Chó Chihuahua là giống chó nhỏ nhất thế giới. Chính vì kích thước tí hon này mà các bạn ấy trở thành niềm mơ ước của rất nhiều người.
Giống chó Chihuahua không đòi hỏi sân vườn rộng rãi như những giống chó khác nên có thể dễ dàng nuôi trong các căn hộ ở Việt Nam. Các chú cún này lại thông minh, nhanh nhẹn và luôn biết cách làm chủ vui lòng.
Thông tin chung giống chó Chihuahua
Chihuahua là giống chó nhỏ nhất thế giới nhưng ẩn trong thân hình bé nhỏ đó là một tính cách “to lớn”. Giống chó này được coi là biểu tượng, quốc khuyển của Mexico. Giống chó Chihuahua mini “bỏ túi” này là một trong những giống chó cổ xưa nhất châu Mỹ, xuất xứ từ các nền văn minh da đỏ cổ đại nơi đây.
- Chiều cao: 12,7-20,32cm
- Cân nặng: dưới 2,722kg
- Tên gọi khác: chó Chiwawa, chó Arizona, chó Kiwawa, chó chi hua hua, chihuahua heo lùn, chó Texas, Chihuahueño, chó Mexico…
- Nguồn gốc: Mexico.
- Tuổi thọ: 14-16 năm.
Có ngoại hình cân đối, duyên dáng với cân nặng không quá 2,7kg với đầu hình quả táo tròn là đặc điểm nổi bật nhất của giống chó này. Mắt sáng, tinh nhanh với đôi tai dựng đứng. Bộ lông Chihuahua có màu sắc và hoa văn đa dạng phong phú. Có 2 loại Chihuahua lông dài và lông ngắn (mọi đặc điểm khác giống hệt nhau chỉ trừ độ dài lông).
Nhỏ gọn, trung thành, quyến rũ và tự tin, Chihuahua là thú cưng lý tưởng với các gia đình sống ở chung cư, nhà phố. Dù nhỏ bé, nhưng Chihuahua lại có thái độ như thể mình to lớn lắm. Bạn cần huấn luyện, xã hội hóa cho chó ngay từ nhỏ để có những hành vi đúng mực.
Nguồn gốc, lịch sử
1. Nguồn gốc từ các nền văn minh ở Mexico
- Giống chó Chihuahua được đặt tên theo tiểu bang Chihuahua (Mexico), nơi chúng được phát hiện lần đầu tiên vào giữa thế kỷ 19. Mặc dù có nhiều tranh cãi về nguồn gốc của giống chó này. Nhưng đến năm 2013, Viện Công nghệ Hoàng gia KTH (Stockholm, Thụy Điển) đã công bố, giống chó Chihuahua có chung kiểu DNA với các mẫu vật thời tiền Columbus ở Mexico. Điều này đã cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng xuất xứ của chó Chihuahua là ở Mexico. Xem báo cáo chi tiết ở đây
https://www.kth.se/en/om/nyheter/centrala-nyheter/ny-hundforskning-krossar-myt-1.406806
- Chihuahua ngày nay được xem là hậu duệ của giống chó Techichi đến từ Trung và Nam Mỹ. Ngày nay, chúng ta chỉ có thể thấy Techichi trên các tác phẩm điêu khắc đất sét của người Maya tạo nên khoảng từ năm 500 TCN. Chó Techichi có ngoại hình rất giống với Chihuahua hiện đại nhưng có kích thước to lớn hơn khá nhiều (khoảng 4,5-9kg).
- Trong thời kỳ nền văn minh Toltec (674-1122), những người Toltec được cho là đã phát triển giống chó Techichi bằng cách cho lai tạo với Perro Chihuahueno, một giống chó săn mồi bản địa sinh sống ở vùng núi Chihuahua. Giống chó này trở nên phổ biến trong hầu hết các bộ tộc da đỏ Trung và Nam Mỹ trong những năm tiếp theo.
- Trong giai đoạn Đế chế Aztec (1428-1521), giống chó Techichi tiếp tục được lai tạo thành một giống chó nhỏ và nhẹ hơn. Chúng được nuôi làm thú cưng và sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo. Trong các đền thờ và kim tự tháp Aztec, các ngôi mộ cổ, người ta đã tìm thấy hài cốt của giống chó này, cũng như sự hiện diện trong các tác phẩm điêu khắc trên tường. Người Aztec tin rằng giống chó này có khả năng huyền bí, có thể nhìn thấy trước tương lai, chữa bệnh và quan trọng nhất là dẫn dắt linh hồn người chết vào thế giới bên kia. Vì vậy, người ta thường hỏa táng 1 con chó Techichi màu vàng cùng với hài cốt của người chết.
