Giống chó Shih Tzu

Gương mặt ngây thơ, đôi mắt to tròn cùng bộ lông dài thướt tha, chó Shih Tzu (hay còn gọi là chó Sư Tử) luôn nằm trong danh sách những giống chó cảnh được yêu thích nhất tại Việt Nam. Không chỉ có ngoại hình đáng yêu, Shih Tzu còn chinh phục trái tim mọi người bởi tính cách thân thiện, dễ gần và cực kỳ trung thành. Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn cái nhìn chi tiết và đầy đủ nhất về giống chó đặc biệt này: từ nguồn gốc, đặc điểm ngoại hình, tính cách cho đến cách chăm sóc và giá bán cập nhật mới nhất.

Chó Shih Tzu giá bao nhiêu năm 2024?
Chó Shih Tzu thuần chủng được bán tại MeowGo Pets.

Nếu bạn đang tìm kiếm những chú Shih Tzu thuần chủng khỏe mạnh, hãy truy cập vào Danh mục bán chó Shih Tzu để xem ngay các bé hiện đang được bán tại MeowGo Pets.


Thông Tin Tổng Quan Giống Chó Shih Tzu

Gương mặt xinh đẹp, đôi mắt to tròn đen láy ngây thơ nhìn bạn đầy ngọt ngào. Không có gì lạ khi những chủ nhân của chó Shih Tzu lại yêu thích giống chó này đến vậy suốt hàng ngàn năm qua. Từ các hoàng đế quý tộc trong những triều đại Trung Hoa, Từ Hi Thái Hậu, nữ hoàng Anh, các tỷ phú, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng… Tất cả đều không thể cưỡng lại giống chó đáng yêu này.

Ở đâu có Shih Tzu ở đó có tiếng cười và sự tinh nghịch. Mặc dù có kích thước khá nhỏ, nhưng chúng dường như khỏe mạnh hơn nhiều so với vóc dáng của mình. Bộ lông thướt tha, nhiều màu sắc rất xứng đáng để bạn bỏ thời gian, công sức chăm sóc. Nếu được Spa, chải lông chuyên nghiệp, ít chú chó nào có vẻ đẹp sánh được với Shih Tzu bởi vẻ yêu kiều duyên dáng nhưng cũng đầy sang trọng, quý phái của hoàng gia Trung Hoa.

  • Trọng lượng trưởng thành: 4,082-7,257kg
  • Chiều cao tới vai: 22,86-26,67cm.
  • Kích thước: nhỏ.
  • Bộ lông: Lông kép, dài, thẳng mượt, với lớp lông ngoài bồng bềnh và lớp lông trong mềm mại.
  • Màu sắc: Đa dạng, từ trắng, vàng, đỏ, đen-trắng, vàng-trắng đến các màu hiếm như đen tuyền, xanh lam.
  • Số con mỗi lứa: 2–5 con.
  • Tính cách: Thân thiện, tình cảm, điềm tĩnh, thông minh nhưng hơi bướng bỉnh.
  • Xuất xứ: Tây Tạng (Trung Quốc)
  • Tuổi thọ: 10-18 năm.
  • Tên gọi khác: Chó Sư Tử, Thạch Sư Khuyển, Chó Tây Thi, Chó Mặt Hoa Cúc.

Rất đáng yêu và tình cảm, đặc biệt là với trẻ em. Được lai tạo để dành cả đời trong hoàng cung, Shih Tzu rất thích hợp cả ở trong căn hộ, nhà phố không có sân vườn. Một số con có sở thích đào xới hay đuổi mèo, nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của chúng là được ngồi trên đùi bạn để được cưng nựng, âu yếm hay cùng xem tivi.

Bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều bài viết hữu ích trong chuyên mục blog về chó Sư Tử (Thạch Sư Khuyển) để nắm rõ hơn về giống chó này.


Nguồn gốc và lịch sử

Giống chó Shih Tzu có nguồn gốc từ Tây Tạng, tổ tiên của chúng được gửi đến cho Hoàng gia Trung Quốc như một món quà. Người Trung Quốc sau đó đã lai tạo giống chó này với chó Bắc Kinh và Pug để tạo ra Shih Tzu hiện đại. Ngày nay, các phân tích DNA cho thấy Shih Tzu là hậu duệ của cả chó Lhasa Apso và Bắc Kinh. Tên gọi Shih Tzu trong tiếng Hán có nghĩa là “Sư Tử”, do giống chó này được lai tạo để có ngoại hình trông giống như sư tử, ngoài ra chúng còn được gọi là “chó Tây Thi” vì vẻ đẹp như một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa cổ đại.


