[Kinh nghiệm] Cách Nuôi Bồ Câu Nhốt Chuồng trong nhà

Lồng nuôi Bồ câu là loại lồng vừa đủ chỗ để nuôi một cặp Bồ câu mà thôi. Thông thường, khi nuôi Bồ câu kiểng người ta mới nuôi bằng lồng.

Cách làm chuồng nuôi Bồ Câu nhốt trong nhà

Lồng nuôi Bồ câu tốt nhất là làm bằng kim loại, hoặc khung bằng gỗ bào nhẵn và vách lồng đóng bằng lưới kẽm.

Lồng bằng kim loại có khung bằng sắt hoặc nhôm, cả sáu mặt hàn bằng chấn song với kẽm sợi lớn, hoặc vây bằng lưới kẽm cả sáu mặt. Cửa lồng được trổ ra mặt trước, có kích thước đủ rộng để tiện đặt ổ chim và vệ sinh lồng dễ dàng. Lồng làm bằng kim loại vừa thanh nhã vừa hợp vệ sinh vì dễ cọ rửa và các loại kí sinh như rận mạt không có chỗ ẩn núp. Giống rận mạt thường chui rúc vào các kẽ lồng để tránh ánh sáng ban ngày và đẻ trứng vào chỗ khuất kín đó, chờ khi đêm tối chúng mới xuất hiện để hút máu chim mà sống.

Lồng nuôi Bồ câu có hai cỡ: một cỡ nuôi chim nhỏ và một cỡ dành nuôi Bồ câu lớn con.

Kích thước một lồng cỡ nhỏ có hình khối chữ nhật: chiều dài cạnh đáy khoảng 70 phân, chiều sâu cạnh đáy khoảng 50 phân và chiều cao độ 50 phân là vừa.

Kích thước lồng nuôi Bồ câu lớn con, tất nhiên phải rộng rãi và cao hơn: chiều dài cạnh đáy từ 80 phân đến một thước, chiều sâu cạnh đáy của lồng khoảng 60 phân và chiều cao cũng khoảng 60 phân là vừa.

Chim nuôi nhốt trong lồng thì không có đủ không gian để cất cánh bay cao, nhưng phải có không gian đủ rộng để chúng tự do quạt cánh. Đây là cách thư giãn gân cốt do chim bị nhốt tù túng lâu ngày, và việc thư giãn này rất cần thiết cho sức khỏe của chim.

Một bộ phận cần thiết khác của lồng nuôi chim Bồ câu là cái máng phân đặt phía dưới đáy lồng. Máng phân nên “gò” bằng tôn và sơn kỹ để tránh bị sét ăn mòn.

Trong lồng lúc nào cũng có sẵn máng đựng thức ăn và máng nước cho Bồ câu uống. Ngoài ra, còn có một lon đựng chất khoáng để khi cần thì chim đến ăn.

Chỉ khi nào chim đến thời kỳ sinh sản thì lúc đó mới đặt vào góc lồng một ổ đẻ, trong ổ có sẵn rơm khô để Bồ câu xoáy ổ…

Ưu nhược điểm của kỹ thuật nuôi Bồ Câu nhốt chuồng

Điều lợi của việc nuôi Bồ Câu trong nhà đúng kỹ thuật

Bồ câu nuôi nhốt trong lồng có nhiều điều lợi:

  • Kiểm soát kỹ sức khỏe của mỗi con chim: Hằng ngày mỗi khi cho Bồ câu ăn uống, chủ nuôi nên tranh thủ theo dõi sức khỏe của mỗi con chim cảnh trong lồng, nếu phát giác chúng bị bệnh gì thì kịp thời chữa trị.
  • Kiểm soát sự sinh sản của chim: Thực tế cho thấy không phải cặp Bồ câu nào cũng sinh sản tốt. Có nhiều cặp Bồ câu bề ngoài trông rất đẹp mã, sức khỏe tốt, trống mái phủ nhau đều đặn thế nhưng, ổ trứng nào cũng không cồ. Có nhiều cặp Bồ câu đẻ giỏi, nhưng ấp lại dở, nếu không đạp bể trứng thì cuối cùng cùng giậm chết con. Cũng có những cặp chim đẻ tốt, ấp giỏi, nhưng lại nuôi con rất dở, mớm mồi cho con được năm bảy ngày thì vợ chồng cứ rời ổ mà ra ngoài “đú đởn” với nhau, khiến ổ con suy sức dần do ăn uống không đủ no mà chết!

Với những cặp chim giống mà mang nhiều tật xấu như vậy, nếu tiếp tục nuôi đã không được lợi mà còn hao tốn thêm mà thôi. Tất nhiên ta phải thải chúng ra để lấy chỗ trống mà nuôi cặp khác.