- Người ta cũng tin rằng, chính người Aztec đã lai tạo chó Techichi với Xoloitzcuintli (một loài chó không lông bản địa Trung Mỹ khác) để tạo ra giống chó Chihuahua ngày nay. Sau cuộc xâm lược của người Tây Ban Nha thế ký 16, giống chó Techichi đã dần đi vào quên lãng và bị tuyệt chủng.
- Những năm sau đó, giống chó Chihuahua bản địa có thể được lai tạp với 1 số giống chó khác do người châu Âu mang đến. Điều này có thể thấy được qua màu lông của giống chó này. Trong các bản vẽ và điêu khắc cổ, người ta thấy ban đầu giống chó này chỉ có màu vàng nhạt, nhưng Chihuahua ngày nay có rất nhiều sự kết hợp màu sắc đa dang như: red (vàng, nâu), silver (bạc), nâu socola, trắng, vện…
2. Lịch sử chó Chihuahua hiện đại
- Đến khoảng những năm 1800, người Mỹ bắt đầu quan tâm đến giống chó Chihuahua. Năm 1888, một thẩm phán tên James Watson mua một con chó Chihuahua cái có tên Manzanita. Nhà văn Owen Wister cũng mua 1 con Chihuahua khác có tên Caranza, tổ tiên của 2 dòng máu nổi tiếng thế giới là Meron và Perrito. Một điều thú vị là những chú chó đầu tiên nhập khẩu vào Hoa Kỳ đều là Chihuahua lông dài chứ không phải là loại lông ngắn phổ biến hơn. Điều này khiến nhiều người cho rằng chó Chihuahua lông dài được tạo ra khi cho lai vói chó Phốc sóc hoặc chó Papillon. Nhưng thực tế không phải vậy, gen lông dài đã tồn dại song song với dòng lông ngắn trong suốt lịch sử của giống chó này.
- Năm 1904, Câu lạc bộ chó giống Hoa Kỳ (AKC) công nhận chính thức giống chó này. Và chú chó Chihuahua Midget của H. Raynor ở Texas trở thành chú chó Chihuahua đầu tiên được đăng ký cùng với 3 con chó khác. Năm 1908, Beppie của bà LA McLean ở New Jersey trở thành nhà vô địch đầu tiên của giống chó này.
- Năm 1923, Câu lạc bộ chó Chihuahua Hoa Kỳ (CCA) được thành lập. Năm 1952, CCA tách giống chó này thành 2 loại khác nhau: Chihuahua lông dài và Chihuahua lông mượt (ngắn).
- Nhạc trưởng lừng danh Xavier Cugat đã góp công rất lớn cho sự phát triển giống chó Chihuahua thập niên 1940-1950. Ông luôn biểu diễn khi một tay cầm đũa chỉ huy dàn nhạc, tay còn lại thì ôm một chú chó Chihuahua.
- Ngày nay, giống chó Chihuahua đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các ngôi sao hàng đầu cũng thường chọn Chihuahua làm thú cưng như: Paris Hilton, Britney Spears, Madonna…
Đặc điểm ngoại hình
- Chihuahua là giống chó nhỏ nhất được công nhận trong thế giới loài chó. Giống chó nhày cỏ vẻ ngoài cảnh giác, lém lỉnh và săn chắc, khỏe mạnh hơn so với vẻ bề ngoài nhỏ bé của mình. Với chiều cao khoảng từ 13-20cm, trọng lượng dưới 2,7 kg. Chó Chihuahua có đầu tròn và đôi tai to nhọn dựng đứng, đôi mắt to, lồi với biểu cảm đặc trưng.
- Bộ lông chó Chihuahua có màu sắc đa dang phong phú với 2 loại là: Chihuahua lông dài và lông mượt (ngắn). Các màu lông phổ biến của giống chó này là trắng, đen, bò sữa, nâu, socola, red (vàng, đỏ), vàng nhạt, kem… và đặc biệt là màu loang (merle) trông rất đặc biệt.
