Yến Phụng vốn là loại chim rừng, sống nhiều ở miền Nam nước Úc. Người ta gặp chúng sống thành bầy đàn rất lớn có đến các hàng vạn con ở trong rừng. Chúng ăn các loại hạt, rau cỏ và làm tổ trong các bóng cây, và sinh sản rất nhanh.
Khởi thủy, Yến Phụng chỉ có màu lông vàng tuyền mắt đỏ mà thôi. Nhưng vào đầu thế kỷ 19, nhà điểu học người Anh tên Perruche cho đây là giống chim lạ nên bắt về thuần dưỡng, rồi lai tạo ra nhiều con có màu lông khác lạ khiến giới nuôi chim kiểng ở châu Âu thích thú chọn nuôi.
Hiện nay, nhờ vào sự lai tạo của các nhà điểu học trên thế giới mà Yến Phụng đã mang trên mình nhiều sắc lông đẹp đẽ: nào vàng tuyền, trắng tuyền, xanh dương, xanh nước biển, xanh đọt chuối, rồi màu tím, màu xám, màu vàng bông trắng bông. Chỉ tiếc là hai sắc lông màu đen và màu tỏ người lại chưa lai tạo được.
.
Tại nước ta, chim Yến Phụng đã được nuôi gần thế kỷ nay, nhưng thoạt đầu do người Hoa chiếm lĩnh thị trường. Họ biết phương pháp chăn nuôi, và giaasu nghề không truyền đạt cho người ngoài hay biết. Người mình cũng biết đây là mối lái lớn, nhưng do không am tường kỹ thuật chăn nuôi nên đành chịu mà thôi.
Mãi đến khoảng thập niên năm mươi trở đi, một số nghệ nhân của ta mới mày mò được cách nuôi chim Yến Phụng nhưng số cung vẫn không đủ số cầu, vì kỷ thuật còn non kém. Ngay cái việc phân biệt giới tính không thôi, nhiều nguời trong nghề vẫn chưa biết rõ.
Sau này, người ta biết tự trồng kê vào mùa nắng để làm thức ăn cho Yến Phụng, và nhờ đó mà giá kê hạ xuống, nên mới thôi thúc nhiều người bắt tay vào việc nuôi đại trà hơn.
Lồng chim yến phụng:
Yến Phụng được nuôi nhốt trong lồng từng đôi một để cho sinh sản.
Do chúng có cái mỏ rất khỏe, nên phải nuôi trong loại lồng kẽm thì chúng mới không cắn phá được để ra ngoài. Ta có thể tự đóng lấy lồng mà nuôi, hoặc mua lồng bằng song sắt vừa đẹp lại vừa chắc chắn.
Vật liệu làm lồng là khung gỗ và các mặt vách đóng bằng lưới kẽm. Với loại lồng song thì người ta dùng kẽm lớn hàn vào khung kẽm trông vừa thoáng đẹp lại vừa chắc chắn. Lồng có thể làm rời từng chiếc hoặc đóng thành nhiều ngăn để nuôi nhiều cặp, chọ gọn gàng đỡ tốn nhiều mặt bằng.
Điều cần là lổng nên đóng với kích thước đủ rộng để cặp chim đẻ không gian mà bay cho thoải mái: chiều ngang của lông khoảng 50 phân, chiều sâu 50 phân và chiều cao độ 40 phân là vừa.
Chọn chim Yến Phụng trống mái:
Trong một ngăn lồng, ta nên nuôi một cặp chim trống mái. Chim trông và chim mái có hình dáng và sắc lông không khác gì nhau, do đó nếu quan sát thân mình và sắc lông để phân biệt giới tính của Yến Phụng sẽ không tránh được sự lầm lẫn đáng tiếc. Điều khác biệt giữa chim trống và chim mái là màu sắc cục thịt đóng trên mũi của chúng.
Với trống xanh như xanh dương, xanh đọt chuối, xanh két… thì cục thịt ở mũi màu xanh dương. Nếu trống có sắc lông vàng tuyền, trắng tuyền, trắng bông, vàng bông thì cục thịt đóng ở mũi có màu hồng.