1. Liên Quan Đến Phật Giáo Và May Mắn

  • Chó Sư Tử ở cả Trung Quốc và Tây Tạng đều gắn liền với Phật giáo. Lời Phật dạy được ví như tiếng gầm của Sư Tử (Sư tử hống). Sư tử có nhiệm vụ bảo vệ Phật Pháp, xua đuổi tà ma.
  • Những bức tượng chó Sư Tử bằng đá cũng được đặt ở các đền chùa, cung điện hoàng gia, phủ đệ quý tộc vừa thể hiện sự uy nghiêm, bảo vệ gia chủ cũng như đem đến phúc lộc, may mắn.

2. Cuộc Sống Trong Hoàng Cung Trung Hoa

  • Trong các tranh vẽ có từ thời Đường (618-907) đã mô tả những chú chó có ngoại hình giống như Shih Tzu. Có giả thuyết cho rằng Shih Tzu là một trong những lễ vật của vua Tây Tạng là Songtsen Gampo (Tùng Tán Cán Bố, 605-649) để cầu hôn Công chúa Văn Thành (628-680)của nhà Đường.
  • Đến thế kỷ 13, khi nhà du hành người Ý đến Trung Hoa, đã mô tả những chú chó của Hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt đã nuôi những chú chó nhỏ giống như Shih Tzu.
  • Trong suốt triều đại nhà Minh (1368-1644), hoàng gia và các gia đình quý tộc đã nuôi những chú “chó sư tử nhỏ” hay “chó mặt hoa cúc”. Những chú chó Shih Tzu đã xuất hiện trong nhiều bức tranh, chạm khắc thời kỳ này. Việc nhân giống chó có lẽ được Hoàng đế giao cho các hoạn quan, những người luôn cố gắng cạnh tranh tạo những chú chó sao cho Hoàng đế ưa thích để được ban thưởng. Những con được chọn sẽ được vẽ lên tranh tường, rèm cửa.
  • Năm 1861, Từ Hi Thái Hậu nắm quyền nhiếp chính (trên thực tế là người cai trị tối cao của nhà Thanh). Bà rất yêu động vật, đặc biệt là loài chó. Thái hậu ra lệnh tử hình bất kì ai hành hạ chó trong cung. Chính bà đã cho các hoạn quan thực hiện việc lai tạo theo các tiêu chuẩn do bà đặt ra. Người ta cho rằng Shih Tzu có cung điện riêng, được huấn luyện ngồi dậy và vẫy chân khi Thái hậu tới. Đặc biệt, chúng còn được dùng để ủ ấm chân cho bà trong những ngày đông giá lạnh.
  • Hoàng gia Trung Quốc không cho phép buôn bán các giống chó quý của hoàng tộc cho dân chúng, trong đó có Shih Tzu. Cho đến sau khi Từ Hi Thái hậu chết năm 1908 và nhà Thanh sụp đổ sau đó (1912), các giống chó Hoàng gia mới được biết đến bên ngoài các bức tường cung điện.

3. Hậu Duệ Của 13 Chú Chó

  • Năm 1928, phu nhân Brownrigg, vợ của trung tướng Sir Wellesley Douglas Studholme Brownrigg, Bộ Tư lệnh Bắc Trung Quốc của quân đội Anh đưa từ Bắc Kinh về Anh 1 cặp chó Shih Tzu đầu tiên (con đực là Hibou, con cái là Shu-ssa). Năm 1933, bà Hutchuns cũng mang về Ireland 1 chú chó Shih Tzu đực từ Trung Quốc nữa là Lung-fu-ssa. Ba chú chó này chính là nền tảng cho trại chó Shih Tzu tại Anh của Phu nhân Brownrigg. Sau này, 2 cháu trai của phu nhân Brownrigg là Maureen Murdock và Philip Price trở thành những người đầu tiên nhập và nhân giống Shih Tzu tại Mỹ.
  • Sau cách mang Trung Quốc năm 1949, toàn bộ chó Shih Tzu ở Trung Quốc đã bị giết do chúng gắn liền với sự giàu có. Giống chó này suýt đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
  • Rất may mắn, những chú chó Shih Tzu ở trại của Phu nhân Brownrigg nhập về trước đó, cùng một số con được các sĩ quan Anh đóng ở Trung Quốc cứu và mang về sau này đã duy trì và phát triển giống chó này ở Anh và châu Âu. Toàn bộ chó Shih Tzu hiện đại đều là hậu duệ của 13 chú chó được nhập về Anh và Bắc Âu trong giai đoạn từ 1928-1952.
  • Năm 1952, một nhà nhân giống chó Bắc Kinh là Freda Evans (Elfann) đã mua 2 chú chó Shih Tzu, bà quyết định cải tạo một số điểm chưa hoàn hảo ở giống chó này thời đó như: kích thước vẫn hơi lớn, mũi và chân quá dài và sắc tố lông chưa hoàn hảo. Việc này gây nhiều tranh cãi, nhưng cuối cùng sau 4 thế hệ, Câu lạc bộ chó giống Anh cũng công nhận những chú chó của Evans là Shih Tzu thuần chủng. Thực ra, xét cho cùng 2 giống chó này có chung tổ tiên, và trong lịch sử chó Bắc Kinh cũng được sử dụng để lai tạo Shih Tzu, nên điều này cũng không có gì bất thường.