Xem thêm các đặc điểm ngoại hình giống chó Chihuahua qua video về bảng tiêu chuẩn giống Chihuahua thuần chủng do Hiệp hội chó giống quốc tế (The Fédération Cynologique Internationale, FCI) ban hành trên kênh Youtube Chomeocanh.com sau đây:
Phân loại, các giống chó Chihuahua
1. Chó Chihuahua thuần chủng
Hầu hết các tổ chức chó giống quốc tế như FCI, AKC đều công nhân 2 giống chó Chihuahua thuần chủng. Đó là: chó Chihuahua lông dài và chó Chihuahua lông ngắn. Tuy nhiên, trên thực tế có một số biến thể với tên gọi không chính thức của các dòng chó Chihuahua, cụ thể như sau:
- Chihuahua lông ngắn (lông mượt).
- Chihuahua lông dài.
- Chihuahua đầu hươu: giống chó này không có đầu tròn đặc trưng mà mọi người thường nghĩ đến khi nhắc đến giống chó này. Chihuahua đầu hươu có chân dài, vóc dáng to hơn với mõm cũng dài hơn.
- Chihuahua đầu táo: có đầu tròn, trán cao, mõm ngắn đặc trưng, dễ nhận biết. Chihuahua đầu táo thường có một điểm mềm trên đầu (do hộp sọ không khép hết khi trưởng thành, thường gọi là molera). Vì vậy, dòng này thường bị não úng thủy và một số bệnh di truyền khác. Bạn cần cân nhắc khi chọn nuôi. Khoảng 80-90% chó Chihuahua là đầu táo.
- Chihuahua đầu quả lê: thường được quản cáo như một dòng Chihuahua đặc biệt. Nhưng thực ra là những chú chó này là sản phẩm lai phối giữa loại Chihuahua bố mẹ đầu hươu và đầu táo.
- Chihuahua Teacup: là giống chó Chihuahua nhỏ nhất, khối lượng không quá 1,3kg. Dòng Teacup Chihuahua không được bất kì Hiệp hội chó giống nào công nhận. Những người ủng hộ quyền động vật cũng phản đối việc nhân giống Chihuahua Teacup do kích thước quá bé khiến những chú chó này dễ mắc bệnh hơn cũng như tuổi thọ thấp hơn Chihuahua size tiêu chuẩn.
2. Chó Chihuahua lai, f1
Chó con lai Chihuahua sẽ được thừa hưởng gen về ngoại hình, tính cách từ cả bố và mẹ. Do đó, rất khó đoán được chó Chihuahua con lai trông sẽ như nào, tính tình ra sao khi trưởng thành.
Trên thế giới, các giống chó Chihuahua lai chủ yếu do sở thích, hoặc tìm sự kết hợp giữa Chihuahua và các giống chó khác để có được tính trạng mong muốn. Sau đây là 1 số giống chó Chihuahua lai phổ biến trên thế giới.
- Chug (lai chó Pug)
- Pomchi (lai Phốc sóc)
- Chiweenie (lai chó Lạp xưởng)
- Chipoo (lai Poodle)
- Shichi (lai Shih Tzu)
- Chorkie (lai chó Yorkshire)
- Chigi (lai Corgi)
- Chiagle (lai Beagle)
- Malchi (lai Maltese)
- Shibachi (lai Shiba inu)
Ngoài các giống chó Chihuahua lai phổ biến trên. Tại Việt Nam do việc nhân giống chó khá tự do, không kiểm soát nên chó Chihuahua còn được lai với các giống chó bản địa nước ta như: Bắc Hà, Mông Cộc, Phú Quốc hoặc thậm chí là chó ta, chó cỏ.
Là một nhà nhân giống chuyên nghiệp, thành viên của VKA, chúng tôi không nhân giống và bán chó Chihuahua lai tạp. Tuy vậy, nếu bạn nhận nuôi hoặc cứu hộ, cũng như yêu thích giống chó này mà điều kiện kinh tế chưa cho phép trải nghiệm “trọn vẹn” một em Chihuahua thuần chủng thì một chú chó Chihuahua lai cũng là một sự lựa chọn hợp lý
Tính cách
- Giống chó này được ưa chuộng bởi bản tính bạo dạn, hơi láu lỉnh một chút, Chihuahua mang tính cách của một chú chó lớn hơn so với vẻ ngoài nhỏ bé của mình. Do có cơ thể nhỏ bé, mong manh nên chúng cần sự để ý, quan tâm, đặc biệt là trẻ em cần được dạy để không làm tổn thương chú chó nhỏ này, nếu không chúng có thể phản ứng lại khi bị đau hay căng thẳng quá mức. Nhiều khi do nghĩ mình to lớn hơn thực tế nên chúng có thể nóng nảy, hung hăng, đanh đá… nếu không được huấn luyện giao tiếp tốt.
