Cá Đĩa là giống cá kiểng có màu sắc đa dạng và tuyệt đẹp nên ai ai cũng thích nuôi. Nhưng, có điều đáng nói là đến nay vẫn không ít người cho rằng: nuôi cá Đĩa khó khăn hơn các giống cá kiếng khác, chẳng hạn như đem so với cách nuôi cá Tàu, cá ông Tiên, cá Tai Tượng, hay cá Ngân Long chẳng hạn thì có phần khá hơn.
Cá đĩa có dễ nuôi không?
Thật ra, cá cũng như chim, mỗi giống đều có một tập tính khác nhau, cho nên khi bắt đầu nuôi một giống nào ta cùng phải nắm vững phần kỹ thuật, tức là cách thức nuôi nấng ra sao để cho cá sống mạnh khỏe và sinh sản tốt. Ai coi thường việc này thì chắc chắn người đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn, và thất bại có thể là chuyện không tránh được.
Khi đã nắm vững phần kỹ thuật thì ta không còn ngại gì trong việc nuôi cho cá sống được và sinh sản tốt cả. Và như vậy dù việc có khó đến đâu cũng trở nên dễ dàng mà thôi.
Đúng ra, nuôi cá Đĩa có khó hơn nuôi các giống cá kiểng khác, nhất là khâu chọn môi trường sống thích hợp cho cá cảnh, và cả khâu thức ăn.
Hồ nuôi cá đĩa
Nếu chỉ nuôi một vài con cá Đĩa làm cảnh thì ta có thể dùng loại hồ nuôi cá đĩa nhỏ có dung tích chừng 100 lít là vừa. Nhưng, nếu nuôi cho cá sinh sản thì hồ phải có dung tích từ 150 lít trở lên mới đủ không gian cần thiết cho cá sống. Trong hồ không cần phải trang trí rườm rà với những cây sống hay giả, hoặc non bộ bằng đá với nhiều hang động. Những thứ lỉnh kỉnh này chỉ làm đẹp mắt người xem, nhưng lại cản trở rất nhiều đến mọi sinh hoạt của cá.
Nên thay vào đó là máy tạo oxy, máy lọc, máy sưởi, đèn chiếu sáng… là những thứ cần thiết cho đời sống của cá Đĩa hơn.
Nước chứa trong hồ không những là loại nước ngọt và sạch mà còn có độ mềm và độp pH thích hợp thì cá mới sống mạnh khỏe được. Phải dùng nước mưa hay nước máy (chứa trước vài ba ngày mới đem dùng) mới tốt. Nước giếng cũng dùng được, nhưng nên kiểm tra lại độ pH có thích hợp cho giống cá này hay không (độ pH bằng 4,5 đến 6 là tốt). Mặt khác, nước trong hồ phải được lọc thường xuyên, và vài ba ngày hoặc trễ lắm là một tuần phải thay một phần nước cũ bằng nước mới. Trong một môi trường nước quá xấu cá Đĩa không những chậm phát triển mà còn có thể bị tử vong.
Thức ăn cho cá đĩa
Thức ăn chủ yếu của cá Đĩa là chất thịt, nó không kén ăn lắm, nhưng cũng không dễ dàng chấp nhận những thức ăn có mùi vị lạ.
Với cá Đĩa con nuôi cả bầy trong hồ thì chúng dễ ăn. Hễ một vài con chịu ăn mồi thì tức khắc những con khác cũng bắt chước ăn theo. Nhưng, với những cá lớn, nếu mua lại của ai đó về nuôi, tốt hơn bạn nên hỏi kỹ xem mỗi ngày họ cho cá ăn thức ăn gì để tiếp tục cho ăn như vậy. Nếu cho thức ăn lạ, phản ứng của cá là ngửi rồi lánh xa, do đó ta nên tập cho cá ăn từ từ để khỏi gây ô nhiễm môi trường sống của nó. Thức ăn cho cá đĩa dư thừa, nếu thấy qua nhiều, nên cấp tốc dùng ông xi phông rút hết ra ngoài.
Với thức ăn lạ, thường cá chỉ chê trong vài ngày đầu, và sau đó thì chúng không chê nữa. Trong những ngày cá gần như phải nhịn đói đó, sức khỏe của nó không hề gì đâu, bạn khỏi phải lo ngại. Thường người ta cũng cho cá nhịn đói một bữa hay trọn ngày để hệ tiêu hóa của cá được nghỉ ngơi và như vậy sau này sự kích thích tiêu hóa lại mạnh thêm. Nuôi trong hồ thì ta lo lắng sự đói no cho cá như vậy, còn nếu sống ngoài thiên nhiên chắc gì cá đã được ăn no mỗi ngày, dù là sông Amazone vốn có sẵn nhiều thức ăn thích khẩu đối với nó, như loài Artenia salina (tôm đồng) chẳng hạn.
