
  • Nhóm 5: chó Spitz (chó cổ xưa). Phân nhóm 7: các giống chó săn nguyên thủy.
  • Tuổi thọ: 12-15 năm.
  • Tên gọi khác: Phú Quốc Ridgeback, chó Phú Quốc, Phu Quoc Dog Vietnam…

Có vóc dáng điển hình của một giống chó săn đuổi con mồi. Kích thước trung bình, cơ thể gọn gàng nhưng cơ bắp, săn chắc.

Giống chó này có thể lực cực tốt và bền bỉ. Di chuyển với tốc độ cao, có khả năng chuyển hướng nhanh chóng, đột ngột trong đoạn ngắn, đặc biệt hiệu quả trong không gian chật hẹp. Thích hợp nuôi để săn bắt và làm bạn đồng hành trong nhà.

Giống chó Phú Quốc cùng với chó Bắc Hà, chó H’mông cộc, chó Lài sông Mã (Dingo Đông Dương) tạo thành “Tứ đại quốc khuyển Việt Nam“.

Trong thế giới loài chó, chỉ có 3 loại có xoáy trên lưng là: chó xoáy Phú Quốc (Phu Quoc Ridgeback), chó xoáy Thái Lan (Thai Ridgeback) và chó xoáy Nam Phi ( Rhodesian Ridgeback).

Để hiểu rõ hơn về đặc điểm, lịch sử và những điều thú vị về giống chó đặc biệt này, bạn có thể đọc thêm tại chuyên mục blog chó xoáy Phú Quốc.


Nguồn gốc, lịch sử

1. Xuất xứ

  • Chó Phú Quốc có xuất xứ là giống chó bản địa, nguyên thủy riêng có trên đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang, Việt Nam). Tại đây, chúng được phát triển để săn bắt thú rừng (hươu, nai, heo rừng…), trông nhà, bảo vệ chủ nhân và tài sản (bắt chuột, rắn, cảnh báo, chống lại thú dữ xâm phạm lãnh thổ..). Môi trường và sự cách biệt về địa lý đã tạo nên những đặc điểm riêng biệt về ngoại hình và tập tính của giống chó này.
  • Nhiều giả thuyết cho rằng chó xoáy Phú Quốc có nguồn gốc từ chó xoáy Thái, nhưng luận cứ này thiếu tính thuyết phục. Các nghiên cứu gần đây cho thấy điều ngược lại, chính chó xoáy Thái mới là hậu duệ của chó Phú Quốc và một số giống chó bản địa khác của Thái Lan.
  • Theo đề tài nghiên cứu “Đánh giá đa dạng di truyền để chọn lọc và phát triển nguồn gen chó Phú Quốc” của PGS.TS. Trần Hoàng Dũng và các cộng sự xác định đặc tính di truyền của chó Phú Quốc hoàn toàn khác Xoáy Thái Lan và Xoáy Nam Phi. Chó Phú Quốc có quan hệ di truyền với chó nhà Việt Nam, chó Xoáy Thái có quan hệ gần với chó nhà Thái Lan. Chó lưng xoáy Thái Lan là nòi riêng biệt, đặc trưng tại đảo Phú Quốc. (có thể đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Mã số 16656/2019) hoặc đọc trực tiếp tại đây.

2. Truyền thuyết “Thần khuyển đại tướng quân” – Vương khuyển của vua Gia Long

Theo sách “Nguyễn Phúc tộc đế phả tường giải đồ” ghi chép, lý giải những chuyện liên quan đến hoàng tộc nhà Nguyễn được lưu giữ tại gia đình ông Nguyễn Phúc Ưng Viên (cháu gọi vua Minh Mạng bằng ông cố). Trong sách đã ghi chép rất rõ về 4 con chó Phú Quốc (2 đực, 2 cái) của Vua Gia Long (Nguyễn Ánh, 1762-1820), và những chiến công của chúng. Theo ông Ưng Viên, nếu không có những chú chó Phú Quốc cứu mạng, có lẽ Vua Gia Long đã bỏ mạng trước khi lên ngôi.

  • Lần đầu, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi ở phía Nam đèo Gành Đỏ (thị xã Sông Cầu, Phú Yên). Vua Gia Long đã trốn trong 1 bụi tre cùng với 4 chú chó của mình. Không ngờ, ở đây lại có 1 hang có khoảng 10 con rái cá. Bầy chó đã khống chế đàn rái cá im lặng. Khi hàng ngàn quân Tây Sơn cùng chó săn xiết chặt vòng vây chỉ còn vài chục mét, 2 chú chó Phú Quốc đã mở đường cho đàn rái cá xổng ra đánh lạc hước đàn chó của quân Tây Sơn. Nhờ đó mà vua Gia Long chạy thoát được
  • Một lần nữa, khi bị chạy trốn ở núi Cà Tang (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, Quảng Nam), vua Gia Long cùng 4 chú chó kề cận của mình nấp vào một bụi rậm. Quân Tây Sơn dùng giáo chọc khắp nơi, 1 chú chó đã lấy thân mình hứng mũi nhọn đỡ cho vua, 3 chú chó còn lại mở đường cho ông thoát nạn.
  • Khi lên ngôi hoàng đế, vua Gia Long sắc phong cho 4 chú chó của mình tước hiệu “Cứu khổn phò nguy Tá quốc huân thần Thần khuyển đại tướng quân”. Khi qua đời, các chú chó này được an táng với nghi lễ trọng thể và lập miếu thờ sánh ngang với các bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn.

Nguyễn Ánh cũng nhiều lần trốn chạy ra đảo Phú Quốc (như năm 1782). Có lẽ tại đây ông đã phát hiện và nuôi chó Phú Quốc để phò tá cho mình và sử dụng trong quân đội do các đặc tính ưu việt và lòng trung thành của chúng. Ông cũng nhiều lần sang Xiêm La (Thái Lan ngày nay) để cầu viện vua Xiêm Rama I (năm 1784) và lưu vong trong 3 năm (1785-1787) tại Bangkok cùng với quân đội của mình (khoảng hơn 1000 người). Có lẽ những chú chó Phú Quốc trong đội quân này được cho tặng, hoặc giao phối với chó bản địa của Thái để hình thành giống chó Xoáy Thái ngày nay.


3. Chó Phú Quốc vang danh ở châu Âu từ thế kỷ 19

Năm 1891, một viên chức người Pháp làm việc ở Nam Kỳ là ông Fernand Doceul mang về Paris 4 con chó Phú Quốc, đáng tiếc chỉ có 3 con còn sống (2 đực, 1 cái). Những chú chó quý hiếm này sau đó được tặng cho Vườn thích nghi khí hậu ở Paris (Jardin d’acclimatation). Các nhà động vật học thời đó đã rất ấn tượng và ca ngợi giống chó này trên nhiều tạp chí chuyên ngành. Philiperr Fils đã trích dẫn bức thư gửi Jardin d’acclimatation của Fernand Doceul về đặc tính và khả năng săn mồi giống chó này trên tạp chí Le Chenil (30/7/1891) . Doceul kể lại ông nhìn thấy một con chó Phú Quốc cái một mình hạ gục con nai bằng cách dụ xuống nước rồi dìm chết. Xem nội dung bài báo ở đây:

https://gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k55720297

Emile Oustalet viết trên tờ La Nature xuất bản ngày 21/11/1891 suy đoán chó Phú Quốc có nhiều điểm tương đồng với giống chó săn Dingo của Úc với hình minh họa 2 chú chó Annamite và Kratie tại Jardin d’acclimatation dưới đây.

Hai chú chó khác được nhắc đến trong nhiều tạp chí tại Pháp là Xoài (Mango, đực) và Chuối (Banane, cái) của Gaston Helouin ở Helfaut, Pas de Calais (miền Bắc nước Pháp). Cả hai đều sinh tại đảo Phú Quốc năm 1892 và được đưa tới Pháp lúc khoảng 2 tuổi. Tháng 4/1894, chúng được đem đến tham dự Triển lãm toàn cầu quốc tế và thuộc địa (L’Exposition universelle, internationale et coloniale) tại Lyon, Pháp. Tới tháng 7/1894, tại triển lãm quốc tế Antwerpen (hay Anvers, Bỉ). Đây đều là 2 hội chợ quốc tế lớn nhất thế giới được tổ chức cùng năm với 3-5 triệu người tham dự/hội chợ.

Bá tước Henri De Bylandt, một quý tộc Hà Lan là người soạn thảo ra những cuốn sách được coi như “kinh thánh” của các tổ chức chó giống như “Les Races de Chiens/ giống chó”, “Dog of All Nations: their varieties, characteristics, point../chó của các quốc gia: giống, đặc điểm…). Henri De Bylandt rất quan tâm nghiên cứu giống chó này. Năm 1897, chính ông đã soạn thảo bản Tiêu chuẩn giống chó săn thỏ Phú Quốc đầu tiên và cuốn sách Les Races de Chiens cùng với hơn 300 giống chó khác nhau trên thế giới. Ngày nay, Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam (VKA) cũng lấy bản tiêu chuẩn này làm cơ sở cho tiêu chuẩn chó Phú Quốc hiện đại.

Nhà điêu khắc danh tiếng Rembrant Bugatti (1884-1916) (em trai của người sáng lập hãng xe hơi Bugatti, Ettore Bugatti) cũng rất hâm mộ giống chó này và tạc tượng một chú chó Phú Quốc bằng đồng có giá trị nghệ thuật cao với tên gọi “Chien annamite ou d’Annam” (chó An Nam).

Như vậy, giống chó Phú Quốc có bản tiêu chuẩn giống rất sớm ở châu Âu, rất lâu sau đó Hiệp hội chó giống quốc tế FCI mới được thành lập (22/5/2911). Thế nhưng do hoàn cảnh đất nước, cho đến nay chó Phú Quốc mới chỉ được VKA công nhận mà chưa được FCI công nhận chính thức là một giống chó quốc tế thuần chủng.


4. Lịch sử chó Phú Quốc trong những năm gần đây

  • Người có ảnh hưởng nhất tới sự phát triển giống chó Phú Quốc trong những năm gần đây là Giáo sư Tiến sỹ Dư Thanh Khiêm (sinh năm 1951, Hiệu trưởng của Viện Giáo dục Woluwe-Saint-Pierre Bruxelles, Bỉ). Ngay từ những năm 1980, ông đã dành nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để nghiên cứu các tài liệu phương Tây (chủ yếu là Pháp và Bỉ) về giống chó này. Ông là người phát hiện ra Xoài và Chuối đều đạt Medal A & B (huy chương) tại cuộc thi chó đẹp nằm trong khuôn khổ triển lãm quốc tế Antwerpen năm 1894. Điều này đồng nghĩa với việc Xoài & Chuối đã được ghi vào sổ phả hệ của Hiệp hội SRSH (Hiệp hội hoàng gia thành Hubert, tiền thân của Hội chó giống Hoàng gia Bỉ ngày nay). SRSH của Bỉ cùng 5 quốc gia khác là Đức, Áo, Pháp, Hà Lan chính là các quốc gia sáng lập FCI, có tên trong phả hệ SRSH đương nhiên được FCI thừa nhận.
  • Tuy nhiên, ngày 11/1/2007, ông Yves de Clercq, giám đốc điều hành FCI đã có thư gửi giáo sư Khiêm lấy làm tiếc rằng chó săn thỏ Phú Quốc mặc dù rất nổi tiếng từ xưa nhưng hiện đã không còn nằm trong danh sách các giống chó được FCI thừa nhận. Giáo sư Khiêm không bỏ cuộc, ông đã vạch ra lộ trình để chó Phú Quốc được FCI nhìn nhận trở lại.
  • Ngày 20/7/2007, giáo sư Khiêm chủ trì hội thảo “Chó Phú Quốc – Niềm tự hào của Việt Nam” tại Tphcm, ông công bố các tài liệu cổ, quý hiếm mà lần đầu những người yêu chó và quan tâm đến giống chó này được tiếp cận. Ông cũng là người tích cực hỗ trợ, vận động cho việc thành lập Hiệp hội những người nuôi chó giống tại Việt Nam. Đến ngày 13/2/2008, VKA chính thức được Bộ nội vụ phê duyệt thành lập và ra mắt vào ngày 02/4/2008.
  • Ngày 20/9/2009, VKA ban hành bảng tiêu chuẩn giống chó Phú Quốc. Trung cùng năm nộp đơn xin gia nhập FCI (Ông Khiêm chịu trách nhiệm trao đổi, chuẩn bị hồ sơ trong vai trò Cố vấn phụ trách đối ngoại của VKA).
  • Ngày 13, 14/10/2010, FCI họp tại Dortmund (Đức) thông qua việc chấp thuận VKA gia nhập FCI theo hình thức đối tác theo hợp đồng (contract partner, chưa phải là thành viên dự bị hay chính thức). Đây là cơ sở quan trọng nhất để VKA đề xuất lên FCI công nhận chó Phú Quốc cũng như các giống chó bản địa khác của Việt Nam như Bắc Hà, Mông Cộc.
  • 117 năm sau lần đầu tham dự triển lãm tại Pháp (1894), chó Phú Quốc lại có cơ hội được trình diễn tại thủ đô Paris. Nhờ sự vận động của ông Dư Thanh Khiêm với Hiệp hội chó giống quốc gia Pháp (SCC), FCI, chó Phú Quốc được đặc cách tham dự FCI World dog show 2011 diễn ra từ 7-10/7/2011, mặc dù chưa được FCI công nhận. Đây là cuộc thi chó lớn nhất, và quan trọng nhất thế giới nằm trong chuỗi kỷ niệm 100 năm thành lập FCI, với gần 38.000 chú chó từ hơn 130 nước tham dự. Hai chú chó Vện (của ông Lý Nguyên Khôn, Q5, Tphcm) và Đốm (của ông Võ Hồng Hải, Q.7, Tphcm) đại diện VKA tham dự cả 2 cuộc thi của Pháp và thế giới. Kết quá, Đốm giành BOB (Best of Breed, chó đẹp nhất giống) của Pháp, Vện giành CACS (chứng chỉ chó đẹp quốc tế). Mặc dù chỉ là giải mang tính động viên, nhưng sự nỗ lực của các thành viên VKA, 2 chú chó Đốm và vện đã tạo dấu mốc, mở đường cho sự công nhận chính thức dòng chó Phú Quốc bản địa của Việt Nam trên trường quốc tế.
  • Theo Daily Mail, một phụ nữ người Anh tên Catherine Lane đã nhập 1 cặp chó Phú Quốc thuần chủng từ Việt nam về nhân giống. Bà đã rao bán những chú chó con với giá lên đến 10.000 bảng anh (khoảng 320 triệu đồng) và năm 2015.
  • Năm 2017, chị Lê Thị Hà, một dược sĩ ở Hà nội đã mua chú chó Phú Quốc Lốc màu vàng với giá 100 triệu đồng từ 1 người chủ ở Nam Định. Sau khi giành Vietnam Champion 2017, nhiều người trả giá Lốc lên đến 350 triệu đồng nhưng chị Hà không bán. Ngoài ra, chị Hà còn sở hữu Cọp (con trai của Đốm, vện vàng), Hổ (vện vàng bạc má) đều là Vietnam Champion và có giá không dưới 300 triệu đồng.
  • Ngày 4/10/2023, sau khi tiếp thu ý kiến của các nhà nhân giống và giám khảo FCI về việc bản tiêu chuẩn cũ năm 2009 không thể hiện đúng ngoại hình, cấu trúc thực tế, VKA đã ban hành bản tiêu chuẩn giống chó Phú Quốc 2023 mới cho phù hợp.