- Thời tiết lạnh cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của chó, đặc biệt với dòng Chihuahua lông ngắn. Vì vậy, vào mùa đông giá lạnh bạn cần mặc thêm áo ấm cho cún. Giống chó này luôn thích được vuốt ve âu yếm và vui chơi với mọi người
- Chihuahua rất tự tin, gan dạ như một chú chó sục. Rất cảnh giác và luôn nghi ngờ người và sự vật lạ nên Chihuahua có thể trông nhà rất tốt, đương nhiên với kích thước tí hon, chúng chưa bao giờ là một con chó bảo vệ cả.
- Chó Chihuahua rất nhạy cảm, sự phát triển tính cách của chó phụ thuộc rất nhiều vào tình cảm, sự đồng hành của gia đình. Xu hướng của giống chó này thường gắn bó nhất với một người chủ, tuy vậy, chúng cũng sẵn sàng kết bạn với người mới nếu được giới thiệu, làm quen đúng cách.
- Thông minh, ngọt ngào, tình cảm, trung thành và rất quấn chủ, Chihuahua là giống chó rất phù hợp cho những người lần đầu nuôi chó. Chúng luôn vui vẻ khi được đi cùng chủ nhân mọi lúc, mọi nơi. Dễ hoang mang, lo lắng khi bị xa cách, bỏ ở nhà một mình. Chihuahua sẽ hạnh phúc nhất trong gia đình luôn có người bên cạnh. Mặc dù là một chú chó cưng nhỏ bé, nhưng chúng rất năng động, thích được chú ý và thích được bận rộn.
- Chihuahua hay sủa giống như nhiều loài chó nhỏ khác. Chúng cũng luôn tìm cách “thống trị” chủ nhân nếu không được dạy, bạn và mọi người trong gia đình mới là “con đầu đàn”, và nó luôn có vị trí thấp nhất trong nhà.
- Giống như các loài chó khác, tính cách của chó Chihuahua phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, dạy dỗ, môi trường sống. Việc huấn luyện và xã hội hóa đúng cách cho chó Chihuahua ngay từ nhỏ (1,2 tháng tuổi) là rất cần thiết. Cho chó tiếp xúc với nhiều người, cảnh vật và âm thanh mới lạ… Để chó có thể tích lũy được những kỹ năng sống cần thiết để trở thành một chú chó Chihuahua trưởng thành hoàn hảo.
Cách nuôi và chăm sóc
Ngọt ngào, tình cảm và luôn muốn được quan tâm khiến cho Chihuahua trở thành một chú chó đáng yêu, thích được bế ẵm, cưng nựng. Nếu được nuôi và chăm sóc đúng cách, giống chó này sẽ trở thành một người bạn đồng hành hoàn hảo trong mỗi gia đình.
Không phải chú chó Chihuahua nào cũng đều tự biết cách hòa thuận với trẻ em và các vật nuôi khác trong nhà, vì vậy, chúng cần được dạy và xã hội hóa ngay từ nhỏ để trở thành một chú chó toàn diện khi trưởng thành.
1. Vận động, tập thể dục
- Nhiều người cho rằng, với một giống chó siêu nhỏ như Chihuahua, việc tập thể dục là không cần thiết. Mặc dù vậy, như tất các mọi giống chó kiểng khác, giống chó này vẫn cần được hoạt động thể chất. Giống chó này có mức năng lượng khá cao và có thể có các hành vi không tốt (cắn xé, phá hoại, sủa…) nếu không được vận động đầy đủ khoảng 30 phút mỗi ngày.
- Việc tập thể dục và kích thích tinh thần cho chó sẽ giúp chúng phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Bạn cần lưu ý, không nên cho chó tập luyện quá mức, nếu chú chó của bạn đã thấm mệt, hãy bế cún về nhà nhé.
- Giống chó này thích chạy và chơi đùa trong không gian nhỏ hoặc quanh sân nhà. Bạn chỉ cần cho Chihuahua chạy lon ton quanh chủ khi đi dạo trong quãng đường ngắn, tốc độ chậm là đủ giải tỏa năng lượng cho chúng rồi. Mặc dù chó Chihuahua thích chơi ở bên ngoài trời, nhưng bạn tuyệt đối không cho chó ra ngoài khi trời nắng nóng.
- Là giống chó rất nhỏ bé, nhưng giống chó này lại tưởng mình to lớn lắm. Bảo vệ cún cưng của bạn trước những con chó lớn khác khi ra ngoài. Việc huấn luyện chó cũng giúp cho chó vận động và tăng cường sự gắn kết với chủ nhân.
2. Chải lông và vệ sinh cơ thể
- Giống chó Chihuahua lông ngắn ít cần chải lông hơn (1 tuần/lần là đủ), nhưng giống Chihuahua lông dài cần chải lông thường xuyên hơn (2,3 lần/tuần). Không cần tắm thường xuyên cho chó trừ khi quá bẩn, 1,2 lần tắm mỗi tháng là đủ.
- Cả Lạp xưởng lông ngắn và lông dài đều cần cắt móng thường xuyên 2-3 lần/tháng hoặc khi nghe tiếng lạch cạch khi chó chạy trên nền gạch. Đánh răng cho chó 2 ngày/lần hoặc tốt nhất là hàng ngày để ngăn ngừa các bệnh răng miệng và khử mùi hôi, cao răng
- Vệ sinh tai, mắt bằng bông và dung dịch vệ sinh chuyên dụng dành cho chó mèo. Lấy sạch bụi bẩn, ghèn rỉ trong tai, mắt.
- Khi chải lông, vệ sinh cho chó Lạp xưởng, cần chú ý kiểm tra các dấu hiệu ghẻ, ngứa, nhiễm trùng, mẩn đỏ, chảy máu, tổn thương trên toàn bộ da và lông. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu gì, ngay lập tức đưa cún đến bác sĩ để khám.
- Tập cho chó quen với việc được chải lông, vệ sinh ngay từ nhỏ, khen thưởng và động viên để chó thấy đây là một trải nghiệm thú vị.
3. Đào tạo, huấn luyện
- Chihuahua được biết đến là giống chó tuy nhỏ nhưng khá bướng bỉnh và “đanh đá”. Việc huấn luyện và xã hội hóa ngay từ khi chúng còn nhỏ (từ 1,2 tháng tuổi) là hết sức cần thiết. Nếu không, chúng có thể quá kích động hoặc hay nhút nhát, sợ hãi. Chihuahua rất thông minh và sẽ rất ngoan ngoãn, vâng lời và có thể làm nhiều điều bạn muốn, nếu bạn có sự dạy dỗ kiên nhẫn, yêu thương và nhất quán.
- Giống chó này luôn mong muốn làm hài lòng chủ nhân và tương tác tích cực với các bài học. Ngay từ đầu bạn cần cho chúng hiểu bạn mới là người kiểm soát. Không được để cho chó tự làm gì mà bạn không đồng ý. Phương pháp huấn luyện cần dứt khoát, cứng rắn nhưng không thô bạo, mọi sự la mắng hay thậm chí đánh đập sẽ không mang lại hiệu quả. Chúng sẽ phản ứng tốt với các bài tập nến được khen ngợi, động viên và thưởng đồ ăn hơn.
- Chó Chihuahua rất xuất sắc trong các bài huấn luyện vâng lời. Tập cho chó quen với việc huấn luyện đi vệ sinh đúng chỗ ngay từ 2,3 tháng tuổi.
- Sử dụng chuồng khi bạn chưa thể giám sát và dạy chó đi vệ sinh đúng chỗ, đảm bảo chó không đi vệ sinh trong nhà. Tuy nhiên, không nên nhốt chuồng liên tục quá 4 giờ (trừ ban đêm). Tốt nhất sau 1,2 giờ nên cho chó ra ngoài trời để đi vệ sinh. Chihuahua là giống chó của gia đình, chúng thích ở bên mọi người hơn là dành cả ngày trong chuồng.
- Huấn luyện làm quen với chuồng để ngăn cho cún không phá phách, chạy lung tung khi mới về nhà. Việc huấn luyện này cũng giúp cho chó quen với việc ở trong chuồng nếu phải đi viện hoặc gửi dịch vụ trông giữ.
Một số lưu ý khi huấn luyện chó Chihuahua
- Nên bắt đầu huấn luyện chó từ 4 tháng tuổi với các bài tập từ cơ bản đến nâng cao.
- Như bất kì giống chó nào, Chihuahua luôn hạnh phúc khi được ở bên bạn. Giữ cho không khí buổi tập vui vẻ với các bài tập ngắn, đa dạng. Việc huấn luyện chó ngoài tác dụng dạy chó vâng lời còn giúp chúng tập thể dục và tăng cường sự gắn kết giữa chủ và chó.
4. Chó Chihuahua ăn gì, thức ăn tốt nhất cho sự phát triển?
Nên cho chó Chihuahua ăn thức ăn chất lượng cao, với đầy đủ dinh dưỡng cần thiết. Bạn nên tham khảo nhà nhân giống, bác sĩ thú y hay người có kinh nghiệm để xây dựng khẩu phần ăn hợp lý cho chú chó của mình. Kiểm soát cân nặng không để cho chó bị béo phì, thừa cân, kéo theo các bệnh nguy hiểm khác như: tim mạch, tiểu đường, xương khớp… ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống và tuổi thọ của chó Chihuahua.
- Luôn cung cấp nước sạch 24/24 cho chó. Giữ đồ dùng ăn uống của chó luôn sạch sẽ.
- Không để đồ ăn thừa cho chó cả ngày. Chó sẽ ăn liên tục dẫn đến tăng cân. Ngay sau khi chó ăn xong từ 5-10 phút, lấy ngay thức ăn còn thừa ra ngoài. Hạn chế cho chó ăn đồ ăn vặt, kể cả thức ăn thưởng khi huấn luyện. Cho chó Chihuahua con dưới 1 tuổi ăn 3,4 bữa nhỏ mỗi ngày. Khi chó Chihuahua trưởng thành chỉ cần ăn 2 bữa/ngày là đủ.
- Kích thước hàm và răng chó Chihuahua rất nhỏ và khá yếu.. Cho chó ăn hạt, thức ăn có kích thước nhỏ, không quá khô cứng.
- Hạn chế cho chó ăn đồ ăn thừa của người, tránh xương nấu chín hay các thức ăn có hàm lượng chất béo cao. Tuyệt đối không cho chó ăn đồ ăn có gia vị (tiêu, hành, tỏi, ớt, mắm, muối…) hay các chất kích thích như: rượu, bia, cafe và đặc biệt là socola.
Lượng thức ăn cần thiết cho mỗi chú chó Chihuahua là khác nhau tùy thuộc độ tuổi (chó con, chó trưởng thành, chó già), sức khỏe, mức độ vận động, khả năng hấp thụ, trao đổi chất nên không thể áp dụng chung một thực đơn cho tất cả các chú chó Chihuahua khác nhau. Có 2 chế độ ăn mà bạn có thể tham khảo:
- Thức ăn hạt đóng gói: trong thành phần hạt đã có tỷ lệ dinh dưỡng phù hợp cho từng loại chó, từng lứa tuổi. Bạn nên tham khảo hướng dẫn sử dụng có ghi trên bao bì để cho chó Chihuahua ăn theo đúng chỉ dẫn.
- Nấu ăn cho chó: nếu bạn không quá bận rộn và muốn thể hiện tình yêu thương với cún cưng của mình. Bạn có thể nấu cho chó ăn. Chó là loài ăn thịt, vì vậy các loại thịt heo, bò, gà sống (nếu đảm bảo an toàn) hoặc hấp luộc xé cho chó ăn là đã đầy đủ dinh dưỡng cân bằng. Ngoài ra bạn có thể đổi món cho chó ăn cơm, cháo trộn thịt rau củ (lưu ý hàm lượng tinh bột không quá 50%). 2 tuần có thể cho chó ăn thêm 1 trái trứng vịt lộn cũng rất tốt cho da và lông của chó.
Sức khỏe và các bệnh thường gặp
Chó Chihuahua là giống chó khá khỏe mạnh và ít gặp các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Mặc dù vậy, như hầu hết các giống chó kiểng khác, Chihuahua cũng có thể mắc một số bệnh di truyền nhất định. Tất nhiên, không phải con chó Chihuahua nào cũng sẽ mắc 1 hay tất cả các bệnh được liệt kê dưới đây. Nhưng bạn cần hiểu rõ những khả năng có thể mắc phải trước khi quyết định mua chó Chihuahua về nuôi.