4. Chó Shih Tzu Ngày Nay

  • Kể từ thập niên 1950 tới nay, Shih Tzu đã trở thành một trong những giống chó cưng phổ biến nhất tại Anh, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia trên thế giới. Với bất kì chủ nhân nào từ Nữ hoàng Elizabeth II, ca sĩ Miley Cyrus, Nicole Richie, Mariah Carey, Beyoncé, diễn viên Colin Farrell, tỷ phú Bill Gates hay một người chủ bình thường, Shih Tzu luôn đối xử với chủ của mình như hoàng gia vậy.
  • Shih Tzu được nuôi làm thú cưng và chưa từng bị lai tạo cho bất kì mục đích nào khác từ khi còn ở trong cung điện hoàng gia Trung Hoa cho đến làm bạn đồng hành trong các gia đình ngày nay. Điều này khác với người họ hàng gần là Lhasa Apso được sử dụng để canh gác cho những ngôi đền Tây Tạng. Có lẽ vì thế nên Shih Tzu hiện đại vẫn là một trong những giống chó được cưng chiều và ưa chuộng nhất.
  • Năm 1960, tại Mỹ có đến 3 câu lạc bộ chó Shih Tzu. Đến năm 1963, 3 câu lạc bộ này hợp nhất thành lập Câu lạc bộ chó Shih Tzu Hoa Kỳ. Năm 1969, Câu lạc bộ chó giống Mỹ (AKC) công nhận chính thức giống chó này và phân vào nhóm chó đồ chơi.

Đặc Điểm Ngoại Hình

  • Tiêu chuẩn ban đầu của hoàng gia Trung Hoa dành cho giống chó này với rất nhiều mỹ từ như: đầu sư tử, mắt rồng, lưng hổ, đuôi phượng hoàng mặt cú, lưỡi như hình cánh hoa mẫu đơn, tai như lá cọ, răng hạt gạo và di chuyển như một con cá vàng. Giống chó này còn được gọi là “chó mặt hoa cúc” vì lông trên gương mặt mọc ra khắp mọi phía như một bông hoa cúc đang nở.
  • Một số chú chó Shih Tzu có đốm trắng trên trán được gọi là “Ngôi sao của Đức Phật”. Theo truyền thuyết, khi đức Phật đang đi cùng chú chó Shih Tzu của mình thì gặp bọn cướp. Chú chó nhỏ liền biến thành một con sư tử gầm lên làm chúng hoảng sợ bỏ chạy. Sau đó ngài đã hôn lên trán, và tạo một đốm nhỏ màu trắng trên trán của giống chó này.
  • Là một giống chó nhỏ nhắn với bộ lông kép dài, dày, bồng bềnh và sang trọng thể hiện sự cao quý, thần thái sang trọng, tự tin. Nhưng ẩn sau bộ lông quyến rũ, tuyệt đẹp này là một khỏe mạnh, cơ bắp và nhanh nhẹn.
  • Vóc dáng nhỏ bé của Shih Tzu khiến chúng trở thành giống chó tuyệt vời cho căn hộ và các không gian nhỏ. Một điểm cộng nữa là Shih Tzu ít rụng lông và gần như không gây dị ứng giúp chúng là một lựa chọn hợp lý cho những ai bị dị ứng lông chó.
  • Shih Tzu là một giống chó đầu và khuôn mặt ngắn. Vì vậy, chúng hay bị khịt mũi và ngáy.

