Corgi (hay còn gọi là Welsh Corgi) là một trong những giống chó được yêu thích nhất trên thế giới nhờ vào vẻ ngoài đáng yêu, với bốn chân ngăn cũn cỡn, tính cách thông minh, hoạt bát và sự trung thành. Có nguồn gốc từ xứ Wales, chó Corgi nổi tiếng với hai dòng chính: Pembroke Welsh Corgi và Cardigan Welsh Corgi, mỗi dòng mang những nét đặc trưng riêng nhưng đều chung một điểm là sự quyến rũ khó chối từ.

Nếu bạn đang cân nhắc nuôi một chú Corgi, đừng quên tham khảo các hướng dẫn chi tiết về cách nuôi, chăm sóc và huấn luyện tại chuyên mục blog chó Welsh Corgi.
Tổng quan về giống chó Corgi
Tên gọi hai giống chó này theo quê hương của chúng là các vùng Pembrokeshire và Cardiganshire. Corgi Cardigan có kích thước lớn (cả về cấu trúc xương, chiều dài) cũng như có màu sắc đa dạng hơn.

- Trọng lượng trưởng thành: Pembroke (đực:11-15kg, cái:10-15kg); Cardigan (đực:14-18kg, cái:12-16 kg).
- Chiều cao: Pem (25-31cm). Cardigan (27-32cm).
- Kích thước: Nhỏ, trung bình.
- Nguồn gốc: Xứ Wales (vương quốc Anh).
- Nhóm chó: Nhóm 1, chó chăn cừu, gia súc (theo FCI).
- Lứa đẻ: 2-5 con.
- Tên khác: chó chân ngắn, chó mông bự, chó mông trái tim, chó chân ngắn Corgi, chó chân ngắn mông to…
- Tuổi thọ: 12-15 năm.

Nguồn gốc, lịch sử
- Truyền thuyết kể rằng, ở xứ Wales có một vùng đất cổ tích, nơi có những ngọn núi mờ sương và những vách đá huyền bí. Các nàng tiên trong rừng thường cưỡi những chú chó nhỏ lưng dài bay trên bầu trời vào mỗi đêm trăng sáng. Một cậu bé may mắn được các nàng tiên tặng cho những chú chó tuyệt vời này. Chúng được gọi là Corgis, theo thổ ngữ tiếng Wales cổ “cor gi” có nghĩa là “chó lùn”. Dấu hiệu “yên ngựa” trên lưng chúng được cho là nơi các nàng tiên ngồi.
- Trên thực tế, dòng Pembroke Welsh Corgi có thể được mang đến Wales bởi các thợ dệt Flemish (miền Bắc nước Bỉ) vào thế kỷ 12, trong khi giống chó Cardigan Welsh Corgi có nguồn gốc lâu đời hơn, từ thời Viking (800-1050) cai trị quần đảo Anh, với tổ tiên là các giống chó chăn gia súc Bắc Âu như Swedish Vallhund.
- Ban đầu, chúng được gọi với tên gọi chung là Welsh Corgi. Nhưng do sự phát triển riêng biệt, đến năm 1934, câu lạc bộ chó giống Anh (Kennel Club) chính thức công nhận cả hai giống: Pembroke và Cardigan.
- Năm 1933, Nữ hoàng Elizabeth II (1926-2022) được vua cha George VI tặng chú chó Corgi đầu tiên, Dookie. Từ đó, bà nuôi hơn 30 chú chó Corgi trong suốt cuộc đời, biến chúng thành biểu tượng hoàng gia Anh và trên toàn cầu.

Đặc Điểm Ngoại Hình
Cả hai giống chó Corgi nổi bật với dáng vẻ nhỏ gọn nhưng mạnh mẽ.
Giống | Pembroke | Cardigan |
---|---|---|
Chiều cao | 25 – 31 cm | 27 – 32 cm |
Cân nặng | 10 – 15 kg | 12 – 18 kg |
Đuôi | Ngắn (hoặc không đuôi) | Dài tự nhiên |
Màu sắc | Đỏ, vàng, sable, đen pha trắng | Thêm màu xám, xanh merle |

1. Điểm nổi bật chung:
- Đầu giống cáo: Tai dựng đứng, đôi mắt thông minh và nhanh nhạy.
- Thân dài, chân ngắn: Giúp chúng di chuyển linh hoạt, tránh được cú đá từ gia súc khi chăn dắt.
2. Màu lông