Chọn mua chó Chihuahua từ các nhà nhân giống uy tín, có trách nhiệm sẽ giúp bạn hạn chế được các vấn dề sức khỏe di truyền. Các quy định nhân giống sẽ sàng lọc những chú chó có khả năng truyền bệnh cho thế hệ sau (các bệnh tim mach, xương khớp, mắt, di tật bẩm sinh…). Với giống chó nhỏ như Chihuahua, nhiều bệnh di truyền sẽ chỉ xuất hiện khi chó trưởng thành hoàn toàn. Vì vậy, các tổ chức chó giống khuyến nghị chỉ nên phối giống chó Chihuahua khi chúng từ 2,3 tuổi trở lên.
Sau đây là một số bệnh phổ biến ở giống chó Chihuahua:
- Trật xương bánh chè: là vấn đề rất phổ biến ở các loài chó nhỏ. là tình trạng khi xương bánh chè (gồm: xương đùi, xương bắp chân, xương bánh chè) không khớp nhau. Dẫn đến chó bị khập khiễng, di chuyển bất thường. Nếu để lâu sẽ làm cho chó bị viêm khớp có thể phải phẫu thuật để chữa trị.
- Hạ đường huyết: do lượng đường trong máu thấp, phổ biến ở các giống chó có size nhỏ. Mặc dù rát dễ điều trị nếu phát hiện sớm, nhưng nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây tử vong ở chó. Chó Chihuahua con bị hạ đường huyết sẽ trở nên lờ đờ, run rẩy, chậm chạp. Cho ngay mật ong lên lưỡi chó và đưa đến phòng khám ngay. Nếu không chó có thể co giật, hôn mê và chết. Nguyên nhân là do chó không đủ chất béo dự trữ để cung cấp đủ đường cho cơ thể, hoặc do chó ăn uống không điều độ.
- Xẹp khí quản: đây cung là bệnh thường thấy ở chó nhỏ. Dấu hiệu của bệnh là chó bị ho nhiều. Bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra khi thấy các triệu chứng ho ở chó.
- Não úng thủy: do cấu tạo hộp sọ ở Chihuahua thường không khớp, nên chó dễ bị chấn thương hoặc xảy ra tình trạng não úng thủy. Thường xảy ra ở chó Chihuahua con với biểu hiện đầu to bất thường do tụ dịch. Không có cách chữa trị. Những con bị bệnh nặng thường chết trước 4 tháng tuổi. Đây cũng là lý do nhiều người cân nhắc mua chó Chihuahua từ 4 tháng tuổi trở lên.
- Thóp không khép: trên đỉnh đầu của giống chó này thường có 1 điểm mềm. Bình thường ở các loài chó khác chúng sẽ khép lại khi lớn lên (giống như ở trẻ sơ sinh). Riêng ở Chihuahua (đặc biệt là ở loại đầu quả táo), điểm mềm này sẽ không khép lại hoàn toàn. Nếu có tác động mạnh vô tình vào trúng chỗ hiểm này có thể gây tử vong cho chó.
Tiêm phòng cho chó Chihuahua ngay từ 42 ngày tuổi, tẩy giun định kỳ theo lịch hướng dẫn của bác sĩ. Bạn nên tập cho chó quen với việc khám bệnh, tiêm chủng ngay từ nhỏ. Hàng năm, khám sức khỏe tổng quát cho chó để phát hiện các dấu hiệu sức khỏe bất thường (nếu có), nhằm có hướng xử lý sớm, kịp thời.
Lời kết
Chomeocanh.com vừa giới thiệu với bạn đọc tổng quan các thông tin chi tiết về giống chó Chihuahua. Chúng tôi đã phân tích chi tiết về giá bán chó Chihuahua cũng như các yếu tố ảnh hưởng khi nhập khẩu về Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu các địa chỉ mua bán chó Chihuahua uy tín, giá rẻ tại Hà Nội và TpHCM. Cảm ơn mọi người đã quan tâm và theo dõi.
Nếu có bất kỳ thông tin thắc mắc nào cần giải đáp về giống chó Chihuahua. Bạn có thể để lại câu hỏi bên dưới phần bình luận của bài viết này. Hoặc có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi qua các kênh thông tin như: Điện thoại, Website, Fanfage, Zalo, Intagram…
Chúc bạn luôn vui vẻ bên chú chó Chihuahua đáng yêu của mình