Tìm hiểu bảng tiêu chuẩn giống chó Shih Tzu do Hiệp hội chó giống quốc tế FCI (The Fédération Cynologique Internationale) ban hành trên kênh Youtube Chomeocanh.com sau đây:


1. Bộ Lông Và Màu Sắc

Theo Câu lạc bộ chó giống Hoa Kỳ (AKC) mọi màu sắc và hoa văn đều được chấp nhận ở giống chó Shih Tzu (ngoại trừ màu merle và gen bạch tạng). Để mô tả dễ hiểu nhất có thể chia màu sắc chó Shih Tzu thành 3 loại:

  • Màu đơn sắc: gồm có: trắng, đen, red (đỏ), vàng, bạc, blue (xanh da trời), vện (brindle).
  • Hai màu: đen & trắng, vàng & trắng, bạc & trắng, vện & trắng, gan (nâu) và trắng), blue và trắng, đỏ (red) và trắng.
  • Ba màu: vàng, bạc & trắng; đen, vàng & bạc; đen, vàng & trắng.


1.1. Màu lông chó Shih Tzu có thay đổi không?

Nhìn chung, màu lông của chó Shih có thể thay đổi từ lúc mới đẻ cho đến khi già. Tương tự như hiện tượng tóc bạc khi già đi ở người.

Màu lông Shih Tzu thường đổi màu trong năm đầu đời, đây là thời điểm sự đổi màu lông xảy ra rõ nét nhất, các năm tiếp theo sự thay đổi không đáng kể. Nên không có gì ngạc nhiên khi màu sắc, hoa văn chú chó của bạn sẽ luôn thay đổi theo thời gian. Ví dụ: những mảng trắng của chú chó Shih Tzu con của bạn có thể lan rộng hơn, những vệt vằn vện có thể bị mờ đi. Hay màu gan đậm cũng có thể chuyển sang gan nhạt khi trưởng thành. Không những thế, mắt và mũi của chó cũng đổi màu. Sự đổi màu này là do di truyền tự nhiên và tạo thêm bất ngờ thú vị cho bạn trong suốt cuộc đời của cún cưng.


1.2. Chó Shih Tzu màu nào đắt và hiếm nhất

Cho tới nay, chó Shih Tzu đen vẫn là màu hiếm và có giá đắt nhất. Sau màu đen thì màu trắng tinh cũng rất hiếm khi xuất hiện. Tìm một chú chó Shih Tzu đen tuyền là cực hiếm và không phải cứ có tiền là mua được. Thường chó Shih Tzu màu đen vẫn có một mảng trắng (thường nằm trên ngực).

Một chú chó Shih Tzu đen tuyền rất hiếm; thường có một mảng màu trắng ở đâu đó (và thường là trên ngực); Shih Tzu màu đen luôn có mũi và da (viền mắt, môi và đệm bàn chân) màu đen.

Chó Shih Tzu đen luôn có mũi và các sắc tố da khác (viền mắt, đệm bàn chân, môi) màu đen. Không loại trừ trường hợp chó Shih Tzu con khi nhỏ có màu đen nhưng khi trưởng thành sẽ chuyển sang màu bạc.


1.3. Chó Shih Tzu màu nào phổ biến nhất?

Hai màu phổ biến và có giá tương đối hợp lý của chó Shih Tzu là: đen vàng & trắng cùng với vàng & trắng.


2. Phân Loại

Mặc dù hầu hết các tổ chức, hiệp hội chó giống quốc tế đều chỉ công nhận 1 giống chó Shih Tzu thuần chủng duy nhất. Tuy nhiên, có một số cách phân loại không chính thức, cụ thể:

  • Chó Shih Tzu Mỹ và chó Shih Tzu châu Âu: Shih Tzu Mỹ thường lớn hơn nhưng có thân hình ngắn hơn, 4 chân dài hơn Shih Tzu châu Âu. Trong khi Shih Tzu châu Âu đầu to, ngực rộng và cổ dài hơn, với chân trước hơi cong về phía sau.
  • Imperial Shih Tzu: chỉ nặng dưới 2,3kg, thường được tiếp thị là dòng thuần chủng nhưng có kích thước nhỏ hơn size tiêu chuẩn. Mặc dù vậy, chúng mang đầy đủ đặc điểm của Shih Tzu thuần chủng. Tuy nhiên, do vóc dáng nhỏ bé, dòng chó này dễ gặp các vấn đề về sức khỏe và có tuổi thọ giảm đi đáng kể (chỉ từ 8-10 năm).
  • Teacup Shih Tzu: hay chó Shih Tzu tách trà siêu nhỏ. Chỉ nặng khoảng 1,8kg. Đây là dòng siêu nhỏ nên cần người nuôi rất kinh nghiệm và đòi hỏi sự chăm sóc đặc biệt. Cũng như dòng Imperial Shih Tzu, dòng này thường gặp các vấn đề sức khỏe và có tuổi thọ ngắn (thường chỉ 5-6 năm).