Điều này chỉ có nuôi lồng mới giúp ta phát hiện được dễ dàng những đôi chim xấu như vậy. Nếu nuôi tập thể thì không ai tài nào phát giác được.

Khi trong lồng có một cặp chim sinh sản không tốt, ta nên bình tĩnh theo dõi kỹ chúng một thời gian để xem con nào “hư” thì thay ngay con đó. Nếu cả cặp đều hư thì loại hẳn cả hai con đó ra. Quí vị có thể làm một việc… cầu may, nhưng đôi khi lại mang về kết quả tốt bất ngờ: đó là hoán đổi vị trí hai cặp sinh đẻ không ra gì với nhau. Nghĩa là chim trống của cặp này ráp với con mái của cặp kia, nhiều khi chúng lại tỏ ra “hạp” nhau mà sinh sản tốt.

Nuôi một cặp chim kiểng từ lúc nhỏ cho đến lúc sinh sản được, ta tốn rất nhiều công của. Nếu đó là cặp Bồ câu quí hiếm ta lại càng nên thận trọng trong việc “định tội” chúng. Cực chẳng đã, nuôi tiếp bất lợi ta mới loại bỏ chúng mà thôi.

Điều bất lợi khi nuôi lồng:

Bồ câu nuôi nhốt từng cặp trong lồng cũng có nhiều bất lợi:

  • Tốn tiền làm lồng: Nếu ta chỉ nuôi vài ba cặp Bồ câu kiểng để giải trí thì sự tốn kém không ai đặt thành vấn đề. Nhưng nuôi vài ba chục cặp, hoặc năm bảy chục cặp để kinh doanh kiếm lời thì số tiền mua sắm lồng không phải là số tiền nhỏ! Một chiếc lồng nuôi Bồ câu (bằng kim loại) theo thời giá bây giờ khoảng ba trăm ngàn đồng. Nếu đặt làm năm mươi chiếc ta phải bỏ ra số vốn 15 triệu rồi! Trong khi đó nếu đem 50 cặp Bồ câu vào nuôi tập thể, thì tiền làm một cái chuồng khoảng vài ba triệu là cùng!

Mặc dầu vẫn biết rằng một chiếc lồng chim giá ba trăm ngàn như vậy, có thể sử dụng được cả chục năm chưa hư. Nhưng, khởi đầu mà phải bỏ ra số vốn 15 triệu để làm lồng thì người ít vốn ai cũng phải… ngại!

  • Tốn nhiều mặt bằng: Một chiếc lồng Bồ câu trung bình chiếm khoảng năm tấc vuông mặt bằng. Nếu kê 50 chiếc lồng để nuôi 50 cặp chim ta phải tốn diện tích mặt bằng bao nhiêu? Lại phải tốn mặt bằng làm “thông hành địa dịch” nữa chứ! Như vậy tính chung cũng phải mất hết 35 thước vuông mặt bằng! Khoảng đất này nếu làm chuồng nuôi Bồ câu tập thể cũng nuôi được cả trăm cặp.
  • Tốn công cho ăn cho uống: Bồ câu nuôi lồng thì mỗi cặp đều có máng ăn máng uống riêng. Hằng ngày ta phải tốn công và mất nhiều thì giờ để đi từng lồng một đổ thức ăn nước uống vào máng cho chúng. Trong khi đó nếu nuôi tập thể thì tới bữa ta chỉ đổ vào máng lớn một lần mà ”phục vụ” được cả trăm cặp chim ăn.
  • Tốn công sức vệ sinh lồng: Mỗi lồng đều có một máng đựng phân. Làm vệ sinh một máng phân trung bình tốn hết năm phút là nhanh. Nếu nuôi nhiều lồng thì khâu vệ sinh phải chiếm nhiều giờ và chắc chắn là… quá mệt.

Chúng tôi vừa trình bày những điều lợi và bất lợi khi nuôi Bồ câu kiểng bằng lồng để quí vị suy gẫm, để tự tìm một giải pháp tốt nhất khi bắt tay vào việc nuôi Bồ câu kiểng. Tất nhiên, nuôi Bồ câu thịt không ai dại dột nuôi lồng vì “lợi bất cập hại” thấy rõ trước mắt. Theo thiển ý của chúng tôi, nuôi Bồ câu kiểng bằng lồng dù sao vẫn lợi nhiều hơn, nhất là khi chúng ta nghĩ đến giá trị một cặp Bồ câu kiểng con ít lắm cũng được sáu bảy chỉ vàng…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *