Chó Alaska, hay Alaskan Malamute, là một trong những giống chó kéo xe nổi tiếng nhất thế giới. Chúng không chỉ thu hút bởi vẻ ngoài oai vệ, bộ lông dày mượt mà còn bởi tính cách thân thiện, trung thành. Với sức mạnh bền bỉ, chó Alaska từng là “người bạn đồng hành” đáng tin cậy của người Eskimo ở vùng lạnh giá Bắc Cực.
Thông tin cơ bản về giống chó Alaska.

Chó Alaska (tên quốc tế là: Alaskan Malamute) là giống chó kéo xe cổ xưa nhất. Nổi bật với vóc dáng oai vệ, bộ lông dày với bờm như sư tử và gương mặt giống hệt như một con sói. Thế nhưng, ẩn sau đó là một chú chó hiền lành, thân thiện và rất trung thành.
- Trọng lượng trưởng thành: Alaska Standard (tiêu chuẩn): đực: 38,55kg, cái: 34,02kg. chó Alaska khổng lồ (giant, oversize): từ 45-trên 70kg.
- Chiều cao tới vai: 63,5 (chó Alaska đực), 58,42 (chó Alaska cái)
- Kích thước: lớn.
- Xuất xứ: Alaska (Hoa Kỳ).
- Nhóm chó: Spitz và các loại nguyên thủy.
- Tuổi thọ: 10-14 năm.
Có lẽ không loài chó nào thích hợp với cuộc sống ở Bắc Cực hơn Alaskan Malamute. Bộ lông dày giúp chúng thích nghi tốt với cái lạnh khủng khiếp. Bàn chân to khỏe, chắc chắn và khít khiến cho tuyết không bị bám vào để có thể kéo xe trượt tuyết hàng trăm km liên tục.
Giống chó này không kén ăn, và thực tế chúng cần ít thực ăn hơn so với kích thước khổng lồ của mình. Ngoài công việc kéo xe, cuộc sống của chúng còn gắn bó với người Eskimo khi đi săn gấu, hải cẩu, trông giữ nhà cửa và đặc biệt làm “bảo mẫu” ủ ấm cho trẻ em trong từng giấc ngủ.

Lịch sử, nguồn gốc
Như một phần tên gọi của mình, giống chó Alaskan Malamute có nguồn gốc từ vùng Alaska (Bắc Mỹ). Là họ hàng gần của các giống chó Samoyed, Husky (Nga), Husky, chó Alaska được xem như một trong những giống chó kéo xe trượt tuyết lâu đời nhất trên thế giới.
Phần tên gọi “Malamute” bắt nguồn từ Mahlemiut (hay Mahlemuts), một bộ tộc người Inuit (một nhánh của người Eskimo) sống dọc theo eo biển Kotzebue, tây bắc Alaska từ hàng ngàn năm trước. Tổ tiên của bộ tộc này di cư từ Siberia (Nga) qua eo biển Bering đến Alaska (lúc này vẫn còn được nối liền) đã mang theo những chú chó kéo xe trượt tuyết của mình đến vùng đất mới. Họ đã phát triển một giống chó to lớn, mạnh mẽ, biết làm việc theo bầy đàn để kéo hàng nặng trên những quãng đường dài với tốc độ thấp. Đó là giống chó: Alaskan Malamute ngày nay. (Husky, một giống chó kéo xe khác được lai tạo để kéo vật nhẹ với tốc độ cao hơn).
Ngoài nhiệm vụ kéo xe trượt tuyết, chó Alaska còn được sử dụng để săn hải cẩu, nai sừng tấm, gấu Bắc cực và bảo vệ đàn gia súc. Những khi không phải làm việc, chúng còn là bạn đồng hành tuyệt vời trong gia đình.
Trong cơn sốt vàng Klondike năm 1896, hơn 100.000 đổ xô đi đào vàng, kéo theo nhu cầu về chó kéo xe tăng mạnh. Với các ưu điểm của mình, chó Alaska Malamute là lựa chọn hàng đầu, nhưng đồng thời họ cũng cho lai chó Alaska với các giống chó khác được mang đến từ khắp mọi nơi. Điều này đã đẩy giống chó Alaska thuần chủng đến bên bờ vực tuyệt chủng.
May mắn thay, ở các ngôi làng Mahlemiut xa xôi, hẻo lánh, giống chó Alaska thuần chủng vẫn còn sót lại đủ để khôi phục giống chó này từ 3 nền tảng:
- Dòng Kotzebue: Trại chó Chinook Kennel của Arthur T. Walden ở New Hampshire (Hoa Kỳ) đã nỗ lực khôi phục và phát triển giống chó này với dòng “Kotzebue” ở khu vực Norton Sound (Alaska). Sau đó, trại được Milton và Eva Seeley tiếp quản. Chính Eva Seeley là người đề xuất AKC công nhận giống chó Alaskan Malamute. Các chú chó cùng đi với Đô đốc Richard Byrd trong chuyến thám hiểm Nam Cực năm 1928 cũng được cung cấp bới Chinook Kennel.
- Dòng M’Loot: dòng này được phát triển bởi trại Silver Sled Kennels của Paul Voelker .
- Dòng Hinman-Irwin: số lượng chó Alaska của dòng này tuy ít nhưng chất lượng. đã tạo ra nhiều nhà vô địch và là nền tảng cho giống chó Alaska tại Mỹ.

Câu lạc bộ chó Alaskan Malamute được thành lập năm 1935 và Câu lạc bộ chó giống Hoa Kỳ công nhận chính thức giống chó này trong cùng năm. Trong Thế chiến II (1939-1945), nhiều chú chó Alaska được dùng trong quân đội để thực hiện các nhiệm vụ thời chiến.
Đặc điểm ngoại hình
1. Kích thước cơ thể
- Chó Alaska có là giống chó to lớn, oai vệ với nhiều đặc điểm ngoại hình giống chó sói. Khung xương vững chãi, cân đối, cơ bắp săn chắc với bàn chân lớn để có thể bước đi trong tuyết lạnh dễ dàng. Chiều cao tới vai của chó Alaska Standard (size tiêu chuẩn) là 63,5 với chó đực, 58,42 với chó cái, cân nặng 34,02 (cái), 38,55 (đực), có nhiều cá thể có thể nặng trên 45-63kg.
- Tại Việt Nam còn có dòng Alaska Giant hay Oversize (mặc dù các dòng này không được bất kì tổ chức chó giống nào công nhận, mà chỉ đơn giản là cách gọi tên) có thể có trọng lượng đến trên 70kg. Do nguồn gốc của hầu hết chó Alaska tại Việt Nam đều được nhập từ Trung Quốc khoảng những năm 2010, sở thích của người Á Đông thường thích những chú chó to lớn, oai vệ, nên chó Alaska tại Trung Quốc, Việt Nam được lai tạo để có kích thước to lớn hơn. Từ đó hình thành dòng chó Alaska khổng lồ (Giant).
- Chó Alaska có mắt hình quả hạnh nhân, với nhiều sắc thái nâu khác nhau từ đậm đến nhạt (màu sẫm thường được yêu thích hơn). Chó Alaska thuần chủng không có mắt xanh, nếu mắt có màu xanh rất có thể đã bị lai với Husky.
- Đuôi chó Alaska bông xù, thường ve vẩy như một ngọn lau đang vẫy. Đuôi cuộn xoắn ốc trên lưng (giống Akita Inu) bị coi là 1 lỗi tiêu chuẩn. Chiếc đuôi dày, nhiều lông thường được quấn quanh mũi và mặt, giúp cho chúng giữ ấm khi trời tuyết lạnh.
- Tai chó Alaska nằm bên hộp sọ, thẳng đứng, hình tam giác, tương đối nhỏ so với phần đầu. Mõm rộng và sâu, thuôn đều từ hộp sọ tới chóp mũi. Da ở mũi và nướu răng (lợi) thường có màu đen, một số con có thể có mũi hồng (biến đổi đậm nhạt theo mùa).

2. Bộ lông và màu sắc
Như các anh em thuộc nhóm chó Spitz, giống chó Alaska có bộ lông kép 2 lớp. Lớp lông bên ngoài thô, dài, không thấm nước có tác dụng bảo vệ, lớp lông tơ bên trong mềm, mịn giống sợi len, có chất nhờn có độ dày tới 5cm.
Màu lông chó Alaska khá đa dạng và luôn có các mảng màu trắng ở mõm và bên dưới các phần hàm, ngực, bụng, đuôi bên trong chân và tai. Đặc điểm này khá giống với khái niệm Urajiro trên lông một số giống chó nhật bản như Akita và Shiba Inu. Tại nước ta, chó Alaska thường được gọi các màu như sau:
- Chó Alaska nâu đỏ
- Chó Alaska xám trắng
- Chó Alaska đen trắng
- Chó Alaska trắng

3. Phân loại
3.1 Theo kích thước, size chó Alaska

Hầu hết các Hiệp hội chó trên thế giới như AKC, FCI… chỉ công nhận tiêu chuẩn 1 giống chó Alaska duy nhất, đó là: Alaskan Malamute. Tuy nhiên, tại Việt Nam và một số nước châu Á khác (Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan…), chó Alaska khổng lồ (nặng từ 45-70,90 kg, cao từ 70-90cm tới vai khá phổ biến và thường được gọi là: chó Alaska Giant, Alaska khổng lồ hay Alaska Oversize để phân biệt với dòng Alaska Standard tiêu chuẩn.
3.2. Theo nguồn gốc
Có các cách phân loại sau:

- Chó Alaska thuần chủng và chó Alaska lai (Mixed Alaskan Malamute)
- Chó Alaska có giấy (VKA với sinh tại Việt Nam, FCI với chó nhập)
- Chó Alaska nhập khẩu (châu Âu, Thái Lan…) và chó sinh sản trong nước.
Tính cách và hành vi
- Alaska là giống chó có ý chí mạnh mẽ bên trong một cơ thể khỏe mạnh. Là loài chó sống theo bầy đàn, nên bản năng chúng sẽ muốn “thống trị” những thành viên khác, kể cả người nuôi. Vì vậy, việc huấn luyện vâng lời ngay từ nhỏ là rất quan trọng, để chó trở nên ngoan ngoãn và hiểu rằng bạn và mọi người trong nhà mới thực sự là “con đầu đàn” của chúng. Mặc dù việc huấn luyện này sẽ khá khó khăn do cá tính độc lập, bướng bỉnh của giống chó này, mặc dù chúng rất thông minh và có khả năng học rất nhanh.
- Giống chó cảnh này thích vui đùa, ưa hoạt động và rất hài hước, có phần hơi ngáo nên hay được gọi là chó Alaska ngáo.
- Alaska Malamute rất ngọt ngào, tình cảm với gia đình và mọi người, kể cả người lạ. Vì vậy, Alaska chưa bao giờ là một chú chó bảo vệ tốt với kẻ trộm. Thích gẫn gũi với con người và rất quấn chủ, nếu bị bỏ lại một mình, Alaska có thể đào bới và hú rất nhiều.
- Có một chút bản năng săn mồi vẫn tồn tại trong giống chó này, chúng thích rượt theo các loài vật nhỏ (dê, cừu, thỏ, sóc, mèo, chuột…) và kể cả chó. Không mấy thân thiện với chó trưởng thành cùng giới tính. Bạn nên có xích hoặc tránh những nơi có nhiều chó thả rông. Đặc biệt là khi có cùng 2 chú chó đực ở gần 1 cô chó cái đang salo (lên giống).
- Được lai tạo để kéo xe theo bầy nên lòng trung thành, tận tụy của chó Alaska là không phải bàn cãi. Chúng luôn muốn tham gia mọi hoạt động trong nhà, cực kì phấn khích mỗi khi bạn trở về nhà. Rất thích chơi với trẻ em, trong lịch sử, chúng từng được giao nhiệm vụ ủ ấm cho trẻ con khi ngủ cùng.
- Tính cách của một chú chó phụ thuộc vào di truyền, huấn luyện và xã hội hóa. Nên chọn mua các chú chó con có tính khí cân bằng, không quá hung dữ hoặc nhút nhát. Tập cho chó Alaska con xã hội hóa ngay từ nhỏ, tiếp xúc với nhiều người, cảnh vật, âm thanh… Để chó tích lũy kỹ năng xã hôi và trở thành một chú chó Alaska trưởng thành toàn diện.

Cách nuôi và chăm sóc
Xem video chi tiết hướng dẫn cách nuôi và chăm sóc giống chó Alaska từ nhỏ đến trưởng thành trên kênh Youtube MeowGo Pets.com sau đây:
Với kích thước khủng và sức mạnh của Alaska, bạn cần phải thể hiện dứt khoát bản lĩnh của “con đầu đàn”. Chúng cũng cần chải chuốt và tập thể dục đầy đủ để có một cuộc sống vui vẻ, mạnh khỏe. Sau đây, chúng tôi xin chia sẻ một số nét cơ bản trong cách nuôi chó Alaska để bạn tham khảo:
1. Tập thể dục và vận động
- Được lai tạo để làm việc nặng như kéo xe trượt tuyết (mỗi con chó Alaska có thể kéo tới 500kg hoặc hơn), chó Alaska cần được vận động 1,2 h mỗi ngày. Có thể cho chó chạy nhảy ngoài sân vườn hoặc công viên. Nhưng chúng thích nhất vẫn là đi dạo, chạy bộ hoặc bơi cùng chủ nếu bạn có thời gian và sở thích. Bạn có thể có trợ lý mang balo giúp tuyệt vời trong suốt chặng đường.
- Bạn có thể chia làm 2 buổi tập mỗi lần khoảng 45-60 phút vào sáng sớm và chiều mát. Tuyệt đối không cho chó ra ngoài trong điều kiện thời tiết nắng nóng, chó rất dễ bị sốc nhiệt.
- Với chó Alaska con dưới 6 tháng tuổi, lúc này hệ xương khớp còn yếu. Bạn nên cho chó vận động, đi lại ở mức độ vừa phải. Không cho chó Alaska con vận động quá sức, chơi đùa trên nền gạch trơn, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển vóc dáng của chó và gây các tổn thương lên xương khớp.