3. Chó Shih Tzu Lai, F1

Ghi chú: là một nhà nhân giống chuyên nghiệp thuộc VKA, chúng tôi không ủng hộ việc cố tình lai tạo Shih Tzu với bất kì giống chó nào khác. Tuy nhiên, khắp Việt Nam cũng như trên thế giới rất nhiều chú chó Shih Tzu lai cần cứu hộ và nhận nuôi, nên chúng tôi ủng hộ bất cứ ai nhận nuôi các bé.

Nếu một chú chó lai giữa 2 bố mẹ đều thuần chủng, chúng sẽ nhận những đặc điểm ngoại hình, tính cách từ cả 2 bố mẹ một cách rõ nét (mặc dù không thể đoán trước chúng sẽ trông như nào khi trưởng thành và có tính cách ra sao?). Trường hợp lai một em Shih Tzu thuần chủng với một chú chó lai khác thì càng khó xác định được điều này.

Việc một chú chó Shih Tzu lai ra đời có thể do vô tình (chó sống cùng nhà, chó bị sổng phối với nhà hàng xóm…) hoặc do chủ đích lai tạo tùy mục đích của người nhân giống muốn có 1 số tính trạng từ chó bố, mẹ, trường hợp này thường là do các nhà nhân giống có chuyên môn thực hiện. Trên thế giới hiện nay đang phổ biến các giống chó Shih Tzu lai sau:

  • Shih-Poo (lai Poodle)
  • ShiChi (lai Chihuahua)
  • Malshi (lai Maltese)
  • Shiranian (lai chó Phốc sóc)
  • Pug-Zu (lai chó Pug)
  • Havashu (lai chó Havanese)
  • Shorgi (lai Corgi)
  • Bea-Tzu (lai Beagle)
  • Shih Tzusky (lai Husky)
  • Zuchon (lai Bichon)

Tính Cách Và Hành Vi

  • Trong hàng trăm năm, Shih Tzu được nuôi không chỉ bởi bộ lông tuyệt đẹp, mà chính là do tính cách tuyệt vời của giống chó này. Chúng không được tạo ra để chăn gia súc, kéo xe hay săn bán, Shih Tzu được tạo ra chỉ để yêu thương duy nhất gia đình mình.
  • Shih Tzu có tất cả những gì bạn muốn ở một chú chó gia đình. Thông minh, thân thiện, rất tình cảm và không hay sủa. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những người nuôi chó Shih Tzu sẽ rất quấn quýt chúng và thật khó để lựa chọn nuôi thêm một giống chó nào khác.
  • Giống chó này cũng nổi tiếng vì sự vui vẻ, hoạt bát. Shi Tzu có xu hướng thân thiện, hòa đồng với tất cả mọi người, cũng như chó mèo và vật nuôi khác trong nhà. Hầu như bạn không thể thấy chúng bộc lộ sự cáu kỉnh, tức giận hay hung dữ, tất cả đều luôn dễ thương, đáng yêu.
  • Shih Tzu không thích nhai gặm do mõm khá ngắn, nhưng một số con thích đào bới. Luôn muốn ở cạnh bạn, bất kể là lúc đi dạo hay nằm trên đùi xem tivi.
  • Như bất kì giống chó cảnh nào khác, Shih Tzu cũng cần được huấn luyện và xã hội hóa ngay từ khi còn nhỏ. Chó con Shih Tzu cần được tiếp xúc với nhiều người, nhiều cảnh vật, âm thanh khác nhau từ 2,3 tháng tuổi. Những kỹ năng xã hội tích lũy được sẽ giúp chú chó của bạn có hành vi tốt để trở thành một chú chó Shih Tzu trưởng thành toàn diện.

Cách Nuôi Và Chăm Sóc

Giống chó Shih Tzu rất thông minh, nhỏ nhắn và dễ chăm sóc. Bạn chỉ cần lưu ý một số yêu cầu cần thiết để cho chú chó của bạn luôn khỏe đẹp. Bạn cũng cần dành nhiều thời gian để huấn luyện cho cún cưng của mình. Điều quan trọng nhất khi nuôi Shih Tzu chính là chăm sóc bộ lông.

Để đảm bảo chú chó của bạn luôn khỏe mạnh, hãy tham khảo hướng dẫn chi tiết trong bài viết Cách nuôi và chăm sóc chó Shih Tzu.


1. Môi Trường Và Vận Động

Giống chó này không quá quan tâm đến nơi chúng sống ở đâu, miễn là được ở cạnh chủ nhân là chúng hạnh phúc lắm rồi. Shih Tzu rất dễ thích nghi, chúng có thể sống tốt trong căn hộ nhỏ ở đô thị hoặc biệt thự sân vườn vùng nông thôn. Shih Tzu thích hợp với cuộc sống trong nhà hơn, mặc dù đôi lúc nó cũng thích chạy nhảy ngoài sân. Mỗi ngày một chuyến đi dạo là khá đủ cho Shih Tzu rồi.

Không quá năng đông, Shih Tzu thoải mái với việc được ngồi trong lòng bạn, chạy quanh nhà, chơi đồi chơi hay chạy ra cửa đón khách tới thăm.

Như các giống chó mặt ngắn khác (Pug, Bull Pháp, Bắc Kinh…), Shih Tzu rất nhạy cảm với nhiệt độ. Tốt nhất bạn nên cho cún ở trong phòng điều hòa hay tối thiểu là quạt vào những ngày hè nắng nóng ở Việt Nam, nếu không chú chó của bạn rất dễ bị sốc nhiệt, thậm chí tử vong.

Shih Tzu cũng rất thích nhảy từ trên cao xuống một cách không sợ hãy, hậu quả thường là những chấn thương, đặc biệt là với chó Shih Tzu nhỏ. Phần đầu nặng của chúng lao về phía trước dễ tổn thương sọ não. Vì vậy, bạn cần thận khi bế chú chó này, đừng để nó nhảy khỏi tay bạn hay từ trên cao xuống.

Giống chó Shih Tzu có mức năng lượng trung bình, nhưng vẫn cần phải được tập thể dục hàng ngày. Đi dạo cùng chủ hay chơi trò chơi sẽ giúp chó cưng của bạn được kích thích cả về thể chất và tinh thần.


2. Vệ Sinh & Chải Lông

Shih Tzu có bộ lông mọc liên tục nhưng lại rất ít rụng lông. Do đó, chúng thường được xếp vào nhóm những giống chó ít gây dị ứng.

Giống chó này nổi bật nhất là bộ lông 2 lớp dài tuyệt đẹp. Nếu bạn cắt ngắn lông Shih Tzu, công việc chăm sóc lông sẽ đơn giản chỉ cần chải chuốt mỗi ngày. Bạn cần đầu tư 1 tông đơ điện hoặc đưa cún đi Spa nếu lông cún mọc dài ra.

Nếu bạn giữ cho chó Shih Tzu với bộ lông dài nguyên bản. Công việc sẽ vất vả hơn khá nhiều. Lớp lông ngoài thường sẽ giữ hầu hết lông rụng của lớp lông tơ bên trọng cho đến khi được bạn chải ra. Bạn có thể tham khảo các kiểu chải lông cho Shih Tzu có sẵn trên Internet (Youtube, Tiktok, Facebook…). Chải lông hàng ngày cho Shih Tzu lông dài. Nên dùng bàn chải chuyên dụng bằng kim loại với răng mềm deo. Chải lần lượt, cần thận từng lớp lông cho đến sát da. Chải kỹ phần xung quanh miệng và gỡ tất cả các búi lông xơ rối ngay khi phát hiện.

Giống chó này cũng đòi hỏi sự sạch sẽ ở mức cao. Tắm cho chó hàng tuần, sau khi tắm xong phải sấy thật khô bộ lông dày trước khi chải lông. Đối với lông vùng mặt, sống mũi, người nuôi có thể buộc lên thành búi cao trên đỉnh đầu bằng nơ hoặc dây thun. Rửa mặt cho chó hàng ngày, do đồ ăn, chất bẩn…dễ dàng dinh bết vào lông vùng mặt.

Vệ sinh mắt, tai của chó bằng dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Mắt chó phải trong, không bị vằn đỏ, ghèn rỉ. Lấy sạch ráy tai, chất bẩn trong tai chó. Kiểm tra xem tai, mắt, mũi, miệng có bị tổn thương, chảy dịch hoặc mẩn ngứa, viêm nhiễm không?

Cắt móng cho chó 1,2 lần/tháng, lưu ý không được cắt vào phần chân móng màu hồng với nhiều mạch máu sẽ làm chó bị chảy máu. Đánh răng mỗi ngày, hoặc ít nhất 2 ngày/lần để làm sạch cao răng, ngăn ngừa các bệnh răng miệng và khử mùi hôi.


3. Huấn Luyện và Đào Tạo

Huấn luyện chó Shih Tzu vừa buồn cười, thú vị nhưng đôi khi lại khá khó chịu. Chúng có xu hướng thuyết phục chủ theo ý muốn của mình, thái độ kiểu “con được gì”, hay kiểu “sang chảnh như con khỏi cần huấn luyện”. Vì vậy, phương pháp huấn luyện tích cực (khen thưởng, động viên, đồ ăn…) sẽ mang lại hiệu quả cao. Tuyệt đối không sử dụng các biện pháp khắc nghiệt như đánh mắng khi dạy chó Shih Tzu, nếu không sẽ có tác dụng ngược.

Hãy dạy các bài tập kiên trì từng chút một, nhưng bạn cần kiên quyết và không được nhượng bộ khi chó cư xử không đúng.

Shih Tzu nổi tiếng là khó dạy đi vệ sinh đúng nơi quy định. Do đó, bạn cần chăm chỉ huấn luyện nó ngay từ nhỏ 2,3 tháng tuổi. Quan trọng nhất là bạn tuyệt đối không để cho chó có cơ hội đi bậy ở bên trong nhà, hoặc lên thảm. Tập cho chó đi vào khay vệ sinh cần thiết khi trời mưa hoặc khi bạn không đi làm về kịp. Việc tập cho chó đi vệ sinh có thể mất từ 1, 2 tháng. Huấn luyện chó trong chuồng rất quan trọn khi dạy chó đi vệ sinh đúng chỗ, cũng như cho chó có một nơi nghỉ ngơi, thư giãn riêng tư, yên tĩnh. Việc chó quen trong cũi cũng giúp cho cún thích nghi khi gửi trông giữ hoặc ra phòng khám.

Một số con sẽ sủa nhiều, vì vậy, việc dạy cho chó ngưng sủa cũng rất quan trọng nếu bạn không muốn làm phiền hàng xóm.

Huấn luyện và xã hội hóa sớm, đúng phương pháp sẽ giúp cho chó cưng của bạn hòa nhập và thích nghi tốt với môi trường sống. Shih Tzu thông minh những hơi bướng bỉnh. Việc hình thành thói quen tốt ngay từ nhỏ sẽ giúp chó Shih Tzu trưởng thành toàn diện hơn.

Muốn huấn luyện chú chó Shih Tzu của bạn thông minh và biết nghe lời? Hãy đọc bài viết Cách huấn luyện chó Shih Tzu hiệu quả.


4. Chó Shih Tzu Ăn Gì?

Nên cho chó ăn thức ăn chất lượng cao, dù do bạn tự nấu hay thức ăn hạt đóng gói sẵn. Mỗi chú chó có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau tùy thuộc độ tuổi, mức độ vận động, sức khỏe, khả năng hấp thu cũng như sở thích của chủ nhân. Một chú chó đang lớn, tích cực vận động sẽ có nhu cầu khác với một chú chó lớn tuổi, lười biếng. Quan trọng nhất trong chế độ ăn của Shih Tzu là cung cấp đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng và kiểm soát cân nặng. Chó bị béo phì dễ dẫn đến các bệnh như tim mạch, tiểu đường, xương khớp, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống và tuổi thọ của chó.

Có 2 chế độ cho chó ăn. Đó là:

  • Nấu ăn cho chó: chó là loài ăn thịt, vì vậy, trong thành phần tự nhiên của thịt heo, gà, bò đã có đầy đủ hàm lượng dinh dưỡng cân bằng cho chó. Nếu có nguồn thực phẩm sạch, an toàn, bạn có thể cho chó ăn thịt tươi sống, hoặc có thể luộc, hấp, áp chảo cho chó thay đổi khẩu vị. Thi thoảng, bạn có thể đổi bữa bằng cách cho chó ăn cơm, cháo trộn pate, thịt và rau củ. Tuy nhiên, không nên cho chó ăn quá nhiều tinh bột. Chó sẽ không hấp thu tốt và tích mỡ dẫn đến béo phì. Có thể bổ sung cho chó ăn trứng vịt lộn 1,2 quả/tuần để đẹp da, mượt lông.
  • Cho ăn thức ăn hạt cho chó: trong thành phần hạt đã được nhà sản xuất thiết kế đầy đủ theo từng độ tuổi, từng loại chó. Việc bạn cần làm là đọc kỹ hướng dẫn cho ăn ghi sẵn trên bao bì của nhà sản xuất. Có thể cho chó ăn thêm pate, xúc xích, bánh thưởng… nhưng tổng lượng calo mỗi ngày phải không được tăng thêm nếu cho chó ăn vặt. Tốt nhất nên kết hợp thi thoảng cho chó đổi bữa bằng thức ăn tự nấu.