Corgi có màu sắc đa dạng nhưng luôn là sự kết hợp của màu trắng với các màu khác: red (vàng), black (đen), blue merle (xám) và vện (brindel). Màu trắng thường xuất hiện ở yếm cổ, mõm, chân và thường tạo thành mảng lớn ở phần thân dưới.
- Corgi Pembroke chỉ có 2 màu red (vàng trắng) & tricolor. Corgi trắng là đột biến gene rất hiếm, không được công nhận mà chỉ có giá trị sưu tầm độc lạ. Màu red với các mức độ vàng từ đậm đến nhạt, trong khi Tricolor là sự kết hợp ba màu (đỏ, đen & trắng). Ở Pembroke Corgi thường xuất hiện các mảng trắng trên đỉnh đầu, mõm, bụng, ngực, cổ & chân.
- Corgi Cardigan có nhiều màu & họa tiết phong phú hơn, cụ thể: vện, tricolor, đen trắng và blue merle. Các mảng màu trắng thường xuất hiện ở ngực, cổ, mõm, đầu, chân & chóp đuôi.
- Ở cả 2 giống chó Corgi đều không có màu đen tuyền. Nếu “chó Corgi màu đen” chắn chắn đó là lai tạp, không thuần chủng.
- Mắt chó Corgi có hình bầu dục sẫm màu, và đôi tai dựng đứng trên đỉnh đầu. Một số trường hợp đặc biệt có thể có 2 màu mắt.
Xem video chi tiết màu lông chó Corgi trên kênh Youtube MeowGo Pet sau đây:
Tính cách và hành vi
Cả 2 giống chó Corgi đều rất thân thiện, quấn chủ và thông minh. Corgi chính là lựa chọn hoàn hảo cho mỗi gia đình. Mặc dù vậy, do vốn là giống chó chăn cừu nên bạn cần cân nhắc các điểm sau:
- Corgi luôn muốn kiểm soát mọi việc, vì vậy chúng sẽ luôn muốn đuổi bắt hoặc chạy theo mọi vật. Một điều cần lưu ý để huấn luyện chó Corgi không đuổi theo xe cộ khi chạy ra đường.
- Giống chó này có tật xấu là hay kéo gấu quần, gót chân, tay (đặc biệt là với trẻ nhỏ) do bản năng cắn gót chân gia súc. Bạn cần dạy chó Corgi ngay từ nhỏ để cún biết đây là hành động sai trái.
- Corgi thân thiện, hòa đồng với trẻ em, chó mèo, vật nuôi trong nhà. Tuy nhiên, với tố chất thủ lĩnh chăn gia súc nên chúng có xu hướng muốn điều khiển, cầm trịch cuộc chơi.
- Chó Corgi rất hay sủa và khá ồn ào, đặc biệt là với dòng Pembroke. Chúng sẽ sủa khi gặp bất kì vấn đề gì khác lạ do bản năng canh giữ chuồng trại. Vì vậy, huấn luyện ngưng sủa theo hiệu lệnh là rất cần thiết.
- Pembroke thì hoạt bát, vui tươi & hướng ngoại hơn. Trong khi Cardigan điềm tĩnh và tình cảm hơn.
Nhìn chung, cả 2 giống chó Corgi đều thông minh nhưng khá bướng bỉnh và có tính cách độc lập. Việc huấn luyện đòi hỏi chủ nuôi có kinh nghiệm và kiên trì. Corgi rất năng động & tràn đầy năng lượng. Chúng luôn mong muốn được làm hài lòng chủ, thích chơi đùa và được vuốt ve âu yếm từ mọi thành viên trong gia đình. Bạn nên cho chó con được xã hội hóa sớm (trên 2 tháng tuổi) vì chúng khá nhút nhát & thận trọng khi tiếp xúc với người lạ.