Riêng Yến Phụng mái dù trên mình mang sắc lông gì thì cục thịt ở mũi nó cũng có màu trắng.
Sự sinh sản của chim Yến Phụng:
Chim cảnh từ một tháng tuổi trở đi là đã phân biệt được trống mái. Với chim con và chim lứa vài ba tháng tuổi ta có thể nuôi tập thể trong những lồng rộng lớn để cho chúng tự bắt cặp với nhau. Những trống mái chịu bắt cặp thì chúng cứ ríu rít bên nhau để khi thì mớm mồi cho nhau khi thì bắt rận mạt cho nhau ra chiều âu yếm rất mực. Những đôi chim này nên bắt ra nuôi riêng từng ngăn lồng một để chúng chuẩn bị sinh sản.
Ta cũng có thể bắt trống mái cùng lứa tuổi với nhau ra nuôi riêng từng ngăn lồng, và chúng sau đó cũng dễ dàng quấn quít bên nhau. Thường thì Yến Phụng sinh sản từ tháng tuổi thứ năm, nhưng cũng có cặp đẻ sứom hoặc trễ hơn thời gian ấy.
Khi đôi chim đã bắt cặp nhau thì ta nên đặt vào lồng một cái ổ bằng gỗ có hình dáng hộp chữ nhật, với chiều ngang khoảng 25 phân, chiều sâu và chiều cao khoảng 11 phân. Mặt tiền của ổ có cửa ra vào được khoét tròn với đường kính khoảng 3 phân, cửa nằm bên trái hoặc bên phải của ô. Chim cha mẹ sau này sẽ dùng cửa đó mà ra vào tổ để đẻ trứng và nuôi con.
Đáy ổ về phía không trổ cửa thì đưọc khoét sâu lõm xuống như lòng chảo để tất cả lứa trứng được tụ lại một nơi cho chim mẹ ấp dễ dàng. Xin được lưu ý là ổ Yến Phụng không lót rơm rác như ổ của nhiều giống chim khác. Chúng ấp trứng bằng chính thân nhiệt của chúng.
Mỗi lứa chim đẻ được từ ba trứng đến sáu bảy trứng, nhưng khả năng nuôi của chúng khoảng bốn con cho mỗi lứa là vừa. Chim tơ đẻ trứng vừa to vừa nhiều, trong khi chim già mỗi lúa chỉ đẻ đựoc vài ba trứng mà trứng lại nhỏ nữa.
Trước khi chim đẻ ba bốn ngày, ta thấy chúng đạp mái liên tục mỗi ngày đến bốn năm lần. Một vài ngày trước khi đẻ, chim mái vào ổ dọn dẹp bằng chiếc mỏ cứng của nó khiến ta nghe đượcc những tiếng rào rào như tiếng gỗ bị nghiền nát vậy. Đến đêm trước ngày đẻ trứng, chim Phụng mái nằm lì trong ổ luôn như ấp trước cho “nóng” ổ vậy.
Đẻ được trứng đầu thì chim mái còn ra vô ổ, nhưng hôm sau đẻ trứng thứ hai là chim mái nằm lì trong ổ để ấp luôn (chỉ lúc đói khát mói chịu ăn uống chốc lát). Chim Yến Phụng trống không hề ấp trứng, nhưng nó có nhiệm vụ ra vô mớm mồi cho chim mái…
Ấp đến ngày thứ 18 chim con mới bắt đầu nở. Tất cả ổ trứng không nở một lần, mà trứng nào đẻ trước sẽ nở trước, trứng nào đẻ sau sẽ nở sau.
Trong ba bốn ngày đầu, chim con được chim bố mẹ mớm cho một chất sữa, và đến ngày tuổi thứ năm trở đi, chim bố mẹ mới đút hột kê hoặc gạo cho chim con ăn.
Khi chim con được ba tuần tuổi thì chim mẹ đa bắt đầu sửa soạn đẻ tiếp lứa trứng thứ hai. Nếu bầy chim con này không được bắt sang một cái hộp khác để chim trống đút mồi thì chúng sẽ bị mẹ hất tung ra khỏi ổ để còn sinh ra lứa trứng khác…
Yến Phụng có thể đẻ quanh năm. Chúng không có mùa thay lông nhất định, mà vừa đẻ vừa tha lông dần.
Thức ăn của Yến Phụng:
Yến Phụng thích ăn các loại hột như lúa, gạo, hột kê, ăn rau, củ quả.
Nuôi nhốt trong lồng thì thức ăn chính của Yến Phụng là lúa và hột kê. Nếu giá kê hạ thì ta nên cho Yến Phụng chỉ ăn kê không thôi. Nên lựa mua loại kê tốt, hột to và chắc. Nếu gặp mùa giá kê cao thì có thể cho ăn hỗn hợp nửa kê nửa lúa. Với Yến Phụng đang trong giai đoạn nuôi con, ta có thể cho chúng ăn bắp non (để sống) và rau xà lách (độ ba bốn lá).
Xin được lưu ý các bạn là vào mùa kê, khoảng tháng ba tháng tư âm lịch, giá kê thường hạ, ta nên mua trữ cho chim ăn cả năm, như vậy việc chăn nuôi mới có nhiều lợi. Từ tháng năm trở đi cho đến Tết là mùa giáp hạt, giá kê sẽ nhích dần lên, có khi cao gấp đôi, gấp ba giá từ đầu mùa.
Mỗi ngày, ta lấy thức ăn thừa của chim ra sàng sảy để bỏ hết vỏ lúa vỏ kê đi, sau đó châm thức ăn mới vào máng cho chim đủ ăn trong một hai ngày.
Nước uống tuy đựng vào chai cho chim uống được ba bốn ngày, nhưng chừng hai ngày thì phải súc chai và thay vào nước mới, để chim uống cho hợp vệ sinh.
Vệ sinh lồng:
Tuy mùi phân chim Yến Phụng không hôi hám khó chịu, nhưng vài ba ngày ta cũng nên làm vệ sinh lồng một lần, nhất là máng phân. Máng phân phải được cạo rửa sạch sẽ.
Vệ sinh ổ:
Do ổ không lót rơm rác nên sau một lứa nuôi chim con, ổ Yến Phụng bị đóng một lớp phân dày màu trắng ngà tựa như chất vôi vậy. Trước khi chim mẹ sửa soạn đẻ lứa trứng mới, ta nên đem ổ ra khỏi lồng để cạo cho hết lớp phân, sau đó rửa sạch và phơi khô ngoài nắng để tân diệt hết rận mạt, bọ chét thường ẩn núp và đẻ trứng ở các kẹt ổ.
Nuôi tập thể:
Nếu sản xuất đại trà như nhiều nước ở phương Tây, người ta phải nuôi Yến Phụng theo cách tập thể như nuôi bồ câu tập thể vậy.
Nuôi tập thể thì phải nuôi bằng chuồng rộng như một cái nhà lớn. Trong nhà có kệ để đặt nhiều ổ chim đẻ. Số ổ này phải bằng hoặc nhiều hơn số cặp chim nuôi tập thể trong chuồng. Trước hết, chim tranh nhau giành ổ cho mình. Và khi chúng đã vừa ý với ngôi nhà mới của chúng thì không tranh giành ổ với những cặp chim khác nữa. Nói cách khác, mỗi cặp chim chỉ giành cho mình một cái ổ mà thôi.
Liền với nhà đặt ổ đẻ là một cái sân chơi rộng rãi được bao bọc bằng lưới kẽm mắt nhỏ để chim tự do bay lượn hoặc đậu trên những sào dài mà phơi nắng, sưởi nắng.
Dưới nền chuồng (trong nhà) thì đặt nhiều máng ăn cho chim, còn ngoài sân thì có máng uống…
Với cách nuôi tập thể, ta sẽ có nhiều điều lọi như ít tốn mặt bằng, đỡ công chăm sóc và vệ sinh chuồng trại. Nhưng cũng có điều hại là không thể kiểm soát được những cặp sinh sản kém để kịp thời loại ra.