Cho chó Shih Tzu con ăn 3-4 bữa/ngày, đối với chó trưởng thành trên 1 năm tuổi bạn chỉ cần cho chó ăn 2 bữa/ngày. Khi cho chó ăn bạn cần lưu ý:

  • Cung cấp nước sạch cho chó uống 24/24. Giữ sạch sẽ đồ dùng ăn uống cho chó.
  • Không để thức ăn thừa lưu cữu cả ngày cho chó, đồ ăn bị ôi thiu dễ gây bệnh. Cũng như nhiều con chó ham ăn sẽ ăn liên tục không kiểm soát dẫn đến béo phì.
  • Không cho chó ăn đồ ăn của người có chứa gia vị (tiêu, hành, tỏi, ớt, nước mắm, muối….) hay chất kích thích (cafe, bia rượu, cacao…) và đặc biệt là socola.

Bạn đang phân vân chó Shih Tzu nên ăn gì để phát triển tốt nhất? Hãy tham khảo ngay bài viết Chó Shih Tzu ăn gì? để có thêm thông tin.


Sức Khỏe Và Bệnh Thường Gặp

Nhìn chung, giống chó Shih Tzu rất khỏe mạnh. Tuy nhiên chúng có thể gặp một số bệnh thường gặp sau:

  • Hội chứng chó đầu ngắn: hay thấy ở các loài chó có gương mặt phẳng. Đây là nguyên nhân dẫn đễn đường thở có giải phẫu bất thường làm chó khó thở, hay ngáy, chảy nước mũi và dễ bị sốc nhiệt.
  • Các bệnh về mắt: gồm: đục thủy tinh thể, khô mắt (viêm giác, kết mạc), teo võng mạc tiến triển, nhẹ thì làm chó khó chịu, giảm thị lực, nếu nặng có thể dẫn đến mù lòa.
  • Xương khớp: phổ biến nhất là các bệnh loạn sản xương hông, trật xương bánh chè và thoát vị đĩa đệm. Gây đau, khó khăn cho chó khi di chuyển và dễ bị biến chứng thành bệnh viêm khớp mãn tính.

Không phải chú chó Shih Tzu nào cũng sẽ mắc 1 hoặc tất cả các chứng bệnh trên. Bệnh di truyền có thể xảy ra với bất cứ chú chó, loài chó nào. Quan trọng là bạn nên chọn mua chó Shih Tzu con từ các nhà nhân giống có uy tín, trách nhiệm. Nơi sẽ sàng lọc và loại bỏ các bệnh di truyền ở mức tối đa. Những chú chó được nhân giống theo đúng tiêu chuẩn của VKA, FCI hay AKC thiết lập gần như ít có khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe di truyền.

Để bảo vệ sức khỏe cho chó Shih Tzu của bạn, hãy đọc ngay bài viết Sức khỏe và bệnh thường gặp ở chó Shih Tzu.


Giá Chó Shih Tzu Hiện Nay

Giá chó Shih Tzu năm 2024 dao động từ 15 triệu đồng trở lên đối với các bé thuần chủng sinh trong nước. Các bé nhập khẩu từ châu Âu thường có giá không dưới 5.000 USD. Giá bán cụ thể phụ thuộc vào ngoại hình, nguồn gốc, giấy tờ VKA và các yếu tố khác.

Bạn đang thắc mắc chó Shih Tzu giá bao nhiêu? Hãy tham khảo bài viết Giá chó Shih Tzu năm 2024 để biết thêm chi tiết.


Lời Kết

Chó Shih Tzu là sự kết hợp hoàn hảo giữa ngoại hình đáng yêu và tính cách thân thiện, phù hợp với hầu hết mọi gia đình. Với những thông tin chi tiết trong bài viết này, hy vọng bạn sẽ có cái nhìn tổng quan và đầy đủ hơn để quyết định mang một bé Shih Tzu về làm bạn đồng hành. Hãy dành sự yêu thương và chăm sóc đúng cách để giống chó này luôn khỏe mạnh, hạnh phúc bên bạn!