Cách nuôi và chăm sóc
Tham khảo video hướng dẫn cách nuôi và chăm sóc Corgi trên kênh Youtube MeowGo Pets dưới đây:
1. Môi trường và vận động
- Có nguồn gốc từ xứ Wales với khí hậu lạnh giá, vì vậy, khi nuôi tại Việt Nam bạn không nên đưa Corgi ra ngoài khi trời nắng nóng. Nên để chó ở nơi thoáng mát, nhiệt độ từ 18-26 độ là phù hợp. Vào mùa hè, nếu có điều kiện bạn nên để cún trong phòng máy lạnh và chỉ cho ra ngoài vào sáng sớm hoặc chiều tối khi nắng dịu.
- Hầu hết các giống chó đều thích không gian rộng rãi để vui đùa, chạy nhày và Corgi cũng vậy. Vốn là chó chăn gia súc nên Corgi có nguồn năng lượng rất dồi dào đòi hỏi được vận động để giải tỏa. Nếu nhà bạn có sân vườn rộng, bạn có thể thả cún chơi tự do cả ngày. Nếu không bạn có thể dành 30-45 phút mỗi ngày để dắt cún đi dạo trong công viên hoặc nơi công cộng kết hợp với huấn luyện chó. Điều này giúp cún được vận động, vui vẻ và gần gũi với chủ nhân hơn.
- Có lớp lông dày, tuy vậy bạn không nên để chó Corgi ở ngoài một mình khi trời lạnh. Chúng dễ trúng gió, cảm lạnh và đặc biệt bị stress, cô đơn khi bị bỏ rơi. Tốt nhất là cho cún vào phòng sinh hoạt cùng gia đình kèm với việc giữ sạch sẽ và dạy cún đi vệ sinh đúng chỗ. Hoặc bạn có thể đặt chuồng cho cún ở nơi khô ráo, thoáng mát & có ánh sáng đầy đầy đủ. Tuyệt đối không để chuồng chó ở nơi ẩm thấm, tối tăm, chó dễ bị viêm da, ghẻ ngứa, virus… ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của cún.

2. Chế độ dinh dưỡng
Bên cạnh môi trường sống, vận động thì chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đến sức khỏe của cún. Giống như các loài chó khác, Corgi chỉ có thể phát triển toàn diện, khỏe mạnh nếu được cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng thiết yếu gồm: protein (chất đạm), tinh bột, vitamin và khoáng chất, chất béo và chất xơ. Nếu dùng thức ăn hạt đóng gói sẵn, trong thành phần sản phẩm đã được tính toàn đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng. Chỉ cần làm theo đúng hướng dẫn trên bao bì là được.
Nếu bạn có thời gian, có thể tự nấu ăn cho chó. Corgi có thể ăn thức ăn thịt, rau củ xay trộn cơm, cháo hoặc thịt heo, bò, gà xé đều được. Trong khi cho chó ăn, bạn có thể quan sát mức độ ăn, khẩu vị để điều chỉnh thực đơn cho phù hợp.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Corgi. Hãy tham khảo thực đơn chi tiết tại: Chó Corgi ăn gì? Thức ăn nào tốt nhất?
3.1. Nên cho chó Corgi ăn gì?
- Chất đạm (protein) & chất béo: có sẵn trong các loại thịt heo, gà, bò… Lưu ý: Corgi là giống chó khá ham ăn nên dễ bị béo phì, bạn nên hạn chế lượng chất béo (mỡ) vừa phải. Hàm lượng chất béo có sẵn trong thịt đủ cho nhu cầu của cún rồi.
- Chất xơ: có sẵn trong các loại rau củ như: bí ngô, rau cải xanh, cà rốt, bắp cải… Thi thoảng có thể tập cho cún ăn thêm các loại trái cây như chuối, táo, lê cũng rất tốt cho sức khỏe của cún
- Tinh bột: có sẵn trong gạo (cơm, cháo), khoai tây, khoai lang, sắn các loại…
- Ngoài ra, bạn có thể bổ sung cho cún thêm các loại vitamin, dầu cá Omega 369, canxi đối với chó nhỏ và chó già theo hướng dẫn của bác sĩ thú y.

3.2. Thực đơn cho chó Corgi theo độ tuổi:
- Từ 1-2 tháng: ở giai đoạn này, chó còn rất nhỏ, hệ tiêu hóa của chó Corgi con chưa được phát triển hoàn thiện. Bạn nên cho cún ăn các thức ăn mềm, nhuyễn như hạt puppy cho chó con ngâm mềm, cháo thịt loãng hoặc khoai tây nghiền… Ngày cho ăn từ 3-4 lần. Ngoài ra bạn có thể bổ sung mỗi ngày 3-4 cữ sữa chuyên dụng dành cho chó con (tuyệt đối không dùng sữa của người).
- Từ 3-6 tháng: đây là giai đoạn phát triển quan trọng của chó. Bạn có thể cho cún ăn cơm trộn lẫn với thịt, rau củ. Bổ sung thêm 2-3 cữ sữa mỗi ngày kết hợp với canxi nano. Ngày cho cún ăn từ 2-3 bữa.
- Trên 6 tháng tuổi: Đây là giai đoạn chó phát triển mạnh để trưởng thành. Bạn có thể cho khẩu phần ăn với nhiều loại thức ăn đa dạng, đầy đủ chất hơn. Cho cún ăn 2-3 bữa mỗi ngày. Ngoài canxi nano, bạn có thể bổ sung thêm vitamin tổng hợp, dầu cá Omega 369 hỗ trợ cho sự phát triển khung xương, bộ lông của chó. Ngoài ra, có thể cho cún ăn 2-3 quả trứng vịt lộn mỗi tuần.

3.3. Lưu ý khi cho ăn:
- Luôn giữ đồ dùng, chén bát ăn uống của chó sạch sẽ.
- Không để thức ăn thừa lưu cữu cả ngày. Sau khi chó ăn tầm 20 phút nếu vẫn thừa thức ăn thì lấy ra luôn và điều chỉnh lại khẩu phần ăn bữa tiếp theo cho hợp lý.
- Cung cấp nước sạch đung sôi 24/24 cho chó.
- Cho chó ăn lượng thức ăn vừa phải. Không chiều chó cho ăn quá nhiều dẫn đến béo phì, có hại cho sức khỏe của chó.
- Không cho ăn các loại xương ống, xương cứng sắc nhọn dễ làm tổn thương hệ tiêu hóa của chó.

4. Chăm Sóc Lông
Lông của Corgi cần được chải ít nhất 2 – 3 lần/tuần để giảm thiểu rụng lông. Mùa thay lông, cần chải hàng ngày. Tắm cho Corgi 1 tháng/lần trừ khi quá bẩn.

Nếu bạn cần hướng dẫn chi tiết hơn, hãy đọc bài viết: Cách chăm sóc và nuôi chó Corgi tại Việt Nam.
5. Huấn Luyện Và Xã Hội Hóa
Huấn luyện từ sớm là điều cần thiết để Corgi trở nên ngoan ngoãn và hòa nhập. Hãy tập trung vào các bài tập cơ bản như ngồi, đứng, và đi vệ sinh đúng chỗ.

- Hãy đọc thêm tại bài viết: Cách huấn luyện chó Corgi hiệu quả.
Sức khỏe và bệnh thường gặp
Nhìn chung, Corgi là giống chó rất khỏe mạnh, Corgi vẫn có nguy cơ mắc một số bệnh:
- Thoái hóa tủy sống (DM): Gây liệt hai chân sau.
- Dị tật xương hông: Gây đau nhức và hạn chế vận động.
- Bệnh về mắt: gồm: đục thủy tinh thể, PRA (teo võng mạc tiến triển).
- Béo phì: Chó Corgi rất dễ tăng cân, vì vậy cần kiểm soát khẩu phần ăn.
Ngoài ra, trong điều kiện Việt Nam, chó Corgi thường dễ mắc các bệnh về da, lông do khí hậu nóng ẩm và không được giữ vệ sinh tốt. Hoặc các bệnh do chăm sóc không tốt như viêm phổi, cảm cúm, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa. Đặc biệt cún con bắt buộc phải được tiêm phòng 7 bệnh, bệnh dại theo quy định. Đặc biệt là Parvo & Care là 2 bệnh đường ruột ở chó gây tử vong cao ở chó con dưới 1 tuổi nếu không được chích ngừa cần thận.

Lý Do Chọn Chó Corgi
- “Chân ngắn, mông trái tim”: Corgi nổi bật với đôi chân ngắn, mông trái tim đáng yêu và từng là thú cưng yêu thích của Nữ hoàng Anh suốt 80 năm.
- Dễ nuôi, thích nghi tốt: Phù hợp nhà phố, chung cư, dễ thích nghi với khí hậu và thức ăn tại Việt Nam.
- Thông minh, thân thiện: Đứng top 10 giống chó thông minh, dễ huấn luyện, thân thiện với trẻ em và vật nuôi khác.
- Trung thành, cảnh giác: Corgi quấn chủ, năng động, cảnh giác cao, luôn sẵn sàng bảo vệ gia đình.
Chó Corgi là lựa chọn hoàn hảo cho những ai yêu thích sự thông minh, tình cảm và đáng yêu.

Nếu bạn đang tìm mua chó Corgi, hãy xem ngay danh sách những bé Corgi đang tìm chủ. Trang này cung cấp đầy đủ thông tin và hình ảnh các bé Corgi đang chờ bạn.
Kết Luận
Chó Corgi không chỉ nổi bật với vẻ ngoài đáng yêu mà còn có tính cách thông minh, hòa đồng và năng động. Dù bạn chọn Pembroke hay Cardigan, giống chó này chắc chắn sẽ mang lại niềm vui và tình yêu cho gia đình.

Hãy tìm hiểu thật kỹ để đảm bảo bạn có thể mang đến môi trường sống tốt nhất cho người bạn bốn chân đặc biệt này.