Đặc điểm ngoại hình

1. Chọn tướng chó Phú Quốc săn theo dân gian

  • Chó Phú Quốc thường đi săn theo đàn 3 tới 6 con với 1 con đầu đàn, có cả chó nhỏ và lớn với sự phân công nhiệm vụ rõ ràng. Thường chó sẽ được đặt tên theo nhiệm vụ của mình như “Cắn”, “Rượt”, “Đuổi”, thợ săn hô tên con nào con đó sẽ thực hiện theo mệnh lệnh cho thuận tiện.
  • Trong đàn săn phải có cả chó hơi đất (rãnh nhân trung nông, hay chúi mũi hít, khịt xuống đất, rất giỏi đánh hơi mùi con mồi trên mặt đất và hang sâu) và hơi gió (có rãnh nhân trung sâu, có khoang mũi rộng, rất nhạy mùi vương trong gió của con mồi) để săn bắt trên mọi địa hình. Con đầu đàn bắt buộc phải là chó hơi gió, với bộ cắn hoàn hảo (râu cằm & ria mép hướng về phía trước; mõm to, bằng phải, mắt sâu, dũng cảm, táo bạo và dạn cắn), dám đấu tay đôi, treo mình, cắn cổ con mồi lớn như heo rừng, hươu, nai. Dân gian còn đánh giá bộ hơi qua mũi chó, mũi ướt thì thính, mũi khít thì rít hơn sâu và mạnh.
  • Một tiêu chuẩn nữa là bộ chạy. Gồm có: mình lá (mông cao hơn đầu, ngực sâu, chó chạy không biết mệt), cẳng chân thẳng, sườn khép (chạy nhanh, chân di chuyển nhẹ nhàng), khoeo chân sau thẳng (giúp bật nhảy tốt, dễ dàng), bàn chân chụm như chân mèo (hay hình con sò huyết, giúp chân tiếp đất êm ái, gọn gàng), vừa chạy vừa kêu tiếng “hắc” “hắc” (là chó có sức bền, đánh hơi giỏi), không chọn chó có bàn chân bè (chân tượng, chân voi, dễ dẫm phải gai nhọn).
  • Nhất thủ (đầu), nhì vỹ (đuôi), tam cân (vóc dáng cân đối), tứ túc (bốn chân): các thợ săn lành nghề tin rằng, chó có xoáy cân đối kéo dài từ bả vai tới cuối hông là chó săn thiện nghệ, đi săn bách phát bách trúng, chó có xoáy hông (ở phần eo) dễ săn được thú lớn, chó có xoáy hình “bao gạo, túi tiền” là chó may mắn, đi săn lần nào cũng có con mồi mang về. Dù là xoáy như nào thì đuôi luôn phải cong hình móc câu (hay vót cần câu), chó thông thường chót đuôi bỏ chính giữa sống lưng, nhưng với chó săn phải bỏ đuôi đúng bên (cái bên phải, đực bên trái), nếu ngược bên thì coi như bỏ luôn không dùng. Chó phải có lông sát sẽ dạn nước, bơi lội dễ dàng, lông dày sẽ ngại nước và bơi chậm. Chó trán gồ lên dễ chết sớm, trán bằng phẳng sống thọ hơn. Riêng truyền thuyết chó Phú Quốc lưỡi đốm đen thì rắn cắn cũng không chết là không đúng, vì đã bị rắn độc cắn thì rất khó tránh khỏi tử vong.
  • Dân gian ta có cấu “nhất Vện, nhì Vàng, tam Đen, tứ Đốm” chính là dành cho chó Phú Quốc. Do kiểu săn chính của giống chó này là lùng sục kết hợp rượt đuổi đoạn ngắn trong rừng nguyên sinh với cây cối và gai bụi, cỏ khô rậm rạp. Vì vậy, màu lông chó săn phải dễ ẩn nấp. Các màu trắng, đốm sáng thường không được sử dụng do dễ bị phát hiện. Những con chó huyền đề (có móng đeo) cũng không ưa chuộng vì móng thừa sẽ bị vướng víu dây rừng, cỏ khô khi di chuyển.
  • Một kinh nghiệm chọn chó đầu đàn được các thợ săn Phú Quốc lưu truyền là thả đàn chó Phú Quốc con vào thau nước, con mẹ vớt con nào ra trước thì đó là con đầu đàn. Cách nữa là cho chó lên bàn tròn, con nào chạy vòng quanh mà không rơi xuống đất sẽ được chọn.

2. Theo tiêu chuẩn của VKA

  • Chó Phú Quốc có hình dáng tổng thể của một chú chó săn mồi với kích thước trung bình. Cơ thể gọn gàng nhưng săn chắc với cơ bắp nở nang, khỏe mạnh. Đặc biệt có dải lông mọc ngược ở trên lưng.
  • Giống chó này có phần đầu cân đối với độ dài vừa phải. Hộp sọ hơi cong về phía gốc 2 tai, nhìn từ trên xuống bằng phẳng. Mũi màu đen với sống mũi thẳng, mõm hình chiếc nón cụt, hơi tròn và thuôn đều với gốc mõm rộng.
  • Lưỡi bắt buộc phải có đốm đen, nếu lưỡi đen hoàn toàn (lưỡi thép) thì được đánh giá cao hơn. Môi màu đen khép gọn , phía mép không bị trễ xuống dưới. Hàm răng chắc khỏe, đủ răng. Các răng cắt kéo nhau, sắc bén, dài nhọn.
  • Mắt màu đen tới nâu, hình hạnh nhân, màu mắt từ 4a trở lên theo FCI.
  • Tai thẳng đứng, luôn hướng về phía trước, nằm sát hai bên hộp sọ có hình dáng như vỏ ốc. Phần gốc tai rộng, với chiều dài không nhỏ hơm chiều cao tai.
  • Phần cổ: hơi cong nhẹ để giữ cho đầu ngẩng cao, chắc khỏe và nở rộng về phía vai. Da phía dưới cổ căng, không được trùng.
  • Đuôi: ngắn vừa phải (không dài tới kheo chân sau), mềm mại và linh hoạt. Khi dựng đứng thì đuôi cong như cánh cung nhưng chóp đuôi không được chạm sống lưng..
  • Vai xiên từ 106-110 độ. Da căng ôm sát thân.
  • Chuyển động & bước chạy: có bước chạy khoan thai, nhẹ nhàng nhưng vững vàng. Khi chạy với tốc độ bình thường thì các bàn chân của chó tạo thành 2 đường thẳng song song ở trên mặt nền. Các chân không xiên vào trong hoặc ra ngoài. Khi chạy nước kiệu, đuôi chó phải dựng đứng cong uyển chuyển, không được chạm vào sống lưng, đầu ngẩng cao vừa phải.
  • Bộ lông và màu sắc: Lông ngắn (chiều dài lông ở thân từ 1-2cm), độ dài lông đuôi, bờm trên lưng phải nhỏ hơn hoặng bằng 5cm (bờm chính là dải lông mọc ngược trên lưng chó, nổi rõ trên lưng khi nhìn ngang từ bên hông) với các sợi lông thô, cứng. Chiều dài bờm phải hơn 50% độ dài lưng với độ rộng không quá độ rộng lưng. Chó Phú Quốc có các màu cơ bản là:đen, vàng, vện (với các sọc đen trên nền màu vàng). Theo bản tiêu chuẩn mới, các chú chó vện lửa sẽ không đạt tiêu chuẩn.

Tham khảo Bảng tiêu chuẩn chó Phú Quốc năm 2023 của VKA ở đây. Hoặc xem video của chúng tôi trên kênh Chomeocanh.com dưới đây.


Phân loại

Cho tới nay, sau gần 15 năm gia nhập FCI và công bố bản tiêu chuẩn giống đầu tiên. Giống chó Phú Quốc mới chỉ được VKA công nhận mà vẫn chưa được FCI thừa nhận chính thức. Một giống chó chỉ được gọi là thuần chủng khi được FCI công nhận. Vì vậy, trong bài viết chúng tôi chỉ sử dụng khải niệm chó Phú Quốc thuần chứ không gọi là chó Phú Quốc thuần chủng được.

Theo Hiệp hội những người nuôi chó giống Việt Nam, chỉ có 1 loại chó Phú Quốc được công nhận. Nhưng trong cộng đồng chơi giống chó này, có nhiều kiểu phân loại giống chó Phú Quốc. Có thể kể đến như sau:


1. Phân loại theo dân gian, thợ săn tại đảo:

Có thể được chia thành 3 loại với đặc điểm, kích thước tương đối khác biệt. Cụ thể:

  • Chó Phú Quốc Bắc Đảo (khu Gành Dầu, Rạch Vẹm): thường có màu đen, to lớn, cân nặng từ 16-20kg, có những con có thể nặng tới 25-30kg. Dòng này được các thợ săn thú lớn như nai, heo rừng trong các khu rừng nguyên sinh rất ưa chuộng.
  • Chó Phú Quốc Đồng Bà: chó ở khu vực quanh dinh Bà Thủy Long Thánh Mẫu (Đồng Bà), Cửa Cạn, Ba Trại. Có kích thước nhỏ con hơn (chỉ từ 12-16kg), có sở trường về lùng sục, đánh hơi, rượt đuổi và săn thú nhỏ.
  • Chó Phú Quốc Nam Đảo: phân bố chủ yếu ở khu vực Suối Tranh, Suối Đá. Có kích thước rất nhỏ, chỉ nhỉnh hơn chó Phốc đôi chút (khoảng 5-7kg). Lông sát gần như trụi với cái đuôi khô nổi từng đốt xương như đốt trúc. Tuy nhỏ nhưng giống chó này săn bắt cũng rất hay, thường để đánh hơi, rượt đuổi và săn các loài chim, thú nhỏ.

Ngoài ra, người ta còn phân thành chó đảo và chó đất liền. Chó sinh ở đảo thường được tin tưởng thuần hơn, và cảm xúc mua chó Phú Quốc bản địa ưng ý hơn, nên chó Phú Quốc sinh ở đảo đôi khi có giá cao hơn sinh ở đất liền (chủ yếu là đối với chó không giấy, chó Phú Quốc có giấy hầu hết ở đất liền, chủ yếu là Tphcm, Hà nội và các thành phố lớn)


2. Phân loại theo xoáy lưng

Căn cứ theo hình dạng xoáy ngược trên lưng có thể phân loại thành.