2. Vệ sinh và chải lông
- Bộ lông 2 lớp dày, không thâm nước của giống chó này thích nghi hòa, hảo với xứ lạnh. Tuy nhiên, vấn đề là chó Alaska rụng lông khá nhiều, đặc biệt vào mùa xuân và thu. Chải lông cho chó tối thiểu 2-3 lần/tuần, vào thời điểm rụng lông cần chải hàng ngày bằng bàn chải chuyên dụng dành cho chó lông dài. Kiểm tra, gỡ các chỗ lông xơ rối, xem da có bị nấm, nhiễm trung không.
- Tắm cho chó Alaska 1-2 lần/tháng (trừ trường hợp chó nghịch bùn đất quá bẩn). Dùng sữa tắm cho chó chuyên dụng, sấy thật khô bằng máy sấy công suốt lớn rồi mới chải lông cho chó. Vào mùa chó rụng lông, tốt nhất bạn nên chuấn bị sẵn máy hút bụi và cây lăn lông nếu để cún sống trong phòng với gia đình.
- Tại Việt Nam, vào mùa hè mọi người thường hay cạo lông cho chó Alaska. Tuy nhiên, việc này có thể làm ảnh hưởng đến khả năng giữ cân bằng nhiệt độ, và duy trì độ ẩm cần thiết cho da rất dễ đến viêm nhiễm, ghẻ ngứa…
- Cắt móng cho chó mỗi tuần/lần, lưu ý không được cắt vào phần chân móng màu hồng làm chó chảy máu. Đánh răng hàng ngày, hoặc chí ít 2-3 lần/tuần để ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng và mùi hôi.
- Vệ sinh tai, mắt hàng tuần cho chó bằng bông và dung dịch vệ sinh chuyên dụng. Phát hiện các chỗ bị nhiễm trùng, chảy máu, nấm ghẻ (nếu có) để xử lý kịp thời.

3. Đào tạo, huấn luyện
- Do là giống chó lớn, nên Alaska bắt buộc phải được học cách ứng xử đúng mực ngay từ khi còn nhỏ. Từng là giống chó kéo xe, bạn cần tập cho chó làm quen với xích và dây dắt khi ra ngoài.
- Huấn luyện chó Alaska con từ khi còn bé 2, 3 tháng tuổi. Dạy cho chó biết đi vệ sinh đúng chỗ, gọi chó chạy lại hay ngồi yên là các lệnh cơ bản cần thiết. Khi chó lớn dần lên, bạn có thể huấn luyện chó các bài tập nâng cao hơn như tìm và nhặt đồ vật, kéo tạ…
- Là giống chó có cá tính độc lập, việc huấn luyện chó Alaska đòi hỏi kiên trì, nhẫn nại và theo phương pháp tích cực. Việc đánh mắng hoặc đối xử khắc nghiệt sẽ không mang lại hiệu quả tốt.
- Nếu muốn chó thân thiện với chó mèo và vật nuôi khác, việc xã hội hóa cho chó Alaska con là rất cần thiết. Cho chó tiếp xúc với nhiều vật nuôi, người lạ, cảnh vật và âm thanh khác nhau sẽ giúp chúng hoàn thiện về ứng xử khi trưởng thành.

4. Chó Alaska ăn gì, thức ăn tốt nhất cho sự phát triển?
Là giống chó to lớn, Alaska có nhu cầu thức ăn cao đòi hỏi sự cân bằng dưỡng, cũng như kiểm soát cân nặng để không bị béo phì, thừa cân dẫn đến các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, xương khớp… Có 2 chế độ ăn phổ biến:
- Thức ăn đóng gói sẵn: gồm hạt cho chó, pate, súp+bánh thưởng, xúc xích các loại. Các nhà sản xuất đã thiết kế riêng biệt cho từng giống chó, từng độ tuổi. Bạn cần đọc kỹ hướng dẫn ghi sẵn trên bao bì trước khi sử dụng.
- Nếu bạn có thời gian có thể tự nấu ăn cho chó: cho chó ăn cơm, cháo trộn với thịt (heo, bò, gà…), rau củ. Lưu ý: chó là động vật ăn thịt, vì vậy lượng đạm (protein) trong thực đơn phải đủ cung cấp cho chúng (trên 40% khối lượng bữa ăn). Hàng tuần có thể bổ sung thêm cho chó 2-3 trái trứng vịt lộn cũng rất tốt cho da và lông của chó.
Mỗi chú chó sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau tùy vào độ tuổi, giới tính, sức khỏe, mức độ vận động và sở thích của chủ nuôi. Một chú chó đang lớn, năng động sẽ cần một chế độ dinh dưỡng khác một chú chó già lười biếng. Bạn nên theo dõi chú chó Alaska của mình ăn, đồng thời tham khảo chuyên gia (bác sĩ thú y, nhà nhân giống, người có kinh nghiệm nuôi chó…) để bổ sung canxi, vitamin và xây dựng thực đơn phù hợp nhất cho chú chó của mình.

Lưu ý:
- Không cho chó ăn quá nhiều cả ngày. Lấy ngay thức ăn thừa đi sau khi chó ăn xong từ 5-10 phút. Cho chó Alaska con ăn từ 3-4 bữa/ngày, với chó Alaska trưởng thành chỉ cần cho ăn 2 bữa mỗi ngày.
- Luôn cung cấp nước sạch cho chó 24/24. Cho chó ăn uống ngang tầm miệng, không đặt sát xuống sàn sẽ tạo thói quen đi chúc đầu xuống rất xấu. Giữ sạch sẽ đồ dùng ăn uống cho chó.
- Không cho chó ăn đồ ăn chứa gia vị của người (mắm, muối, hạt tiêu, hành tỏi…) và đặc biệt tuyệt đối không cho ăn socola.
Sức khỏe và các bệnh thường gặp
Một nhà nhân giống uy tín, có trách nhiệm sẽ sàng lọc con giống để loại bỏ các vấn đề sức khỏe di truyền cho thế hệ sau. Nhìn chung, chó Alaska là giống chó khỏe mạnh, nhưng như bất kì chú chó hay giống chó nào khác. chúng đều có thể mắc các bệnh di truyền. Không phải chú chó Alaska nào cũng sẽ bị một hoặc tất cả các bệnh sau đây. Nhưng bạn cần tham khảo để có thông tin trước khi lựa chọn mua chó Alaska con về nuôi. Alaskan Malamute thường hay gặp các bệnh sau:
- Loạn sản xương hông: là tình trạng xương đùi và hông không khớp với nhau. Khiến cho chó bị đau, đi lại khó khăn, về lâu dài có thể dẫn đến viêm khớp.
- Bệnh hạ bàn: là giống chó lớn, nếu không được cung cấp dinh dưỡng, bổ sung canxi đầy đủ và được vận động đúng mức, chó Alaska con rất dễ bị hạ bàn.
- Các bệnh về mắt: gồm đục thủy tinh thể, teo võng mạc tiến triển, viêm kết và giác mạc. Tùy mức độ bệnh, nếu để nặng có thể dẫn đến mù lòa.
Tiêm phòng, tẩy giun đầy đủ cho chó theo lịch. Bạn nên chọn mua chó Alaska con từ một nhà nhân giống uy tín, cung cấp cho bạn đầy đủ hồ sơ sức khỏe. Cho chó đi kiểm tra sức khỏe hàng năm nhằm phát hiện bệnh sớm (nếu có) để điều trị kịp thời.

Lý do chọn nuôi chó Alaska

- Vẻ ngoài ấn tượng: Với thân hình to lớn, bộ lông dày mượt, Alaska thu hút mọi ánh nhìn.
- Trung thành, tình cảm: Là người bạn đồng hành lý tưởng, luôn quấn quýt bên chủ nhân.
- Thân thiện, phù hợp gia đình: Alaska đặc biệt yêu quý trẻ nhỏ và dễ hòa nhập với các thành viên trong nhà.
- Thông minh, dễ huấn luyện: Với khả năng học hỏi nhanh, Alaska dễ dàng hiểu và tuân theo các mệnh lệnh.
Mua chó Alaska ở đâu?
Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về giá cả và những bé Alaska đáng yêu, hãy xem ngay:
Kết luận
Chó Alaska không chỉ nổi bật với vẻ ngoài oai vệ mà còn là người bạn đồng hành trung thành và giàu tình cảm. Với sự chăm sóc phù hợp, giống chó này sẽ mang lại niềm vui và sự gắn kết cho gia đình bạn.
Hãy tham khảo thêm các bài viết chi tiết tại chuyên mục blog Alaskan Malamute.