Ở nước ngoài, cá Đĩa được nuôi với nhiều loại thức ăn khác nhau như tôm đồng, sâu trắng (Whiteworm), Giun đỏ, ấu trùng ruồi nhuế, ấu trùng muỗi mắt, rận nước, trùn chỉ, các động vật giáp xác vùng nước ngọt. Ngoài ra người ta cũng cho cá ăn những thức ăn lạnh, những thức ăn thịt như tim bò, gan bò, tim gà lôi… dưới nhiều dạng như băm nhuyễn, hay vo tròn, nén lại thành viên, thành miếng… miễn sao những thức ăn này có đầy đủ các vitamine, muối khoáng, chất béo và chất đạm. Cá bột có thức ăn riêng cho cá bột, và cá trưởng thành có thức ăn dành riêng cho cá trưởng thành.
Còn nghệ nhân nước ta thì nuôi cá Đĩa con bằng bo bo, cá lớn hơn một chút thì cho ăn lăng quăng, rồi trùn chỉ (sau khi đã ngâm vào nước rồi rửa sạch)… Với cá Đĩa trưởng thành thì cho ăn trùn chỉ, cá bảy màu con, trùn đất xắt nhỏ (sau khi bắt lên nuôi riêng vài ngày để trùn nhả hết chất dơ trong ruột ra hết), thịt bò và tim, gan bò xay nhuyễn.
Nên tập cho cá Đĩa ăn theo bữa, và thức ăn nên thả vào từ từ, liệu chừng cá ăn hết mới cho ăn thêm. Vì rằng thức ăn mà sư thừa sẽ làm ô nhiễm nước khiến cá bị bệnh. Vì vậy, tốt hơn hết sau mỗi bữa ăn ta nên dùng ống xiphong để rút ra cho bằng hết những thức ăn thừa thãi đó ra.
Trên thị trường hiện nay cùng có bán thức ăn khô dạng viên đóng gói, ta có thể mua về cho cá ăn được.
Nếu chỉ nuôi vài con cá Đĩa để làm kiểng thì sự tìm hiểu phương pháp chăn nuôi như vậy đã vừa dủ. Nhưng, nếu nuôi cá đĩa sinh sản thì còn có nhiều điều cần phải biết thêm. Chẳng hạn như cách chọn cá trống mái để ghép cặp theo tiêu chuẩn nào? Cách chọn hồ với kích thước ra sao và đặt những dụng cụ cần thiết gì? Cách thức đẻ của cá ra sao và chúng nuôi con như thế nào?…Đó là những điều ta cần phải biết rõ để giúp cá sinh sản thành công được. Sự tìm hiểu đó đôi khi đem lại cho ta những “khám phá” lạ lùng và tạo nên những thú vui bất ngờ.
Chẳng hạn, có ai ngờ rằng trước khi đẻ trứng, cá trống mái dành ra vài giờ để trửng giỡn với nhau, đạt đến độ khoái cảm khiến toàn thân chúng rung lên từng hồi. Sau đó, chúng kè nhau đến phiến đá hay viên ngói (do chủ nuôi dựng nghiêng bên vách hồ trước đó vài giờ) để rưới lên đó một lớp chất nhờn… Cá mái đẻ lên chất nhờn đó. Nó đẻ từ dưới lên trên và tất nhiên trứng sẽ dính chặt vào đó! Sau đó cá trống lướt tới phủ tinh trùng lên…
Cá Đĩa con nở ra cứ bám vào trên chất nhờn của viên đá hay viên ngói mà sống khoảng ba bốn ngày, sau đó chúng bám vào mình cá bố mẹ và ăn dần chất biểu bì ngoài đa cá bố mẹ mà sống…
Khi cá con được một tháng tuổi thì nó đã bị cách ly nuôi riêng với loại thức ăn như bo bo, lăng quăng… mà chủ nuôi đã dành sẵn cho nó…
Tóm lại thì kỹ thuật nuôi cá Đĩa không có gì khó khăn lắm như nhiều người lầm tưởng. Vấn đề mấu chốt vẫn là tạo môi trường nước thích hợp và thức ăn bổ dưỡng là đạt mức thành công đã gần trọn vẹn đến với chúng ta…