  • Chó Phú Quốc xoáy kiếm: lông dựng lên thành bờm rõ rệt, vệt xoáy trên lưng có hình như lưỡi kiếm, kéo dài từ bả vai đến cuối mông. Đây là dạng xoáy riêng có ở chó Phú Quốc. Chó Xoáy Thái và Xoáy Nam Phi không có kiểu lưỡi kiếm. Giá chó Phú Quốc xoáy kiếm cũng cao hơn các dạng còn lại.
  • Xoáy yên ngựa (hoặc nửa yên ngựa): vệt xoáy trên lưng có hình dạng như yên ngựa.
  • Xoáy hình nốt nhạc.
  • Xoáy hình chiếc lá.
  • Xoáy hình mũi tên

3. Chó Phú Quốc thuần dòng f1, f2, f3, f4, f5, f6….fn là gì, tại sao phải đi công nhận giống?

3.1. Thế nào là chó Phú Quốc F

  • Khác với các giống chó nhập ngoại khác chó f càng bé càng chuẩn (f0, f1 mới xịn, còn f cao là lai hết), thì với chó Phú Quốc và các giống chó bản địa f càng cao thì chất lượng càng tốt. Chó Phú Quốc bản địa nguồn gốc cổ xưa, nên không có giấy tờ gì. Một chú chó Phú Quốc đẹp, thuần chưa có giấy phải đi công nhận giống mới đạt f0, 2 chú chó f0 nhân giống với nhau mới ra được chó Phú Quốc f1. Sau đó nuôi chó f1 trưởng thành đến tuổi phối giống phải đi công nhận giống đạt mới được giao phối, 2 Phú Quốc f1 phối giống với nhau mới ra chó Phú Quốc f2. Tiếp tục nuôi chó f2 trưởng thành đến tuổi phối giống lại phải tiếp tục đi công nhận giống đạt mới được sinh ra được f3, cứ tiếp tục lên f4 vẫn tiếp tục phải công nhận giống tiếp. Tạm thời hiện nay đến f5 thì không phải tiếp tục công nhận giống tiếp, và trên phả chỉ ghi từ 5 đời trở lại.
  • Trong giai đoạn 2009 đến 2017, đã có 3.681 cá thể Phú Quốc f0-f3. Hiện tại số chó Phú Quốc F4 rất hiếm, còn f5 chỉ đếm trên đầu ngón tai, thời điểm năm 2024, chỉ có 1,2 đàn Phú Quốc f6 ở Sài Gòn.

3.2. Tại sao cần phải đi công nhận giống?

  • Chó Phú Quốc cũng như các giống chó bản địa của Việt Nam khác chưa được FCI công nhận thuần chủng. Tất cả các yếu tố ngoại hình từ khuôn mặt, đến form dáng không con nào đồng đều với con nào. Muốn được FCI công nhận trong tương lai, thì tất cả kiểu hình đều phải tương đồng.
  • Việc đi công nhận giống với người nuôi chuyên nghiệp (để đi Dogshow, nhân giống) là bắt buộc. Đi công nhận giống để các giám khảo của VKA đánh giá một chú chó có sát theo bảng tiêu chuẩn hiện hành của VKA không? Một chú chó được công nhận sẽ tạo ra các chú chó con chất lượng, đạt chuẩn.
  • Chó chưa có giấy tờ phải trên 12 tháng tuổi mới được đi công nhận giống, chó có giấy tờ f1,f2,f3 thì chỉ cần 9 tháng tuổi đã đủ tuổi để đi công nhận giống. Sau khi được công nhận giống, chó có thể được phối giống và sinh sản luôn.
  • Điều quan trọng nhất khi đi công nhận giống là chú chó phải cho giám khảo xem được răng.
  • Nếu bạn chỉ nuôi giữ nhà, bạn đồng hành, thì việc đi công nhận giống là không cần thiết.

4. Chó Phú Quốc lai, chó Phú Thái là gì?

  • Từ khi phổ biến trở lại từ những năm 2009-2010, song song với việc phát triển dòng chó Phú Quốc thuần, được công nhận giống bởi VKA, thì số lượng chó Phú Quốc lai cũng gia tăng nhanh chóng không kém. Chủ yếu là các dòng chó Phú Quốc lai Becgie, Phú Quốc lai Pitbull, Chihuahua, Akita Inu, Alaska, Husky, Samoyed, Labrador, Golden… thậm chí là chó ta, chó cỏ, chó lai tạp khác.
  • Một dòng chó Phú Quốc lai ảnh hưởng rất lớn đến phong trào nuôi chó Phú Quốc thuần là dòng Phú Quốc lai chó Xoáy Thái (được gọi nôm na là dòng Phú Thái). Do giai đoạn đầu phát triển lại giống chó Phú Quốc ở nước ta, tâm lý nhiều người chơi ưa chuộng chó to cao, khỏe, cơ bắp vạm vỡ hơn nên rất nhiều người nhân giống thiếu trách nhiệm cho lai tạo ồ ạt chó Phú Quốc với chó xoáy Thái Lan để vừa có xoáy lại vừa có kích thước to lớn (từ 25-trên 30kg), số lượng chó Phú Thái thậm chí còn vượt xa chó Phú Quốc thuần được đăng ký với VKA. Điều này đi ngược lại với mục tiêu của những nhà nhân giống có trách nhiệm. Mục tiêu của những người yêu mến giống chó này và VKA là nhằm bảo tồn và phát triển chó Phú Quốc như một dòng chó săn nguyên thủy, với dải lông đặc trưng truyền thống được FCI công nhận chính thức, chứ không phải lai tạo ra một giống chó mới. Vì vậy, rất cần sự chung sức của mọi người để loại bỏ chó Phú Thái cũng như hạn chế các dòng Phú Quốc lai ra khỏi các hoạt động bảo tồn và phát triển giống chó Phú Quốc bản địa của Việt Nam.
  • Một dòng thường được gọi là “chó Phú Quốc vện lửa, vện hổ” có màu hung hung đỏ được nhiều người ưa chuộng, nhưng màu này không phải là Phú Quốc thuần mà đã bị lai với Xoáy Thái

Làm thế nào để phân biệt chó Phú Quốc lai  so với chó thuần (rặt)? Tìm hiểu ngay trong bài viết sự khác biệt giữa chó Phú Quốc thuần và lai để đảm bảo bạn chọn được giống chó phù hợp.


5. Cách nhận biết, phân biệt chó Phú Quốc với chó Xoáy Thái Lan

Mặc dù nhìn thoáng qua, cả 2 giống chó này trông khá giống nhau, với đặc điểm nổi bật là cùng có xoáy trên lưng. Tuy nhiên, chó Phú Quốc và chó Xoáy Thái có các đặc điểm hoàn toàn khác biệt. Cụ thể chó Phú Quốc có những điểm mà Xoáy Thái không có sau đây

  • Mắt rất đen với tròng đen rất đầy. Mắt Xoáy Thái tròn, to, không xếch như Phú Quốc.
  • Chó Phú Quốc có đầu thủ thanh thoát, mõm nhỏ gọn, trong khi Xoáy Thái đầu thủ to, mõm hộp. Lưỡi chó Phú Quốc luôn có đốm đen, hoặc đen tuyền (lưỡi thép)
  • Độ kết của bộ lông rất vừa và đều, một số con có xoáy kiếm đặc trưng riêng của dòng Phú Quốc.
  • Đầu và mặt không có da thừa, nếp nhăn.
  • Thần thái tinh ảnh, vượt trội của một giống chó săn thực chiến, với những tập tính riêng (leo trèo, bơi lội, đánh hơi, nhảy cao, không sợ độ cao, không cắn người, can đảm, dạn cắn mồi…).
  • Đuôi cong hình móc câu (dựng hình cánh cung thẳng trên lưng) với các khớp đuôi dày, đầy dồn cục, trông như một đoạn cây trúc nhiều đốt… khác hoàn toàn với đuôi thuôn, thưa đốt của xoáy Thái. Đuôi có thể ngoáy quay tròn chứ không ve vẩy như Xoáy Thái.
  • Chỉ có 2 màu lông đen, vàng, vện (chỉ có sọc đen trên nền vàng) trong khi chó Xoáy Thái có màu sắc rất đa dạng. Lông Phú Quốc ngắn thô, cứng, nếu vuốt ngược sẽ đâm vào tay rất đau, thích hợp chui rúc bụi rậm, gai góc, trong khi lông Xoáy Thái thì mềm, mịn, mượt mà như nhung.
  • Bộ lưng Xoáy Thái to bản, vuông vức, còn Phú Quốc sống lưng hình tam giác, cơ thể mảnh mai, thon gọn hơn nhiều. Xoáy Thái cân nặng có thể lên đến 35kg hoặc hơn, trông rất to lớn, cơ bắp, oai vệ. Trong khi Phú Quốc chuẩn cân nặng tối đa chỉ 20kg có vóc dáng thanh thoát, gọn gàng đúng chuẩn một chú chó săn.

Tính cách và tập tính.

Chó Phú Quốc có các đặc tính ưu việt, quý hiếm so với các dòng chó săn khác trên thế giới, có thể kể đến như sau:

  • Không sợ độ cao: là giống chó hiếm hoi không sợ độ cao. Không như mèo, hầu hết loài chó đều bị sợ độ cao. Còn chó Phú Quốc thì việc leo cây, trèo tường, vượt hàng rào hay thậm chí dạo chơi trên mái nhà là chuyện thường ngày.
  • Bản năng hoang dã, tự lập: ở môi trường đảo, hoặc vùng quê, chó Phú Quốc có thể tự săn rắn, chuột, chim thú, cá biển… để sống mà không cần con người cho ăn. Phú Quốc thuần có thể lặn xuống ao, hồ, biển để bắt cá sống ăn, còn Xoáy Thái thì không. Bàn chân có màng như vịt, bộ lông ngắn sát cũng giúp cho chó Phú Quốc có khả năng bơi lội siêu việt. Ngoài ra, Phú Quốc cũng tự đào hang để đẻ và chăm con mà không cần sự hỗ trợ của chủ.
  • Nhanh nhẹn, chuyển hướng chính xác: đây cũng là một đặc tính quý và cần có ở chó săn. Phú Quốc có thể chạy quanh nhà đuổi chuột ở tốc độ cao mà không bị va vấp đồ đạc, trượt ngã nhờ kỹ năng hãm phanh, chuyển hướng đột ngột một cách nhanh chóng. Nếu đua tốc độ, nhiều giống chó săn có thể dễ dàng rượt đuổi con mồi, nhưng nếu con thú chạy dích zắc, chuyển hướng đột ngột để chạy trốn, nếu chó cũng thụ động ngoặt theo rất dễ bị trật khớp, thậm chí gãy chân. Nhưng với chó Phú Quốc thì không thể bới khả năng hãm phanh siêu việt của giống chó này. Điều mà chó Xoáy Thái không thể thực hiện được.
  • Chó Phú Quốc sống theo bầy đàn (luôn có 1 con đầu đàn), không chỉ biết tìm ra vị trí hiểm trên người để tiêu diệt, chúng còn khôn ngoan phối hợp để tấn công con mồi: con rượt, con chặn đầu, con chặn hậu và con kết thúc. Những kỹ năng này hầu hết do bản năng tự có, hoặc chó mẹ dạy chó con thợ săn chỉ huấn luyện tinh chỉnh phù hợp với mục đích của mình. Nếu chó Phú Quốc con tách mẹ quá sớm, sẽ không được truyền thụ lại các miếng vồ, miếng cắn, chạy đuổi…để hoàn thiện đầy đủ bộ kỹ năng săn mồi. Mặc dù là chó săn, nhưng nuôi lâu trong nhà, Phú Quốc sẽ phân biệt được vật nuôi (gà, vịt, thỏ, heo con…) để không tấn công.
  • Kích thước và hình dạng xoáy không ảnh hưởng gì đến tính cách hiền hay dữ, khôn hay không của giống chó này.
  • Chó Phú Quốc rất trung thành, can đảm kể cả những lúc tự săn được mồi, chúng cũng không dám ăn trước mà phải đợi chủ cho phép. Cuộc sống trên đảo rất nhiều rắn độc, thú dữ, có vô số câu chuyện chó Phú Quốc không sợ nguy hiểm tấn công cả rắn hổ mây, hổ chúa để bảo vệ chủ, kể cả sau đó bị bỏ mạng vì nọc rắn.
  • Phú Quốc rất tinh khôn, thông minh, rất nhiều người nuôi giống chó này phải thốt lên chúng “như có tư duy”, “hiểu được suy nghĩ và tiếng nói của người”. Vì vậy, việc huấn luyện chó Phú Quốc rất đơn giản, dễ dàng.
  • Cảnh giác cao độ nhưng không cắn bậy: giống chó Phú Quốc có sự cảnh giác cao độ trước người lạ, hoặc hiện tượng, sự việc bất thường. Chúng sẽ sủa để cảnh báo ngay lập tức khi cảm thấy đe dọa, nguy hiểm. Người lạ rất khó tiếp cận, hay vuốt ve chúng nếu không có sự can thiệp của chủ. Chúng sẽ không cắn người, nhưng sẽ sủa cảnh báo và không cho khách lạ đến gần.

Với những đặc tính tuyệt vời trên, chó Phú Quốc là lựa chọn hoàn hảo để trông giữ nhà cửa, đi săn, thân thiện tình cảm trong gia đình và đặc biệt rất ít mùi như các giống chó ngoại khác.

Mặc dù vậy, chó Phú Quốc cũng cần được huấn luyện và xã hội hóa sớm ngay từ nhỏ 1,2 tháng tuổi. Cho chó tiếp xúc với nhiều người, nhiều cảnh vật, âm thanh khác nhau…sẽ bổ sung những kỹ năng ứng xử cần thiết để trở thành một con chó toàn diện khi trưởng thành. Bạn cũng có thể cho chó Phú Quốc ở với mẹ đến khoảng 4,5 tháng tuổi hoặc lâu hơn để học hỏi thêm nhiều kỹ năng, nếu muốn đào tạo một chú chó săn nòi.


Cách nuôi và chăm sóc

Xoáy Phú Quốc là loài chó có bản năng hoang dã, tập tính bầy đàn cao, vì vậy, trong phần cách nuôi và chăm sóc, chúng tôi sẽ không đi sâu vào nên cho chó ăn gì, bao nhiêu bữa một ngày, tỷ lệ ra sao như các giống chó cảnh khác. Điều quan trọng nhất chúng tôi muốn chia sẻ trong việc nuôi một chú chó Phú Quốc và bạn phải hiểu được chú chó của mình cần gì, và phải làm gì để cho nó phát triển toàn diện nhất.

Việc chăm sóc chó Phú Quốc đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt để phát triển cả về sức khỏe và tính cách. Bạn có thể xem hướng dẫn cụ thể tại bài viết cách nuôi và chăm sóc chó Phú Quốc.


1. Hãy trở thành con đầu đàn khi nuôi chó Phú Quốc

  • Trong mắt một con chó Phú Quốc, hay bất kì giống chó nào, bạn cũng là một đồng loại hay thành viên trong bầy. Nếu nó tỏ ra quấn quýt, thân thiện với bạn, vì nó nghĩ “bạn là một con chó tốt với nó“, nhưng nếu nó trung thành với bạn, là do nó coi bạn là “con đầu đàn
  • Ceasar Milan, chuyên gia về loài chó hàng đầu thế giới có một triết lý rất thú vị. Đó là người nuôi chó không phải là chủ, sở hữu con chó, mà trước hết phải là bạn, và làm cho con chó coi bạn như một “con đầu đàn” của nó. Đằng sau những chú chó lừng danh như chú chó Hachiko, chó Boo, Togo, Balto… là những “con đầu đàn” thầm lặng, chủ nhân của chúng.
  • Vì vậy, trước khi quyết định nuôi một chú chó Phú Quốc, sở thích và tình yêu thương không là chưa đủ. Mà bạn nên tự hỏi mình xem đã sẵn sàng trở thành một con chó đầu đàn thực thụ hay chưa?

2. Lưu ý khi huấn luyện chó Phú Quốc

  • Hầu hết các kỹ năng nổi trội, ưu việt của giống chó này có được là do bản năng, hoặc được chó mẹ truyền thụ lại, hay do học hỏi từ các con chó khác trong bầy cũng như kinh nghiệm được tích lũy trong suốt cuộc đời chú chó.
  • Chó Phú Quốc rất khôn, chúng dễ dàng nghe, hiểu chủ nhân của mình muốn gì. Mỗi con chó là một cá thể riêng biệt, không thể áp dụng chung 1 phương pháp cho tất cả mọi con chó được. Hầu hết chó đều cần thức ăn và biết ơn người cho nó ăn. Nhưng đối với chó Phú Quốc, việc dùng đồ ăn để huấn luyện là một sai lầm. Bạn chỉ có thể dùng đồ ăn để huấn luyện chúng đi, đứng, nằm ngồi, trườn bò… như một con robot hay một cái máy để giải trí cho con người mà thôi. Nhưng tuyệt đối nó sẽ không thực hiện được những hành động cao cả như các chú chó kể trên được. Những hành vi cao cả của chúng chỉ dành cho những người thực sự hiểu và yêu thương chú chó của mình. Đây là điều không cần “huấn luyện” và cũng “không thể huấn luyện được”. Chỉ có sự yêu thương, thấu hiểu mới có thể khơi gợi những phẩm chất, bản năng cao quý nhất của giống chó Phú Quốc.

Chó Phú Quốc rất thông minh và dễ huấn luyện. Đọc ngay bài viết cách huấn luyện chó Phú Quốc để biết các mẹo và phương pháp phù hợp.


3. Chó Phú Quốc đảo nuôi ở đất liền bị “ngã nước”.

  • Cách nay khoảng hơn 10 năm, rất nhiều chú chó Phú Quốc được đem từ đảo về đất liền nuôi hay bị tiêu chảy rồi chết. Trong dân gian thường cho rằng chó bị “ngã nước” do không hợp thủy thổ, và thường mang thêm 1 nắm đất, cây cỏ ở đảo về cùng để “làm phép”. Tuy nhiên, sự thực hoàn toàn không phải vậy. Do những năm 2010s, chó Phú Quốc từ đảo hầu như không được tiêm phòng, tẩy giun mà nuôi hoàn toàn tự nhiên. Do môi trường đảo biệt lập, ít mầm bệnh nên chó ít khi mắc bệnh. Nhưng khi đem về đất liền, đặc biệt là các thành phố lớn như Tphcm, Hà nội, mầm bệnh rất nhiều và đa dạng, nên chó từ đảo về rất dễ bị các bệnh nguy hiểm, gây tử vong cao như Parvo, Care, Corona…
  • Một nguyên nhân nữa, chó ở đảo có tập quán sinh hoạt, chế độ ăn hoàn toàn khác. Nhưng khi về thành phố được chủ yêu chiều nuôi như chó kiểng, tắm rửa thường xuyên, cho ăn chế độ ăn khác…nên ban đầu chó chưa quen dễ bị tiêu chảy, lại đưa ra phòng khám nơi sẵn càng mầm bệnh, công thêm phương pháp điều trị theo phác đồ chó ngoại (trong khi trong tự nhiên, Phú Quốc hoàn toàn có thể ăn cây cỏ để tự khỏi, không cần điều trị).
  • Ngày nay, kiến thức thú y đã được nâng cao. Những chú chó Phú Quốc ở đảo nếu được tiêm phòng Vacxin 2 mũi 7 bệnh, tẩy giun đầy đủ thì tỷ lệ mắc các bệnh nguy hiểm trên là rất hiếm. Do đó, cũng không bị “ngã nước” rồi chết như trước kia nữa.

4. Môi trường sống, chó Phú Quốc ăn gì để phát triển khỏe mạnh

  • Là loài có bản năng hoang dã cao, nếu bạn dự định nuôi chó Phú Quốc trong căn hộ, nhà phố chật hẹp thì chúng tôi khuyên bạn nên chọn một loại chó cảnh nhỏ khác như Poodle hay Phốc sóc. Chó xoáy Phú Quốc thích hợp với một ngôi nhà có sân vườn, hay tuyệt vời hơn là một mảnh vườn, ao nước, bụi tre với cỏ cây hoa lá thiên nhiên. Đây là môi trường tuyệt vời để chúng sống hoàn toàn khỏe mạnh, không bệnh tật.
  • Chó Phú Quốc không ăn uống như chó cảnh với hạt, pate, xúc xích… Ở đảo, chúng ăn chim, cá, thú nhỏ, thi thoảng là cơm, thức ăn thừa của chủ, bổ sung thêm bằng các loại lá, củ, rễ cây và gặm đất. Chế độ ăn này cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất cho chó. Khi thiếu chất hay bị bệnh, chúng tự tìm thức ăn bổ sung để chữa khỏi, không cần phải đi bác sĩ làm gì.
  • Không thể lấy hệ tiêu hóa của con người áp cho chó kiểu tỷ lệ bao nhiêu % đạm, chất béo, tinh bột được. Chó Phú Quốc có thể ăn cơm, bắp nhưng khả năng hấp thu tinh bột không cao, chủ yếu là độn chống đói cho chó. Bạn có thể làm 1 thử nghiệm nhỏ cho chó ăn xương cục với bắp, trong phân chó xương cứng nhưng được tiêu hóa hết còn bắp thì không. Là loài ăn thịt, lại là chó săn trên đảo với khả năng bơi lặn siêu việt, nên ngoài thịt chim, thú rừng, rắn, chuột… chúng cũng xơi thêm cá, tôm, ốc hay thậm chí cả rùa, ba ba… Vì vậy, người nuôi chó Phú Quốc cũng cần thường xuyên bổ sung thêm hải sản cho chó.
  • Loài chó có khứu giác và thính giác cực thính nhạy, nhưng vị giác của chúng rất kém, chúng thưởng thức đồ ăn theo mùi chứ không phải theo vị. Thức ăn tốt nhất cho chó Phú Quốc là xương, thịt heo, bò, gà… hoặc tôm, cá (cả cá đồng và cá biển như: cá nục, thu, hồi, các lóc, trắm, trôi, chép…), bạn có thể nấu chín hoặc tốt nhất là cho ăn sống (nếu thực phẩm sạch, an toàn). Không nên mua đồ đắt tiền, “ngon”, loại rẻ tiền đủ dinh dưỡng mà không ôi thiu là được, vì đối với chó Phú Quốc, thịt rẻ và đắt không khác gì nhau cả.
  • Không nên cho chó ăn nhiều tinh bột, ngũ cốc, chó dễ bị béo phì và không hấp thu được bao nhiêu. Cũng không cần thiết phải nấu cơm trộn thịt, cá rau củ theo bất cứ tỷ lệ, công thức nào cả. Phú Quốc cũng không cần bạn bổ sung chất xơ, rau củ nếu môi trường nuôi có sẵn cây cỏ tự nhiên.
  • Tránh xa các sản phẩm công nghiệp sản xuất cho chó cảnh như hạt cho chó, pate, súp thưởng…các loại vitamin, thực phẩm chức năng, khoáng chất bổ sung. Hệ tiêu hóa của chúng không quen và khó hấp thu các loại sản phẩm này.
  • Với chó Phú Quốc, nơi ăn gắn liền với chốn ở. Nếu bạn chỉ nuôi Xoáy Phú Quốc như chó cưng trong nhà là chưa đủ. Giống chó này cần không gian gần gũi với tự nhiên để bổ sung những chất mà chúng cần, đôi khi chỉ vài lá cây, ngọn cỏ. Nhưng con người không thể hiểu và không đủ khả năng cung cấp những gì chúng cần.
  • Để chó giữ được sự nhanh nhẹn và những phẩm chất quý giá của mình, bạn cần cho chó sống trong môi trường gần gũi với tự nhiên nhất. Trong không gian của chó nên có cành cây, khúc gỗ để chơi đùa. Không nên cho chó vận động trên nền gạch trơn trượt (tốt nhất là nền đất hay cỏ). Lưu ý khuôn viên luôn phải có hàng rào, nếu không chú chó Phú Quốc của bạn chắc chắn sẽ đào hang để tẩu thoát ra ngoài.

Tóm lại, để bạn dễ hình dung, chó Phú Quốc là loài sống gần với thiên nhiên hoang dã nhất. Trong rừng, các loài động thực vật đều sống khỏe mạnh mà không cần đến thuốc thang, thực phẩm chức năng hay đồ ăn sẵn. Thiên nhiên có sự vận hành riêng và tự cân bằng. Hiểu được triết lý này, bạn sẽ nuôi chú chó Phú Quốc của mình trở thành một chú chó toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.


Chó Phú Quốc Giá Bao Nhiêu?

Giá chó Phú Quốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn gốc, độ thuần chủng, ngoại hình và sức khỏe:

  • Chó không giấy tờ: Từ 3 triệu đồng/con, chủ yếu để nuôi làm thú cưng hoặc giữ nhà.
  • Chó có giấy VKA: Dao động từ 10 triệu đồng/con, phù hợp để nhân giống hoặc tham gia các dog show.
  • Chó đạt tiêu chuẩn FCI: Giá có thể lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu với những cá thể đẹp, hiếm.

Bạn đang băn khoăn chó Phú Quốc có giá bao nhiêu? Hãy đọc ngay bài viết giá chó Phú Quốc chi tiết để biết các yếu tố ảnh hưởng và giá cả tham khảo.


Lời kết

Trong bài viết này, MeowGo Pets đã cung cấp thông tin, hình ảnh tổng quát nhất về giống chó Phú Quốc. Từ về nguồn gốc, đặc điểm nổi bật, cách chăm sóc, huấn luyện…giống chó này. Đồng thời, chúng tôi cũng phân tích giá cả mua bán chó Phú Quốc và những trại giống, cửa hàng bán chó Phú Quốc uy tín tại Hà Nội, TpHCM.

Chúng tôi mong muốn qua thông tin hữu ích trên, bạn đọc có thể cân nhắc và lựa chọn cho mình một chú cún ưng ý nhất. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay đóng góp dành cho chúng tôi. Bạn có thể để lại comment ngay bên dưới bài viết này. Hoặc liên hệ trực tiếp với MeowGo Pets qua Hotline: 0965 086 079 và một số tính năng tích hợp qua Website, Facebook, Zalo, Instargam, Youtube…

Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi. Chúc bạn có thật nhiều niềm vui bên chú chó Phú Quốc của mình.